Giọng điệu của Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 74 - 79)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2.Giọng điệu của Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc

Cũng như các nhà thơ, nhà văn khác, giọng điệu của Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc không phải là một hiện tượng thuần nhất, mà được tạo nên bởi nhiều giọng điệu khác nhau: có khi là giọng điệu thấm đẫm triết lí trữ tình, có khi lại đầy oán hờn, chua chát và tràn ngập sự cảm thông sâu sắc.

Đó là những “cung bậc” được tạo nên trên “bàn phím” giọng điệu của ông trong khúc ngâm tuyệt bút này.

3.1.2.1. Giọng điệu triết lí trữ tình

Không chỉ là một nhà thơ, Nguyễn Gia Thiều còn được xem là một nhà triết học có cái nhìn tổng quát về thân phận con người. Từ sự nhận thức và phản ánh cuộc sống xa hoa, hưởng lạc, chạy theo danh lợi, phú quý của giai cấp quí tộc, Nguyễn Gia Thiều đã mở rộng tầm nhìn và biểu hiện thực trạng thê lương, thảm khốc về cuộc đời qua thân phận ê chề, tội nghiệp của người cung nữ. Đó chính là hạt nhân của giọng điệu triết lí trữ tình trong tác phẩm

Cung oán ngâm khúc của ông.

Thi pháp văn chương của Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc

đã biểu hiện qua quan điểm thẩm mĩ về sáng tạo nghệ thuật; đó là sự thống nhất hữu cơ giữa triết lí và trữ tình. Hay nói như N.I.Niculin, đây là loại “trữ tình – triết lí” chứ không phải là “triết lí ngoại đề”; nghĩa là sự khái quát, tổng hợp nội dung đều mang tính triết học, nhằm mở rộng và nâng cao tư tưởng của tác phẩm. Ở đây, triết lí về cái đẹp và cái bi của một con người đã trở thành cái đẹp, cái bi của loài người, của thời đại và vũ trụ nói chung. Còn trữ tình nghệ thuật chính là sự đi đến tận cùng của thế giới bên trong của con người vốn nhiều cung bậc và cũng luôn luôn vô thường như chính cuộc sống của mỗi kiếp người.

Đúng như chữ đầu tiên của tác phẩm: “Trải” (Trải vách quế gió vàng hiu hắt), Cung oán ngâm là khúc ngâm nói về thời gian đã qua của người cung nữ với những cảm nhận và triết lí về cuộc đời vô vọng. Trong cuộc đời ấy, người cung nữ “sống trong hiện tại không trăn trở nhìn về tương lai, mà luôn hoài niệm về quá khứ” [39, tr.69]. Hiện thực tâm trạng này đã được Nguyễn Gia Thiều thể hiện dưới những khái quát triết lí trữ tình hết sức rõ nét.

Qua tác phẩm, ta thấy Nguyễn Gia Thiều dường như xem con người là hội tụ của tất cả những gì tinh hoa nhất, cao quý nhất, tốt đẹp nhất trong trời đất. Vẫn theo thi pháp “lồng ghép” triết lí và trữ tình, mượn cái này để nói cái kia, Nguyễn Gia Thiều đã tôn vinh những nét đẹp của con người qua nàng cung nữ. Đó là vẻ đẹp khiến cho Tây Thi cũng phải “mất vía”, Hằng Nga cũng phải “giật mình”. Đó là tài làm thơ “đàn anh họ Lý”, tài đánh đàn “bậc chị chàng Vương”, tài đánh cờ như Lưu Linh, uống rượu như Đế Thích và tài đánh đàn như Tư Mã Tương Như, thổi sáo như “gã Tiêu Lang”. Song, những điều tốt đẹp này của con người, cụ thể là của nàng cung nữ lại không mang đến sự may mắn hạnh phúc, mà như là một “điềm báo” về một cuộc đời “dâu bể”.

Thông qua cuộc đời và tư tưởng của người cung nữ, Nguyễn Gia Thiều đã thể hiện quan niệm về mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần:

Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm, Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon,

Cùng nhau một giấc hoành môn, Lau nhau ríu rít cò con cũng tình.

Đây là một quan niệm rất gần gũi với suy nghĩ của nhân dân lao động. Họ hiểu rõ rằng để đổi lấy cuộc sống vương giả của kẻ quyền quý, ắt phải trả giá bằng cuộc đời cam chịu, nhẫn nhục. Vì thế, người dân nghèo khao khát một “cuộc sống thật” phù hợp với “hạnh phúc thật” của con người, dù đơn giản, nhưng thường tình với món hoắc lê (rau dền, rau diếp) dân dã, cùng đàn con nhỏ nô đùa vui vẻ. Là một người từng gắn bó chặt chẽ với quyền lợi của vương triều Lê – Trịnh, sống trong cảnh vàng son như Nguyễn Gia Thiều, mà ông lại thừa nhận hạnh phúc đời thường như thế, thì quan niệm triết lí của ông về một cuộc sống bình dị đã được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, mùi hoắc, lê thanh đạm đời thường ấy, lối sống nhà quê tuy cục kịch nhưng hạnh phúc và êm ấm ấy, sẽ không bao giờ có được ở người cung nữ. Nó chỉ là một ước

vọng, một ảo ảnh. Vì trước mắt họ, cuộc đời đích thực vẫn tồn tại trong hư vô, con người chỉ là một thực thể nhỏ bé, yếu ớt giữa cõi đời rộng lớn:

Nghĩ thân phù thế mà đau,

Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê.

Con người cá nhân ở đây được cảm nhận như một thứ bọt bèo nổi trôi vô định, một hình bóng nhạt nhòa trong đêm tối, chịu sự điều khiển của tạo hóa, siêu hình. Người cung nữ của Nguyễn Gia Thiều đã ý thức về bản thân như sự tự ý thức về thân phận, về nỗi khổ, về sự ảo ảnh của đời người:

Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.

Cuộc đời con người, rút cuộc lại, từ lúc mới sinh ra đã là đau khổ, cho đến hết cuộc đời trở về trong “một nấm cỏ xanh”. Cái khoảng thời gian trăm năm chỉ là thoáng chốc, do đó không ai có thể cầm chắc được hạnh phúc trong tay. Cách quan niệm về cuộc đời như thế có sự gặp gỡ, tương đồng với cảm quan và cách hình dung về thế giới của Phật giáo (coi đời người là “sinh, lão, bệnh, tử”). Nguyễn Gia Thiều đã đặt vấn đề số phận con người luôn tồn tại trong dòng biến đổi vô thường của vạn vật:

Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,

Chiếc thuyền bào ảnh thấp tho mặt duềnh.

Và ông thấm thía một cách sâu sắc:

Giấc Nam Kha khéo bất tình,

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

Rõ ràng cách cảm nhận về cuộc đời “sống gửi chết về”, cuộc đời chỉ là giả dối, tạm bợ, chết là trở về với bản thể chân thực của Nguyễn Gia Thiều đã được soi chiếu qua số phận của người cung nữ, chi phối chặt chẽ nội dung trữ tình của khúc ngâm. Người cung nữ sống trong hiện tại mà không nguôi hướng về quá khứ; và nói như Nguyễn Huệ Chi, đó là tâm trạng “sống để nhớ mà không phải để quên” [19, tr.171]. Những tâm trạng bị đẩy dồn cùng cực như vậy thường mang tính khái quát cao và trở thành những triết lí. Đau khổ

nhưng vẫn biết triết lí về sự đau khổ; đó là sự tự ý thức. Và những triết lí trữ tình này mang tính chất vượt ra ngoài các quy định của ý thức hệ phong kiến đương thời.

Là một người quyền quý, nhưng Nguyễn Gia Thiều thấu hiểu thân phận và khát vọng của con người; từ đó ông đã khắc sâu những ngõ ngách tình cảm của nàng cung nữ. Điều này thể hiện tinh thần nhân văn của tác giả, khi ông lên tiếng đòi quyền sống chính đáng cho mọi người. Đặc biệt, Nguyễn Gia Thiều xem khát vọng về tình yêu đôi lứa, về cuộc sống vợ chồng, là lẽ thường tình ở đời. Theo ông, con người cần có một cuộc sống hạnh phúc bền vững, cần có một tình yêu chung thủy, không phụ thuộc vào mồi phú quý, bả vinh hoa nào cả. Rõ ràng, triết lí của Nguyễn Gia Thiều thật cao siêu khi ông mô tả những suy nghĩ của người cung nữ về quy luật của tạo hóa, về tình yêu, gia đình và giá trị của người phụ nữ. Từ đây ta thấy quan niệm về con người của Nguyễn Gia Thiều trở nên bao dung hơn, sâu sắc hơn, và cũng khách quan, hiện thực hơn.

Trong tác phẩm, Nguyễn Gia Thiều ít nói đến các khái niệm, các luận điểm triết học, nhưng không ở đâu, triết lí hư vô của Phật giáo lại xuất hiện cụ thể và gây ấn tượng sâu sắc như trong câu thơ cung oán. Nét độc đáo của

Cung oán ngâm khúc là cảm hứng có màu sắc triết học về số phận và hạnh phúc con người, một số phận bi kịch và những hạnh phúc mong manh, hư ảo, không bền vững bao giờ, cho dù đó là công danh, phú quí, hay hạnh phúc ái ân.

Có thể nói “vượt qua cái lạ của câu chữ là cái lạ của triết lí, thứ triết lí này cũng toát ra qua từng câu thơ Cung oán ngâm với tất cả vẻ đậm, gắt trong biện pháp tác giả” [19, tr.56]. Tại sao Nguyễn Gia Thiều lại đứng ra thuyết minh cho một thứ triết lí như vậy? Trả lời cho câu hỏi đó, người ta thường nói tới sự điên đảo của cuộc đời trong cái thời mà nhà thơ tài hoa và uyên bác như ông phải sống. Nhưng đồng thời, đó cũng chính là cái bản ngã của một con người chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Phật giáo như Nguyễn Gia Thiều. Và (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

tư tưởng nhân văn và nghệ thuật viết văn bậc thầy của ông còn là bức thông điệp giàu tính khái quát triết lí, một giá trị tinh thần truyền mãi tới mai sau. Đúng như ý kiến của Nguyễn Huệ Chi, “dù hiểu như thế nào đi nữa,

Cung oán ngâm khúc vẫn là tác phẩm rất giàu sức biểu cảm, có tiếng nói trữ tình hiện thực thấm đẫm tính nhân văn và cũng có tiếng nói triết lí mang cảm hứng rất cao về ý nghĩa hư ảo của đời người” [48, tr.334]. Chất tư tưởng, chất triết lí ấy đã làm cho Cung oán ngâm khúc có được chiều sâu thứ hai sau bình diện câu chữ và nó làm nên chất men say lôi cuốn lòng người. Cho nên, Cung oán ngâm khúc chính là sự giãi bày tâm trạng của một con người trong mọi cảnh ngộ có thể có về thân phận con người, cao hơn nữa, nó cũng kết tinh được những cảm hứng triết học về nỗi khổ của đời người. “Trên yêu cầu của thể loại, Nguyễn Gia Thiều đã đạt được một nghệ thuật rất cao, đã đưa thể ngâm khúc bước sang một giai đoạn mới là trữ tình triết lí chứ không còn là trữ tình thế sự” [19, tr.175].

Như vậy, nhờ tạo ra được một giọng điệu triết lí trữ tình mà Nguyễn Gia Thiều đã thể hiện những nỗi niềm thầm kín, chủ quan của người cung nữ, cũng như thâm nhập vào những chân lí phổ biến nhất của con người như sống, chết, tình yêu, ước mơ, hi vọng. Đây là yếu tố tạo nên sức khái quát và ý nghĩa xã hội to lớn của tác phẩm Cung oán ngâm khúc, đúng như Vũ Minh Tâm nhận định: “Sự đan cài triết lí vào tư tưởng thẩm mĩ và nghệ thuật là một truyền thống của mĩ học cổ điển dân tộc. Song phải đợi đến Nguyễn Gia Thiều và Cung oán ngâm khúc nét đặc sắc này mới trở thành một nhân tố nội tại của bản thân sáng tạo nghệ thuật và văn hóa thẩm mĩ” [46, tr.42].

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 74 - 79)