Cái nhìn về con người

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 45 - 52)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2.2. Cái nhìn về con người

Kế thừa những tinh hoa nhân văn chủ nghĩa ở giai đoạn trước, và phát huy truyền thống chủ nghĩa nhân văn trong văn học của thời đại mình. Nguyễn Gia Thiều đã góp một tiếng nói riêng vào trào lưu nhân văn chủ nghĩa trong văn học dân tộc ở giai đoạn cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Bằng cái nhìn xót xa, thương cảm, ông đã nói lên tiếng lòng của mình đối với người cung nữ, qua đó lên án chế độ “đa thê” trong cung cấm.

a. Cái nhìn xót xa, thương cảm về thân phận người cung nữ trong xã hội

Một trong những giá trị lớn lao của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII là đã nêu được vấn đề thân phận người phụ nữ.

Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều cũng như Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn (Đoàn Thị Điểm dịch), các bài thơ Làm lẽ, Sự dở dang của Hồ

Xuân Hương, Truyện Kiều của Nguyễn Du,… đều lấy hình tượng người phụ nữ làm trung tâm của sự thể hiện. Tuy phản ánh về người phụ nữ ở mỗi tác phẩm có sự khác nhau, song đều nhằm mục đích ngợi ca, cảm thông, bênh vực. Nếu Đoàn Thị Điểm trong bản dịch Chinh phụ ngâm viết về nỗi đau của người chinh phụ có chồng đi chinh chiến, thơ Hồ Xuân Hương viết về thân phận hẩm hiu, chua chát của kiếp người phải chịu cảnh Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng, Nguyễn Du viết về một nàng Kiều tài hoa mà bạc mệnh,… thì với Nguyễn Gia Thiều, ông mong muốn giải phóng người phụ nữ bị chôn vùi nơi cung cấm.

Theo quan niệm của Nguyễn Gia Thiều, người con gái sinh ra và trưởng thành trong xã hội được ví như những bông hoa xinh đẹp. Mỗi bông hoa đều có một vẻ đẹp khác nhau, mà đã là bông hoa thì sẽ được mọi người nâng niu, chăm chút. Song thực tế, trong xã hội nhà thơ đang sống, không có những điều như ông mong muốn.

Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều đã ví người cung nữ như những bông hoa đồ mi, thược dược, lan, huệ, phù dung, cúc đào,… Nhưng những bông hoa ấy sớm bị vùi dập, tan nát. Cuộc sống phũ phàng nơi cung cấm, đã khiến cho người cung nữ rơi vào thảm cảnh bất hạnh.

Buổi đầu vào cung, dưới sắc màu lộng lẫy của chiếc kiệu hoa ngày cưới, người cung nữ đã ấp ủ, nuôi nấng, hi vọng bao điều tốt đẹp. Nàng những tưởng nhà vua là người tình thủy chung và tự hẹn với mình cũng phải lấy sự thủy chung để đáp lại tấm lòng sủng ái của đấng quân vương. Nàng vui mừng cho duyên số của mình cá nước duyên may, và nghĩ càng lâu càng lắm mùi hay. Thế nhưng, tất cả niềm vui, niềm hi vọng của nàng, về sau đã thành chuyện hão. Cuộc đời của nàng về danh nghĩa là có chồng, chồng đang sống mà chẳng khác gì một kẻ góa bụa, một người vị vong. Nguyễn Gia Thiều đã có sự cảm thông về nỗi cô đơn, niềm khắc khoải đợi chờ của người cung nữ - một con người rất thiết tha với cuộc sống, khao khát hạnh phúc yêu đương. Tác giả chia sẻ với nỗi bất hạnh của người cung nữ khi nàng bị ruồng rẫy,

nàng luyến tiếc hạnh phúc với tất cả tấm lòng thèm khát tội nghiệp. Những ngày trôi qua trong cung cấm là những ngày vò võ đợi chờ bóng xe vua – tức là bóng hạnh phúc sẽ đến với mình, mặc dù sự chờ đợi đó chỉ là vô vọng. Tâm trạng của người cung nữ đã được tác giả thể hiện với tất cả sự phức tạp, đớn đau của nàng. Đó là một tâm trạng ngổn ngang trăm mối, vừa chua chát, vừa căm phẫn, vừa đay nghiến, vừa luyến tiếc, vừa hối hận bi quan, lại vừa hi vọng chờ đợi,… lồng vào nhau, chồng chất, trĩu nặng. Thông qua tâm trạng này, thông qua lời bộc bạch của người cung nữ, tác giả đã khắc họa rõ nét một cuộc sống, một bối cảnh đang tàn tạ với phòng tiêu lạnh ngắt như đồng, dù gối du tiên của vợ chồng còn đó, song nàng thì lẻ loi, thui thủi một mình, nên cũng lạnh lẽo với tuyết đóng, giá đông, với mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u. Trong khung cảnh ấy, con người thật lẻ loi cô quạnh:

Một mình đứng tủi ngồi sầu, Đã than với nguyệt lại sầu với hoa.

Và tác giả cay đắng, xót thương cho số phận bạc bẽo của nàng cung nữ:

Hoa này bướm nỡ thờ ơ,

Để gầy bông thắm để xơ nhị vàng.

Trước cảnh sống nghiệt ngã, cô đơn, buồn tủi của người cung nữ, Nguyễn Gia Thiều đã có cái nhìn thương cảm, và sự thương cảm này đã bật lên tiếng thơ trên trang sách thấm đẫm chất nhân văn. Trong thâm cung của phủ chúa, nhà thơ thấu hiểu nỗi niềm của người cung nữ. Đó là ý thức về thân phận cay nghiệt, phũ phàng:

Ngán thay cái én ba nghìn,

Một cây cù mộc biết chen cành nào.

Điều này cũng phản ánh một thực trạng, cung nữ thì nhiều (được ví như ba nghìn con chim én), mà nhà vua thì chỉ có một cây cù mộc,… Có thể nói, qua câu thơ trên, chúng ta thấy, Nguyễn Gia Thiều hiểu tận cùng “chân tơ kẽ tóc” nỗi đau của người cung nữ. Bởi hơn ai hết, ông hiểu rất rõ bối cảnh hiện thực lúc bấy giờ. Năm tuổi đã được vào sống trong phủ chúa, hơn hai mươi

năm làm quan trong triều đình, Nguyễn Gia Thiều từng trải với cuộc sống phong lưu nơi cung cấm. Vì thế, ông chứng kiến sự xa hoa, hưởng lạc thường ngày của tầng lớp quyền quý trong dinh phủ. Do đó, ông đã có cái nhìn xót xa, thương cảm cho nỗi khổ của người phụ nữ quý tộc. Đúng như lời nhận xét của TrầnVăn Lạng: “cái khổ của người cung nữ ấy, Nguyễn Gia Thiều đã thấy và viết rất nhiều. Nhưng cơ bản Nguyễn Gia Thiều hiểu đó là cái khổ “độc đáo”. Khổ mà nói không ai tin, khổ mà nói không ai nghe, khổ một mình chỉ ở nơi cung cấm mới có. Phải là Nguyễn Gia Thiều mới thấy cái khổ của người cung nữ” [19, tr.102].

Bằng cái nhìn thương cảm, Nguyễn Gia Thiều đã đau nỗi đau của người cung nữ. Ông đã không ngần ngại lên tiếng sẻ chia nỗi cơ cực cả tinh thần lẫn vật chất của nàng. Trong 356 dòng song thất lục bát, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều như luôn phảng phất tấm lòng của tác giả trên mỗi chữ, mỗi câu. Vì thế, ta có cảm giác người cung nữ cũng như Nguyễn Gia Thiều luôn sống với tâm trạng cười nên tiếng khóc, hát nên giọng sầu.

b. Cái nhìn căm phẫn xen lẫn sự bi quan về vua chúa trong xã hội phong kiến

Có thể nói, càng thương xót cho thân phận người cung nữ bao nhiêu, Nguyễn Gia Thiều càng tỏ ra căm phẫn vua chúa bấy nhiêu. Bởi ông biết, nguyên nhân dẫn đến cuộc sống khô héo, sầu tủi của những người cung nữ chính là chế độ đa thê, là thói hưởng thụ ích kỉ của vua chúa trong xã hội phong kiến.

Với cái nhìn thương cảm cho số phận những người cung nữ và nhằm tố cáo chế độ đa thê của vua chúa, Đỗ Mục trong bài Phú A Phòng cung đã viết: “Có người cung nữ chờ đến 36 năm ròng cũng không được xe vua đến thăm”. Nhưng thực tế, không phải chỉ “có người”, mà rất nhiều người. Cũng không phải chỉ là “36 năm ròng”, mà suốt cả đời người cũng không được hưởng hạnh phúc với nhà vua. Puskin trong Suối lệ từng gọi cung nữ là những tù nhân ở trong nhà nội cung, luôn có một tên hoạn quan khắc nghiệt ngày đêm canh gác

số cung nữ này để đảm bảo sự trung thành của họ đối với vua chúa, mặc dù suốt đời vua chẳng biết mặt họ. Như vậy, đại đa số cung nữ không biết đến hạnh phúc yêu đương. Gọi nội cung là nhà tù, cung nữ là tù nhân cũng chưa đủ, vì những người tù còn hy vọng được tha, chứ cung nữ thì vĩnh viễn không bao giờ còn biết đến cuộc sống tự do. Những người được sủng ái như Dương Qúy Phi, Đặng Thị Huệ,… chỉ là số ít. Người cung nữ của Nguyễn Gia Thiều không nằm trong con số ít ỏi đó. Nàng là một trong những nạn nhân của xã hội phong kiến, phải chịu sự ngược đãi của những đấng chí tôn. Thông qua lời than thở, oán trách của một người cung phi thất sủng, Nguyễn Gia Thiều đã vén bức màn trong cung cấm để người đọc nhìn sâu và thấu hiểu cuộc đời bất hạnh của người cung nữ. Qua đó, ông tố cáo chế độ phong kiến đã chà đạp lên nhân quyền, lên hạnh phúc của người phụ nữ, đồng thời đã vạch trần bản chất vô nhân đạo của vua chúa một cách hờn căm, đanh thép. Nhà vua coi việc bắt cung nữ là một thú vui riêng của mình, nhằm thỏa mãn dục vọng. Trong số hàng nghìn người bị bắt vào cung, có nhiều người, đấng quân vương không rõ mặt, rõ tên. Bản chất tàn nhẫn của vua chúa được bộc lộ rõ nhất ở chỗ, chúng đã bỏ rơi những cung tần, mĩ nữ sau một thời gian đắm say, hưởng lạc. Số phận của người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc là số phận chung của tất cả những cung tần mĩ nữ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, là Nguyễn Gia Thiều đã công khai thể hiện thái độ của mình:

Đuốc vương giả chí công là thế, Chẳng soi cho đến khóe âm nhai,

Muôn hồng nghìn tía đua tươi, Chúa xuân chỉ hái một hai bông gần.

Với cái nhìn tinh tế, nhạy cảm, Nguyễn Gia Thiều ví người cung nữ như những đóa hoa khoe sắc giữa vườn xuân, nhưng lại không được quân vương nhòm ngó đến, không được đấng quân vương “thưởng ngoạn”. Bởi, đấng quân vương chỉ ân ái với một vài người thôi, còn những người khác phải chịu cảnh âm thầm chiếc bóng. Dù Nguyễn Gia Thiều không gọi thẳng tên các ông vua,

nhưng hai chữ chúa xuân cũng cho ta hiểu được nỗi phẫn uất, khinh rẻ của tác giả về những người ngồi trên ngai vàng.

Người cung nữ tự ý thức được rằng:

Vốn đã biết cái thân câu chõ, Cá no mồi cũng khó dử lên,

Song, nàng vẫn day dứt tự hỏi:

Trên chín bệ có hay chăng nhẽ, Khách quần thoa mà để lạnh lùng,

Và nàng cũng tìm được câu trả lời. Nàng biết trên chín bệ, đấng quân vương không bao giờ nghĩ đến cảnh cô đơn của nàng. Nàng biết rõ rằng, trong mắt nhà vua, nàng chỉ là đóa lê ngon mắt, song sớm bị rẻ rúng, ruồng rẫy. Nhà vua đã bỏ rơi người cung nữ như bỏ rơi hàng nghìn cung nữ khác, nàng chỉ là một con én trong “ba nghìn con én” đang chen nhau trên một “cành cù mộc”. Chỉ còn mình nàng đối diện với cái bóng nàng trong căn phòng nàng ở. Tâm trạng cô đơn, sự trống vắng đến tê dại luôn ám ảnh nàng, khiến nàng nguyền rủa:

Khoảnh làm chi bấy chúa xuân Chơi hoa cho rữa nhị dần lại thôi.

Câu thơ gợi ta nhớ đến thái độ phẫn nộ của cô thôn nữ: Trách người quân tử bạc tình, Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao.

(Ca dao)

Ở đây, một lần nữa, hai chữ chúa xuân được lặp lại, điều này như nhấn mạnh thêm cái thờ ơ, vô nhân đạo của người đứng đầu thiên hạ. Đồng thời, nó cũng tô đậm thêm nỗi đau của người cung nữ trước sự ghẻ lạnh vô tình của nhà vua mà nàng chờ đợi trông ngóng suốt năm canh.

Rốt cuộc, người cung nữ chỉ còn biết than thân, trách phận trước sự vô tình của chúa xuân, khiến cành hoa dưới trăng tàn uất ức:

Đông quân sao khéo bất tình,

Cành hoa tàn nguyệt bực mình hoài xuân.

Trước sự thật trong phủ chúa, Nguyễn Gia Thiều đã tỏ rõ thái độ của mình đối với bậc đế vương. Ông miệt thị cuộc sống nơi quyền quý: “Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm”, và cảm thấy chính mình cũng đang bị đày đọa, đang bị hủy hoại, chết dần, chết mòn trong một giai cấp thực sự rệu rạo, đi vào ngõ cụt. Hậu quả việc ăn chơi của vua chúa đều trút lên đầu người cung nữ, bắt nàng phải gồng mình gánh chịu nỗi cô đơn. Sống trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Gia Thiều viết ra như muốn giải tỏa sự dồn nén trong tư tưởng của mình. Một mặt, ông bênh vực, che chở cho người cung nữ, mặt khác ông chỉ trích lên án chúa xuân, người ngồi trên chín bệ thâu tóm tất cả mọi quyền lực, áp bức, hành hạ, thờ ơ với nhu cầu, khát vọng của con người nói chung và cung nữ nói riêng.

Vì thế, Nguyễn Lộc đã khẳng định: “Trong văn học quá khứ của Việt Nam không mấy tác phẩm có thái độ phản ứng mạnh mẽ trực tiếp đối với kẻ đại diện cao nhất của chính quyền phong kiến như Cung oán ngâm khúc” [25, tr.190].

Như vậy, Cung oán ngâm khúc tuy với đề mục thu hẹp, không phản chiếu cảnh xã hội loạn lạc, kinh tế sụp đổ, nhân dân đói rét, cũng không nói lên được mọi điều thất chính trong cung phủ, nhưng tác phẩm đã gián tiếp phới bày sự sa đọa của kẻ thống trị. Cung oán ngâm khúc phản ánh riêng cuộc đời một cung nữ trong phủ chúa, song nó là bản kết án một tội ác của vua chúa là đã chôn vùi hàng vạn cuộc đời thanh nữ trong cung cấm, do kẻ thống trị đã đặt khoái lạc cá nhân lên trên quyền lợi của mọi người. Qua việc miêu tả cuộc sống, tâm trạng của người cung nữ bị bỏ rơi, Nguyễn Gia Thiều viết Cung oán ngâm khúc để lên tiếng tố cáo những hành vi vô nhân đạo của vua chúa đã đẩy người phụ nữ thành kiếp “sống thừa” trong xã hội phong kiến. Đồng thời ông góp thêm tiếng nói sâu sắc, đòi quyền được yêu, được ân ái của người cung

nữ, của con người. Đó là tất cả cái làm nên giá trị nhân đạo, vẻ đẹp nhân văn của tư tưởng Nguyễn Gia Thiều thể hiện trong Cung oán ngâm khúc.

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 45 - 52)