7. Cấu trúc của luận văn
2.1.1. Giới thuyết về cái nhìn nghệ thuật
Một trong ba biểu hiện của hình tượng tác giả là cái nhìn nghệ thuật. Vượt lên trên mọi hoại động bản năng, cái nhìn là một năng lực tinh thần đặc biệt của con người, vì thế cái nhìn được thể hiện phong phú trong văn học. Nghệ thuật không thể thiếu cái nhìn. Bởi, một nhà văn lớn bao giờ cũng có tư tưởng thẩm mĩ riêng, có cái nhìn nghệ thuật về con người và thế giới. Đúng như M.B.Khapchencô nhận định: “sự thật của cuộc sống trong các tác phẩm nghệ thuật không thể tồn tại bên ngoài cách nhìn thế giới của cá nhân, cách nhìn này vốn có ở mỗi nghệ sĩ thực thụ” [28, tr.219].
Theo Nhà văn Pháp Macsxen Prútxt: “Đối với nhà văn cũng như đối với nhà họa sĩ, phong cách không phải là vấn đề kĩ thuật, mà là vấn đề cái nhìn” [41, tr.109]. Vì thế, cái nhìn được xem là một biểu hiện của tác giả. “Cái nhìn thể hiện trong tri giác, cảm giác, quan sát, nó có thể phát hiện cái đẹp, cái xấu, cái hài, cái bi… Cái nhìn bao quát không gian, bắt đầu từ điểm nhìn trong không gian và bị không gian, thời gian chi phối. Cái nhìn xuất phát từ một cá thể, mang thị hiếu và tình cảm yêu, ghét rõ ràng. Cái nhìn gắn với liên tưởng,
tưởng tượng, cảm giác nội tâm, biểu hiện trong ví von, ẩn dụ, đối sánh… Cái nhìn có thể đem các thuộc tính xa nhau đặt bên nhau, hoặc đem tách rời thuộc tính khỏi sự vật một cách trừu tượng. Đặc biệt, cái nhìn thể hiện trong chi tiết nghệ thuật, bởi chi tiết là điểm rơi của cái nhìn. Khi nhà văn trình bày cái họ thấy cho ta cùng nhìn thấy, thì ta đã tiếp thu cái nhìn của họ, tức là đã bước vào phạm vi ý thức của họ, chú ý cái mà họ chú ý. Khi ta thấy nhà văn này chú ý cái này, nhà văn kia chú ý cái kia, tức là ta đã nhận ra con người nghệ sĩ của tác giả” [41, tr.109 - 110].
Với người nghệ sĩ, khi muốn “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có” thì đòi hỏi người nghệ sĩ phải có phong cách nổi bật, có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình. Muốn vậy, người nghệ sĩ phải có khả năng lĩnh hội, nắm bắt những quy luật tất yếu của cuộc sống, khám phá những quá trình bên trong của hiện thực, tính cách điển hình của con người sâu sắc hơn những người khác, từ đó, cảm thụ và nhìn thấy cái mà những người khác không thấy được. Bởi, cái nhìn nghệ thuật không chỉ là sự tri giác đối với vỏ bề ngoài của sự vật, hiện thực khách quan, mà là xâm nhập vào hiện thực khách quan ấy. Nghĩa là, cái nhìn ấy phải có chiều sâu, không đơn thuần chỉ nhìn bằng thị giác mà là nhìn bằng cả tâm hồn, tình cảm của người nghệ sĩ. Cái nhìn của nhà văn càng sắc bén bao nhiêu, càng tỉnh táo bao nhiêu, thì càng đi sâu vào bản chất sự vật bấy nhiêu, và để từ đó người nghệ sĩ có những khái quát nghệ thuật và những sáng tạo mới mẻ. Có lẽ vì thế, M.Bakhtin gọi cái nhìn của tác giả là “trường nhìn bao trùm”, “trường nhìn dôi ra”…
Như vậy, để tìm hiểu nội dung tác phẩm, tất yếu phải “Tìm tác giả trong cái nhìn của tác giả” [41, tr.111]. Vì cái nhìn mang tính chủ quan, chịu sự quy định của thế giới quan, vốn sống và tài năng của nhà văn. Một tác giả chân chính bao giờ cũng là nơi khẳng định những cái nhìn sâu sắc về cuộc sống, qua sức mạnh truyền cảm của nghệ thuật. Do đó, cái nhìn nghệ thuật là cái nhìn xuyên suốt, bao trùm, trở thành đường nét riêng trong lịch sử văn học.