Một cái tôi khẳng định sắc đẹp, tài năng

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 53 - 59)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2.1. Một cái tôi khẳng định sắc đẹp, tài năng

Như chúng ta đã biết, Nguyễn Gia Thiều là một người tài năng trên tất cả mọi mặt. Vì thế mà, Ngô Thế Thịnh đã xem “Nguyễn Gia Thiều không những là một nhà thơ lớn,… mà còn là một nhạc sĩ sáng tác đại tài,… một nhà hội họa điêu khắc, kiến trúc độc đáo,… và một nhà quân sự lỗi lạc” [19, tr.78 – 82]. Có lẽ, chính vì tự ý thức về mình như thế, cho nên tác giả đã gửi gắm bức “chân dung” của mình qua nàng cung nữ vừa có sắc, lại vừa có tài.

a. Sắc đẹp người cung nữ

Trong văn học trung đại Việt Nam, rất nhiều tác giả đã miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ. Đó là vẻ đẹp: Làn thu thủy nét xuân sơn. Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh của nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đó

là vẻ đẹp tự nhiên Lược trúc lỏng cài trên mái tóc. Yếm đào trễ xuống dưới nương long của người con gái trong bài thơ Thiếu nữ ngủ ngày của Hồ Xuân Hương,… Nguyễn Gia Thiều cũng là một tác giả văn học Việt Nam trung đại đi sâu vào ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ; của người cung nữ.

Nhân vật cung nữ trong Cung oán ngâm khúc được Nguyễn Gia Thiều miêu tả rất đẹp. Ngay từ những câu thơ mở đầu, ông đã cho ta thấy một dung nhan thiếu nữ tuyệt trần, gắn với vẻ đẹp của thiên nhiên hoa lá. Đó là vẻ đẹp của một đóa phù dung khoe sắc thắm. Vẻ đẹp này như làm lóa mắt, nhạt nhòa mọi giai nhân trên thế gian. Từ khi còn là thiếu nữ, so với nàng, thì bậc tuyệt thế giai nhân như Ban Tiệp Dư cũng phải thua kém:

Trộm nhớ thủơ gây hình tạo hóa, Vẻ phù dung một đóa khoe tươi, Nhị hoa chưa mỉm miệng cười, Gấm nàng Ban đã nhạt mùi thu dung.

Người cung nữ tự cho mình là xinh đẹp ngay từ lúc nàng mới sinh ra. Chẳng phải bởi son phấn lụa là, mà vẻ đẹp của nàng vốn là vẻ đẹp thiên phú. Càng lớn, sắc đẹp của nàng càng lộng lẫy. Má nàng sắc hồng như hoa đào. Đôi mắt nàng đẹp như mặt hồ thu lăn tăn gợn sóng, chỉ cần liếc nhìn thôi cũng đủ nghiêng cả thành trì. Khi dáng điệu thướt tha của nàng lấp loáng trong mành, thì dù cho cỏ cây là vật vô tri cũng muốn được vuốt ve mơn trớn, huống chi con người, ai lại chẳng đem lòng luyến ái:

Áng đào kiểm đâm bông não chúng, Khóe thu ba gợn sóng khuynh thành, Bóng gương lấp ló trong mành, Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.

Với một vẻ đẹp đậm hương thơm của thiên nhiên, làm cho cá phải chìm dần sâu xuống đáy nước vì vừa ngắm vừa để lánh, chim nhạn trên trời cũng ngẩn ngơ, lơ lửng vì không nỡ bay đi, nguyệt cũng phải say sưa, hoa cũng phải đắm đuối. Sắc đẹp “trầm ngư lạc nhạn” này, làm cho Tây Thi (ái phi của vua Ngô

Phù Sai, Trung Quốc) và Hằng Nga (một vị tiên nữ ở cung Quảng Hàn theo thần thoại Trung Quốc) phải giật mình kinh sợ:

Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn, Lửng da trời, nhạn ngẩn ngơ sa,

Hương trời đắm nguyệt say hoa, Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình.

Qua những câu thơ trên, ta thấy người cung nữ của Nguyễn Gia Thiều có một vẻ đẹp thật kiêu sa và lộng lẫy. Điều này cho thấy sự nâng niu, trân trọng của tác giả đối với người cung nữ. Đồng thời qua đó, ông cũng muốn khẳng định rằng, mặc dù trong buổi suy tàn của xã hội, con người bị chà đạp, bị giày xéo, và nhiều giá trị đạo đức bị đảo lộn, nhưng Nguyễn Gia Thiều vẫn đứng trên lập trường nghệ thuật của mình, tự khẳng định và đề cao vẻ đẹp của con người, trong đó có vẻ đẹp của hình thể và trí tuệ con người.

b. Tài năng người cung nữ

Nếu ở những câu thơ mở đầu của khúc ngâm, người cung nữ tự khẳng định vẻ đẹp sắc nước hương trời của mình, thì ở những câu thơ tiếp theo, nàng đã đề cao tài năng của mình trên nhiều mặt.

Hiếm có tác phẩm nào trong văn học Việt Nam trung đại, người phụ nữ lại được tác giả tôn xưng như trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc, đặc biệt là tôn xưng về tài năng. Họa hoằn mới có trường hợp ngợi ca tài năng, chẳng hạn như nàng Kiều của Nguyễn Du, nhưng cũng chỉ dừng lại ở vài ba món nghệ thuật thi, họa, đàn:

…Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm. Cung thương lầu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt Hồ Cầm một trương…

(Truyện Kiều – Nguyễn Du) Còn với Nguyễn Gia Thiều, bằng bút pháp nghệ thuật mang tính ước lệ, tính tượng trưng, đặc biệt là cách sử dụng điển cố uyên bác, tác giả đã miêu tả tài

năng người cung nữ tột bậc. Dù là món nghề nào, cầm, kì, thi, họa, nàng cũng đều xem mình là bậc thầy trong thiên hạ:

Câu cẩm tú đàn anh họ Lý, Nét đan thanh bậc chị chàng Vương.

Ở đây ta thấy, câu thơ có nhắc đến “họ Lý” và “chàng Vương”, là hai nghệ sĩ cổ điển của Trung Quốc. “Họ Lý” gợi ta nhớ đến Lý Bạch – một thi hào nổi tiếng bậc nhất đời Đường và trong lịch sử văn học Trung Hoa, được tôn xưng là “tiên thơ”. Ấy vậy mà, nàng cung nữ cho rằng văn chương của mình đẹp như gấm thêu, hơn cả Lý Bạch. Còn “chàng Vương”, tức Vương Duy, tự là Ma Cật, một nghệ sĩ đời Đường, thơ hay, vẽ giỏi. Văn hào đời Tống, Tô Đông Pha đã phê bình thi họa của Vương Duy: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi”, nghĩa là trong thơ có họa, trong họa có thơ, ý nói, thơ có màu sắc như bức họa, bức họa tình tứ như bài thơ. Thế mà, nàng cung nữ xem nét vẽ của mình còn hơn Vương Duy. Suốt mấy trăm năm, người làm thơ chưa ai dám đặt mình ngang tầm với Thánh thơ (Đỗ Phủ), Phật thơ (Vương Duy), càng không dám so với Tiên thơ (Lý Bạch). Vậy mà, người cung nữ đã táo bạo nhận mình là “đàn anh”, là “bậc chị” của “họ Lý”, “chàng Vương”. Về vấn đề này, đương thời có người chê Nguyễn Gia Thiều là ngạo mạn và quá tự cao. Lời chỉ trích đến tai Nguyễn Gia Thiều, nhà thơ nghe xong, chỉ mỉm cười và nói: “Tôi làm thế để Lý tiên sinh bớt cô đơn” [17, tr.170]. Và, cũng theo gia phả, “có lần Nguyễn Gia Thiều uống rượu cùng mấy người bạn, trong lúc say rượu, Nguyễn Gia Thiều chợt tỉnh, thốt ra: Say ấy ví dù say thượng cổ. Thì chỉ có một Lý tiên sinh [17, tr.171]. Thế là thêm một lần nữa, Nguyễn Gia Thiều tự đặt ngang hàng với bậc thi bá đời Đường, mà lần này là do chính nhà thơ phát biểu, chứ không cần mượn lời nhân vật người cung nữ.

Cờ, rượu, là hai món của tao nhân mặc khách, cũng là món “sở trường” của nàng cung nữ:

Cờ tiên, rượu thánh ai đang? Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm.

Ở đây, nàng cung nữ cho rằng cờ tiên, rượu thánh trong thiên hạ bây giờ chẳng còn ai. Chơi cờ cao như tiên và uống rượu giỏi như thánh, duy chỉ có Lưu Linh (người đời Tấn, tự là Bá Luân, nghiện rượu rất nặng, uống bao nhiêu cũng không say, được xem là “Thánh tửu”), Đế Thích (vua cờ) mới có thể là bạn rượu, bạn cờ mà thôi. Nhưng Lưu Linh, Đế Thích không còn. Nghĩa là, người cung nữ chơi cờ cao, uống rượu giỏi nhất thiên hạ, không ai sánh kịp. Ngoài tài làm thơ hay, vẽ đẹp, uống rượu và đánh cờ giỏi, người cung nữ còn có tài đánh đàn và thổi sáo:

Cầm điếm nguyệt phỏng tầm Tư Mã, Sáo lầu thu lạ gã Tiêu Lang,

Câu thơ trên có nhắc đến Tư Mã, (tức Tư Mã Tương Như – một người đàn hay có tiếng ở thời Hán khi còn làm chủ điếm rượu). Vậy mà, khi nàng đánh đàn ở trong điếm đêm trăng, thì còn hay hơn cả Tư Mã. (Ngày xưa, Tư Mã đánh đàn khiến Trác Văn Quân phải say mê trốn theo). Còn Tiêu Lang (người đời Xuân Thu) có tài thổi sáo như tiếng chim phượng hót. Hai chữ “lầu thu” làm chúng ta gợi nhớ đến cái lầu của vợ chồng Tiêu Lang ở và thổi sáo ngày xưa. Cung nữ thổi sáo trên lầu thu, thì nghệ sĩ thổi sáo hay có một không hai trong lịch sử là Tiêu Lang cũng phải lấy làm kinh lạ, ngạc nhiên.

Đặc biệt, ngoài tài đánh đàn, thổi sáo, người cung nữ còn múa rất đẹp: Dẫu mà tay múa miệng dang,

Thiên Tiên cũng ngảnh Nghê thường trong trăng.

Các vị tiên trên trời, xưa nay vốn thích xem điệu múa Nghê thường vũ y ở trong trăng, nhưng nay ngảnh đi nơi khác, vì không bằng cung nữ. Qua việc so sánh này, Nguyễn Gia Thiều đã cho mọi người thấy khi cung nữ ca vũ, thì đội tiên múa Nghê thường cũng phải thua, phải nhường.

Với tài sắc hơn người như thế, tên tuổi của nàng đã vang lừng trong nước. Do đó, rất nhiều người săn đón xung quanh nàng. Mặc dù mới chỉ là lời đồn đại, chưa ai được gặp nàng, biết được tài năng và sắc đẹp thực thụ của

nàng, nhưng lắm kẻ đã để mắt dòm ngó. Với việc sử dụng hai từ “xao xác”, “đùng đùng” tác giả càng làm tăng thêm ý nghĩa của câu thơ.

Tuy nhiên, lúc này, người cung nữ vẫn gìn giữ được phẩm giá của mình:

Hồng lâu còn khóa then sương,

Thâm khuê còn rấm mùi hương khuynh thành.

Biết bao anh hùng tài trí văn võ kiêm toàn đến xin làm rể, đồng thời cũng lắm kẻ quyền cao chức trọng nhăm nhe đến dò tuổi hỏi tên:

Làng cung kiếm rắp tâm bắn sẻ,

Khách công hầu ngấp nghé mong sao,

nhưng:

Vườn xuân bướm hãy còn rào, Thấy hoa mà chẳng lối vào tìm hương.

Dẫu ngoài hiên xôn xao là thế, song trong chốn khuê môn, người cung nữ không thèm để ý đến. Vẫn quyết giữ danh giá của mình, như vườn xuân kia đang rào nẻo bướm ong, không cho đến thăm hoa. Điều này càng được thể hiện rõ qua câu thơ:

Dẫu vàng nghìn lạng dễ cười một khi.

Người xưa thường lấy vàng ra để đánh giá vẻ đẹp và phẩm chất của người phụ nữ, như: Chữ trinh đáng giá nghìn vàng, hoặc: Nghìn vàng thực cũng nên mua lấy tài,… Nguyễn Gia Thiều cũng vậy, tác giả mượn vàng làm thước đo sắc đẹp cho người cung nữ, nhằm miêu tả nụ cười ấy không gì có thể sánh được. Dù ai bỏ nghìn vàng ra chưa dễ mua được một nụ cười của nàng. Nụ cười này còn quý gấp mấy vàng kia. Điều đó cũng nói lên được lòng kiên trinh của người cung nữ, quyết không dao động trước danh vọng thế lực, hay tiền tài của bọn người ngấp nghé chực hỏi nàng.

Như vậy, với bút pháp ước lệ tượng trưng, sử dụng nhiều điển cố văn học Trung Quốc. Nguyễn Gia Thiều đã khắc họa người cung nữ có sắc đẹp, có tài năng hơn người. Qua việc miêu tả vẻ đẹp tài sắc của người cung nữ,

Nguyễn Gia Thiều muốn khẳng định vị thế của con người trong xã hội, dù ở trong hoàn cảnh nào, lịch sử biến động ra sao,… thì sắc đẹp ấy, tài năng ấy vẫn được tồn tại và chiêm ngưỡng. Đó cũng chính là sự tự ý thức của chính tác giả về bản thân mình trước thời cuộc.

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 53 - 59)