Cái nhìn về cuộc đời

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 36 - 45)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2.1. Cái nhìn về cuộc đời

a. Hình ảnh cuộc đời hư ảo, bế tắc trong con mắt Nguyễn Gia Thiều được thể hiện trong Cung oán ngâm khúc

Có thể nói, trong văn học cổ Việt Nam, chưa có một tác phẩm nào nói về cuộc đời một cách bi đát, giận dữ như Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều.

Cuộc đời trong con mắt Nguyễn Gia Thiều là một cuộc đời không có ánh sáng, không tia hy vọng. Cuộc đời ấy đang chết dần, chết mòn và sụp đổ nhanh chóng.

Theo Nguyễn Gia Thiều, mọi việc ở đời đều do tiền định, số kiếp con người là một điều huyền bí, hư vô. Nhân duyên cuộc đời, hay công danh, phú quý, đều như một giấc mộng, đã được cái máy huyền vi của tạo hóa đóng mở không biết trước được:

Kìa thế cục như in giấc mộng, Máy huyền vi đóng mở khôn lường,

Nhà thơ xem cuộc đời là giấc mộng, tức là không có gì thật cả. Sống trong cuộc đời ấy, con người cũng không có khả năng để hành động theo ý riêng của mình. Đến như chuyện ăn uống, là chuyện hết sức bình thường của con người, cũng được một lực lượng siêu nhiên định sẵn:

Vẻ chi ăn uống sự thường,

Cũng còn tiền định khá thương lọ là.

Vì lẽ đó, trong cuộc đời có rất nhiều người phải chịu bao nỗi đọa đày, đắng cay, nghìn lần bị cọ mài, trăm lần gãy vỡ. Tuy người thì còn đó, nhưng bụng đã chết nhiều lần:

Đòi những kẻ thiên ma bách chiết, Hình thì còn bụng chết đòi nau,

Chữ “chết” trong câu thơ trên thật đã nêu rõ tâm trạng chán đời đến tột bậc. Chẳng thế mà, Nguyễn Gia Thiều cho rằng, con người khi mới sinh ra, đã mang tiếng khóc. Tiếng khóc này, báo hiệu một cuộc đời đau thương mà nó phải trải qua:

Thảo nào khi mới chôn rau,

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.

Đúng như Nguyễn Lộc đã nói: “Theo nhà thơ, cái chết thực sự đã đến từ lúc con người đang sống, đang vùng vẫy, không phải đến với xương thịt, mà đến trong tâm hồn, tâm khảm. Cái chết đã đến tự lúc con người chưa lọt lòng. Con người đã khổ đã chết từ khi chưa biết sống là gì” [24, tr.183]. Nguyễn Gia Thiều đã dùng một hiện tượng sinh lí, là tiếng khóc của đứa trẻ khi mới chào đời, để giải thích một quan niệm triết học, mang ý nghĩa khái quát rộng lớn. Điều này, làm tăng mức độ thần bí của thuyết định mệnh. Bởi, dưới cặp mắt chủ quan yếm thế của Nguyễn Gia Thiều, tiếng khóc của trẻ sơ sinh không phải là do tiếp xúc với môi trường mới, xa lạ, ngoài bào thai của mẹ. Mà tiếng khóc ấy, là tiếng khóc đưa ma cuộc đời, trước sự đổi thay, biến dịch, trước nỗi buồn nhiều hơn niềm vui, bất hạnh nhiều hơn hạnh phúc của con người:

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế, Ai bày trò bãi bể nương dâu, Trắng răng đến thưở bạc đầu, Tử, sinh, kinh, cụ, làm nau mấy lần.

Cuộc đời là chuyện “bãi bể nương dâu”, là “tử, sinh, kinh, cụ” (chết, sống, sợ, khiếp), là cõi đời phù thế đầy chuyện phù du. Từ khi còn nhỏ cho đến khi bạc đầu, con người phải trải qua bao nỗi kinh hoàng, sợ hãi. Bởi, cuộc sống con người không có niềm vui, không có bình minh và ánh sáng. Theo tác giả, con người sinh ra ở đời, để chịu bao nhiêu sự đau đớn và cực khổ về thể xác cũng như tinh thần. Trải qua những phen “sinh, lão, bệnh, tử”, điêu đứng vì đói rét cơ hàn, vất vả với bao cuộc thành bại, con người như mất hết sự hoạt

bát, lanh lợi và hóa ra thẫn thờ, bạc nhược. Nỗi khổ tâm như kết lại trong lòng và được tác giả thể hiện một cách hậm hực khó chịu:

Cuộc thành bại, hầu cằn mái tóc, Lớp cùng thông như đúc buồng gan,

Vì theo tác giả, sự đấu tranh với cuộc sống, bắt đầu bằng những cuộc thành bại. Con người lặn ngụp trong bể khổ ấy, hết thành công đến thất bại. Cứ như thế, lúc ngoảnh lại, thì đầu đã bạc. Những nỗi thành bại ấy, làm cho con người mau già và dẫn tới cõi chết một cách không ngờ. Tất cả điều này, được tác giả cho là “bệnh” nơi cõi trần, nên hết sức đau đớn. Như Đặng Thanh Lê đã viết: “Con người khổ ải vì thất bại và gian truân ngay cả trên con đường thành đạt” [19, tr.48].

Đồng thời, Nguyễn Gia Thiều còn chỉ ra sự nhọc nhằn, cay đắng của con đường đi tới vinh hoa, phú quý:

Gót danh lợi bùn pha sắc xám, Mặt phong trần nắng rám mùi dâu,

Lặn lội nơi chốn bùn lầy danh lợi, người đời nhọc nhằn trên con đường vô định, chỉ là một kẻ bộ hành thất bại, da mặt đen xạm vì phong trần mưa nắng. Nhưng rốt cuộc, rong ruổi trên bước đường chông gai và hiểm trở ấy, con người chỉ như một cánh bèo ở đầu bến mê, bị thất lạc, lênh đênh, chịu bao sóng gió dồn dập, thân phận nhỏ bé có thể tiêu tan một sớm một chiều. Thế mà, con người vẫn phải đeo đuổi cuộc đời vô nghĩa, uốn mình theo một sức mạnh huyền bí cao siêu, mà không có cách gì cưỡng lại được. Với cái nhìn bi quan như thế, Nguyễn Gia Thiều đi đến khái quát:

Nghĩ thân phù thế mà đau, Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.

Từ đó, tác giả thấy cuộc đời chỉ là:

Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,

Có thể nói, cái “vô thường” mà đạo Phật nhắc nhở, đã được Nguyễn Gia Thiều cụ thể hóa qua những hình tượng rung động lòng người: Thân phận con người mong manh như chiếc thuyền bào ảnh, như bọt nước li ti, như cánh bèo, rất dễ bị đánh tan và chìm đắm.

Đặc biệt, trong con mắt Nguyễn Gia Thiều, con người chỉ là đồ chơi trong bàn tay tai quái, ngỗ ngược của trẻ tạo hóa ranh mãnh:

Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán, Chết đuối người trên cạn mà chơi,

Lò cừ nung nấu sự đời,

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Qua khổ thơ này, ta thấy tư tưởng bi quan của tác giả đã lên đến cực điểm. Ông cho rằng, đời là vô nghĩa, con người phó thác cho định mệnh, mà không có một sự phản kháng nào. Thần định mệnh khắc nghiệt ấy, lại là một đứa trẻ, bày ra “tuồng ảo hóa”, nó làm nên những cảnh bãi bể nương dâu. Tạo hóa ở đây, không phải là một vị linh thiêng để cho người ta kính, mà là một đứa trẻ tinh nghịch, trêu ghẹo một cách ác nghiệt, làm cho cuộc đời điêu đứng, tạo nên tấn bi hài kịch trong cuộc sống. Hay nói cách khác, tạo hóa là cái lò lớn, nung nấu những sự đời và làm biến dịch cuộc đời, là thứ làm cho đất bằng luôn nổi lên những lớp chông gai và bãi cạn cũng có thể khiến người ta chết đuối. Sự thay đổi này, khiến cho đền tạ vũ (rạp múa) trước kia, là một nơi náo nhiệt, mà nay, chỉ là con nhện giăng nơi cửa mốc. Nơi ca lâu (lầu hát) trước kia, cũng là nơi dập dìu kẻ vào người ra, nay cũng chỉ còn nghe tiếng con dế khóc lúc canh dài.

Theo Nguyễn Gia Thiều, tạo hóa cho con người ta gặp cái vui, cái đẹp, thì liền đó bắt người ta phải chịu đựng cái buồn, cái khổ. Tạo hóa dùng phú quý, vinh hoa làm miếng mồi ngon nhử con người lao vào cuộc đấu tranh giành giật, để làm lóa mắt người trần thế, bắt họ quay cuồng đeo đuổi cái mộng đẹp, nhưng chỉ là hư vô:

Bả vinh hoa lừa gã công khanh,

Sau giấc mộng ấy, khi thức dậy con người không còn gì cả: Giấc Nam Kha khéo bất tình,

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

Dù có với đến công danh, phú quý đi chăng nữa, hạnh phúc đó rút cuộc cũng tan vỡ. Vì, công danh phú quý không tồn tại vĩnh viễn bao giờ. Đối với Nguyễn Gia Thiều, sống ở đời là một sự mỉa mai, chua chát. Cố cho lắm thì thiệt càng nhiều, càng trèo cao thì càng ngã đau. Chạy theo danh lợi sẽ chết vì danh lợi. Phú quý, vinh hoa không phải phần thưởng cho những kẻ bon chen. Nếu vì lợi danh, mà phải đem thân theo cánh buồm nơi bể hoạn, quan trường, chìm nổi giữa phong ba, thì đó lại là điều tác giả hết sức ngao ngán. Tất cả đều giả dối, đều hư ảo. Cho nên, tác giả nhìn thấy chốn lầu son gác tía quạnh quẽ đến nỗi chỉ thấy mây trôi man mác, nhìn mảnh trăng trong cảnh thê lương thật đơn côi, tẻ nhạt.

Từ đấy, Nguyễn Gia Thiều quan niệm rằng, con người chỉ là phương tiện của tạo hóa, không có một chút quyền nào hết, đến cả tự do của con người, trời cũng cướp mất, bắt con người phải theo vòng luân chuyển của “nghiệp báo”:

Quyền họa phúc trời tranh mất cả, Món tiện nghi chẳng trả phần ai,

Số phận con người thật thê thảm, vất vưởng như một bóng ma không hồn, vô nghĩa đến tận cùng. Cuộc đời như cái quay, trong đó, con người chỉ là những cái bóng mờ nhẫn nại, sờ soạng, lê bước theo đuổi cái số kiếp buồn thảm. Điều này, được tác giả khẳng định trong hai câu thơ, như một khái luận về “thiên mệnh”:

Cái quay búng sẵn trên trời, Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.

Chính vì nhìn cuộc đời một cách tê tái như thế, nên trong mắt Nguyễn Gia Thiều, cái gì cũng vàng ố, ủ rũ. Từ những vật vô tri vô giác như loài mộc

thạch, đến loài cầm ngư, hay rộng ra là cả sơn hà,… đều có sự thay đổi, nhuốm màu thê lương trong một không gian trống vắng. Sự đời như vậy, khiến cho con người phải ngồi trơ bên cầu thệ thủy, rũ chân dưới bóng chiều tà bên quán thu phong. Nỗi phong trần lan ra khắp chốn sơn khê, những cảnh tang thương thấu đến loài cây cỏ. Vũ trụ bao trùm một không khí tàn tạ:

Phong trần đến cả sơn khê, Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.

Nhìn cuộc đời qua lăng kính buồm xám, Nguyễn Gia Thiều như thấy hết cái tiêu điều xác xơ, hoang tàn, đổ vỡ mà “tuồng huyễn hóa” bày ra, khiến cho

kiếp phù sinh trông thấy mà đau, dẫn đến một triết lý: Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.

Sau tất cả những nhọc nhằn, dằn vặt, đớn đau, được mất, con người cảm thấy mệt mỏi, kiệt quệ và lại trần trụi trở về với hư vô, trở về với cuộc sống trần thế vô vị. Kết cục con người cũng chỉ là một nắm xương khô nằm dưới nấm mồ hiu hắt.

Trước những cay đắng mà con người phải chịu, Nguyễn Gia Thiều cảm thấy không còn thú vui gì nữa mà đeo đẳng với duyên nợ trần gian, nên theo ông:

Đa mang chi nữa đèo bòng, Vui gì thế sự mà mong nhân tình.

Vì thế, tốt nhất là đi theo nhà Phật. Bởi Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật chí ít con người còn được khuây khỏa, vứt bỏ được những phiền muộn của bể ải trầm luân, tìm được sự yên tĩnh cho tâm hồn.

Có thể nói, cuộc đời trong con mắt Nguyễn Gia Thiều thật huyền bí và dễ sợ. Cuộc đời ấy như một cái máy vô hình, vô ảnh, chi phối con người, chi phối tất cả. Đặc biệt, trước những cái chết oan uổng của những người thân cận bên ông như Thái tử Lê Duy Vĩ bị Trịnh Sâm giết,… ông không thể hiểu tại sao con người như Trịnh Sâm có tâm hồn dễ rung động trước cái đẹp, viết

hàng trăm bài thơ hay, mà lại tàn nhẫn đến vậy. Do đó, ông ghê tởm cuộc đấu đá tranh giành quyền lực, mưu cầu danh lợi, và muốn tìm đến gió mát trăng thanh, kết duyên với hoa đàm đuốc tuệ, đến với cửa thiền, đến với Phật giáo, Đạo giáo:

Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa, Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên, Thoát trần một gót thiên nhiên, Cái thân vật ngoại là tiên trong đời.

Dựa trên quan niệm hư vô về cuộc đời, Nguyễn Gia Thiều không thể đi đến đề xuất một giải pháp nào làm cho con người thoát khỏi đau khổ, mà đành tìm đến nhà Phật. Nhưng quan niệm đạo Phật của Nguyễn Gia Thiều, cũng không phải là thứ đạo Phật thông thường, mà mang nặng cốt cách riêng biệt của ông, đó là thứ đạo Phật bi quan.

Như vậy, qua 18 khổ thơ của khúc ngâm (từ câu 45 - 116), Nguyễn Gia Thiều đã khái quát cuộc đời bằng cái nhìn hư ảo, bế tắc. Ông đã cảm thức sâu sắc về cuộc sống phù du và thân phận mong manh của con người. Đó là cuộc đời như một giấc chiêm bao, không có gì là thật cả, nó hết sức khắc nghiệt. Và con người không có một chút quyền tự chủ nào, tất cả đều do ông trời xếp đặt. Hay nói cách khác, cuộc đời ấy chẳng có gì bền vững. Con người lao tâm khổ tứ suốt đời, nhưng rút cuộc chỉ là một nấm mồ xanh cỏ. Mọi sự đều là trò

đành hanh của trẻ tạo hóa. Cõi trăm năm không hơn gì một giấc mộng, mà khi tỉnh dậy, người ta thấy chỉ còn hai bàn tay trắng. Khi đã không thấy được niềm tin và sức mạnh của cuộc đời, thì sống cũng chẳng có nghĩa lí gì, chỉ là sự ràng buộc với khổ đau mà thôi. Bằng sự tự ý thức về thân phận, Nguyễn Gia Thiều khuyên con người muốn thoát ra ngoài cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời, chỉ còn cách nương mình nơi cửa Phật. Thất vọng về xã hội, về con người, tác giả muốn trốn chạy khỏi cái trật tự khắc nghiệt đó, và không còn còn con đường nào hơn con đường đi đến bên chân Đức Phật, tìm sự an ủi không chỉ cho riêng mình, mà cho cả những sinh linh đau khổ.

Cung oán ngâm khúc là hành trình tư tưởng của Nguyễn Gia Thiều đi đến một nhận thức về hư vô, đặc biệt đau đớn với tính chất vô nghĩa, biến hóa của giá trị cuộc đời, mang nặng tư tưởng bi quan yếm thế về cuộc đời. Đúng như Huỳnh Phan Anh nhận xét: “Trong lịch sử văn học Việt Nam, có lẽ không có một tác phẩm nào thể hiện được một quan niệm nhân sinh khốc liệt, tạo cho người đọc những ấn tượng hãi hùng cho bằng khúc ngâm dài 356 câu” [14, tr.115].

b. Nguyên nhân dẫn đến quan niệm bi quan yếm thế về cuộc đời của Nguyễn Gia Thiều

Có thể khẳng định rằng, Cung oán ngâm khúc là tiếng thở dài ảo não, là tiếng thét căm hờn về cuộc đời của Nguyễn Gia Thiều. Đồng thời, nó cũng là tiếng nói trung thực nhất để chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc đời của những số phận con người sống trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Đây là giai đoạn lịch sử đầy biến động dữ dội, với sự tranh quyền đoạt vị, dẫn tới nhiều cuộc chém giết lẫn nhau một cách thảm hại nhất. Những biến cố này không khỏi làm cho Nguyễn Gia Thiều bi quan và chán nản. Ông càng bi quan và chán nản hơn, khi thấy lợi ích từ giai cấp ông mỗi ngày một mất dần và đã đến chỗ không thể cứu vãn nổi. Đó chính là nguyên nhân khiến cho Nguyễn Gia Thiều có cái nhìn về cuộc đời một cách bế tắc như vậy.

Đúng như Nguyễn Văn Hoàn nhận định: “Cái khúc ngâm đời đau đớn đó, của Nguyễn Gia Thiều không phải xuất phát từ một bi kịch cá nhân, mà chủ yếu là nhận thức đau đớn từ sự sụp đổ, từ sự điên đảo cương thường của cả một dòng đời, một vương triều, bi kịch của cả một thời đại hỗn loạn của một người đã từng chứng kiến, thể nghiệm cuộc đời qua các biến cố dồn dập” [19, tr.129]. Và, “Nguyễn Gia Thiều không nói một chút gì về các biến cố lịch sử cụ thể đó, nhưng cái hưng vong của một triều đại, cái số phận bi thảm của con người trong cuộc “bể dâu” đó, chắc chắn là cái nền tảng tâm lí xã hội, cái nền tảng hiện thực cuộc đời, để từ đó Nguyễn Gia Thiều nhận thức, cảm nhận về số phận con người, về ý nghĩa cuộc đời” [19, tr.129].

Điều đặc biệt, Nguyễn Gia Thiều chịu ảnh hưởng sâu đậm của hai nền

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 36 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w