Giới thuyết về sự tự thể hiện

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 52 - 53)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Giới thuyết về sự tự thể hiện

Trong phần giới thuyết về hình tượng tác giả, mục 1.3.2, chúng tôi đã có sự so sánh giữa hình tượng tác giả với hình tượng nhân vật. Mặc dù đều là sản phẩm do nhà văn sáng tạo ra, nhưng nếu hình tượng nhân vật được xây dựng theo nguyên tắc hư cấu, thì hình tượng tác giả được xây dựng theo nguyên tắc tự biểu hiện. Sự tự thể hiện ở đây chính là sự tự miêu tả, hình dung của tác giả về chính mình.

Trong quá trình phát triển tâm lí của con người, trải qua những bước trưởng thành: người ta phát triển đến một mức độ nào đó thì có được sự tự ý thức về cuộc sống, về thế giới xung quanh. Phát triển đến một mức độ cao hơn nữa, người ta có sự ý thức về bản thân, ý thức được vị trí, vai trò, bản ngã của mình giữa mọi mối quan hệ xã hội. Sự tự ý thức, tự khám phá bản thân mình đã trở thành một khát vọng khôn cùng của con người. Nhà văn vốn nhạy cảm tinh tế, nên họ có sự tự khám phá thế giới tâm hồn của chính mình và tất cả đều được họ thể hiện trong sáng tác. Những tâm sự, những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống,… đều được tác giả bộc lộ qua tác phẩm với sự chiêm nghiệm, suy ngẫm.

Khi sáng tác, hiện thực được phản ánh qua lăng kính chủ quan của tác giả, cụ thể là qua “cái tôi”, “bản ngã” của người sáng tạo. Thế giới cuộc sống con người khi đi vào trang viết được soi chiếu qua cảm nhận, qua cái nhìn, qua tiếng nói của tác giả. Từ trí tưởng tượng, năng lực hư cấu hay sự lựa chọn đề tài, nhân vật, đến cách sử dụng ngôn ngữ,…đều mang màu sắc của chủ thể tác giả. Mỗi tác giả có một quan điểm, lập trường khác nhau, do đó sẽ bộc lộ những cái tôi theo cách riêng của mình. Sự bộc lộ “cái tôi” này đồng thời cho chúng ta thấy rõ nhân cách, cũng như tài năng của tác giả, và người đọc sẽ nhận ra tư tưởng của tác giả qua nhân sinh quan, thế giới quan…

Song, chỉ tác giả nào có mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với quần chúng nhân dân, với thời đại, thì mới nói lên được tiếng nói chung trong tiếng nói riêng của mình. Nghĩa là qua “đứa con tinh thần”, tác giả không chỉ bộc lộ cái tôi “riêng lẻ”, mà trên hết cái tôi ấy không được tách rời với hiện thực cuộc sống. ‘Cái tôi” đó có thể buồn, hoặc vui; có thể hạnh phúc hoặc khổ đau, nhưng phải biết cất lên tiếng nói tiến bộ, cao cả của thời đại. Lúc ấy, sự gửi gắm tình cảm, tâm tư của tác giả vào tác phẩm mới thực sự có ý nghĩa sâu rộng.

Tuy nhiên, không được đồng nhất hình tượng tác giả với bản thân tác giả ở ngoài đời. Bởi như đã nói ở trên, sự tự thể hiện của hình tượng tác giả chính là kết quả của sự tự ý thức, tự đánh giá, tự miêu tả của tác giả. Hay nói cách khác, đó là bức chân dung tự họa của nhà văn.

Với tài năng nghệ thuật, những người nghệ sĩ có bản lĩnh thì bao giờ dấu ấn cá nhân của họ để lại trong tác phẩm cũng hết sức đậm nét. Đúng như nhà lí luận văn học cổ điển Trung Quốc, Viên Mai, trong Tùy viên thi thoại đã khẳng định: “Làm thơ không thể không có cái tôi, không có cái tôi thì dễ mắc phải tệ cóp nhặt, phô diễn” [50, tr.143].

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 52 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w