7. Cấu trúc của luận văn
3.1.2.2. Giọng điệu oán hờn, chua chát
Trong bối cảnh thời đại hỗn loạn, vương triều Lê – Trịnh không còn, bản thân Nguyễn Gia Thiều cũng bị xoáy vào cơn lốc của sự sụp đổ ấy. Ngoảnh lại quá khứ thì quá khứ đã lụi tàn, nhìn vào hiện tại thì hiện tại chỉ có đau thương, hướng về tương lai thì tương lai mù mịt, Nguyễn Gia Thiều hết sức buồn bã và chán nản. Đây chính là nguyên cớ giải thích vì sao giọng điệu
oán hờn, chua chát quán triệt khúc ngâm từ đầu cho đến cuối. Qua nhân vật người cung nữ, ta sẽ thấy rõ điều này.
Vốn quen thuộc, thấu hiểu chốn cung vua phủ chúa, chứng kiến tâm trạng bẽ bàng của các cung nữ tài sắc, Nguyễn Gia Thiều đã mượn lời người cung nữ nhằm phản ánh hiện thực đương thời với tinh thần phẫn nộ, oán hờn, cùng với tâm trạng chán chường của một lớp người thời đại.
Trước cái thực tại lẻ loi, đơn độc kéo dài ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, mà không có một chút thay đổi nào, Người cung nữ đã tỏ vẻ ngán ngẩm Cam công đặt cái khăn này tắc ơ. Và càng ngao ngán, chán chường bao nhiêu, nàng càng thấy oán hờn chua chát bấy nhiêu. Sự oán hờn, chua chát này được nàng thể hiện không những qua thái độ, việc làm, mà ngay cả ở những phát ngôn của mình.
Từ nỗi đau nhân thế của kiếp người bị ném vào cõi mệnh bạc, bể trầm luân, người cung nữ không thể kìm nén được bản thân, nàng quay sang thở than, trách móc đấng quân vương lỡ để mình duyên phận hẩm hiu. Mặt trời – nhà vua, từng một thời cùng nàng cười sương cợt tuyết mà Bây giờ đã ra lòng rẻ rúng. Lỗi ấy vì ai? Ai đã làm cả một đời người thành tàn tạ, khổ đau? Đó cũng là câu hỏi không cùng của số phận con người. Nàng vô cùng uất ức trước số kiếp của mình, và buông lời than thở:
Thù nhau chi hỡi đông phong.
Và nàng muốn tìm ra nguyên nhân:
Phận hẩm hiu nhường ấy vì đâu?
Đồng thời nàng oán trách “Nguyệt lão”, vị thần quyết định tất cả những mối tình duyên trên thế gian:
Xe thế này có dở dang không?
Những câu hỏi chất chứa căm hờn, uất hận, cho ta thấy một sự mỉa mai ở nàng cung nữ. Thực chất, đây là tiếng lòng, là tiếng uất ức, nghẹn ngào của nàng trước số kiếp Cho cam công kẻ nhúng tay thuyền chàm. Những câu hỏi nàng đưa ra không phải để được trả lời và thực chất cũng không được trả lời,
nó đã được cung nữ thốt lên rồi chìm vào oan khuất. Nàng hỏi, như để đay nghiến, như để tố cáo triều đình phong kiến và chế độ cung tần dã man đã cướp đi quyền sống, quyền hạnh phúc ái ân của nàng. Tất cả những câu hỏi ấy chứa đựng sự tuyệt vọng, oán hờn của cung nữ. Đó chính là những giọt nước mắt mà cung nữ tự khóc thương cho thân phận của mình. Nàng tự nhủ mình đẹp là thế, tài năng là thế, mà lại Khéo vô duyên với cửu trùng. Thắm nào nhuộm lại tơ hồng cho tươi. Nàng uất hận, bất mãn bao nhiêu, lại càng xót xa cay đắng cho thân phận bạc bẽo của mình bấy nhiêu.
Trước đây, nàng tự cho mình là Hạt mưa đã lọt miền đài các, nhưng hiện nay nàng buông tiếng thở dài:
Đường tác hợp trời kia dun dủi, Lọt làm sao cho khỏi nhân tình,
Không thoát được lưới tình của con người, nàng nhận ra cuộc sống nơi cung cấm hoàn toàn không như mình đã tưởng. Vì thế, nàng tỏ ra hối tiếc, bởi nếu biết sẽ rơi vào một chốn cửa quyền sang trọng, nhưng thực ra đã nguội lạnh, thì nàng không bao giờ vội vã vào cung:
Nghĩ nên tiếng của quyền ôi,
Thì thong thả vậy cũng thôi một đời.
Càng hối hận, nuối tiếc, nàng lại càng nhói buốt với cái buồn, cái khổ. Nàng cay đắng khi hiểu ra rằng không có cái gì trên đời đau đớn hơn bằng cái cô sầu:
Giết nhau bằng cái lưu cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa?
Nhận ra sự phi lí của trò “xe tơ hồng”, cũng như thân phận “cá chậu chim lồng” của mình, người cung nữ bắt đầu có ý nghĩ phản kháng, muốn vùng lên phá tan tất cả sự bủa vây, cương tỏa của lễ giáo phong kiến:
Đang tay muốn dứt tơ hồng,
Lời thơ như chất chứa sự căm hờn, đanh thép, cho thấy sự phản kháng mãnh liệt và khát khao thoát ra khỏi nơi “địa ngục trần gian” này, để tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Có lẽ trong văn học cùng thời và trước đó, chưa có người phụ nữ nào lại có sức phản kháng mạnh mẽ như nàng cung nữ trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều…
Trong Chinh phụ ngâm, người chinh phụ lúc đau khổ, tuyệt vọng nhất cũng chỉ than thở và bật lên những tiếng nức nở, nghẹn ngào:
Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi, Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề.
(Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn, dịch giả Đoàn Thị Điểm) Người cung nữ đã đi đến tận cùng của sự bực mình bằng ý nghĩ muốn
đang tay muốn đạp tiêu phòng để chấm dứt cuộc sống cung tần.
Hành động phản kháng dứt tơ hồng, đạp tiêu phòng mà ra của người cung nữ quả thực rất mạnh mẽ nhưng lai bị ức chế, như có một nỗi sợ cường quyền đang xâm chiếm tâm hồn, do đó nàng chỉ muốn chứ chưa thể làm. Đúng như Vũ Khiêu đã khẳng định: “Đạp tiêu phòng mà ra không chỉ là tâm trạng của người cung nữ mà là tâm trạng của tất cả những ai bị áp bức bóc lột, bị đối xử bất công, bị giam hãm trong cái tiêu phòng lớn gọi là thế gian này. Tâm trạng ấy chính là sự phản kháng của Nguyễn Gia Thiều. Nhưng sự phản kháng này chỉ diễn ra trong nội tâm, chứ không thể hiện bằng hành động. Đó là sự hạn chế của Nguyễn Gia Thiều và cũng là sự bế tắc của lịch sử trước những vấn đề cơ bản của nhân loại” [19, tr.21]. Bởi vậy nỗi căm hờn, uất ức của nàng cung nữ càng trở nên gay gắt:
Chống tay ngồi ngẫm sự đời,
Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm.
Nàng cung nữ muốn thét lên tất cả nỗi uất hờn với trời xanh, muốn kêu một tiếng cho dài, để giải tỏa hết những hờn căm đang gào thét sục sôi trong tâm hồn nàng. Nàng bất chấp tất cả, thách thức tất cả. Hành động phản kháng,
chống đối của nàng dù chỉ là trong ý nghĩ thôi cũng đã có sức mạnh to lớn lắm rồi, cũng cho thấy sự phản kháng mãnh liệt của những con người bị áp bức. Trong lúc xót xa cho bản thân mình, người cung nữ một lần nữa tỏ thái độ trách móc Nguyệt Lão, vị thần nỡ đem tình duyên của nàng ra mà đùa giỡn:
Trêu ngươi chi bấy trăng già? Sao con chỉ thắm mà ra tơ mành.
Nàng cũng trách cả tạo hóa đã bày ra cảnh vàng son, phú quý để nàng rơi vào kiếp đoạn trường:
Hóa công sao khéo trêu ngươi? Bóng đèn tà nguyệt dơ mồi kí sinh.
Sau những Lòng ngán ngẩm buồn tênh mọi nỗi, nàng chua chát thảng thốt: Buồn này mới gọi buồn sao!
Một đêm nhớ cảnh biết bao nhiêu tình.
Nàng lại tìm đến ngọn đèn và chòm sao tịnh đế, hai vật từng chứng kiến sự yêu chiều chăm chút của nhà vua đối với nàng trước đây. Vậy mà giờ đây nhà vua nỡ bỏ rơi nàng, để nàng cô độc. Nàng nhận ra một điều, bất cứ cung phi nào, dù đẹp như nàng: Má hồng không thuốc mà say. Nước kia muốn đổ thành này muốn long cũng chỉ là một thứ trò chơi tình yêu của lượng thánh, và nàng oán trách cho sự đa tình ấy:
Mà lượng thánh đa đoan kíp bấy, Bỗng ra lòng rún rẩy vì đâu?
Nàng đã tỏ ra bực bội:
Ví sớm biết lòng trời đeo đẳng, Dẫu thuê tiền cũng chẳng buồn tênh.
Dù chờ mong, oán trách như thế nào, thì cuối cùng người cung nữ vẫn rơi vào cảnh: Luống năm năm chực phận buồng không. Lúc này, nàng chợt bàng hoàng nhớ lại quãng đời mình cứ vùn vụt trôi qua Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi. Nàng thấy thời gian như vô tình vò xé lòng người, bằng chính bước đi gấp gáp:
Mắt chưa nhắp đồng hồ đã cạn,
Cảnh tiêu điều ngao ngán nhường bao,
Trong khung cảnh ấy, cung nữ vừa thấy thời gian trôi qua mau, vừa thấy thời gian lặp lại, khép kín đến nhàm chán. Và nàng không có việc làm gì hơn, ngoài việc đốt hương trầm nhiều gấp bội để mong xua đuổi sự ghẻ lạnh ghê ghớm của tạo vật:
Dơ buồn đến cảnh cỏn con,
Trà chuyên nước nhất, hương đùn khói đôi.
Rồi nỗi buồn, và sự chờ đợi của người cung nữ cứ diễn đi diễn lại: ngày nối ngày, tháng nối tháng, hôm nay không khác gì hôm qua, ngày mai cũng không khác gì hôm nay.
Có thể nói trong nền văn học Việt Nam trung đại, ít có tác phẩm nào có sự phản ứng lại đối với thực tại – thực tại ở đây là cuộc sống cung cấm, là chuyện của vua chúa – gay gắt quyết liệt như Cung oán ngâm khúc. Ngòi bút điêu luyện của Nguyễn Gia Thiều không có sự né tránh, kiêng nể. Điều đó có thể được giải thích một phần bằng địa vị của nhà thơ trong xã hội lúc bấy giờ. Ta lắng nghe thứ tiếng nói thốt lên từ chính địa ngục cuộc đời, thứ tiếng nói chan hòa máu và nước mắt của người cung nữ, mà như cảm được tiếng thở dài ảo não, tiếng thét căm hờn, tiếng nói trung thực nhất của Nguyễn Gia Thiều - một người đã sống và trải nghiệm cuộc sống cung tần đầy đoạn trường, khổ ải.