7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2.4. Một cái tôi với khát vọng hạnh phúc mong manh
Sau dòng hoài niệm quá khứ, bất mãn chán chường trước thực tại, người cung nữ lại quay về cuộc sống đầy đau khổ. Ngày ngày trước cảnh đấng quân vương - người từng thề thốt với mình, đang ân ái bên những người cung nữ khác - nỗi cô đơn dày vò, khiến tâm trí nàng luôn hi vọng một phép màu nhiệm sẽ đem hạnh phúc đã có khi xưa đến với mình một lần nữa. Tâm trạng của nàng là cả một khối mâu thuẫn, nàng vừa căm hận đấng quân vương,
nhưng đồng thời cũng không nguôi thương nhớ. Hết ngày rồi đến đêm, khi ngủ cũng như khi thức, lúc lên lầu khi xuống gác, khi đứng lại khi ngồi, người cung nữ đều mong ngóng tin vua. Khi bị bỏ rơi, thất vọng, nàng lại càng khao khát ái ân:
Tình rầu rĩ khôn khuây nhĩ mục, Chốn phòng không như dục mây mưa, Giấc chiêm bao những đêm xưa, Giọt mưa cửu bạn còn mơ đến rày.
Người cung nữ mãi mộng mị về một cuộc ái ân hiếm hoi khi xưa, cho nên nàng hết nhớ về quá khứ huy hoàng, lại nhìn vào hiện thực phũ phàng. Ngay khi nói về quan niệm nhân sinh của mình, nàng cũng trực tiếp bày tỏ khát khao một cuộc sống gia đình lứa đôi hạnh phúc và tự thấy thân phận của mình không bằng loài điểu thú:
Kìa điểu thú là loài vạn vật, Dẫu vô tri cũng bắt đèo bòng,
Có âm dương, có vợ chồng,
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.
Bức tranh thiên nhiên hiện ra trong sự quan sát của con người rất đa dạng và phong phú. Đây là cảnh chim đàn, ong lũ, là cảnh vạn vật quây quần đầm ấm bên nhau, trái ngược hẳn hoàn cảnh của cung nữ. Cảnh này trở thành tấm gương phản chiếu nỗi cô đơn, khắc khoải, đợi chờ đến héo mòn trong lòng nàng. Nó thổi bùng lên ngọn lửa khát khao hạnh phúc vốn đã thường trực âm ỉ cháy trong người cung nữ. Tất cả giao hòa âu yếm trong một tình yêu đôi lứa rạo rực và viên mãn, đồng thời khoét sâu nỗi đau về tình trạng phòng không chiếc bóng của cung nữ lên đến tột đỉnh, lại càng làm cho nàng khao khát ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc sum vầy, bình dị. Thiên nhiên đã chạm vào vết thương lòng đang rỉ máu của con người. Nàng so sánh số kiếp của mình với loài điểu thú và tự thương xót cho số kiếp của bản thân mình.
Trong Chinh phụ ngâm, tác giả và dịch giả cũng miêu tả một bức tranh thiên nhiên tương tự:
Chàng chẳng thấy chim quyên ở nội, Cũng dập dìu chẳng vội phân trương, Chẳng xem con én trên rường, Bạc đầu không nỡ đôi đường rẽ nhau. Kìa loài sâu đôi đầu cùng sánh,
Nọ loài chim chắp cánh cùng bay, Liễu sen là thức cỏ cây,
Đôi hoa cùng sánh đôi dây cùng liền.
(Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn, dịch giả Đoàn Thị Điểm) Vạn vật sinh ra có lứa có đôi là quy luật của tạo hóa. Người chinh phụ và người cung nữ đã phải sống khác, phải sống mà không được hưởng hạnh phúc ái ân, bởi vì xã hội phong kiến đã cướp đi bản năng của họ. Khung cảnh thiên nhiên hiện ra trước mắt họ như trêu cợt, mỉa mai; nhưng đó cũng chính là ngọn lửa khát khao hạnh phúc của họ. Đến lúc này, người chinh phụ trong
Chinh phụ ngâm thốt lên:
Ấy loài vật tình duyên còn thế, Sao kiếp người nỡ để đấy đây.
Còn nàng cung nữ trong Cung oán ngâm khúc thì chua chát ao ước:
Thà rằng cục kịch nhà quê,
Dẫu lòng nũng nịu nguyệt kia hoa này.
Rõ ràng, người cung nữ đã thấy cảnh nhà quê là cảnh sống đầy hạnh phúc. Đó là nơi sinh ra, nặng tình, nặng nghĩa. Nơi ấy dù lam lũ, đạm bạc, nhưng có hạnh phúc thật sự, còn ở nơi lầu son gác tía, dù cao lương mĩ vị nhưng cung nữ vẫn thấy nhuốm màu cô đơn.
Đối diện với tấn bi kịch của đời mình, cung nữ hối hận vì đã chọn sai đường và tìm cách chối bỏ thực tại nơi cung cấm, để khẳng định cuộc sống thanh đạm ấm áp tình người nơi thôn dã:
Cùng nhau một giấc hoành môn, Lau nhau ríu rít cò con cũng tình.
Sự đối lập giữa cuộc đời đầy nghiệt ngã nơi cung cấm và ươc mơ về một cuộc sống giàu tình người nơi thôn dã của người cung nữ, thực sự phủ nhận thực tại xã hội phong kiến. Ước mơ cỏn con và long lanh như một giọt nước ấy, biết chắc là không bao giờ thực hiện được. Chẳng phải có hàng trăm nghìn cung nữ vẫn chết già trong cung cấm đó sao? Người cung nữ mơ ước để mà ân hận, mà thấm thía hơn cảnh ngộ của mình. Cái hạnh phúc đêm đêm nhỏ nhoi này, cung nữ biết mình không thể nào còn vươn tới. Chế độ cung tần đã cướp đi hạnh phúc của nàng ở chốn thâm cung và cũng cướp đi quyền được hưởng điều đó của nàng ở ngoài xã hội. Mặc dù vậy, khát khao, hi vọng này ít ra cũng cho nàng một điểm tựa mong manh để tồn tại. Điều đó trên thực tế còn hơn gấp trăm nghìn lần sự chờ đợi vào tình thương của vua chúa phong kiến. Cuối cùng sau bao căm hờn uất hận, trong khung cảnh đêm khuya, trước ngọn đèn xanh lờ mờ, nàng cảm thấy cuộc đời như bóng câu thoáng bay qua cửa sổ. Người cung nữ giật mình thảng thốt nghĩ đến sự chảy trôi không ngừng của thời gian và sự phá tàn xuân sắc của bản thân mình:
Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi, Những hương sầu, phấn tủi bao xong.
và nàng lại quay về hi vọng đợi chờ:
Phòng khi động đến cửu trùng, Giữ sao cho được má hồng như xưa?
Câu thơ kết thúc gây thêm một niềm thương cảm vô hạn đối với số phận người cung nữ. Bởi lẽ, đó chẳng qua là một niềm hy vọng thấp thoáng, mong manh; chỉ là một ý nghĩ mơ hồ phòng khi mà thôi; nó không bao giờ thực hiện được.
Cung nữ vẫn lo sợ một ngày nào đó bỗng đấng quân vương nhớ tới; lúc ấy tuổi xuân đã qua, má hồng phai nhạt, thì biết tính làm sao? Người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm cũng lo nhất là mình sẽ bị già đi theo thời gian:
Nghĩ mệnh bạc, tiếc niên hoa. Gái tơ mấy chốc xảy ra nạ dòng. Nỗi lo này tuy có sự chua xót, đau đớn của nó, song không bẽ bàng, bởi vì dù sao trong nỗi lo của mình, người chinh phụ không thấy cô đơn vì nàng vẫn nghĩ đến sự đồng điệu đầy ân tình của chồng nàng. Còn người cung nữ thì không hề như vậy. “Chồng nàng” ở đây lại là nguồn gốc của tai họa xảy ra đối với đời nàng. Cho nên, trong nỗi lo của người cung nữ, bên cái chua xót, lại có cả cái phần mỉa mai, đắng cay, tủi nhục. Dù bằng cách này hay cách khác, cuối cùng cung nữ vẫn thể hiện được một điều duy nhất là khát khao về hạnh phúc lứa đôi. Vì nàng ý thức được rằng:
Sinh li đòi rất thì Ngâu,
Một năm còn thấy mặt nhau một lần.
Nàng đang sống: Trong gang tấc mặt trời xa bấy. Cái hiện thực gần mà xa, xa mà gần, khiến người cung nữ không thôi hy vọng...
Nếu trong Chinh phụ ngâm, ấn tượng cuối cùng của khúc ngâm để lại trong tâm trí người đọc là cảnh đoàn tụ mừng mừng, tủi tủi (dù chỉ trong tưởng tượng) của cặp vợ chồng trẻ cho bõ lúc sầu xa cách nhớ thì trong Cung oán ngâm khúc, điều mà các độc giả bị ám ảnh lại chính là khát vọng mong manh của người cung nữ, mà nàng không bao giờ thực hiện được. Do đó, sự khắc khoải đợi chờ này cứ vang vọng mãi một âm hưởng nuối tiếc, xót xa. Nhân vật cung nữ đã bày tỏ khát vọng của mình bằng tất cả những cung bậc tình cảm, từ hoài niệm quá khứ, đến thất vọng, phản kháng mãnh liệt, rồi lại hi vọng chờ đợi. Thật ra, trong dòng tâm trạng của nàng không có sự tách bạch giữa các trạng thái cảm xúc, mà chúng luôn chồng chéo lẫn nhau, luân phiên hồi hoàn. Nguyễn Gia Thiều cũng từng muốn như Lý Bạch, uống chén rượu để quên đi mối sầu vạn cổ, nhưng mối sầu vạn cổ ấy lại không dễ tiêu tan. Nó là vấn đề số phận của con người, là bạn đồng hành của nhân loại khi chưa tìm được cho mình một con đường giải phóng. Mọi con đường đều bế tắc, Nguyễn Gia Thiều vẫn chờ đợi, chờ đợi cái ngày nhà vua sẽ quay trở về
với người cung nữ, cũng như ánh sáng kì diệu nào đó sẽ đến với nhân loại đau thương.
Chúng tôi đã đi vào tìm hiểu cái nhìn nghệ thuật và sự tự thể hiện của hình tượng tác giả trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều. Qua việc miêu tả nhân vật người cung nữ, Nguyễn Gia Thiều đã cho chúng ta thấy một quan niệm hư vô, bế tắc về cuộc đời, cũng như một tấm lòng xót xa, thương cảm về thân phận người cung nữ. Từ đó, ông lên tiếng tố cáo sự xa hoa, trụy lạc của vua chúa trong xã hội phong kiến. Đồng thời, thông qua tâm trạng người cung nữ, Nguyễn Gia Thiều đã gửi gắm “cái tôi” của mình trong đó. Đó là một cái tôi khẳng định sắc đẹp; tài năng một cái tôi hoài niệm quá khứ; một cái tôi bất mãn, chán chường trước thực tại; một cái tôi với khát vọng hạnh phúc mong manh. Tất cả những điều đó đã tạo nên cái nhìn và sự tự thể hiện của Nguyễn Gia Thiều hết sức sâu sắc. Và điều này góp phần làm rõ thêm Hình tượng tác giả trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều.
Chương 3
HÌNH TƯỢNG TÁC GIẢ TRONG CUNG OÁN NGÂM KHÚC
THỂ HIỆN QUA GIỌNG ĐIỆU VÀ NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT 3.1. Giọng điệu nghệ thuật trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều
3.1.1. Giới thuyết về giọng điệu nghệ thuật
Cũng như cái nhìn nghệ thuật và sự tự thể hiện, vấn đề giọng điệu đã được các nhà nghiên cứu quan tâm sâu sắc. Nhiều bậc thầy nghệ thuật ngôn từ đã chỉ ra vai trò của giọng điệu, chẳng hạn như: M.B.Khapchenko, Turghenev, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Hoàng Ngọc Hiến, Hà Minh Đức,…Trong đó, công trình chuyên sâu Giọng điệu trong thơ trữ tình của tác giả Nguyễn Đăng Điệp đã tạo được sự chú ý của bạn đọc Việt Nam hiện đại.
Trong bất kì một tác phẩm nào, điều phải nhận ra là giọng điệu của nhà văn, vì đây cũng chính là cái phân biệt tác giả này với tác giả khác. Theo Trần Đình Sử: “giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Nếu như trong đời sống ta thường chỉ nghe giọng nói là nhận ra con người thì trong văn học cũng vậy. Giọng điệu giúp ta nhận ra tác giả. Có điều giọng điệu ở đây không giản đơn là một tín hiệu âm thanh có âm sắc đặc thù để nhận ra người nói, mà là một giọng điệu mang nội dung tình cảm, thái độ ứng xử trước các hiện tượng đời sống” [41, tr.112].
Cũng theo Trần Đình Sử, “nền tảng của giọng điệu là cảm hứng chủ đạo của nhà văn... Cảm hứng xuất hiện khi tác giả nói đến một cái gì cao cả, có ý nghĩa đối với tồn tại con người, nói đến niềm vui, nỗi đau, lòng căm giận có ý
nghĩa sâu rộng... Nếu cảm hứng là cao cả thì giọng điệu là cao cả, nhà văn sẽ dùng những từ ngữ to lớn, cổ kính. Nếu nhà văn có cảm hứng chính luận phê phán, bất mãn với thực tại thì sẽ có giọng điệu lên án, mỉa mai,…” [41, tr.111- 112].
Và “bên trong cảm hứng ấy là thái độ của nghệ sĩ đối với đối tượng miêu tả và đối với người đối thoại ở trong hay ngoài tác phẩm, là giọng điệu bắt nguồn từ bản chất đạo đức của tác giả” [41, tr.112]. Vì “giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả” [13, tr.134]. Điều này góp phần tạo nên phong cách nhà văn. Điều đó cho thấy ý nghĩa quan trọng của giọng điệu trong toàn bộ kết cấu tác phẩm, trong phong cách của từng nhà văn, nó làm nên cái tôi riêng trong sáng tạo nghệ thuật. Mà “cái của riêng mình dù là nhỏ bé nhưng là của riêng mình, đó chính là cái có giá trị lớn trong văn học và đem lại sự thích thú cho độc giả” [28, tr.220]. Tuy nhiên, không nên lẫn lộn giọng điệu với ngữ điệu là phương tiện biểu hiện của lời nói, thể hiện qua cách lên giọng, xuống giọng, nhấn mạnh… Nghĩa là giọng điệu đòi hỏi người nghệ sĩ phải có “khẩu khí” của riêng mình. Nếu trong cuộc sống, giọng điệu mang tính nhất thời, thì trong nghệ thuật, giọng điệu bao giờ cũng được tổ chức một cách công phu. Nó là kết quả của một quá trình lao động nghệ thuật thực thụ, được thử thách qua thời gian và mang dấu ấn phong cách riêng của mỗi tác giả. Vì thế, có thể nói nếu cá tính nhà văn mờ nhạt thì không tạo được tiếng nói riêng, giọng điệu riêng cho tác phẩm.
Trong lịch sử văn học, các tác giả lớn bao giờ cũng biết vươn lên để xác lập giọng điệu cá nhân của mình. Mặc dù, giọng điệu trong tác phẩm gắn với cái giọng “trời phú” của mỗi người, nhưng phải mang nội dung khái quát nghệ thuật, phù hợp với đối tượng thể hiện. Những tác phẩm có giá trị, giọng điệu thường rất đa dạng, có nhiều sắc thái, song vẫn dựa trên một giọng điệu cơ bản, chủ đạo. Đó là giọng điệu thể hiện tư thế của chủ thể phát ngôn qua lời văn nghệ thuật. Không thể có giọng điệu, nếu tác giả không có những rung
động sâu sắc, những nỗi đau, những xót xa trước thân phận con người, không sẻ chia với họ niềm vui và tình yêu cuộc sống,…Chỉ một khi thực sự rung động, chỉ một khi trái tim đập những mạch đập chân thành, nồng nhiệt, người nghệ sĩ mới tạo được tiếng nói đích thực của riêng mình. “Mọi sự giả giọng, mượn giọng, lặp lại giọng của người khác, nếu không nhằm để tạo nên một “chất” mới thì đó chỉ là cái nhăn mặt của Đông Thi mà thôi. Nó không bao giờ vươn tới được cái chau mày của Tây Thi” [9, tr.13]. Đây cũng là quan điểm của Turghev khi nói về những đặc điểm tiêu biểu của một nghệ sĩ chân chính: “Cái quan trọng trong tài năng văn học…và tôi nghĩ rằng cũng có thể trong bất kì một tài năng nào là cái mà tôi muốn gọi là tiếng nói của mình. Đúng thế, cái quan trọng là tiếng nói của mình, cái quan trọng là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì người nào khác… Muốn nói được như vậy và muốn có được cái giọng ấy thì phải có cái cổ họng được cấu tạo một cách đặc biệt, giống như của loài chim vậy” [28, tr.220]. Như vậy, giọng điệu của tác phẩm được tạo ra bởi một “bức vẽ” phức tạp của từ ngữ, đồng thời cũng là thước đo không thể thiếu để xác định thần thái và phong cốt của người nghệ sĩ. Nhà văn chỉ có thể nói một lời nói mới mẻ khi anh ta có được “tiếng nói của mình”, và tiếng nói đó càng mạnh bao nhiêu, cá tính sáng tạo của nhà nghệ sĩ xác thực và rõ nét bao nhiêu thì cống hiến của anh ta vào nghệ thuật càng lớn bấy nhiêu.
Hiện nay, giọng điệu được coi như một phương tiện cơ bản, quan trọng của thi pháp học hiện đại. Nghiên cứu sâu về nó người ta sẽ tìm thấy những đặc trưng cả về hình thức biểu hiện và ý nghĩa nội dung một tác giả, hay của cả một giai đoạn văn học.