Ma trận đánh giá các yêu tố bên ngoài được trình bày dưới đây dựa vào việc tóm tắt và đánh giá những cơ hội và nguy cơ từ môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến
B.B.C.C, trên cơ sở từ các phân tích về môi trường vĩ mô, môi trường vi mô ở trên kết hợp tham khảo ý kiến từ các chuyên gia.
Bảng 2.17: Ma trận đánh giá các yếu tố bên ngoài (EFE)
Thứ
tự Các yếu tố bên ngoài
Mức độ quan trọng của các
yếu tố
Phân loại Số điểm quan trọng
1 Sự ổn định về chính trị 0,11 4,00 0,44
2 Nhu cầu đá xây dựng sẽ tăng 0,11 4,00 0,44
3 Vay ưu đãi Quỹ đầu tư phát triển 0,10 3,00 0,30
4 Lợi thế từ cự ly trung chuyển 0,10 3,00 0,30
5 Nguồn đá nguyên liệu giảm dần 0,12 2,00 0,24
6 Ô nhiễm môi trường 0,10 2,00 0,20
7 Chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng 0,11 2,00 0,22
8 Chi phí đầu tư ngày càng cao 0,08 2,00 0,16
9 Đối thủ đầu tư mạnh mẽ 0,08 2,00 0,16
10 Cạnh tranh thiếu lành mạnh 0,09 2,00 0,18
Tổng cộng 1,00 2,64
Nguồn: Khảo sát và xử lý của tác giả, tháng 03/2011
Nhận xét: Ma trận được thiết lập dựa trên các yếu tố của môi trường bên ngoài
có ảnh hưởng quan trọng đối với B.B.C.C. Các cơ hội và nguy cơ đã được phân tích ở trên được phân loại cụ thể là: ở mức 4 là cơ hội nhiều nhất, 3 là cơ hội ít nhất, 2 là đe dọa ít nhất và 1 là đe dọa nhiều nhất, từ đó tính được tổng điểm quan trọng và so sánh với mức trung bình là 2,5.
Tổng số điểm quan trọng của B.B.C.C qua đánh giá từ ma trận là 2,64 cho thấy khả năng phản ứng của doanh nghiệp đối với các yếu tố bên ngoài là đang ở mức trên trung bình. Nghĩa là, B.B.C.C cũng đã tận dụng khá hiệu quả các cơ hội và hạn chế được phần lớn những nguy cơ từ môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến Công ty.
Qua ma trận đánh giá các yếu tố bên ngoài trên (Bảng 2.17), có thể rút ra một số cơ hội và nguy cơ chính yếu mà Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất
VLXD Biên Hòa (và có thể là cả các đơn vị cùng ngành) phải đối mặt trong thời gian sắp tới như sau:
○ Cơ hội :
1) Sự ổn định về chính trị: nền chính trị của đất nước vẫn được xem là ổn định, Nhà nước chủ trương khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, và cơ sở hạ tầng của đất nước vẫn còn lạc hậu so với các nước tiên tiến nên ngành xây dựng còn phát triển mạnh mẽ trong một thời gian dài.
2) Dự báo nhu cầu đá sẽ tăng: dù trong tương lai gần, sản lượng có thể sẽ giảm do chính phủ hiện đang xiết chặt đầu tư công, ảnh hưởng đến các công trình xây dựng, nhưng trong tương lai những năm tới nữa, các dự báo đều cho thấy nhu cầu về đá xây dựng sẽ tiếp tục tăng mạnh. Nhiều công trình trọng điểm có nhu cầu rất lớn về sản phẩm đá có chất lượng cao, sản phẩm đa dạng.
3) Vay ưu đãi Quỹ đầu tư phát triển: Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất bằng cách cho vay với lãi suất ưu đãi (ví dụ như thông qua Quỹ Đầu tư và Phát triển Đồng Nai)
4) Lợi thế trong việc trung chuyển: phần lớn các doanh nghiệp cạnh tranh trong ngành đều không bố trí được cự ly vận chuyển xuống phương tiện đường sông tốt như B.B.C.C, hầu hết đều di chuyển xa, có nơi không có băng chuyền tải đá, nên đây là một lợi thế đáng kể đối với B.B.C.C.
○ Nguy cơ :
1) Nguồn đá nguyên liệu dần ít đi: nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt dần, trữ lượng các mỏ đá ngày càng giảm xuống. Những quy định về khai thác tài nguyên khoáng sản, về an toàn, về môi trường... ngày càng khắt khe và chi phí phục hồi môi trường sau khi khai thác nhiều hơn.
2) Ô nhiễm môi trường sống do bụi khói từ hoạt động sản xuất dù đã được B.B.C.C nghiên cứu, ứng dụng nhiều biện pháp giảm thiểu, với chi phí đầu tư cao, vẫn phải đối mặt với việc đền bồi do kiện tụng, truy phạt sau kiểm tra...
3) Chi phí nguyên nhiên vật liệu ngày càng tăng, giá nhiên liệu, điện, sắt thép, vật tư, phụ tùng có xu hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Những quy định về sử dụng vật liệu nổ ngày càng chặt chẽ, khiến chi phí khai thác ngày càng tăng cao.
4) Chi phí đầu tư ngày càng cao: chi phí đền bù đất, nhà cửa, cây cối cho dân để thành lập, mở rộng mỏ khai thác ngày càng cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp.
5) Sự đầu tư mạnh mẽ của đối thủ cạnh tranh, nhất là trong đầu tư máy móc thiết bị có công suất lớn, hiện đại để nâng cao chất lượng và sản lượng, sẽ dần thu hút khách hàng của Công ty sang các đơn vị cạnh tranh.
6) Cạnh tranh thiếu lành mạnh: việc bán hàng (đá) không qua cân định lượng (bán theo xe, đo thể tích thùng xe đầy cảm tính), bán hàng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng của đối thủ cạnh tranh làm ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của B.B.C.C.
Tóm tắt chương 2
Trong chương hai, luận văn đã tập trung phân tích thực trạng môi trường kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất VLXD Biên Hòa, trong đó nổi bật là là các điểm chính sau:
- Giới thiệu tổng quan về B.B.C.C, trong đó có phân tích kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
- Phân tích môi trường kinh doanh của B.B.C.C, trong đó có phân tích môi trường bên trong, môi trường bên ngoài, đồng thời lập ma trận các yếu tố bên trong, ma trận hình ảnh cạnh tranh và ma trận các yếu tố bên ngoài, từ đó rút ra được các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ của Công ty.
Các nội dung đã phân tích và trình bày có tính chuẩn bị trong chương hai này là cơ sở để xây dựng và đưa ra các lựa chọn chiến lược kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất VLXD Biên Hòa trong chương 3 của luận văn.
CHƯƠNG 3
XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC KINH DOANH CỦA
CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN XÂY DỰNG VÀ SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG BIÊN HÒA ĐẾN NĂM 2020