Khác với ngôn ngữ không có tính nghệ thuật, chỉ nhằm mục đích chủ yếu là thông tin, truyền đạt một điều gì đó chính xác, nội dung được giới hạn chặt chẽ. Ngôn ngữ văn chương là ngôn từ nghệ thuật, bao giờ cũng mang dấu ấn của cá tính và phong cách nghệ sĩ.
Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Nhưng không phải bất cứ ngôn ngữ nào cũng là ngôn ngữ của văn học. Chỉ khi nào trong ngôn ngữ đời sống được trau dồi, mài dũa kỹ mới có thể chuyển tải được một cách nghệ thuật đời sống hàng ngày. Và mỗi nhà văn có phong cách riêng đều để lại dấu ấn về ngôn ngữ trên văn đàn. Trong bộ ba hồi ký Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt, Anh Thơ đã lựa chọn ngôn ngữ giàu chất thơ, giàu nhạc điệu.
Chất thơ là một thuật ngữ lí luận chỉ một phẩm chất đặc biệt của văn xuôi. Tác phẩm văn xuôi được xem là có chất thơ khi nội dung của nó đi sâu vào trạng thái cảm xúc, diễn tả diễn biến trạng thái chủ quan với những rung động tinh tế. Chất thơ còn nằm trong hình thức thể hiện. Đó là tính nhạc, sự hàm súc của ngôn từ, đó là sự linh hoạt của các thủ pháp nghệ thuật tạo cho giọng văn, lời văn có sức truyền cảm lớn. Chất thơ trong bộ ba hồi ký Anh Thơ toát ra cả nội dung và hình thức văn bản. Chất thơ thể hiện ở những rung động tinh tế trong tâm hồn tác giả, ở bức tranh thiên nhiên thơ mộng trữ tình, ở giọng điệu và ngôn ngữ nghệ thuật.
Anh Thơ là một thành viên của phong trào Thơ mới, dấu ấn lãng mạn của bà chính là những vần thơ trong sáng, tươi trẻ, thức tỉnh con người chính bởi hồn quê hương, hồn dân tộc. Phải chăng điểm đặc biệt ấy trong thơ bà đã nhuốm sang cả lĩnh vực văn xuôi, nhất là trong những trang hồi ký. Từ những vần thơ đầu tiên trong tập Bức tranh quê, đến những trang hồi ký tổng kết đời thơ của mình, Anh Thơ là người luôn đi tìm cái đẹp đời thường bình dị, mộc mạc. Đó là lòng yêu những cảnh vật đơn sơ, gần gũi của quê hương, yêu những người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Anh Thơ đã đánh thức sự đồng
điệu trong lòng độc giả từ những xúc cảm sâu kín về những kỷ niệm yêu dấu đã đi qua trong những chặng đời. “Đến được con đường hoa này, tôi đã phải đi giữa bao nhiêu con đường? Từ con đường mòn qua cổng nhà đến chợ, nối tiếp bước chân của bao nhiêu thế hệ phụ nữ, nối tiếp bước chân của bà của mẹ tôi xưa. Rồi con đường đi vào cách mạng, con đường đầy cờ tháng Tám. Những con đường heo hút giữa rừng kháng chiến, áo mỏng thấm gió sương. Những con đường đầy bom đạn ác liệt của giặc Mỹ. Hai mươi tám năm con đường sống và cũng là con đường thơ, con đường của tình yêu thương và chiến đấu” [74, 10]. Nhiều trang viết trong hồi ký có kết cấu trùng điệp, tạo vẻ đẹp cân đối, hài hòa: “Không phải tôi không yêu cái bếp, cái bếp ấm cúng của gia đình… Không phải tôi không yêu cái nhà của tôi, cái nhà lúc thì năm gian lợp rạ… Không phải tôi không yêu cái chợ, cái chợ trung du ở Bắc Giang…Không phải tôi không yêu những nơi đó, mà từ những nơi đó, tôi còn muốn vươn xa…” [74, 10]. Hiện tượng lặp cấu trúc trong hồi ký Anh Thơ xuất hiện tương đối nhiều, đặc biệt là khi bà nói về những nỗi nhớ miên man, về bến sông Thương, về gia đình. “Những buổi trưa thiu thiu trên võng me nghe tiếng lá mít rụng ngoài vườn… Những chiều hè cùng cô tôi ngồi bên hồ Thùng Đấu… Những đêm trăng, đứng nép dưới giàn hoa thiên lý”. Thành công về mặt ngôn ngữ trong hồi ký của Anh Thơ còn là chất thơ toát ra từ hệ thống các biện pháp tu từ mà tác giả sử dụng. Trong đó, nghệ thuật điệp từ được Anh Thơ sử dụng khá đắc địa. “Nào cây trúc vươn thẳng như người quân tử; nào cây sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”; nào cây mai sương tuyết mùa đông hoa lại càng trắng đẹp; nào cây thong trong gió lạnh” [74, 19].
Để làm nên chất thơ trong ngôn ngữ, nhạc điệu đóng một vai trò rất quan trọng. Tính nhạc trong văn xuôi không rõ ràng như trong tác phẩm trữ tình nhưng chính âm hưởng, tiếng vang của nó lan tỏa trong lòng người đọc lại chính là tiếng nhạc đậm đà nhất. Hồi ký Anh Thơ là một lối văn có nhịp. Nhịp điệu chậm buồn, nhẹ nhàng, êm ái chính là nhịp điệu của tâm hồn tác
giả và đó là nhịp điệu chủ đạo trong toàn bộ tác phẩm. “Một buổi sáng, ngọn gió bấc đầu mùa đánh rơi mấy tàu cau vàng, lạt sạt trước dãy tường hoa. Mùi sen tàn úa từ bến Thùng Đấu thoáng vào, đem theo hơi sương lạnh của cả một gương hồ rộng. Bầu trời trước hiên nhà tôi như thấp xuống. Thoáng bóng đàn nhạn bay tránh rét vụt qua. Mùa đã tàn thu, tự nhiên tôi thấy càng buồn, một cái buồn vu vơ không căn cứ” [74, 88]. Thế nhưng, bên cạnh đó, chúng ta còn thấy xuất hiện trong bộ ba hồi ký những câu văn với tiết điệu nhanh: “Căn buồng vẫn là một thế giới riêng của tôi. Cô tố nữ thổi sáo. Con hạc vỗ cánh bay, hoa sen vẫn nở, bóng tùng trúc vẫn xanh. Khao khát thiên nhiên cao rộng, tôi nhìn vào đó tưởng tượng mình đương ở những núi non xa. Và những cây, những người, những chim chóc trong tranh đều lung linh như thật. Bóng tuyết như làm trắng thêm hoa mai. Lũ hạc bay theo tiếng sáo. Tôi lại làm thơ, làm thơ bên chiếc giường có đứa em không mẹ. Làm thơ cả những lúc đứng trên cối gạo với vú em” [74, 32-33]. Nhịp nhanh còn được thể hiện qua những đoạn văn có nhiều câu văn ngắn, một không khí có phần ngột ngạt: “Bỗng nghe tiếng thước đập mạnh lên bàn. Tôi giật mình quay lại, bà giáo đang quát gọi tên tôi. Tôi đứng dậy… Bà lấy thước đánh vào người tôi. Tôi ức quá vùng dậy khỏi tay bà, chạy về” [74, 15].
Chất thơ trong hồi ký được biểu hiện ở việc diễn tả những rung cảm tinh tế của chính mình khi lần đầu tiên có một chàng thi sĩ đang rất nổi danh - Nguyễn Bính, để ý, đó là cuộc gặp gỡ đầy háo hức, bối rối. “Gió may vẫn thổi dài suốt dọc đường đi. Trời hơi u ám. Lòng tôi càng bâng khuâng - chả gì mình cũng có một đương kim thi sĩ lặn lội từ Hà Nội lên tìm. Chàng đang đứng đợi bên sông. Ôi! Người trong mộng, người lý tưởng, người tôi yêu bằng cả trái tim thơ tha thiết. Tôi đang là nữ chúa ngự trong những vần thơ đẹp của chàng. Tôi lẩm nhẩm đọc bài thơ Công chúa hoa và trạng nguyên bướm của anh mới làm gửi tặng tôi” [74, 97]. Thế nhưng, điều mong chờ đã không thành hiện thực, vì bà đã không thể tìm được sự đồng điệu ở chàng thi sĩ này. Vốn là một cây bút của trào lưu lãng mạn, thành viên của phong trào
Thơ mới, Anh Thơ chịu ảnh hưởng của trào lưu này trong việc sử dụng ngôn ngữ. Trong đó phải kể đến các biện pháp tu từ được Anh Thơ sử dụng, yếu tố tạo nên chất thơ trong văn xuôi của bà. Đó là sự xuất hiện thán từ “Ôi”, thường được thốt lên mỗi lúc tác giả muốn bộc lộ cảm xúc trào dâng, hoặc vui sướng, bất ngờ: “Ôi nàng thơ áo trắng! Ôi người đẹp sông Thương!... Ôi em của tôi!” [74, 98]. Hoặc thất vọng ngân dài đến nghẹn ngào: “Ôi giấc mộng yêu đương của ta!”, hay xót xa thương cảm: “Ôi! Sao tôi lại gợi lại cảnh sống ấm no hạnh phúc gia đình cho các em, giữa lúc chúng sắp chết đói này!”. Anh Thơ sử dụng nhiều câu hỏi tu từ cật vấn tâm can gợi biết bao bùi ngùi. “Thế là thế nào nhỉ?”, “Cẩm Văn có thật âu yếm ả đàn bà đó không?”, “Bây giờ tôi phải làm gì đây? Viết thư cho anh để hỏi rõ đầu đuôi? Cắt đứt hết mọi chuyện giả dối? Nhưng anh đâu có giả dối? [74, 281]. Kể lại những khoảnh khắc đau khổ, dằn vặt ấy, Anh Thơ đã sử dùng nhiều câu hỏi: “Tại sao tôi lại khóc nhỉ? Phải thù thì mới đúng hơn? Nhưng thù ai? Ả cô đầu đó có đáng cho tôi thù không? Cũng không thù được Cẩm Văn” [74, 295]. Đó là những lời độc thoại thể hiện sự giằng xé trong nội tâm của nhân vật.
Ai cũng đã trải qua mối tình ngọt ngào thơ mộng. Ai rồi cũng có sự hồi hộp của buổi hò hẹn đầu tiên. Đọc những dòng cảm xúc này, cuộc sống và tình yêu trong mỗi người bỗng trỗi dậy. Nó thức tỉnh tâm hồn con người, giúp ta yêu hơn, trân trọng hơn những cảm xúc ngọt ngào, những phút giây hạnh phúc đã có, đang có trong cuộc đời. Đi sâu vào các cảm xúc tinh tế, ngôn ngữ Anh Thơ nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình man mác, đem đến cho bạn đọc những trang văn trong sáng, thuần khiết của tiếng Việt. “Anh dắt tôi đi trên con đường giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Gió may gợn lăn tăn mặt sóng hai hồ. Lá phượng vĩ rơi như trận mưa vàng, phấp phới quanh chúng tôi. Mặt hồ Tây, những chiếc buồm, những thuyền chèo tay, đang tới tấp. Bóng các chàng trai cô gái Hà Nội làm tươi sáng cả nước trời. Cuộc sống mở ra trước mắt tôi đầy màu sắc trẻ trung. Tôi nhìn Cẩm Văn với cả một niềm vui hạnh phúc” [74, 251]. Yêu thương và trân trọng, giọng văn
trong hồi ký Anh Thơ vì thế mà mang một hơi thở ấm áp, tạo nên sự đồng cảm sâu sắc, rút ngắn khoảng cách độc giả và tác giả.
Chất thơ trong hồi ký Anh Thơ thể hiện qua việc miêu tả hồn người, việc nắm bắt những rung cảm hết sức tinh tế. “Dòng sông Hồng bỗng rực rỡ hẳn lên dưới nắng trưa… bất giác tôi bỗng thấy mình như được sống vai chính trong tập tiểu thuyết Bến Ly giang, đoạn tuyệt cuộc đời cũ, một cuộc đời đầy thất vọng, bơ vơ để bước vào con đường chiến đấu có bè, bạn, có tổ chức, có mọi người dân đông đảo cùng đi” [74, 417]. Anh Thơ khéo hòa quyện và kết hợp xen kẽ những vần thơ tạo ra một nét đặc trưng trong hồi ký. Miêu tả hình ảnh một Chủ nhiệm châu, Việt Hương, đẹp rắn rỏi, dịu dàng nắm chặt dây cương, luôn tay quất ngựa. Gió xuân thổi lộng. Nắng sớm, xua tan sương trên những ngọn cây rừng. Dọc bờ sông Mẹt. Bà cao hứng ứng khẩu ngay mấy câu thơ: Đất nước mai này rạng nắng xuân/ Ngựa hồng cao vó phới hồng vân/ Giang sơn một mối, ta là chủ/ Nườm mượp cờ lên đỏ núi ngàn” [74, 512]. Có lúc bà lại hoá thân thành một người phụ nữ đời thường, bình dị như vốn có trong nhiệm vụ nuôi quân. Thương anh em đêm còn phải nhịn đói hành quân dưới sương lạnh một ý thơ nảy ra, bà viết luôn bài thơ Lửa hờn: Các anh đi rồi, đêm lạnh/ Mình tôi lửa bếp bùng cao/ Như ngọn lửa hờn đang bốc/ Cho tôi cháy nỗi riêng, đau!... [74, 441]. Anh Thơ là người phải chứng kiến nỗi đau đất nước chia cắt. Đến mảnh đất giới tuyến Vĩnh Linh, đứng trên cầu Hiền Lương, lòng tự nhiên quặn thắt, nhìn ra bến đò Nam vắng ngắt, lá cờ ba que rủ xuống như người gục đầu. Bà viết bài Gửi má miền Nam nói lên nỗi buồn thương nhớ mẹ, và an ủi mẹ ít lời. Một bến đò không chở khách sang/ Một nhịp cầu giữa chừng ngăn bước/ Con đến đây lòng sao đau buốt…/ Chạnh nhớ tình chồng, thương mẹ miền Nam!” [74, 924].
Ngôn ngữ trong hồi ký Anh Thơ là ngôn ngữ giàu cảm xúc, chất chứa nỗi lòng và tình cảm của người viết. Là người trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử đất nước, nếm trải nhiều tủi nhục, căm hờn, Anh Thơ mới có được niềm vui tràn ngập khi hay tin chiến thắng, Nam - Bắc thống nhất, trọn niềm vui, lặng người
cảm động. “Ngoài trời pháo hoa sáng rực cả mặt hồ Văn Chương, tiếng trống ếch của thiếu nhi. Tiếng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”… rộn ràng, lòng tôi phơi phới cũng tự ngâm thơ mình; nhất là mấy câu cuối: Má ơi! rồi má gặp nàng dâu/ Gặp cháu gái đang mong về với nội!/ Có nỗi vui nào cả bốn nghìn năm mở hội/ Nam - Bắc một nhà, thế giới cùng vui chung” [74, 1111].
Cái độc đáo của hồi kí Anh Thơ chính là việc tác giả trích dẫn thơ khá nhiều. Những bài thơ, khổ thơ được nhà thơ trích dẫn khéo léo đã làm cho tác phẩm hồi ký của Anh Thơ thấm đẫm chất thơ, gần gũi và khơi gợi ở lòng người đọc những cảm xúc đồng điệu. Chất thơ trong văn xuôi nói chung, trong các tác phẩm hồi ký nói riêng chính là tính chất trữ tình, tính chất được tạo nên từ sự hoà quyện giữa vẻ đẹp tâm trạng, cảm xúc với vẻ đẹp của cách biểu hiện nó nhằm khơi gợi những rung động thẩm mỹ và tình cảm nhân văn. Chất thơ trong hồi ký văn học còn có sức truyền cảm, cảm hoá lớn, là tiếng lòng của tác giả tìm đến sự vận động trong tâm hồn bạn đọc. Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt của Anh Thơ đã làm được điều đó.
Tiểu kết:
Trong chương ba, chúng tôi đi sâu tìm hiểu hồi ký Anh Thơ trên những phương diện nghệ thuật: ngôn ngữ và giọng điệu. Đây là phương tiện thể hiện nội dung đồng thời cũng là yếu tố nhằm bộc lộ phong cách văn xuôi của tác giả. Qua đó có được những nhận định khái quát về đặc điểm hồi ký của Anh Thơ. Trong quá trình xây dựng chân dung và phản ánh các sự kiện, Anh Thơ luôn quan tâm tới việc tìm tòi, trau dồi văn phong để phù hợp với nội dung biểu đạt. Hồi ký Anh Thơ không sử dụng thuần nhất một giọng điệu mà đan xen các sắc thái giọng điệu khác nhau, trong đó, giọng điệu chủ đạo là trữ tình sâu lắng. Ngôn ngữ Anh Thơ giản dị, tinh tế, tự nhiên, nhẹ nhàng uyển chuyển, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc và đậm chất thơ. Ba tập hồi ký Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt được xem là tác phẩm tổng kết cuộc đời thơ, đời văn của nữ sĩ mang âm hưởng trầm buồn nhưng có sức lan tỏa lớn.
KẾT LUẬN
1. Anh Thơ là một trong những cây bút thơ nữ tiền chiến hàng đầu có sức sáng tạo dồi dào, bền bỉ, có nhiều đóng góp lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Bà được biết đến với danh hiệu “nàng thơ áo trắng sông Thương” từ khi gia nhập phong trào Thơ mới bằng giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn năm 1939, một tao đàn văn học có uy lực thời kỳ đó. Dường như danh hiệu ấy phần nào nói lên cốt cách và đặc điểm hồn thơ của nữ sĩ: trong trẻo, mộc mạc, giản dị, sâu nặng với quê hương.
2. Anh Thơ đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trải qua hai giai đoạn văn học trước và sau Cách mạng. Ở thời kỳ nào, Anh Thơ cũng có những đóng góp đáng ghi nhận. Anh Thơ là cây bút tài năng. Sinh thời, bà làm thơ, viết báo, viết tiểu thuyết, phê bình văn học và viết hồi ký. Tinh thần lao động nghiêm túc, miệt mài hướng văn chương đến những giá trị chân - thiện - mỹ của bà là điều rất đáng trân trọng. Ba tập hồi ký Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2002, hơn một nghìn trang, thực sự là một tác phẩm có sức hấp dẫn đối với độc giả, góp phần tô đậm tên tuổi và sự nghiệp sáng tạo Anh Thơ. Tập 1 kể chuyện thời thơ ấu và thời trẻ bà đã học làm thơ và đã thành công