Vốn là một người yêu thích văn thơ, Anh Thơ đến với thơ khoảng năm 1936, giai đoạn Thơ mới đang thời kì vàng son. Từ đó bà không ngừng miệt mài, tìm tòi sáng tạo, cống hiến nghệ thuật cho đến khi từ giã cõi đời. Sự nghiệp văn chương của Anh Thơ xuyên suốt hai giai đoạn: trước và sau Cách mạng tháng Tám. Sáng tác từ rất sớm và rất bền bỉ, Anh Thơ là một trong số rất ít nữ sĩ tiền chiến có khối lượng các sáng tác khá đồ sộ như: Bức tranh quê, (thơ, 1941); Xưa (thơ, in chung, 1942); Răng đen (tiểu thuyết, 1943);
Hương Xuân (thơ, in chung 1944), Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ, 1957);
Theo cánh chim câu (thơ, 1960); Đảo ngọc ( thơ, 1964); Hoa dứa trắng (thơ, 1967); Mùa xuân màu xanh (thơ, 1974); Quê chồng (thơ, 1979); Lệ sương
(thơ, 1995), Từ bến sông thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt (hồi ký văn học, in chung 2002).
Trước Cách mạng tháng Tám, Anh Thơ là cộng tác viên và đã có nhiều tác phẩm đăng trên nhiều tạp chí xuất bản tại Hà Nội như Tiểu thuyết thứ năm, Ngày nay, Hà Nội báo, Phụ nữ, Bạn đường…
Sau Bức tranh quê, Anh Thơ làm báo Đông Tây, cùng với thi sĩ Quỳnh Dao. Có thể nói, Anh Thơ là một trong số rất ít phụ nữ Việt Nam đầu tiên tham gia làm báo, làm xuất bản. Sau chuyến đi làm phóng sự về các bà vợ của các nhà văn nổi tiếng, Anh Thơ bắt đầu hướng ngòi bút về những thân phận phụ nữ và tìm thấy những cảm hứng sâu xa bắt nguồn từ chính cuộc đời mình. Dường như thơ không diễn tả hết những gì đang chứa chất, bà viết văn xuôi. Tiểu thuyết Răng đen lấy mẫu nhân vật chính bà mẹ suốt đời nuôi chồng, nuôi con. Đã cùng bạn gái viết chung cuốn tiểu thuyết Bến Ly Giang
kể chuyện những người con gái ở bến sông tìm mọi cách để chia ly với cảnh bế tắc (vì thế gọi tên bến là Ly Giang) nhưng gặp không ít lúng túng trong việc tìm được đoạn kết của sách, vì không biết sau khi rời bến cũ các cô gái sẽ đi đến bến bờ nào. Về sau Bến Ly Giang cũng không được in vì bị kiểm duyệt. Có lẽ vì thế mà sau này Anh Thơ quyết định ra thiên hồi kí Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt kể lại chính cuộc đời mình đã làm được những gì mà các nhân vật trong Răng đen và nhất là Bến Ly Giang chưa làm được.
Sau nhiều trải nghiệm, chúng ta thấy, tình yêu lớn nhất và sự nghiệp lớn nhất của bà là thơ. Bà là một phụ nữ có thiên bẩm về thơ và là nhà thơ nữ xuất sắc của thơ ca Việt Nam hiện đại. Cùng với Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính…Anh Thơ tạo nên vẻ đẹp chân quê Việt Nam mà Hoài Thanh, Hoài Chân tâm đắc nhất trong Thơ mới. Đó là cách nhìn nhận vừa dân tộc vừa hiện đại. Điều đó ngày nay càng được xem trọng và rất cần thiết.
Điều đáng quý ở nữ sĩ là bà không tự hào hoặc lớn tiếng tuyên bố về lý do làm thơ rất sang trọng và cao ngạo như nhiều nhà thơ khác. Lý do đến với thơ của bà rất thật và cũng rất giản dị: “Tôi làm thơ chỉ vì buồn. Cha tôi dạy các anh em trai của tôi làm thơ, tôi ngồi trong buồng nghe lỏm được và làm theo thôi. Phận nữ nhi trong một nhà nho truyền thống hiển nhiên phải tập gương sáng công dung ngôn hạnh, phải thấm nhuần đạo tam cương ngũ thường chứ không phải học làm thơ” [86]. Thực tế, Anh Thơ đã phải rất can đảm vượt qua sự hà khắc và gia phong để đến với thơ, đến với văn chương. Chính vì lẽ đó, Anh Thơ có quan niệm: “Thơ phải ngắn gọn, không nên rườm rà, phải nói ít viết ít mà người đọc lại hiểu nhiều. Thơ hay phải là những gì tinh tuý, vĩnh cửu nhất từ trong tâm hồn con người. Người làm thơ cũng đừng cầu kì câu chữ quá mà khiến cho người đọc khi đọc rồi cứ phải suy luận. Thơ là hào quang soi rọi những bước đường kháng chiến gian khổ nhất. Thơ giải phóng được cuộc đời bình lặng của lớp người con gái dưới thời phong kiến. Tôi yêu thơ như yêu một lẽ sống ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi” [53]. Ngay
cả khi Anh Thơ chưa được giác ngộ, trước Cách mạng, bà đã thấy: “Tôi chưa có ý thức văn nghệ là phục vụ giai cấp, là giáo dục quan điểm, lập trường xây dựng. Nhưng tôi không thích những bài thơ tả cảnh ăn chơi truỵ lạc và đưa người ta đến cảnh sống tiêu mòn chí khí” [74, 168]. Có lẽ xuất phát từ những suy nghĩ như vậy mà trước Cách mạng tháng Tám, Anh Thơ không giống như nhiều nhà thơ đương thời khác, lấy tình yêu, lấy sự uỷ mị của tình cảm, tiếng gào thét của ái tình làm nguồn sáng tác. Ngược lại, Anh Thơ viết về thiên nhiên làng quê, về nếp sống phong tục làng quê. Vì thế, với tài năng và cá tính sáng tạo của mình, bà đã tạo nên trong thơ mình một nét riêng đặc biệt độc đáo mang đậm dấu ấn cá nhân của khuynh hướng “chân quê”, đồng thời chiếm một vị trí khá vững trên thi đàn.
Sau Cách mạng tháng Tám, Anh Thơ mở rộng đề tài và nguồn cảm hứng sáng tác. Cũng giống như một số nhà thơ tiền chiến khác, bà xoay ngược cái nhìn hướng vào nội tâm mình để khám phá thế giới sang cái nhìn hướng ra ngoại cảnh để hân hoan chào đón những con người cụ thể, những địa danh cụ thể. Thơ bà nói nhiều đến những nét đẹp cuộc sống mới, những con người mới, chủ nghĩa anh hùng của con người Việt Nam. Vì thế, sáng tác của bà đóng góp lớn vào nền văn học nước nhà, và bà đã đạt được nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Tự lực văn đoàn (1939) với tập thơ Bức tranh quê, Tặng thưởng của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 1956 với truyện thơ Kể chuyện Vũ lăng, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 và nhiều huân huy chương khác.