hội
Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sau ngày giải phóng năm 1954, được bà miêu tả qua nhiều điển hình tiên tiến. Đó là nông trường Mộc Châu “đa số là lính chiến Điện Biên Phủ ở lại làm kinh tế. Đặc biệt có một kỹ sư chăn nuôi mới tốt nghiệp ở Liên Xô về”. Cô kỹ sư khoảng ngoài hai mươi tuổi, có chồng cũng là kỹ sư ở Hà Nội, mới cưới được vài tháng vui vẻ tâm sự, nông trường mới thành lập, được lên đây cũng vui, vì được làm công việc mà mình yêu thích. Họ là những con người mới trong xã hội mới, dám nghĩ dám làm với mục đích xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Đó là lâm trường chống cát biển xâm lấn ở Quảng Bình. Để trồng được dải cây trên mấy chục cồn cát, các công nhân đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, trồng đi, trồng lại, nào thông, nào tre nứa, nhưng không cây gì sống được với cát. Sự tai hại của cát cứ ngày đêm nhè nhẹ êm êm như mưa phùn bay từ ngoài khơi vào, phủ dần dần kín hết đồng ruộng, xóm làng. Đó được xem là cuộc xâm lăng “nhẹ nhàng và quyết liệt”. Bao đời nay, bà con cứ phải tản cư lùi dần vào phía trong mà cát cứ đuổi theo, chỉ có phi lao, vì có bộ rễ ăn thật sâu vào lòng đất mới sống được. Họ đã học được cách giữ độ ẩm cho cây bằng cách vớt những cây dong ở khe nước, đem về ủ kín gốc cây. Nhìn từng người công nhân gánh dong lên đồi cao, nón mê, áo vá, chân trần, thấy được cái nóng cháy bỏng của cát, Anh Thơ cảm thấy tất cả sự gian khổ
của người trồng cây. Vì thế, các công nhân “mới chính là những người sáng tác ra những bài thơ cuộc sống” [74, 922] để dương liễu lên, làng xóm có bóng mát, nước lại về suối, ngô, lúa lên xanh”.
Đi thực tế ở Quảng Bình, đoàn nhà văn được vào Vĩnh Linh, mảnh đất giới tuyến chịu nhiều ác liệt của chiến tranh. Thế nhưng, bây giờ nơi đây có nông trường cà phê, nông trường hồ tiêu, nông trường lúa mọc lên, người dân có công ăn việc làm, cơm no áo ấm. Bộ mặt bờ Bắc tươi đẹp thế này là động lực để “nhân dân hai miền tin tưởng ở chế độ” [74, 923]. Thực trạng đất nước được tái hiện qua hình ảnh cây cầu Hiền Lương, cây cầu chia cắt đôi bờ sông Bến Hải, chia Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc. Cách một con sông mà đó thương đây nhớ/ Cách một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa. “Anh đồn trưởng vừa dẫn chúng tôi lên cầu Hiền Lương. Sắp đến vạch xanh bên Nam cầu, anh giữ chúng tôi đứng lại, lòng tôi tự nhiên quặn thắt, nhìn ra bờ Nam vắng ngắt, lá cớ ba que rủ xuống như người gục đầu. Mấy lính nguỵ đi đi, lại lại, tôi cứ thấy tức sôi…” [74, 923]. Ký ức thời đại của hai miền Nam - Bắc còn được phản ánh trong hình ảnh lớp học bổ túc của các cán bộ cốt cán, nhất là các chị phụ nữ miền Nam. Hình ảnh làm tác giả cảm động nhất là chị Mơ (Một học viên người Sài Gòn được đi tập kết). Chồng chị tình nguyện ở lại bám dân để hoạt động. Anh đưa chị xuống tàu ra Bắc, được ba tháng thì bị lộ và bị Diệm giết ngay tại hầm bí mật. Chị đến lớp học với dải khăn tang chồng, thả ngang vai. Chị học ngày, học đêm để “mau có vốn kiến thức, trở lại Sài Gòn hoạt động “trả thù chồng, đền nợ nước” .
Không khí chiến tranh ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ được miêu tả rất rõ trong tiếng loa báo tin Mỹ ném bom tàn phá Quảng Bình, Vĩnh Linh. “Dưới gác lố nhố cả nhà tập thể 104 toàn bác sĩ, y tá miền Nam, đang xôn xao nghe loa công cộng, oang oang: Địch đã dùng máy bay ném bom miền Bắc. Dân quân Quảng Bình, Vĩnh Linh đã anh dũng chiến đấu hạ được bốn chiếc máy bay. Giặc lái đứa chết cháy, đứa bị ta bắt sống [74, 968]. Giặc Mỹ còn đánh ra miền Bắc để uy hiếp hậu phương và chặn đường tiếp tế của ta
vào Nam. “Giặc Mỹ lại đem B52 đánh Hải Phòng rồi. Chắc nó cũng chả để yên Hà Nội” [74, 1026]. Nhưng nó không ngờ ta đã chuẩn bị sẵn sàng, nên ngay lượt đầu máy bay Mỹ bay ra Quảng Bình, Vĩnh Linh, quân dân ta đã bắn chúng nó rơi “khắp rừng, trên bể”.
Hồi ký còn tái hiện ý chí quyết tâm của quân và dân ta. Hoà bình dù đã mười năm, nhưng trong quân đội, vẫn luôn luôn báo động cấp ba, không tiếc đổ mồ hôi tập luyện. Thằng Mỹ chủ quan, cứ tưởng làm một cú ném bom bất ngờ ra miền Bắc, thì chúng ta bị động. Không ngờ chúng lại bị tan xác. Hồi ký đồng thời tái hiện được hình ảnh những tên lính Mỹ bước vào trận chiến với một sự lo sợ, nản lòng. “Bùa hộ thân của giặc Mỹ viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh, Pháp: Tôi là người Mỹ, gặp bước không may. Không nói được tiếng Việt Nam. Tôi nhờ quý ông giúp đỡ cho thức ăn, chỗ ở, rồi tôi muốn nhờ quý ông đưa đến người nào có thể che chở cho tôi và đưa tôi đến cơ quan nào có thể đưa tôi về nước Mỹ. Chính phủ tôi sẽ cám ơn quý ông” [74, 976].
Trong những ngày chống Mỹ, một sự kiện không thể nào quên của quân dân ta đó là mất đi người lãnh đạo tối cao, nguồn động viên tinh thần vô giá, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng hồ điểm năm tiếng, tiếng cô phát thanh viên bồng như nghẹn ngào, đầy nước mắt. “Tôi lo sợ cố nghe xem cô phát thanh viên nói gì vì vừa hôm qua cô báo tin Bác Hồ mệt nặng… Thế là Bác đã mãi mãi ra đi “Liên lạc của Hội Nhà văn Việt Nam đến gọi tôi mau đến cơ quan để cùng Ban Chấp hành Hội đến Ba Đình viếng Bác. Tôi đạp xe đi giữa đám người, từ các dãy phố, đổ ra đầy đường kêu khóc… [74, 1036]. “Trời vẫn mưa sụt sùi… Đến Hội trường Ba Đình tôi lặng nhìn vẻ mặt đau buồn của các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ và các đồng chí đang trực bên linh cữu. Một tổn thất quá lớn giữa thời kỳ đánh Mỹ, đã mất vị chỉ huy tối cao… Tôi vừa nghĩ đến đấy thì có tiếng huỵch sau lưng… Anh Bàng Sỹ Nguyên cảm xúc quá mạnh nên bị ngã, mọi người xôn xao đưa anh đi. lại có nhiều tiếng huỵch, huỵch… thì ra có rất nhiều người thương Bác ngã ngất giữa các đoàn vào viếng tang” [74, 1038].
Bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn nước rút còn được tái hiện rõ nét. Từ tháng ba, tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục chiến tranh phá hoại hiệp định Paris. Quân và dân ta ở khắp các chiến trường đã tiến công và nổi dậy trừng phạt đích đáng những hành động tội ác, tiếp tục chiến tranh của chúng. Ta giành được nhiều thắng lợi to lớn. Trong thời gian chưa đầy một tháng, từ Tây Nguyên - Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, đến đồng bằng Trung Bộ - Nam Trung Bộ - Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn thành phố Huế, mười hai tỉnh, hàng chục quận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục vạn quân Nguỵ [74, 1108]. Hàng triệu đồng bào ta đã nổi dậy đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ, “tin vui về toà báo dồn dập chiến công”.
Kết thúc hồi ký là chiến thắng vang dội của quân giải phóng, thống nhất non sông. “Mười giờ thì lão tổng thống Minh tuyên bố đầu hàng quân giải phóng”. Ở các cơ quan, tất cả xô nhau chạy xuống gác, ra đường. “Tiếng lao vang vang, pháo nổ rầm rầm trời, người đông như mắc cửi” [74, 1109]. Không khí ấy kéo dài đến tận đêm: “Ngoài trời pháo hoa sáng rực cả hồ Văn Chương, tiếng trống ếch của thiếu nhi. Tiếng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”… rộn ràng, lòng tôi phơi phới cũng tự ngâm thơ mình” [74, 1111].
Với bộ ba hồi ký Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt, Anh Thơ đã tái hiện một cách đầy đủ, khái quát, chân thực hiện thực đất nước trong suốt chặng đường đấu tranh đánh Pháp, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cuộc kháng chiến chống Mỹ. Và Anh Thơ đã trở thành người thư ký của thời đại mình sống, một thời đại hào hùng nhưng đầy biến động, máu lửa, khó khăn. Hồi ký Anh Thơ chính là một tư liệu lịch sử, tư liệu