Anh Thơ tham gia trong làng văn từ những năm ba mươi, với một hồn thơ tự nhiên mang đậm nét hương đồng gió nội của một vùng quê thơ mộng, bên bến sông Thương. Bên cạnh đó bà còn được biết đến với tư cách của một nhà báo viết truyện ngắn, phóng sự, tiểu thuyết, kịch thơ, phê bình văn học. Những năm tuổi cao, già yếu Anh Thơ vẫn rất tâm huyết, miệt mài viết hồi ký. Bà đã cho ra đời bộ hồi ký văn học 1.111 trang, gồm ba tập Từ bến sông
Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt. Bộ hồi ký được manh nha, khởi thảo từ năm 1970. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong văn học nước ta có một bộ sách dày dặn như thế kể chuyện một đời văn chương gắn với từng bước đi lịch sử. Điều đáng trân trọng hơn đây chính là cuộc đời của một nhà văn nữ chịu nhiều thăng trầm với lịch sử cách mạng.
Đọc hồi ký của Anh Thơ, ta bắt gặp rất nhiều trang kể chuyện thân phận phụ nữ, những nhân vật phụ nữ, những người chìm đắm trong biển khổ, những người vùng vẫy cố tìm lối thoát mà không tìm ra, đành cam chịu. Những người yêu văn học nghệ thuật cũng sẽ thích thú khi gặp trong hồi ký này nhiều văn nghệ sĩ tài danh trong cuộc sống thường ngày của họ: từ lớp đàn anh đàn chị như Xuân Diệu, Tú Mỡ, Nguyên Hồng, Thế Lữ, Song Kim, Vân Đài, Hằng Phương, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư nghiêm, Nguyễn Xuân Khoát… đến lớp trẻ sau này như Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn…
Anh Thơ có một sức nhớ kỳ diệu, các cảnh đời nguyên vẹn, xù xì cứ như thế đi ra từ cõi nhớ, không dàn dựng lớp lang, không trau chuốt. Chính vì thế hồi ký của bà có một sức hấp dẫn riêng.
Đọc hồi ký Anh Thơ, bạn đọc sẽ được chia sẻ những gì đã diễn ra khi bà mới bắt đầu tập làm thơ, khi bà viết 30 bài thơ trong tập Bức tranh quê trong ba mươi ngày, trong hoàn cảnh bị cha cấm đoán gắt gao. Anh Thơ kể lại tỉ mỉ những ngày đọc truyện, đọc báo nuôi ham muốn văn chương. Đi chợ, đi bộ, làm hàng xáo nuôi cái năng khiếu quan sát mà chính ngay tác giả cũng không biết đó là cái kiểu bẩm sinh ấy; Những ngày học luật thơ Đường trong sách
Văn đàn bảo giám lấy trộm của cha, và những bài thơ đầu tiên được bạn bè khen, được ông chủ báo Đông Tây “bói cho là sẽ thành thi sĩ”… Bà đã trở thành một gương mặt nổi bật của tao đàn Anh Hoa ở thị xã Bắc Giang và tên gọi “nàng thơ áo trắng sông Thương” cũng được bạn bè dành tặng riêng cho bà từ đó.
Đọc hồi ký bạn đọc sẽ thấy được những thăng trầm của một nữ sĩ trong phong trào Thơ mới hoà nhập, chuyển hướng như thế nào khi đến với cách
mạng và kháng chiến. Cuộc sống gắn bó với quần chúng nhân dân đã tạo cho nhà thơ một nguồn lực mới, sớm trở thành một cán bộ cách mạng. Anh Thơ là một nhà thơ nữ chịu khó đi thực tế. Trong những năm đầu hoà bình và trong thời gian chống Mỹ, hễ có điều kiện là bà lại tìm cho mình những chuyến đi đến những vùng khác nhau. Những chuyến đi vừa nâng cao sự hiểu biết, lại tạo ra nguồn cảm hứng để sáng tác. Hiện thực đời sống mở rộng cảm hứng cho thơ ca. Thơ của bà phong phú và đa dạng, không chỉ trong đề tài mà trong cách cảm xúc, vẫn là một bút pháp quen thuộc tả nhiều hơn gợi, nhưng đã được phả vào đây một tâm hồn mới… Đọc hồi ký Anh Thơ có nhiều trang khiến người đọc cảm động xót xa, nhiều trang có giá trị như là phong tục, tư liệu tham khảo cho văn học sử, nhiều trang làm bạn đọc bất ngờ với những dòng tả cảnh giàu nhịp điệu như thơ văn xuôi. Chính những thành công ấy, một phần cuốn Từ bến sông Thương đã từng được giới thiệu trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ba tập hồi ký, mỗi tập đều phản ánh một thời kỳ và đều có tên riêng. Tập 1: Từ Bến sông Thương - Trước Cách mạng tháng Tám; tập 2: Tiếng chim tu hú - Kháng chiến chống Pháp; tập 3: Bên dòng chia cắt - Kháng chiến chống Mỹ. Tập hồi ký trọn bộ được xuất bản dày 1111 trang kết thúc bằng một niềm vui thống nhất đất nước năm 1975. Những chương tiếp sau, luận văn tập trung tìm hiểu đặc điểm nội dung, nghệ thuật hồi ký của Anh Thơ.
Tiểu kết
Như vậy, ở chương một, chúng tôi đi vào giới thuyết về thể loại hồi ký, sự phát triển vượt trội của thể tài trong văn học Việt Nam đương đại. Với cái nhìn khái quát tiểu sử Anh Thơ, cùng những đánh giá về hồi ký trong sự nghiệp văn học của bà là những điểm tựa căn bản giúp luận văn khai thác
Đặc điểm hồi ký của Anh Thơ trên các bình diện nội dung và nghệ thuật trong hai chương tiếp theo.
Chương 2