Kết hợp ngôn ngữ tả và kể

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 107 - 112)

Nói tới hồi ký là nói tới vai trò của chủ thể sáng tạo - cái tôi cá nhân tác giả. Tuy là cái tôi cá nhân, giàu xúc cảm, tình cảm, song nó cũng rất khách quan trong phản ánh hiện thực cuộc sống. Ngôn ngữ kể sẽ là ngôn ngữ đóng vai trò chủ đạo trong các tác phẩm hồi ký nói chung, hồi ký Anh Thơ nói riêng.

Anh Thơ đã kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ kể và tả. Phải chăng nghệ thuật viết văn, nghệ thuật kể chuyện đó đã được Anh Thơ tập rèn, tích luỹ từ thời còn rất trẻ mà như Nhất Linh đã từng ca ngợi “khi cần đến sự nhận xét thì mắt cô không lầm bao giờ, lại thấy cả cái rất tinh vi, người khác không thấy” [74, 53]. Trong bộ ba hồi ký, bà đã sống lại những kỷ niệm với các nhân vật trong gia đình, bạn bè, người thân và những khung cảnh thiên nhiên gần gũi thân thuộc gắn bó với những nơi bà từng sống, từng trải qua. Từ những trang đầu cuốn hồi ký Từ bến sông Thương, ta bắt gặp ngay bức tranh thiên nhiên tươi đẹp: “Mặt biển Hắc Hải lặng gương. Mảnh trăng như chiếc lược vàng, cài ngang bóng thông trên đỉnh núi. Hương hồng, không khí như bằng hương hồng, bao quanh cửa sổ. Cảnh đẹp vì vắng những người thân, vì xa nước. Tôi nhớ đến bến sông Thương những đêm thu nước cũng lặng gương, cũng mảnh trăng như chiếc lược vàng cài bóng thông xa. Chỉ khác đất trời sông Thương đượm hương hoa ngâu, hương hoa lý. Hương mùa thu vàng quê hương” [74, 9]. Từ biển Hắc Hải rộng lớn, Anh Thơ nhớ con sông nhỏ đã nuôi dưỡng, bồi đắp hồn thơ dào dạt của mình. “Nỗi nhớ của tôi trở về bến

sông Thương, cái con sông Thương nước chảy đôi dòng. Ở đó không biết tôi đã yêu say mê và cũng say mê làm thơ tự lúc nào? Những buổi trưa trên võng me nghe tiếng lá mít rụng ngoài vườn, tiếng gà gáy trưa xa xa” [74, 10]. Đó là những câu văn ngợi ca về nét đẹp quê hương với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, yên bình không thể nào quên. Có thế nói, Anh Thơ là người rất ân tình với quê hương Bắc Giang. Trong hồi ký của mình, hình ảnh con sông Thương được kể lại gắn với rất nhiều kỷ niệm và được miêu tả rất đẹp. “Dãy gạo chạy dài ven sông Thương, đang bung trăm ngàn múi bông trước ngọn gió nồm thổi lộng. Bầu trời đầy mây xanh, nổi bật lên sắc tuyết trắng của bông gạo đang tơi tả, tung hoành trên nền xanh của núi Nham Biền, lênh đênh trên những lớp sóng sông Thương, trôi đi dào dạt” [74, 56]. Kể về mối tình rất đẹp với Cẩm Văn, Anh Thơ không quên kể đến chuyến về thăm Tiền Hải, Thái Bình sau một cuộc triển lãm thơ. Hồi ức về tuổi thơ, về nơi bà đã từng sống hiện về nguyên vẹn với những khung cảnh đẹp, đó là chất liệu trung thực nhất cho những Bức tranh quê. “Trở lại con đường xưa, lòng bồi hồi xúc động… Bờ ao kia, tôi đã đứng ngắm không chán những con chuồn chuồn rỡn nắng. Dưới gốc tre này, tôi đã từng ngồi xem hoa mướp rụng cả đoá, vàng hết cỏ bờ”. “Gió thu lồng lộng, mang cả hơi thoáng mát, từ biển khơi vào. Cánh đồng xanh lúa con gái hai bên đường, đã nhường cho những ruộng sú vẹt, nhấp nhô trên một vùng nước mặn, lênh láng nắng tận cuối chân đê… Giữa tiết thu, nắng trời đã dịu, bãi bể vắng người” [74, 245]. Khung cảnh thiên nhiên bãi biển Đồng Châu tràn ngập ánh trăng được miêu tả rất đẹp trong hồi ức của tác giả: “Tôi đứng giẫm chân trên cát. Từ khơi xa, từng lớp từng lớp sóng ào đến, rồi sóng lại rút ra xa. Sóng như nghịch ngợm, giỡn đùa với bãi cát. Hai tay tôi giữ chặt hai mép vạt áo, nhưng gió vẫn giật mạnh, cuốn tung lên và cũng lượn theo làn sóng. Trăng trong mây, bỗng ló mặt ra. Triều càng dâng cao. Chung quanh tôi là cả một biển vàng sôi động, như sắp nhấn chìm tôi vào bãi cát mênh mông” [74, 247]. Cũng chính bãi biển Đồng Châu ăm ắp kỷ niệm ấy, Anh Thơ đã phải đau đớn đến tột cùng trước sự mất mát một tình

yêu không bao giờ cứu vãn được. Bức tranh phong cảnh trở nên đượm buồn vì nhuốm màu tâm trạng của chính tác giả khi vừa tiễn biệt mối tình đẹp: “Tôi nhìn ra mặt sông Hồng mịt mù, trời cũng mịt mù; xa xa chỉ có một ngôi sao lẻ loi ở phía ven sông. Hai bên không biết là bờ dâu hay là bãi đêm dày đen đặc. Thỉnh thoảng có những chòm tre mờ mờ lả cái bóng gầy guộc trong sương… Thoảng có tiếng mõ xa như tiếng của đêm dài. Một vài ánh lửa đom đóm bỗng rơi xuống như sao, một vài cánh vạc ăn đêm tiếng kêu thảng thốt trên cánh đồng đầy sương” [74, 296].

Trong cuộc đời tham gia cách mạng, Anh Thơ đã từng trèo đèo, lội suối đến với Việt Bắc. Dù vất vả, khó khăn, nguy hiểm nhưng bà không quên ghi lại những hình ảnh đẹp, thơ mộng, hùng vĩ của núi rừng chiến khu. “Vừa qua khỏi con đèo, địa giới giữa Bình Gia (nơi tỉnh bộ Việt Minh đóng) và Bắc Sơn. Một cây đào cổ thụ xèo cả tán hoa đang độ mãn khai, đỏ tươi rực rỡ… Xa xa một dẫy rừng núi đá xanh cao ngất, như một bức trường thành, trập trùng quây kín Bắc Sơn. Địa thế thật đẹp và hiểm trở” [74, 528]. Đó còn là khung cảnh ở quê hương Bắc Giang: “Mưa vừa tạnh từ dãy núi Nham Biền, nước róc rách luồn qua khe núi, lấp lánh rót xuống từng dòng. Thông reo nhè nhẹ. Hương thông thơm, thoảng cả một vùng, không khí trong veo… Chung quanh hoa mua tím, hoa chổi xuể trắng, mấy cánh bướm vàng như hoa biết bay” [74, 452].

Trong cuộc đời mình, Anh Thơ được đặt chân tới nhiều thắng cảnh đẹp trên thế giới, trong đó phải kể đến bức tranh biển nước Pháp rất xinh xắn, đáng yêu. “Nice - một tỉnh miền Nam san sát những lâu đài từ núi xuống biển. Có những toà nhà sừng sững như một trái núi chắn ngang góc biển. Có mái nhà như chiếc tàu thuỷ đang thả neo trên biển. Nhưng đa số là các mái nhà xinh, thấp thoáng những cây chà là, lá như lá dừa nước, quả vàng lúc lỉu từng chùm. Những cây cọ thẳng mình vươn tán lên bầu trời xanh trong vắt. Những cây chuối xèo như nan quạt và hoa rực rỡ từng mảng theo kỷ hà học khắp đường đi. Mảng vàng hoa tuy tlíp, mảng đỏ hoa hồng. Đặc biệt mảng

hoa thuỷ tiên đĩa ngọc đỡ chén vàng đưa hương thơm ngát, làm tôi nhớ đến những ngày tết xa xưa…” [74, 778]. Ấn tượng Pháp còn là bức tranh thiên nhiên tươi tắn, thơ mộng rất đỗi nên thơ: “Biển vẫn rập rờn làn sóng xanh tím, xanh nhạt, xanh cẩm thạch, phản ánh các màu mây… Một góc thành phố Nice xa xa, nhấp nhô những mái lâu đài trắng, đỏ, hồng tươi, dưới chân có những chùm hoa mimôza vàng rực. Biển Pháp hiền hoà như mặt hồ, sóng đập vào bờ cũng nhè nhẹ, rì rào” [74, 779]. Hình ảnh con sông Vesdon hiện ra “Trước mắt tôi sáng nay, vẫn vun vút con đường hai bên bờ sông Vesdon, nước xanh như ngọc giống mầu nước sông Thương… Vesdon có những đoạn phơi lòng sỏi trắng, có đoạn đá cát dềnh lên thành một đảo nhỏ, sông lặng lẽ len quanh, vẫn chảy. Qua ghềnh, thác, sông gầm dữ dội, rồi lòng sông đang mở mênh mông, bỗng nhỏ bé hẳn lại, như sợi chỉ chảy giữa hai bên thành đá hun hút, thăm thẳm” [74, 779]. Vẻ đẹp nước Pháp đã đi vào những câu văn miêu tả giàu hình ảnh và đầy sức gợi của bà.

Được đặt chân lên nước Nga cùng đoàn nhà văn, thưởng thức cuộc du ngoạn của mùa đông xứ lạnh với những nét đẹp đậm chất Nga. Mỗi kỷ niệm đều gắn liền với bức tranh ấy vì thế rất chân thực, lắng sâu, da diết trong lòng người. “Sáng đi ô tô thăm các phố Mạc Tư Khoa. Mưa tuyết như hoa bay dính đầy áo. Nhà nhà các dãy phố cứ như những toà núi sừng sững kéo dài. Điện Cremlin càng cao. Sông Mạc Tư Khoa thành băng. Khác hẳn phong cảnh châu Á, cái gì cũng to lớn” [74, 805]. Ở Matxcơva quá lạnh, đoàn nhà văn được dẫn về các nước ở phương Nam ấm áp hơn. Được đi Grudia, Anh Thơ bồi hồi nhớ lại: “Lần đầu tiên một cô gái Việt Nam được đi máy bay - một cô gái quê gốc, ngơ ngác, rồi xúc động nhìn từng lớp mây trôi qua ánh hồng của mặt trời. Dưới cánh máy bay, những chỏm núi đầy tuyết. Các đại dương, nước sáng như gương, thật là đẹp. Một cảnh đẹp cao rộng hùng vĩ” [74, 812]. Sau khi rời Liên Xô, đoàn trở về Mông Cổ, đất nước thảo nguyên, với nét văn hoá đậm chất du mục. Cảnh ở Mông Cổ, vẫn là cái rét 380 dưới 00. “Trời cao xanh, nổi bật dãy núi Kiều Bá Sơn trập trùng tuyết phủ, nắng lên

như dát bạc rất đẹp” [74, 817]. Dù đã được đến những đất nước tươi đẹp, nhưng có lẽ không nơi nào bằng chính quê hương của mình. Những chuyến đi, là những trải nghiệm để từ đó tác giả nhận ra lòng yêu quê hương tha thiết và nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn của đất nước Việt Nam. “Khi con tàu liên Việt lộng lẫy cờ hoa, từ từ qua cầu sông Thương, lòng tôi náo nức hẳn lên dù xa quê mới có một thời gian. Nhìn màu xanh của những nhịp cầu soi báng sông xanh, chảy thanh bình giữa bến cảng, tấp nập những thuyền chở thóc gạo, chở cam quýt Bố Hạ, chở củ nâu, mây rừng. Đặc biệt trên những bè gỗ, bè nứa, có những mái nhà nan nứa nhỏ, vẫn phấp phới cờ đỏ sao vàng trong nắng sáng đầu thu” [74, 851].

Ngày nay, hình ảnh những năm tháng chiến tranh chỉ còn lại trong những ký ức của cha ông. Nhưng khi đọc hồi ký của Anh Thơ ta thấy ở đó như những thước phim quay chậm, đang diễn ra trước mắt ta. Hình ảnh Hà Nội sau cuộc oanh tạc của không quân Mỹ được miêu tả: “Một cảnh rùng rợn: cột điện ngổn ngang chắn lối, vôi vữa cao như núi. Hai dãy phố chỉ còn một khoảng trời mờ mờ như rộng ra. Tiếng rên, khóc từ đống đổ nát, dưới những hầm sâu âm ỉ đưa lên, thoáng như âm thanh của ma hờn quỉ giận” [74, 1090]. “Vừa đến cầu Yên Viên, một cảnh tàn phá không kém gì khu Bốn, hố bom chồng hố bom, Có hố bom to như mặt ao làng. Cả mái nhà ga ngói hồng xinh xắn, dãy cửa hàng bách hoá vui tươi, cửa hàng mậu dịch tấp nập, các kho đầy ắp hàng hoá xưa kia, đều biến mất vào đống vôi vữa ngổn ngang” [74, 1092].

Như vậy, nhìn một cách tổng quát, ngôn ngữ kể là ngôn ngữ chủ đạo trong hồi ký Anh Thơ, tuy nhiên tác giả đã kết hợp uyển chuyển, nhuần nhị giữa ngôn ngữ kể và tả nhằm tạo nên bức tranh thiên nhiên, con người, cuộc sống hoàn mĩ nhất, chân thực, sinh động nhất. Chính vì thế, khi đọc hồi ký Anh Thơ chúng ta không nhận thấy sự khô cứng mà sắc sảo, không đơn thuần thuật lại các sự kiện mà sử dụng tối đa lối dùng từ, đặt câu để biểu đạt một cách tối ưu, truyền cảm nhất, tác động mạnh đến tri giác người đọc.

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 107 - 112)