Anh Thơ và những khát vọng văn chương

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 81 - 93)

Mỗi nhà văn đến với nghề nghiệp bằng một con đường riêng và tồn tại trong nghề theo những phong cách riêng. Song các nhà văn có thể gọi là thành đạt, những nhà văn mà đọc lên, nhớ ngay được, thường là nhà văn có sự độc đáo trong tính cách, trong số phận khiến cho họ gần như nhất thiết phải làm nghề ấy, mà không thể làm nghề khác. Đọc hồi ký của Anh Thơ, chúng ta ngẫm ra được một điều như thế.

Để dựng chân dung của chính mình, các ngòi bút viết hồi ký văn học đều tiếp cận từ góc độ người trong cuộc. Cái nhìn này đã khiến cho những chân dung tự hoạ trở nên gần gũi hơn, hấp dẫn hơn đối với người đọc. Sau năm 1986, thể tài hồi ký văn học nở rộ trên văn đàn Việt Nam khi trong xã hội, xuất hiện nhu cầu bộc lộ cái tôi cá nhân, được bộc lộ cảm xúc của mình thật thoải mái. Thường người ta chỉ viết hồi kí lúc nhà văn đã có một vị trí chính trị xã hội quan trọng, cái mà người ta kể lại phải là những sự kiện đáng nhớ. Hình ảnh các chân dung văn học, trong đó có các chân dung tự hoạ thường là những tấm gương vượt khó, chịu nhiều thăng trầm, tủi nhục, cay đắng để có sự thành công, có được các tác phẩm để đời, in sâu trong tâm trí độc giả. Qua từng trang viết, độc giả nhận thấy bên cạnh sự ngợi ca vẫn có sự thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, bảo đảm sự thật vốn có. Suy cho cùng, miêu tả cuộc đời và số phận của mình để cắt nghĩa những trang viết, điều đó giúp Anh Thơ đạt được hiệu quả kép cần có: giúp bạn đọc hiểu một cách chân thực số phận, cuộc đời tác giả “phía sau con chữ”, và đánh giá đúng, khách quan giá trị văn chương của bà. Những điều về chân dung tác giả còn là nguồn tư liệu cần thiết khi tiếp cận sáng tác, giúp độc giả rút ngắn con đường đến với thế giới nghệ thuật thơ Anh Thơ. Là một cô gái sống trong khoảng thời gian những năm đầu thế kỷ XX, việc Anh Thơ tiếp xúc với văn chương và làm thơ sớm có thể xem là một hiện tượng hiếm có. Trong hồi ký của mình, tác giả không thể không kể lại những buổi đầu tiên ấy với rất nhiều khó khăn, vất vả.

Tuổi thơ là quãng thời gian đầu đời của mỗi con người và vì thế, đó cũng là quãng thời gian để lại ấn tượng sâu sắc, đáng nhớ nhất. Tuổi thơ của Anh Thơ là những chuyến di dời đến những miền quê khác nhau theo bố đến các nơi làm việc. Đó cũng là những lần phải chuyển đến nhiều trường học mà mới vừa quen bạn, quen thầy đã phải chia tay. Thành ra việc học của Anh Thơ trở nên lỡ dở. Tuy nhiên, ở tác giả ngoài tố chất bẩm sinh, vẫn là người “có học” - cái học không dưới mái trường chính quy mà

“tự học” ở nhiều nơi chốn theo cách thức đa dạng. Rỗi rãi, bà lục sách Tái sinh duyên, Song phượng kỳ duyên, Anh hùng náo, Tục anh hùng náo, Tây du, Đông chu liệt quốc ra đọc ngấu nghiến ngày đêm. Sống với tất cả các nhân vật tiểu thuyết qua các trang sách mở ra dưới ngọn đèn dầu nhỏ nhưng say sưa hơn cả vẫn là thơ. Anh Thơ đọc trộm của bố tập Văn đàn bảo giám. Học thuộc cả tập từ Lê Thánh Tôn đến Yên Đổ, chú ý bảng dạy các luật bằng, trắc và cách bố cục của bài thơ bát cú luật Đường. Anh Thơ bắt đầu làm thơ theo luật lệ đó, hiểu đến đâu làm đến đấy. Bà học lỏm cả những lúc bố và các ông bạn cử, tú phê bình những bài thơ không đúng niêm luật, đối câu, đối chữ sai, không biết phá, không biết thừa. “Học rồi bắt chước, dần dần cũng nắm được ít nhiều” [74, 20].

Có thể thấy, người cha cũng là một nhân tố truyền đam mê văn chương cho Anh Thơ. Bởi những bài thơ đầu tiên ấy, dù lung tung, không ra vần điệu nhưng đó là những vần thơ lấy bố mình làm thước đo chuẩn mực. Phần nhiều có tính chất bắt chước hơn là sáng tác. Lúc thì bắt chước bố làm thơ “nói chí”, lúc thì làm theo kiểu ưu thời mẫn thế. Lúc lại viết hẳn một trường ca về chuyện con vua Hùng giong buồm gấm đi chơi khắp các con sông, hoặc anh Trương Chi bị Mị Nương chê xấu. Tuy vậy, Anh Thơ rất thích thú, có khi thức rất khuya để làm mà bố mẹ không hay biết gì.

Thân sinh Anh Thơ vốn là một nhà Nho, từng đỗ tú tài còn nhiều nệ cổ và nặng nề lễ giáo phong kiến. Trong suy nghĩ của ông vẫn có phần phân biệt nam, nữ. Đối với ông, con gái lớn phải thêu thùa, may vá, trau dồi tiết hạnh, việc thù tạc thơ phú là của đàn ông. Vì thế, một buổi sáng chủ nhật, ông bảo cậu em vào buồng lấy quyển Văn đàn bảo giám, vô tình cầm cả tập thơ của bà đưa cho bố. Thế là một trận lôi đình sấm sét nổi lên “Tao học năm xe kinh sử, già nửa đời người mà chưa dám làm thơ. Con một chữ Hán bẻ đôi không biết, quốc ngữ thì bỏ dở dang, làm thơ thế nào được? Rồi lại tổ lăng nhăng lít nhít! Cấm! Nghe chưa? Để thì giờ mà trông nom các em, đỡ mẹ khâu vá, cơm nước, nghe không?” [74, 21]. Ông giận dữ đốt cháy cả tập thơ, như là hình

phạt đầu tiên, mặc cho sự tiếc nuối của con gái. Thế nhưng, với lòng đam mê văn học của mình, Anh Thơ không từ bỏ sáng tác. Đối với tác giả, đó là một điều oan ức bởi làm thơ không có tội và Anh Thơ chỉ làm thơ lúc rỗi rãi. Bà cũng là người sớm ý thức được nỗi buồn chán của thời thế, nên để quên đi khoảng thời gian vô nghĩa, nhạt nhẽo, không có gì hơn là vùi đầu làm thơ. Bà quan niệm, thơ lúc ấy “giải thoát khỏi bận bịu vì cuộc sống vất vả, đưa đến những gì cao xa, đẹp đẽ” [74, 31].

Anh Thơ còn biết tận dụng phép nhà xưa, bố không bao giờ vào buồng con gái, để thoải mái làm thơ với những hình ảnh, đề tài quen thuộc, bộ tranh tứ quý và cô tố nữ thổi sáo của mình. Bà như được chắp cánh khi có tờ báo Phong hoá mà bố mua về, trong đó có bài thơ của Thế Lữ. Đọc đi đọc lại, bà bị cuốn hút cái không khí náo nức, cái âm điệu thiết tha, những câu thơ tự nhiên trong sáng, chất sống lạc quan yêu đời của bài thơ, khác với cái nghiêm trang, lời lẽ nặng nề của những bài thơ Đường luật. Anh Thơ bắt đầu mê thơ mới từ đó. Lẽ tự nhiên, bà bỏ thơ Đường, quay làm thơ mới. Lúc đầu cũng bắt chước lung tung, “tả cảnh, tả cỏ, hoa, chim, bướm nhiều, nhưng mới chỉ tả qua những bức tranh riêng trong phòng” [74, 22], và chưa biết lấy “thực chất ngoài đời” đưa vào thơ.

Hồi ký Anh Thơ cuốn hút người đọc bởi không khí ngột ngạt của sự cấm đoán và sự rắn rỏi, nỗ lực không ngơi nghỉ của bà để đạt được ước mơ nghệ thuật. Trong gia đình, cụ Tú là một người bố nghiêm khắc đến cay nghiệt. Mỗi lời ông ban ra cho con, là một lệnh truyền. Con không được phép không vâng lời. Không vâng lời bố là đối lại bố, là “làm loạn”. Lần thứ hai ông bắt gặp những bài thơ của cô con gái cả cứng đầu, ông nọc cô ra giữa nhà, sai chị Sen lấy ra thanh củi tạ. Nhưng chị Sen đã lăn ra đè lên trên người. Thoát được trận đòn nhưng Anh Thơ thấy mình thật oan ức. Tuy nhiên, có phải sự cấm đoán, riếc móc, đay nghiến của bố là một chất xúc tác mạnh hay không mà Anh Thơ càng đam mê hơn, quyết tâm làm thơ hay hơn. Đặc biệt còn để được đăng trên các báo, để khẳng định với bố, mình không phải là người “vô học”,

là “nữ nhân nan hoá”. Đó thật là một ý nghĩ táo bạo, khác thường. Bất ngờ về nhà giữa buổi làm, cụ Tú bắt được quả tang sự ngỗ ngược không vâng lời lần thứ ba. Lần này Anh Thơ bị đòn thật sự và bị riếc móc, đay nghiến không tiếc lời: “Rồi con sẽ khổ một đời đấy con ạ! Người ta lấy vợ là lấy người làm, người lo, chứ ai lấy người thơ phú viển vông. Làm thơ rồi lãng mạn. Lãng mạn rồi điếm nhục gia phong” [74, 24].

Sau này, khi đã thành danh, được nhà thơ Hoàng Trung Thông quan tâm về những kỷ niệm này, tại sao gặp khó khăn thế mà ngay từ khi ít tuổi chị vẫn làm thơ? Anh Thơ đã thổ lộ rằng: “Vì tôi yêu thơ, không làm không chịu nổi và còn vì quê hương đất nước ta rất nên thơ” [74, 15].

Ước mơ làm được thơ hay, được đăng trên báo của Anh Thơ trở thành hiện thực. Thơ bà được đăng trên báo Đông Phương, và đây cũng là tờ báo đầu tiên nhận ra tài năng của Anh Thơ. “Bản báo rất cảm tạ tấm thịnh tình của quý nương…Nếu bản báo không nhầm, thì tương lai quý nương phải có một địa vị xứng đáng trên thi đàn Việt Nam” [74, 38]. Anh Thơ chưa kịp vui mừng, thì như những lần trước, cụ Tú tay cầm tờ báo, buồn rầu ngăn cản con không nên vào cái “làng báo bổ” ấy. Toàn những đứa ăn chơi đàng điếm, “gia pháp nhà ta không dung được” [74, 39]. Để làm bố vui lòng, Anh Thơ đã biết nghĩ ra mưu mẹo, không lấy tên nào nhất định. Mỗi bài có một biệt hiệu riêng. Tuyết Anh, Hồng Anh rồi đến Anh Thơ, từ đó đăng báo đã khá nhiều thơ, mà vẫn giữ được bí mật. Để tạo nên một sự nghiệp đồ sộ như hôm nay, hiếm có một nhà thơ nữ cùng thời nào có được, Anh Thơ còn ảnh hưởng lớn từ người cô ruột của mình. Cô không lấy việc cụ Tú lo lắng làm quan trọng, vì cô cũng làm thơ, cô cũng học đánh đàn, và bảo Anh Thơ cùng học. Cô tuổi tuy gấp hai lần con cháu, nhưng rất trẻ, thích vui. Vào dịp Giêng, hai, cô dắt các cháu đi khắp các hội làng, từ hội Thái Đào, hội Lim, hội Vẽ, nhất là hội Thương, hội làng sở tại của tỉnh.

Khoảng thời gian sống với cô, Anh Thơ được tiếp xúc với nhiều bạn cùng sở thích. Ở Bắc Giang đang có một “tao đàn” do một bà giáo dạy trường

con gái ở tỉnh, bà tú Phượng (vợ nhạc sĩ Quỳ, hiệu trưởng trường tư thục Anh Hoa) đứng ra mở. Ở phố Thùng Đấu cũng có nhân vật nổi tiếng trong nhóm đó - cô Mộng Lan con gái một ông bếp được xếp hàng “nữ sĩ”, tuy chẳng bao giờ cô làm thơ. Mỗi lần đến chơi, cô thường hay khoe khoang cái “tao đàn sông Thương” đó. Có khi cô đọc cả những bài thơ của họ, nam có, nữ có với vẻ tự hào: “Tự lực văn đoàn chả có nữ, nhưng chúng mình có nữ. Lệ Hoa này, Thanh Ngà này, Mộng Lan này, bà chủ tao đàn Tú Phượng này” [74, 26]. Anh Thơ nghe phục lắm. Và trong lòng “ước ao giá mình cũng có được căn phòng xinh ấy, tiếp những khách văn chương, những chàng thơ và những nàng thơ” [74, 27].

Anh Thơ thân thiết và có nhiều sự đồng cảm với hai người bạn Thanh Ngà, Lệ Hoa hơn cả. Con sông Thương thơ mộng là nơi đắc địa để những nàng thơ tụ họp chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Đã thành lệ, chiều thứ bảy nào họ cũng bảo nhau ăn mặc thật đẹp, ra bờ sông Thương hoạ thơ ca ngợi lẫn nhau, vươn lên khỏi cuộc sống tầm thường, vất vả của những cô gái tỉnh nhỏ. Thanh Ngà, Lệ Hoa và Anh Thơ đều không coi việc ra sông Thương mỗi chiều thứ bảy là cuộc đi chơi phù phiếm. Vì thế, họ tận dụng thời gian nhàn rỗi, được gia đình cho phép, để gặp nhau đọc thơ, đọc báo, “học hỏi thêm về nghề nghiệp”.

Chính vì thế, dù trải qua rất nhiều tổ chức, tham dự nhiều cuộc họp thơ văn quan trọng có mặt các nghệ sĩ nổi tiếng, Anh Thơ vẫn ghi nhớ mãi không quên khoảng thời gian đẹp đẽ ấy. Ngay trong hồi ký của mình, bà đã viết rằng: “Sau này những lúc làm cán bộ, tôi đã cùng thơ đi sâu vào giác ngộ, vận động, tổ chức quần chúng làm cách mạng, tôi lại nhớ tha thiết đến cuộc họp thơ của chúng tôi năm ấy” [74, 68].

Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, nền nếp và khí khái, có tinh thần yêu nước trên mảnh đất của Đề Thám quật khởi, Anh Thơ ngay từ nhỏ đã hình thành tính cách có phần mâu thuẫn nhưng lại bổ sung cho nhau, đó là vừa giàu tình yêu thương, vừa rất cứng cỏi. Tính cách đó được bộc lộ

trong những trang hồi ký. Làm thơ được đăng báo, nhưng Anh Thơ chưa chịu dừng lại. Anh Thơ vẫn mê mải làm thơ trong không khí gia đình ngày một nặng nề căng thẳng, bố bực mình vì dính vào vụ kiện ly hôn kéo dài sinh ra hay riếc móc con cái. Đặc biệt, vừa dịp nhận được thể lệ cuộc thi thơ của Tự lực văn đoàn đăng trên báo, bà liền nghĩ cách tham gia ngay. Cũng may, có chị Hai thương bày kế. Buổi trưa thầy lên gác ngủ, chị cũng lên khâu vá. Mỗi bậc thang, Hải, Trinh, cu Chú canh. Hễ thầy dậy, chị Hai đánh tiếng, các em sẽ báo để cất sách vở đi. Hạn dự thi còn một tháng, Anh Thơ chia ra mỗi buổi trưa làm một bài. Làm tả cảnh bốn mùa, cảnh mưa nắng, cảnh lụt cảnh hạn, tả phiên chợ, đám cưới, đám ma, ngày hội, ngày tết. “Cứ nghĩ đến đâu, thích cảnh gì, làm một bài thơ cảnh ấy” [74, 45]. Hết ngày hạn cuối của cuộc thi, Anh Thơ làm xong và gửi được tập thơ đó, tập Bức tranh quê.

Như con ong gây mật, như con tằm nhả tơ, Anh Thơ làm xong tập thơ vẻn vẹn ba mươi bài. Một tập thơ được sáng tác trong một điều kiện căng thẳng đến kỳ lạ. Và có lẽ, điều kỳ lạ hơn đối với Anh Thơ khi nhận được giấy của tòa báo Ngày nay báo tin được giải thưởng khuyến khích về thơ. Không thể kể hết “nỗi sung sướng, tự hào” vì năm đó, thơ không có giải nhất, giải nhì, chỉ có giải khuyến khích cho Bức tranh quê.

Nói về điều này, có không ít độc giả và đồng nghiệp đều hết sức kính trọng nể phục ý chí, nghị lực và tài năng của Anh Thơ. Văn Tâm đã phát biểu rằng: “Không biết ở Việt Nam hay cả trên thế giới có nhà thơ trữ tình nào mang dáng dấp công nghiệp như thế không?” [48, 57]. Cùng quan điểm, nhà thơ Trinh Đường có suy nghĩ: “Trong nghề ai cũng biết rằng, viết bài trước đã khó, viết bài sau không giống bài trước càng khó, đằng này chỉ viết tranh thủ lúc ông bố ngủ, trong vòng một tháng, chị đã sáng tác luôn một hơi những ba mươi bài…Việc này chỉ có thể thực hiện được đối với một người đã có một bản lĩnh nghệ thuật nhất định” [48, 82].

Ngay từ khi ra đời, Bức tranh quê đã gây được tiếng vang lớn. Bên cạnh sự quan tâm, mong muốn được kết giao với nữ thi sĩ của độc giả, Anh Thơ

còn nhận được nhiều lời khen tặng của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học. Trong đó, có bài nhận xét của ban giám khảo Nhất Linh đăng trên số báo 200, ra ngày 25 tháng 5- 1941, khen ngợi: “Bức tranh quê của cô Anh Thơ là một tập ba mươi bài thơ. Bài nào cũng mười hai câu…Tự đặt mình vào con đường khó khăn, hình như để cốt tỏ rõ sự tài tình vẻ linh hoạt… Khi cần đến sự nhận xét thì mắt cô không lầm bao giờ, lại thấy cả cái rất tinh vi, người khác không thấy” [74, 51-53]. Anh Thơ trân trọng những lời nhận xét, cả mặt tốt và mặt chưa tốt. Bà ghi nhớ từng câu chữ, đọc đi đọc lại về đoạn nhận xét khuyết điểm. Bà hoang mang tự hỏi, thế nào là “tiếng vang thơ”, thế nào là “sương mù bao phủ” để giấu cho thơ một chút huyền bí? và xấu hổ với

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 81 - 93)