Anh Thơ trong cuộc sống đời thường

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 70 - 81)

Hiện thực đời sống trong tác phẩm văn học được các nhà lý luận gọi là “hiện thực thứ hai”, là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Những tác phẩm thuộc thể tài hồi ký văn học đã lựa chọn một mảng hiện thực làm cảm hứng sáng tạo, đó chính là cuộc đời, số phận của các nhà văn, nhà thơ.

Chân dung trong hồi ký là hình ảnh về con người nhà văn, nhà thơ với đời sống rất thực. Cho nên người đọc có thể tiếp cận một cách cận cảnh trong bộ dạng, y phục hiện thực đời thường. Họ là những tài năng nghệ thuật nhưng cũng là một người bình thường của cuộc sống đời thường với những “nhếch nhác”, của vô vàn “những tuế toái”, những “chi li”, “phiền phức”, những yêu ghét, buồn vui, được mất. Nói cách khác, dựng chân dung nghĩa là phải tạo dựng được cả phần “đời” lẫn phần “đạo”. Nhà văn Tô Hoài, một người có nhiều kinh nghiệm viết hồi ký và có rất nhiều cuốn hồi ký hấp dẫn, lôi cuốn, đã từng cho rằng: “Vẽ chân dung tự hoạ là rất khó, chỉ thiếu bản lĩnh là mình nịnh mặt mình và đưa ra một bức tranh đẹp hơn”. Cho nên “đối với tôi hồi ký; là một cuộc đấu tranh tư tưởng để viết”.

Hồi ký văn học là hồi ký của các nhà văn, nhà thơ bắt nguồn từ sự thật chính cuộc đời mình. Hơn ai hết, họ là những người biết tôn trọng sự thật, đảm bảo sự thật. Ngoài việc cung cấp tư liệu quý giá về cuộc đời và thời đại mình sống, người đọc còn cảm nhận được tình cảm, cảm xúc, lòng nhiệt thành, sự tâm huyết của nhà văn. Nhiều năm trở lại đây, cụ thể là từ sau đổi mới, 1986, nền văn học hiện đại Việt Nam xuất hiện nhiều cuốn hồi ký, tự truyện, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc hiểu đầy đủ hơn, cụ thể hơn, sâu sắc hơn về nhiều nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ lớp trước. Suy cho cùng, tác phẩm nào cũng ít nhiều in dấu ấn cuộc đời chung, riêng.

Đọc bộ ba hồi ký Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt, khá nhiều độc giả hài lòng với những tư liệu mà tập sách mang lại. Chân dung người nghệ sĩ lao động, sáng tạo nghệ thuật được gắn liền với chân dung con người đời thường là đặc điểm nổi bật trong hồi ký, một chân dung trọn vẹn, đầy đặn. Đọc những trang viết có lúc ta thấy như “một cuốn phim quay chậm” ghi lại những tháng ngày còn bé đến lúc đứng tuổi, dựng lại cả chặng đường sáng tác từ lúc gia nhập phong trào Thơ mới đến một nhà thơ lão thành Anh Thơ. Tiếp cận những tư liệu quý báu về cuộc đời, số phận, sự nghiệp của nhà thơ là một trong những phương cách hữu hiệu, là con đường ngắn nhất để chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật, thế giới tinh thần muôn màu, muôn vẻ, cũng có nghĩa là rút ngắn khoảng cách giữa nhà văn - tác phẩm - độc giả.

2.3.1.1. Anh Thơ - một phụ nữ tháo vát

Đọc hồi ký Anh Thơ, ta bị lôi cuốn ngay từ chính cuộc đời tác giả, cuộc đời của một cô gái lớn trong gia đình buổi đầu thế kỷ XX vẫn còn mang nét phong kiến xưa. Anh Thơ đã sớm được mẹ giáo dục cho nền nếp một cô gái con nhà: đảm đang, tháo vát với niềm an ủi: “Con ạ, chịu khó làm cho quen. Sau này có phải đi làm dâu, gặp mẹ chồng ác cũng không sợ” [74, 31]. Vì thế, mới mười hai tuổi đầu nhưng Anh Thơ là người chị cả đỡ đần và gánh vác nhiều việc cho mẹ. Sáng sớm, bà dậy trước cả nhà. Phải đi chợ, nấu ăn, tắm giặt cho các em. Phải xay thóc, sàng gạo, chăm một lúc lợn, gà.

Năm Anh Thơ mười sáu tuổi, bất hạnh ập xuống gia đình. Người mẹ thân yêu mất trong một lần cố sinh con trai để nối dõi tông đường. Đến lúc này, Anh Thơ phải thay mẹ lo lắng, quán xuyến mọi việc. “Công việc nội trợ bây giờ một mình tôi phải lo” [74, 34]. Bà phải học cách làm kem để cải thiện cuộc sống: “Vừa may có một nhà làm kem, vì phải về quê, nên muốn bán lại cả đồ nghề. Nhặt nhạnh tiền lương và tiền nhuận bút, còn được 100 đồng tôi mua tất cả cối quay ống kem và chậu kẽm mang về Hà Đông… Thế mà mỗi ngày cũng lãi được hai đồng. Cả nhà tôi phấn khởi quá. Vì ai cũng được ăn hai

bữa cơm no, được có chút cá thịt thêm vào với rau dưa, cũng có chất bổ. Các em tôi dần dần má cũng có chút gợn hồng” [74, 289-290]. Nhận thấy sự vất vả của Anh Thơ, những người bạn đã xót xa thương cảm: “Cả thế giới chắc không nước nào mà một nữ sĩ có tài, lại không sống được bằng nghề mình yêu. Lại phải làm ăn vất vả khổ sở thế này” [74 290].

Anh Thơ luôn ý thức trọng trách của mình trong gia đình nên sau đó đã lặn lội xuống Thái Bình buôn muối. Chuyến hàng ấy về Hà Nội, bà được “lãi ba trăm đồng” [74, 298]. Và cũng chính sự tháo vát của mình mà chuyến buôn đay gai qua mối lái của chị Tham Dư, Anh Thơ đã sắm được nhiều quần áo đẹp, đánh được kiềng vàng. Đặc biệt mỗi khi về thăm nhà, Anh Thơ mang cho bố và chị Hai vừa tiền vừa thức ăn vật dung đủ thứ, may thật đẹp cho các em. Vì thế, Anh Thơ “càng được cả nhà yêu quý” [74, 305]. Tuy nhiên, với Anh Thơ, hạnh phúc lớn nhất không phải là sự sung túc, đầy đủ cho riêng mình mà chính là những dịp được về thăm gia đình, thấy bố đỏ da thắm thịt, các em quần áo xênh xang, chị Hai tươi tắn.

2.3.1.2. Anh Thơ – một con người giàu lòng yêu thương

Hồi ký Anh Thơ còn cho ta thấy bà là một người giàu tình yêu thương, lòng nhân ái. Trước hết, nhớ về mẹ, đó là những hồi ức buồn thương, đầy cảm động: “Vào khoảng tháng ba năm tôi mười sáu tuổi, mẹ tôi trở dạ đẻ đứa em cuối cùng. Nhưng cái thai ra ngang, tôi ôm mẹ tôi, để bà đỡ nhà quê liều thò cả cánh tay vào xoay lại, khi bà rút cánh tay ra, máu òng ọc chảy… Mẹ tôi đã chết! Nỗi đau đớn vừa bất ngờ vừa quá lớn đối với tôi. Tôi ngẩn ra không khóc được nữa” [745, 34]. Sau khi mẹ mất, Anh Thơ thương các em hơn nhiều. Rỗi lúc nào, bà lại làm thơ để dịu đi nỗi thương nhớ mẹ. Nhưng mỗi khi đi chợ về, thấy nhà vắng lạnh, thấy mấy cái đầu nhỏ bé quấn khăn tang, thấy bố nằm vất tay lên trán, Anh Thơ lại gục đầu khóc mẹ. Cái chết của mẹ là hệ quả tất yếu của những suy nghĩ về hủ tục nhiều con trai để nối dõi. Anh Thơ bước đầu chua xót nhận ra và ấp ủ, quyết tâm viết một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời mẹ, một người phụ nữ thầm lặng như hàm Răng đen.

Tình yêu thương của Anh Thơ còn là việc dồn hết tình cảm cho những đứa em thơ không mẹ. Ký ức về tuổi thơ các em là sự săn sóc tận tình của chị với thằng em út, có lần bị bệnh, “phải bế em nằm cả tháng trời trên võng, đến nỗi cổ cứ cứng đơ” [74, 33]. Tội nghiệp nhất là cô em con vợ lẽ của bố, mẹ bỏ đi: “Tôi phải nuôi đứa em gái mà chị trả lại cho mẹ tôi. Tôi thương đứa em này hơn tất cả các đứa em cùng mẹ đẻ. Nó thường mắc bệnh đường ruột, cả đêm tuy rét mướt cũng phải gội đầu thay áo, vì nó bậy ra tất cả, chả từ chỗ nào” [74, 31]. Thương bé Bưu, em trai út “chín tuổi đầu mà toàn mặc quần áo thừa của anh, của chị vừa lụng thụng vừa cũ đầy mụn vá”. Lục cả hòm cả tủ, tìm thấy hơn chục vuông lụa xanh, Anh Thơ mua thêm vải phin trắng, đem ra đo, cắt, may cho em bộ quần áo lính thủy. Nhớ về những ngày tháng khó khăn, Anh Thơ cảm thấy không bao giờ quên được “ánh nhìn sung sướng trong cặp mắt lóng lánh mở to” của em.

Quan tâm, lo lắng chu đáo cho người khác có lẽ là nét tính cách đáng quý nhất của Anh Thơ. Đạt giải thưởng Tự lực văn đoàn, Anh Thơ đưa cho chị Hai, nhờ chị mua quà cho cả nhà. Chị Hai mua cho bà một cái ống giã trầu, cho bố một chiếc cặp da, các em mỗi đứa một chiếc mũ, chiếc nón. Riêng Anh Thơ được chị mua cho bộ cánh tân thời bằng lụa trắng, phòng khi đến các toà báo, khỏi phải mượn cô em. Anh Thơ phải nói mãi chị Hai mới chịu mua cho mình một chiếc ví tay. Sen ta cũng được chiếc quần láng [74, 47]. Vụ kiện của bố cũng nhờ cả vào công của cô gái lớn nhận tiền in tác phẩm đầu tay. Nhận phong bì có ba trăm đồng tiền nhuận bút, Anh Thơ đưa cả cho thầy chạy trạng sư, nhất quyết “không để cho gia đình tan nát” [74, 115]. Có lẽ, đó là điều cụ Tú không ngờ nhất, bởi sự “hư hỏng” của cô con gái cả lại cứu nguy cho cả gia đình. Qua đây, chúng ta còn nhận thấy, Anh Thơ còn có đức hi sinh thầm lặng, cao quý. Bà mau nước mắt trước sự quan tâm của bố, áy náy trước hành động bán bút pac-ke tiếp bạn của vợ chồng Hiền Minh.

Anh Thơ là một người nhân ái, yêu thương cả những kiếp người đói khổ đang rên xiết trong nạn đói năm 1945. Để tái hiện thực trạng đau thương của

đồng bào, bà làm bài thơ Dưới gốc đa. Tuy nhiên, Anh Thơ nhận thấy thơ mình thật vô dụng nên đã mạnh bạo ra khỏi phòng thơ để làm những việc thiết thực hơn. Bà thành lập trại Bảo Anh cứu các em nhỏ đói rách, dạy đàn và hát ru mỗi tối để chúng vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ. Việc làm này của Anh Thơ chính là căn nguyên để hình thành một trái tim nhân hậu, một người chiến sĩ cộng sản trên mặt trận văn nghệ.

2.3.1.3. Anh Thơ trong tình yêu

Tạo dựng chân dung chính mình, Anh Thơ còn cho người đọc hiểu thêm những xúc cảm rất thật trong tình yêu của một cô gái mới lớn. Đó là tình cảm nồng nàn đối với chàng thi sĩ chân quê Nguyễn Bính được bắc nhịp qua những cánh thư, qua những bài thơ thôn dã. Anh Thơ đã phác họa một hạnh phúc trong tương lai. Sau khi gặp nhau bàn định rồi, B. sẽ về nhà lo việc cưới. “Chúng tôi sẽ nghiễm nhiên là một cặp vợ chồng tài tử, như ông Nguyễn Kiều và Đoàn Thị Điểm. Chúng tôi sẽ cùng làm chung một tập thơ tình yêu, tập thơ ấy sẽ là một giai thoại về tình yêu của chúng tôi” [74, 97]. Tuy nhiên khi gặp gỡ, một sự thất vọng dài ngân lên trong tim bà với một anh chàng “thân hình thấp bé đầu tóc bù xù, tay vất vội chiếc điếu cày đang hút dở… hai hàm răng đen cáu nhựa thuốc” [74, 97] với những hành động cử chỉ khác thường. Và cũng từ những giây phút ấy, Anh Thơ “cay đắng gần như tủi nhục, thấy mình như rơi từ trên trời xuống đất” [74, 99]. Đối với Nguyễn Bính, thêm một lần nữa ông rơi vào tuyệt vọng, đau đớn vì thất tình. Ông đã làm nhiều bài thơ tả nỗi niềm luyến tiếc, hờn dỗi, trách móc. Nhà văn Hoàng Tấn, một người bạn thân của ông đã từng nhận xét: “Đây có lẽ là mối tình đau khổ nhất của Bính, cái đau khổ nó kéo dài suốt cả đời người, vì không khi nào viết văn làm thơ có dịp là Nguyễn Bính không nhắc đến Hương cố nhân”. Ngoài ra, tập văn xuôi Hai người điên ở kinh thành là những bộc bạch về những gì Nguyễn Bính chưa nói hết trong Hương cố nhân. Đến lúc tỉnh táo, có thời gian ngẫm nghĩ, Anh Thơ “nhận ra được thực chất của B. cũng như đa số thi sĩ thời trước cách mạng bị bế tắc trước cuộc sống, nên chỉ có lối thoát vào tình yêu”.

Và đó cũng là nguyên nhân chính khiến “hai con người tuy làm thơ cả, nhưng không thể nào gặp được nhau”.

Trong hồi ký của mình, Anh Thơ cũng chân thành bộc bạch tình yêu của mình dành cho một thi sĩ kiêm giám đốc Nhà xuất bản Nguyễn Du, Cẩm Văn. Có thể nói, đây là mối tình sâu sắc nhưng cũng làm nữ sĩ đau khổ nhất. Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, Anh Thơ đã cảm nhận được một ánh mắt rất thiết tha, xuyên thẳng vào tim, tự nhiên thấy xao động về ánh mắt ấy, như cần gửi gắm “một điều gì thiêng liêng lắm” [74, 229]. Anh Thơ thấy lòng mình xao xuyến và biết rằng mình đã gặp được người đồng điệu, người tri kỷ. Bà xúc động về lời nói, tình cảm sôi nổi, nhưng lại rụt rè khiêm tốn, tự nén mình của Cẩm Văn. Nhớ đến B, so sánh sự thô bạo và tế nhị giữa hai người, Anh Thơ thấy yêu Cẩm Văn, đó “mới thực sự yêu một con người có tâm hồn kín đáo, lịch sự và nhạy cảm” [74, 242], không chỉ yêu qua thơ mà thôi.

Nhưng có lẽ, tình yêu đích thực nhất của bà dành cho người chồng, ông Bùi Viên Dinh, một bác sĩ miền Nam tâp kết. Đó là người bạn đời ân tình sâu nặng, thuỷ chung. Anh Thơ lấy chồng khi tuổi đã cao, trước sức ép của gia đình và sự mối lái nhiệt tình của bạn bè. Có không ít lần bà tự thầm hỏi mình đã thực sự yêu chưa? Và cũng từng chặc lưỡi, buông xuôi, cứ lấy rồi sẽ yêu. “Tuổi ba lăm chả còn ngây thơ gì mà đòi trái tim phải rung động. Thôi ta cứ lấy, như lấy một người bạn đời, cho xong đi một việc, kẻo cứ để cha mẹ bận lòng, bạn bè lo cho mình mãi” [74, 861]. Bác sĩ Bùi Viên Dinh không có tâm hồn lãng mạn của một nhà thơ, bù lại, ông có suy nghĩ, tình cảm trung thực, giản dị, chung thuỷ, mẫu mực của một người chồng. Ngay nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng đã có nhận xét tinh tế khi tâm sự với Anh Thơ: “Tôi chắc anh Dinh sẽ là người bạn đời tận tuỵ và thuỷ chung với chị” [74, 851]. Chính vì thế, cũng không cần phải có nhiều thời gian, Anh Thơ đã sớm nhận ra tình yêu đích thực của mình. “Tình yêu đến thật bất ngờ! Trên bãi cỏ xanh, dưới bóng cây phượng, góc hồ Hale, tôi đã để anh hôn tôi đắm đuối” [74, 863], cái

hôn đầu tiên kéo dài trong tình cảm thắm thiết và làm Anh Thơ rung động không cùng”.

Chính bởi tình yêu thương, quý mến, trân trọng vợ mà dù không biết thơ phú nhưng ông lại chính là người giúp bà nhiều trong công tác, phát triển sự nghiệp văn học. Ông giúp bà viết tốt các đề tài miền Nam, chăm lo gia đình, quan tâm bà chu đáo. “Gió mùa đông bắc đến từ hôm qua, thương em rét, mà anh phải trực viện, chiều nay mới mang được chăn cho em, anh đắp một nửa vì phòng ta tường xây, cửa gỗ, ấm hơn. Cẩn thận kẻo cảm lạnh em nhé” [74, 937]. Ông còn gửi gắm bà đến những vùng ác liệt để có nhiều tài liệu, cảm hứng, viết thuận tiện và đạt hiệu quả cao. Anh Thơ khó mà quên được những lời động viên chân tình như thế này: “Em hãy để thì giờ nhớ anh tập trung vào tìm đề tài, gây cảm xúc. Em làm được nhiều thơ hay là anh vui rồi” [74, 925]. Đặc biệt, ông được coi là “người thư ký riêng” cho bà, là người ghi chép cẩn thận, tỉ mẩn những sáng tác của vợ. Anh Thơ hết sức xúc động và ghi nhớ mãi hình ảnh cảm động: khi ông qua đời, trên băng máy chữ còn găm bản thảo bài thơ của bà mà ông đánh máy dở dang, còn vương hơi ấm bàn tay ông.

Viết về kỷ niệm với người chồng thân yêu, tác giả không khỏi xót xa với nỗi bất hạnh của mình. Làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ, là điều tưởng như rất bình thường nhưng với Anh Thơ là một khát vọng không bao giờ có được. Bà bị u dạ con, phải cắt nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nghĩ

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 70 - 81)