Ký ức dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 49 - 50)

Hồi ký của bà không quên tái hiện dấu ấn một thời khói lửa chiến tranh của nhân dân ta ở chiến khu Việt Bắc, mà bà là một trong những người tham gia nhiệt tình, năng nổ [74, 528]. Thiếu thốn về vật chất, chiến đấu ở rừng thiêng nước độc, bà không ít lần phải vật vã với sốt rét rừng, bệnh đau dạ dày hành hạ. Chứng kiến nhiều sự mất mát, hi sinh trong đó, ấn tượng không thể quên là sự ra đi của chị Hoàng Ngân [74, 606-611].

Tác giả còn cho biết, trong thời gian kháng chiến chống Pháp, văn nghệ sĩ đã tổ chức được nhiều cuộc họp. Trong đó, đáng nhớ nhất là lần đầu tiên bà vinh dự được tham gia Hội nghị văn hóa. Mãi đến chiều 23 tháng 8 năm 1948, Anh Thơ mới tới được Thanh Cù, thủ đô của khu. Năm đó, chủ tịch đoàn có Hoài Thanh, Tố Hữu, Tô Ngọc Vân. Hội nghị báo cáo những hoạt động của các khu. Khu Bốn đã có một tổ chức chặt chẽ, hoạt động đủ các ngành văn, thơ, nhạc, hoạ, có các văn nghệ sĩ tên tuổi phụ trách từng ngành, làm việc rất có kế hoạch. Khu Ba thì chỉ hoạt động từng huyện, từng tỉnh. Khu Mười có hẳn đoàn văn hoá kháng chiến. Tất cả như đã nhận rõ được con đường nghệ thuật mình theo đuổi. Với riêng tác giả, con đường ấy, trước kia, bà đã mơ hồ cảm thấy. Nhưng nay được soi sáng qua Đề cương Văn hoá của Đảng.

Hồi ký có nhiều trang miêu tả niềm vui chiến thắng, như niềm vui ta thắng lớn ở trận Điện Biên Phủ năm 1954. Thời gian này, Anh Thơ công tác ở Đoàn Văn công Trung ương với nhạc sĩ Chu Minh, vinh dự được về Thủ đô phục vụ nhân dân. “Một niềm vui trông đợi suốt chín năm dài đằng đẵng. Nhìn những khoảng trời qua đỉnh núi, tôi thấy màu trong xanh như rộng thêm ra. Không còn một máy bay, không còn những tiếng động cơ làm mất đi tiếng suối reo, chim hót. Nhất là khi về tới bến Bình Ca, cờ đỏ san sát trên các mui thuyền, lưng chừng núi” [74, 752]. Anh Thơ nhớ cảm giác của bữa cơm đầu

tiên ở Thủ đô đã có chút cá thịt, nhưng cái ngon miệng là niềm vui hoà bình. Trở về phòng riêng với cái đệm, bà nhớ lại cảnh náo nức ở dọc đường về. Nào nơi thì bắc cầu, nơi san đường lấp những hố phá hoại. Chợ họp đông vui, áo trắng, áo màu tươi sáng. Cuộc trường chinh hơn 9 năm ròng, dân tộc ta đâu thích chiến tranh, nhưng phải bảo vệ đất nước. Một ý thơ đến với bà trong hoàn cảnh như thế: “Ta đánh giặc để xây dựng cảnh sống hoà bình”. Nối tiếp cảm hứng, bà làm thêm những bài thơ về kháng chiến, lấy nhan đề tập thơ là Theo cánh chim câu [74, 755], kết thúc giai đoạn chống Pháp.

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 49 - 50)