Hiện thực dân tộc trước Cách mạng tháng Tám

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 43 - 49)

Những trang đầu bộ hồi ký, Anh Thơ nhớ lại xã hội Việt nam đầu thế kỷ XX. Chế độ phong kiến Việt Nam suy tàn trước sự đe doạ của thực dân Pháp xâm lược nhưng vẫn còn sót lại một số nét phong tục văn hoá qua hình ảnh khoa bảng của cụ tú Vương Đan Lộc, thân sinh nữ sĩ Anh Thơ. Nhắc đến bố mình, Anh Thơ không quên nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ, đầy tự hào buổi ông thi đậu tú tài - vinh quy về làng. Dù rằng lúc đó không trống kèn, võng lọng nhưng vẫn còn hình ảnh đón rước, tiệc mừng linh đình. Làng nước phấn khởi, người gánh đến gánh gạo, người dắt cho cả một con bò, rồi lợn, rồi rượu. “Người ta cứ ngả ra ăn” [74, 33]. Đây là niềm vui, niềm vinh dự, tự hào không chỉ của gia đình ông tú Lộc mà còn của cả xóm làng. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui ấy là gánh nặng trả nợ đặt lên đôi vai người vợ ông Tú.

Ba nước Đông Dương là thuộc địa của thực dân Pháp, nhưng Việt Nam được Pháp coi trọng, đánh giá cao bởi tiềm năng về vật chất và con người. Chính vì thế, Pháp dành mọi ưu tiên, đầu tư lớn cho việc thực hiện chính sách xâm lược và cai trị Việt Nam. Vào thời điểm ấy, Pháp cũng là một nước tham gia chiến tranh thế giới thứ hai và xét về cục diện cuộc chiến, Pháp có nguy cơ thất bại, gây nên hậu quả nặng nề cho nước ta. Trong hồi ký, Anh Thơ kể về năm 1940, khi cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai đang dữ dội. “Phát xít Đức tiến vào chiếm được nước Pháp. Nhật thừa cơ đổ bộ vào Đông Dương. Rồi Mỹ đến đánh Nhật bằng cách ném bom xuống Hải Phòng. Những người Tàu giàu có chạy loạn cả sang Việt Nam” [74, 87].

Không khí chiến tranh ở Việt Nam thật căng thẳng. Giá gạo tự nhiên cao vọt. Đối với Anh Thơ, cũng bị chi phối rất nhiều thì giờ với việc xay giã, giần sàng chăm lo bữa ăn gia đình.

Dấu ấn thời đại còn được thể hiện ở mảng báo chí, một lĩnh vực Anh Thơ có tham gia. Anh Thơ đã tái hiện những mặt tồn tại, thẳng thắn phản ánh mà không che dấu cái lạc hậu, lỗi thời. Sau khi được Giải thưởng Tự lực văn đoàn với thi phẩm Bức tranh quê, Anh Thơ trở nên nổi danh, được độc giả khắp cả nước biết đến, ngưỡng mộ. Nữ sĩ được thư của Quỳnh Dao mời ra Hà Nội cùng làm báo Đông Tây. Thời buổi “gạo châu, củi quế” cộng với sự ra đời khá nhiều nhà xuất bản, nhiều tờ báo, cho nên báo Đông Tây trụ được không phải dễ. Anh Thơ không chỉ làm biên tập cho mảng thơ mà còn kiêm thêm nhiệm vụ môi giới, tìm đơn đặt hàng để nuôi sống tờ báo. Anh Thơ xem đó là bài học “vỡ lòng” làm báo của mình. Thì ra, chọn thơ văn không phải là công việc chính của biên tập viên, mà là vấn đề đi “chào hàng” kia. Nhất là đi “chào những khách mua giàu có và cao cấp” [74,144]. Tuy nhiên, vào những năm 40, bên cạnh nhiều tờ báo chủ yếu ra đời không vì mục đích nghệ thuật, thì Đông Tây, ngay từ đầu đã đưa ra tôn chỉ rõ ràng: “Mục đích của mình là mục đích xây dựng một nền văn học Việt Nam đúng đắn. Chúng ta sẽ không chạy theo phong trào vui vẻ, trẻ trung” [74, 147]. Như vậy, đó là dấu hiệu tích cực đáng trân trọng.

Bước vào làng báo - đó là niềm mơ ước, khát vọng của Anh Thơ. Tuy nhiên, thực tế đã nhiều lần làm nữ sĩ vỡ mộng. Báo Đông Tây muốn tồn tại phải nhờ một “mạnh thường quân” đó là nghiệp chủ Lưu Hồ. Lưu Hồ là công tử nhà giàu, nhưng hiếu danh. Hắn chả hiểu một tí gì báo bổ, nhưng lại thích cái tiếng chủ báo. Như thế, sự cộng tác này thật khập khiễng và không cùng chí hướng, mục đích. Nếu Anh Thơ, Quỳnh Dao, Hoạ sĩ Hồ Thu bất chấp khó khăn để đạt được ước mơ sống cho nghệ thuật, sống vì nghệ thuật thì tên Lưu Hồ “làm báo không để ích nước lợi dân, mà làm báo lại còn để khoe danh với bạn gái” [74, 148]. Điều đó, đến lúc ấy Anh Thơ mới ngộ ra.

Đây cũng là thời đại mà văn nghệ sĩ khó sống được với nghề. Đối với báo Đông Tây, những đồng tiền của nghiệp chủ Lưu Hồ mang đến chỉ là những đồng tiền bố thí của bố. Vì vậy, tờ báo ngày một quặt quẹo, lay lắt. Quỳnh Dao đã phải hạ cố đem cái tên kèm với tác phẩm yêu quý của mình, cho không bạn đọc, để nuôi sống tờ báo. “Hỏi Đông Tây, Kim, Cổ có nhà thơ nào khổ nhục như mình không” [74, 170]. Tờ báo chỉ có Quỳnh Dao, Anh Thơ và hoạ sĩ Hồ Thu vừa là chủ, đồng thời cũng là cộng tác viên, biên tập viên. Kham hiếm cộng sự nên Anh Thơ - đương kim là một thi sĩ, đã phải kiêm cả viết truyện ngắn, làm phóng sự và viết phê bình văn học - những việc đối với cô đều là những thử nghiệm, thiếu nhiều sự tự tin. Tuy nhiên, Anh Thơ đã được động viên cho sự “ngây thơ” của mình rằng: “Có phải tất cả các truyện ngắn được đưa lên báo là tuyệt tác cả đâu? Có rất nhiều truyện ngắn nhạt và trống rỗng nhưng báo cứ phải có truyện ngắn. Nếu nó nhạt quá, thì sẽ có cái khác bù vào [74, 175]. Theo quan niệm của Quỳnh Dao và cũng không ít văn nghệ sĩ thời ấy, những danh ca lên sân khấu, thường hát đủ các làn điệu, người nghe chỉ loá mắt vì cái tiếng “danh ca”. Nên dù chưa viết phê bình bao giờ, nhưng bài phê bình mà ký tên Anh Thơ cũng đã đủ hấp dẫn người đọc. Âu đó cũng là những quan niệm mang tính hạn chế của thời đại.

Dù khó khăn vất vả, phải làm những việc quá sức nhưng báo Đông Tây chỉ có thể cầm cự được một thời gian ngắn và sớm bị kiểm duyệt, đóng cửa. Đó là thất bại của không riêng gì Quỳnh Dao, Anh Thơ, Hồ Thu mà còn là sự thất bại của các văn nghệ sĩ chân chính nói chung. Sự thất bại đó thực chất là do tòa báo làm ăn còn giữ “lương tâm ngay thật”, không lợi dụng sổ giấy chính phủ đem cấp bán đi, không đăng quảng cáo cho những hiệu thuốc chữa bệnh tình, không chạy theo phong trào truỵ lạc làm cho phong hoá suy đồi. Và “không có vây cánh, cũng chả dựa dẫm vào ai, làm gì mà chả chết” [74, 234]. Nhưng đau xót hơn “là mình không giúp gì cho họ trong công việc phát triển văn hoá suy đồi, để đầu độc thanh niên” [74, 234]. Đây được xem là những

nguyên nhân chính, chủ yếu. Hay nói một cách khác, các văn nghệ sĩ báo

Đông Tây không chịu hạ mình làm tay sai cho Pháp.

Thực tế xã hội Việt Nam lúc ấy, không thiếu những thanh niên bị tiêm nhiễm, đầu độc thứ văn hoá đồi trụy, rơi vào trụy lạc, tiêu mòn chí khí, quên mất nhiệm vụ cao cả là đánh giặc cứu nước. Luồng gió độc ấy còn làm mê muội cả tầng lớp trí thức - những người được học hành, có nhận thức. Anh Thơ kể lại trong hồi ký với một thái độ phê phán cương quyết, cần phải thay đổi và loại bỏ sự tha hóa lối sống. “Một số cộng tác viên văn nghệ sĩ có tên tuổi, chỉ thích, chỉ yêu cầu nhà xuất bản chiêu đãi họ ở dưới xóm cô đầu. Bọn thi sĩ trẻ thì thích nhà xuất bản đưa họ đến những chỗ nhảy đầm. Ngay một số nhân viên trẻ ở nhà Nguyễn Du, cũng mê nhảy hơn mê đọc thơ” [74, 271]. Thời Pháp thuộc, cái nhố nhăng, kệch cỡm len lỏi khắp các ngõ ngách từ Hà Nội đến các tỉnh thành, từ thành phố đến nông thôn. Bắc Giang bây giờ tiệm nhảy nhà hát nhan nhản. Các cô gái con nhà thì đi học tiếng Nhật, giao thiệp với Nhật. Một số các bà vợ công chức thì ra buôn bán với Nhật. Tóm lại, cả cái “xã hội hiền lành” đang chạy theo Nhật. Nếu phát xít Đức mà thua đồng minh thì thế nào cũng hất cẳng Pháp, rồi không biết bọn “hoạt đầu” ấy sẽ theo ai. Hồi ký còn kể lại, năm 1941, dân tộc Việt Nam đã khổ cực là dân tộc nô lệ, lại là nô lệ của nước Pháp bại trận, “còn bị phát xít Nhật (chúng đổ bộ vào Đông Dương một cách nghênh ngang) buộc thêm tròng thứ hai vào cổ nữa” [74, 127].

Hồi ký Anh Thơ đã tái hiện được một thời kỳ khó khăn gian khổ của nhân dân ta, thuộc địa của một nước Pháp bại trận, tất yếu phải chịu nhiều hệ luỵ. Trước sự thất thế của Pháp trên chính trường thế chiến thứ II, Nhật thừa cơ nhảy vào Việt Nam, gây thêm nhiều tội ác. Vào cuối năm 1944, nước Pháp phải ra hàng Đức tại Pari nên ở Đông Dương, bọn toàn quyền, thống sứ cứ phải nhượng bộ Nhật. Càng ngày, Nhật càng được thế, cứ lù lù kéo quân vào Đông Dương, đóng rải rác các thành phố, các thị xã. “Giá sinh hoạt càng ngày càng đắt đỏ” [74, 377]. Tiếp đó, “Nhật lật đổ Pháp rồi. Họ tuyên bố là nước mình độc lập, vua Bảo Đại đang xuống dụ cho lập nội các mới. Thời thế lại

đổi thay” [74, 398]. Anh Thơ còn nhớ rất rõ buổi tập trung trước ba gian trường tiểu học, tập hát bài hát ca ngợi nền độc lập mới mẻ của ta. Nhưng phất phới trước sân là lá cờ mặt trời to bằng hai lá cờ vàng. Cảm thấy như có một bóng đen trùm qua cuộc vui này, bà chợt nghĩ: Độc lập gì mà lại nhờ quân đội nước ngoài đến đánh giặc hộ mình? Không phải chiến đấu, vất vả, đổ máu mà lại được tự do. Anh Thơ nhận thấy trò vui này là giả tạo về “thiện ý tốt đẹp” của người Nhật Bản, đã không ngại vất vả, nguy hiểm, đánh gục được người Pháp, giúp dân Việt Nam được độc lập, tự do. Bà thấy rõ cái trò hề giả dối của một “quân đội ăn cướp mới” [74, 400] và nhận ra đấy chính là dấu hiệu cho những thảm hoạ sắp diễn ra, đặc biệt nhất là nạn đói khủng khiếp năm 1945.

Một sự kiện lớn của đất nước vào năm 1945, nạn đói năm Ất Dậu, ở Bắc và Trung kì hơn hai triệu đồng bào ta chết đói được tái hiện cụ thể trong hồi ký Anh Thơ. Những trang hồi ức về nạn đói là những trang đầy xúc cảm, chua xót đến nhói lòng. Nạn đói được bắt đầu từ nguyên nhân Nhật Pháp cấu kết với nhau, thu hết thóc của dân, rồi lại bắt dân phá lúa trồng đay. Cái đói đã đến với nhân dân từ trong Tết, đã giết hại bao nhiêu người. Ngay lúc này nếu “rời khỏi phòng thơ ra mở cửa, thế nào cũng có dăm ba người ngã ngất vào nhà tôi. Cái buổi đầu tiên có người ngã vào nhà, thật là một buổi sáng đau xót, ngẩn ngơ…” [74, 387-388]. Trong hồi ức của Anh Thơ, đội quân đói đã đi vô cùng tận. Nhìn bất cứ người nào, cũng không phân biệt được đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, vì ai cũng còn bộ xương xám nhoẹt, đầu tóc lơ phơ. Mình quấn manh chiếu, hoặc buộc túm những bao tải. Nón mê tơi rách. Họ đi, có người bồng con, dắt cháu, có người đeo bị, chống gậy. Họ đi run rẩy đi trong mưa bay, gió buốt. “Họ nhặt được cùi bưởi cũng ăn, bã mía cũng nhai, rau sam, rau má thì bị vặt trụi. Thậm chí đói quá, thấy một người vừa xuống ô tô, bị say nôn ra, đám người đói cũng chạy vội lại, bốc ăn cả bãi nôn” [74, 388]. Đó là một thực trạng đau buồn và thương tâm của cảnh sống nô lệ. Song cũng là động lực để tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám thành công.

Anh Thơ viết hồi ký khi Việt Nam đang bước vào thời kỳ đổi mới, việc phản ánh chi tiết hậu quả thảm hại của nạn đói Ất Dậu có một ý nghĩa quan trọng trong công cuộc tái kiến thiết đất nước. Không có gì để ăn, người ta dễ bị tha hoá, trở thành những người ăn cắp, ăn trộm. Trong nhà ngục đã giam đầy những người đói phải đi ăn cướp, với hình phạt nặng nề, tàn nhẫn mà bọn Nhật đề ra: cắt gót chân. Đó còn là cảnh nhà chị Hưng, ngày xưa nền gạch, mái ngói, thường bán xáo thịt chó và bún. Một hôm chị bị bắt với hai đứa con, đầu đội mấy mẹt thịt người, phèng la rầm rầm. Đáng sợ hơn, trong những mẹt mẹ con chị Hưng đội, mẹt thì đựng đầu lâu, mẹt thì đựng toàn những cánh tay thui, mà da người thật mỏng, mỡ vàng ươm. “Có phải khi người ta đói quá, thì người cũng hoá quỉ chăng? [74, 403]. Nhìn chị thân tàn ma dại, Anh Thơ không thể ngờ, người ta có thể thịt người giả làm xáo chó, bán được. Trong hoàn cảnh ấy, người chết vì đói là lẽ tất nhiên, nhưng không hiếm những kẻ chết vì no. Dần dần trong các xóm huyện lác đác có người về lủi thủi ra đồng rút từng bông thóc chín, rồi kỳ cạch ngồi giã thóc lấy gạo ăn. Nhưng “những người này lại bị chết no, vì lâu ngày thèm cơm quá, có được nồi gạo mới, vừa thơm, vừa ngọt, họ ăn cho đến khi trương bụng lên, rồi lăn ra chết ngay bên nồi cơm” [74, 403]. Trước thảm cảnh ấy, Anh Thơ đã sáng tác thơ phản ánh thực trạng đau xót, góp tiếng kêu cứu lấy con người, cứu lấy đất nước nhưng không một báo nào đăng. Mặc dù vậy, bà cứ viết và vẫn cứ hi vọng thơ mình là một tiếng kêu thương tới giữa xã hội. Nhưng bà cũng nhận thấy thơ mình cho tới bây giờ cũng chỉ là một tiếng kêu thương “lẻ loi và bất lực”.

Trong hồi ký, một lần nữa dấu ấn thời đại tác giả sống được tái hiện, đó là không khí chiến tranh năm 1944 - 1945. Tác giả kể: “Tụi Tàu Tưởng kéo từ Lạng Sơn về tỉnh mình, lấy danh nghĩa là quân đồng minh vào tước khí giới của tụi Nhật, đồng thời đưa một lũ phản động về, đòi chia ghế chính phủ, đòi phát triển Việt Nam Quốc dân Đảng… Việt Nam cách mệnh đảng (bọn Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam tức Nhất Linh)… Nhà ấy (NXB Đời

nay) bây giờ thành hắc điểm của bọn người mang danh văn sĩ, mang danh cách mạng, để giết người cướp của” [74, 430- 431].

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 43 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w