Sự phát triển vượt trội của thể tài hồi ký trong văn học Việt Nam đương đại từ những năm 80 thế kỷ XX đến nay

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 28 - 33)

đương đại từ những năm 80 thế kỷ XX đến nay

Nền văn học Việt Nam trong mấy chục năm đầu thế kỷ XX, các thể loại văn học không những chỉ tiếp tục phát triển hệ thống đã có mà nó còn tạo ra một hệ thống mới. Cơ sở của hệ thống thể loại này, xét cho cùng là do vị trí mới của nền văn học trong đời sống xã hội. Những điều kiện xã hội cho sự tồn tại và phát triển của nền văn học mới chẳng những đòi hỏi văn học phải có một hệ thống thể loại phù hợp mà còn tạo tiền đề cho hệ thống đó.

Ở Việt Nam, hồi ký là một thể tài xuất hiện muộn hơn và còn khá mới mẻ so với các thể loại văn học khác. Hồi ký chỉ ra đời trên cơ sở ý thức xã hội nhất định, khi lịch sử chuyển sang thời kì cận đại. Đây là thời kỳ mà việc viết văn, sáng tạo nghệ thuật trở thành một loại hình lao động nghề nghiệp. Nghề văn được coi trọng, được chuyên môn hóa, văn nghệ sĩ trở thành tầng lớp có vị trí nhất định trong xã hội và chính họ đã trở thành đối tượng miêu tả của văn học nghệ thuật.

Khác với truyện ngắn và tiểu thuyết vốn có sự ổn định tương đối về đặc trưng thể loại, hồi ký tuy cùng nằm trong loại hình văn xuôi tự sự song chỉ là một tiểu loại trong loại hình ký. Vì thế, phải sang thập kỉ 30 của thế kỷ XX, thể tài hồi ký mới có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất, cơ bản định hình phong cách nghệ thuật. Và nếu như các thể loại khác còn in đậm dấu ấn giao lưu, ảnh hưởng văn học phương Tây thì bản thân thể tài hồi ký lại mang tính nội sinh rõ nét.

Từ những năm 30 thế kỷ XX, trong nền văn học Việt Nam hiện đại xuất hiện hàng loạt nhà văn, nhà báo với những tác phẩm phong phú về thể loại, đa dạng về phong cách tạo nên sự đa hương, đa sắc. Những đại biểu xuất sắc, tiêu biểu, những cây bút chủ lực sáng giá là nguồn cung cấp đối tượng cho các tác phẩm hồi ký, đồng thời cũng là người viết hồi ký văn học, góp phần đưa lại một phong cách mới mẻ cho thể tài. Càng về sau, đối tượng thể hiện của hồi ký càng được mở rộng. Đối tượng thể hiện của hồi ký có thể là những

con người tiêu biểu trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như những nhà khoa học, những nhà cách mạng, những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Chính họ đã góp phần tạo nên diện mạo chủ yếu của lịch sử thể tài hồi ký Việt Nam trước những năm 80 thế kỷ XX. Chúng ta có thể kể đến các tác phẩm như: Những ngày thơ ấu, Bước đường viết văn của tôi, Một tuổi thơ văn, Những nhân vật ấy đã sống với tôi (Nguyên Hồng); Đời viết văn của tôi

(Nguyễn Công Hoan); Cỏ dại, Tự truyện (Tô Hoài); Nhớ nghĩ chiều hôm (Đào Duy Anh); Thời kỳ thanh thiếu niên (Đặng Thai Mai); Ngục Kontum (Lê Văn Hiến); Hai lần vượt ngục (Trần Đăng Ninh); Từ nhân dân mà ra (Võ Nguyên Giáp); Không còn con đường nào khác (Nguyễn Thị Định); Đạp lên đầu thù

(Hoàng Quốc Việt)… Như vậy, kể từ khi xuất hiện, cùng với quá trình vận động và phát triển cho đến nay, hiện tượng văn học này ngày càng có sức hấp dẫn riêng của nó và được coi là một thể văn thực thụ.

Hồi ký là thể loại ít phát triển ở thời kỳ đầu của nền văn học mới, nhưng lại rất phát triển ở thời kỳ sau, bao gồm một phạm vi rất rộng, cả trong lẫn ngoài văn học. Trong những năm cuối thập niên 80 thế kỷ XX, trên văn đàn xuất hiện nhiều tác phẩm hồi ký của các nhà văn, tạo nên một mảng sinh động của đời sống văn học mà có thể nói rằng, trước đó chưa có. Đó cũng chính là hệ quả của quá trình đổi mới nhất quán trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời cũng là thời kỳ nhìn nhận, định vị lại nhiều giá trị cũ. Nhiều sự kiện văn học quá khứ, nhiều số phận văn chương cùng nhiều vấn đề phức tạp của quá khứ gần xa… đã được tái dựng theo một cách nhìn mới, không đơn giản một chiều. Chúng ta có thể kể đến những tác phẩm hồi ký tạo được ấn tượng mạnh như: Những năm tháng ấy (Vũ Ngọc Phan), Cát bụi chân ai, Chiều chiều (Tô Hoài), Núi Mộng gương Hồ (Mộng Tuyết),Nhớ lại một thời (Tố Hữu), Nửa đêm sự tỉnh (Lưu Trọng Lư), Bốn mươi năm nói láo

(Vũ Bằng), Hồi ký (Đặng Thai Mai), Hồi ký Song đôi (Huy Cận), Hồi ký

Nam), Tình bạn tình thơ (Cẩm Lai), Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (Ma Văn Kháng)…

Sự ra đời và để lại nhiều dư âm, giá trị cho thấy sự thành công vang dội và sức hấp dẫn đặc biệt của thể tài này. Điều này càng cho thấy niềm tin của người đọc vào tính trung thực của nhà văn, vấn đề căn cốt của thể loại hồi ký.

Trong tiến trình văn học, sự biến đổi tư duy giữa các thế hệ người cầm bút luôn luôn diễn ra như một tất yếu lịch sử. Vào thời điểm này, đi đôi với việc mở rộng nhận thức về con người cả bề rộng lẫn chiều sâu là nhu cầu hồi tưởng lại quá khứ trong văn học. Đó có thể là quá trình nhận thức lại chính mình cùng với những suy tư chiêm nghiệm về nghề văn, về nghiệp văn, về “người văn”. Đó có thể là cái nhìn công bằng thoả đáng hơn về lịch sử thời đại, những yếu tố làm nên khuôn mặt tinh thần văn hoá Việt Nam đã tạo điều kiện cho thể loại hồi ký ra đời và phát triển mạnh.

Sự nở rộ của hồi ký trong những năm cuối thế kỷ XX ngày càng thu hút sự quan tâm của độc giả. Bên cạnh sự thể hiện cái tôi, sự khẳng định mình, hồi ký cũng là một cách thể hiện nhu cầu khám phá đời sống. Các tác giả đã phác họa không chỉ chân dung diện mạo những con người cùng thời mà còn là chân dung hiện thực của đất nước, dân tộc qua chiều dài thế kỷ - những vấn đề tưởng như đã thuộc về quá khứ. Nói cách khác, từ những trang viết có nội dung xã hội phong phú, tác phẩm hồi ký góp phần soi sáng hiện tại, đáp ứng được nhu cầu nhận thức thực tại. Chính vì thế, nhà thơ Huy Cận đã từng suy nghĩ: “Viết hồi ký là sống lại một lần nữa cuộc đời mình, cũng là san sẻ cho người trong thiên hạ vui buồn của mình và phần nào những trải nghiệm dọc đời đã sống”.

Sự xuất hiện như một dòng chảy liên tục của những tác phẩm hồi ký từ những năm 80 thế kỷ XX cho đến nay đã khẳng định sự tồn tại của một thể loại văn học, dù ra đời từ thời cổ đại Hi Lạp nhưng chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam từ thế kỷ XX đang ngày càng trở nên phổ biến, trở nên gần gũi và được dư luận quan tâm chú ý. Đồng thời với sự xuất hiện của thể loại

văn học mới cũng là sự đổi mới quá trình tư duy nghệ thuật. Với thể loại hồi ký, con người và cuộc sống được khám phá và nhìn nhận trong cự ly gần với nhiều góc cạnh. Các vấn đề thuộc quá khứ được nhìn nhận lại và phân tích lý giải mới. Người ta dám soi chiếu, nhìn thẳng vào ngay cả những góc khuất mà trước đây người ta không muốn nhắc đến hoặc cố tình che đậy. Cho nên, với cái nhìn hướng nội, người viết hồi ký - người trần thuật - “tôi” kể lại chuyện mình, chuyện người… chiêm nghiệm lại những gì mình đã trải qua mà đương thời chưa có cơ hội để nói hoặc chưa có điều kiện để công bố.

Sự góp mặt của dòng tác phẩm hồi ký đã chứng tỏ sự vận động không ngừng của xu hướng dân chủ hoá trong văn học. Bên cạnh sự hiện diện rõ nét của con người cá nhân trong các mối quan hệ đan xen phức tạp là sự đa dạng của thành phần tác giả. Giờ đây, hồi ký không còn là tiếng nói của các văn nhân, chính khách, mà còn là lời giãi bày, chia sẻ của giới trí thức (các học giả văn học, lịch sử, âm nhạc, giáo sư, bác sĩ, luật sư…) về bao suy tư, trăn trở, thậm chí cả những uẩn khúc của bản thân trước những biến chuyển của xã hội và thời đại…ngay cả những lời tâm sự của những người hết sức bình thường với nhu cầu được bày tỏ, cảm thông như: Lê Vân - yêu và sống, Hành trình xương thuỷ tinh, Lời hứa ngày mai, Không lạc loài, Cô bé nhìn mưa… Chính sự xuất hiện liên tục và đa dạng ấy đã mang một luồng sinh khí mới cho nghệ thuật văn xuôi tự sự Việt Nam hiện đại.

Giá trị đích thực của một tập hồi ký vượt lên trên cả nhu cầu tự nói về mình và sự hấp dẫn nghệ thuật là vẻ đẹp nhân cách của người cầm bút. Điều này lý giải vì sao những hồi ký thật sự có giá trị thường là những sáng tác của những con người chân chính. Đương nhiên đó sẽ là những tác phẩm văn học luôn nhận được sự quan tâm, trân trọng của độc giả. Bởi “hồi ký là một bức tranh về một thời đại, bên cạnh câu chuyện của mình, tác giả đi tìm hiểu những mảnh đời khác” và “trong khi đi tìm hiểu cái tôi, tác giả viết tặng chúng ta một tác phẩm văn học” [66].

Viết hồi ký không phải là một việc dễ dàng, phải đảm bảo yêu cầu trung thực khách quan, khiêm tốn mà vẫn tạo được sự thu hút, gợi được thi vị cho người đọc. Dù không thể không có cái tôi của mình nhưng tác giả vẫn tránh được sự tự đề cao đáng trách. Đó chính là nét đẹp bình dị mà cao thượng của người cầm bút.

Tiếng nói của dư luận, của số đông độc giả là tiếng nói của những nhà phê bình trung thực nhất góp phần làm sáng tỏ chân giá trị của những trang hồi kí mang nét đẹp nhân cách cao thượng, tư duy khoa học, trung thực và trong sáng. Chính cái nhìn khách quan của dư luận và thời gian sẽ đào thải những hồi ký được viết ra với dụng tâm đề cao cá nhân, quyền lực hoặc hàm chứa sự oán hận, trả thù.

Mặc dù sự xuất hiện của thể tài hồi ký trong đời sống văn học Việt Nam những thập kỷ qua vẫn chưa nhận được những phản hồi tích cực và xứng đáng. Tuy nhiên, những cuộc phỏng vấn, trao đổi với các nhà văn, nhà nghiên cứu nhằm đi sâu tìm hiểu thể loại hồi ký, tự truyện đó cũng là một sự quan tâm đúng mức và thể hiện nhu cầu khám phá giá trị đích thực của thể tài hồi ký của tất cả mọi người.

Sự xuất hiện của hồi ký trong văn học Việt Nam thời gian qua không chỉ phản ánh nhu cầu của cái tôi cá nhân với khát vọng tự biểu hiện, mà còn đặt ra một yêu cầu mới cho đời sống văn học - yêu cầu sàng lọc, nhận diện những hồi ký đúng nghĩa của những con người chân chính.

Với tất cả những nỗ lực tìm tòi, khám phá, cách tân về nội dung ý nghĩa cũng như nghệ thuật biểu hiện và quan trọng nhất là với sự tự khẳng định không ngừng phong cách cá nhân của các tác giả hồi ký thời kỳ đổi mới, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định sự thành công và chín muồi của thể loại ký ở giai đoạn này.

Làm nên độ “chín” của từng thể loại trong từng giai đoạn nào đó, ngoài yếu tố tâm huyết và tài năng của mỗi tác giả còn cần đến sự mở cửa sự giải phóng về mặt đời sống chính trị, tư tưởng trong xã hội và cả sự phù hợp ăn ý

của thể loại đó với tinh thần chung của thời đại. Với tất cả những ưu thế và sự vững vàng đó, thể loại ký nói chung và thể tài hồi ký nói riêng sẽ còn có những bước tiến hơn nữa trong thế kỷ XXI. Điều này đã được minh chứng trong thời gian qua, công chúng đã nồng nhiệt đón nhận hàng loạt các tác phẩm hồi ký, tự truyện: Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt (Anh Thơ), Hồi ký Trần Văn Khê (Trần Văn Khê), Hồi ký Quách Tấn

(Quách Tấn), Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Gia Thị (Tôn Nữ Hỉ Khương), Viết về bè bạn, Rừng xưa xanh lá, Một thời để mất (Bùi Ngọc Tấn),

Những năm tháng quân ngũ (Hồ Bắc), Lưu Hữu Phước: Lên đàng (Lưu Hữu Phước), Mất để mà còn (Hoàng Minh Châu), Hơn nửa đời hư (Vương Hồng Sến), Trọn đời vì nghĩa cả (Trần Tử Bình), Hồi ký (Trần Văn Giàu), Hồi ký điện ảnh (Đặng Nhật Minh)…

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w