Khái niệm giọng điệu

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 93 - 95)

Giọng điệu nghệ thuật không chỉ là yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn, là phương tiện biểu hiện quan trọng của tác phẩm văn học, mà còn là yếu tố có vai trò thống nhất mọi yếu tố khác của hình thức tác phẩm vào một chỉnh thể. Các yếu tố tư tưởng, hình tượng chỉ được cảm nhận trong một phạm vi giọng điệu nào đó và nhờ đó người đọc thâm nhập vào thế giới tinh thần của tác giả.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học (chủ biên: Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi), giọng điệu là: “Thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [20, 112].

Năm 1961, trong Nhập môn phê bình văn học, K.Danziger và S. Johnson ghi nhận giọng điệu (tone) là phạm trù có liên quan đển tất cả các yếu tố tạo nên văn phong (style)… bao gồm: cách diễn đạt, hình tượng, cú pháp, âm thanh và nhịp điệu… là biểu hiện của một thái độ về phía đối tượng (object) được nêu rõ hay ngụ ý” [18, 336].

Theo Lê Huy Bắc, nội hàm khái niệm giọng điệu được chỉ rõ, giọng điệu là âm thanh được xét ở góc độ tâm lý, biểu hiện các thái độ buồn, vui, giận, hờ hững… Cơ sở để tạo nên giọng điệu chính là cách diễn đạt, hình tượng, cú pháp, âm thanh, nhịp điệu.

Như vậy, một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nét đặc trưng riêng cho mỗi loại hình lời văn nghệ thuật là giọng điệu. Giọng điệu còn góp phần khu biệt đặc trưng phong cách của mỗi một nhà văn, mỗi một khuynh hướng sáng tác. Nếu như trong đời sống hằng ngày, giọng điệu là giọng nói,

lời nói biểu thị một thái độ nhất định. Và chúng ta nghe giọng nói có thể nhận ra con người, thậm chí có thể nhận biết tính cách của họ. Thì trong sáng tạo nghệ thuật, giọng điệu có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Nó được xem như một phạm trù thẩm mỹ đòi hỏi người trần thuật, kể chuyện phải có khẩu khí riêng. “Thiếu một giọng điệu nhất định nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật” [20, 113].

Trong văn chương, giọng điệu không phải chỉ được thể hiện ở chỗ nói cái gì mà còn là ở chỗ nói như thế nào. Hơn nữa giọng điệu ở đây không chỉ là một tín hiệu âm thanh có âm sắc đặc thù để nhận ra người nói mà là giọng điệu còn mang nội dung tình cảm thái độ ứng xử trước hiện tượng đời sống. Giọng điệu trong tác phẩm thường đa dạng, không đơn điệu: “Giọng điệu là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học. Nó đòi hỏi người trần thuật kể chuyện hay nhà thơ trữ tình phải có khẩu khí, giọng điệu riêng. Giọng điệu trong tác phẩm gắn với các giọng điệu “trời phú” của mỗi tác giả nhưng mang nội dung khái quát nghệ thuật, phù hợp với đối tượng thể hiện. Giọng điệu trong tác phẩm có giá trị đa dạng, có nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chủ đạo chứ không đơn điệu” [20;113]. Trong sáng tác mỗi nhà văn thường có một giọng điệu riêng. Đọc văn của họ người đọc nhận ra giọng điệu, dáng vẻ, cốt cách riêng của họ.

Giọng điệu không chỉ là yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn, là phương tiện biểu đạt của tác phẩm mà còn là yếu tố giữ vai trò thống nhất các yếu tố khác tồn tại trong tác phẩm tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật. Tác phẩm có giá trị là tác phẩm thể hiện một giọng điệu riêng, tiêu biểu cho thái độ cảm xúc của tác giả. Tuy nhiên, trong một tác phẩm cũng có thể có nhiều giọng điệu bao hàm nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau. Nhưng độc giả vẫn nhận ra một “tông” chủ đạo trong sự đa điệu ấy. Tìm được giọng điệu phù hợp, nhà văn sẽ kể chuyện hay hơn, thể hiện sâu sắc hơn lý tưởng thẩm mỹ của mình.

Nền tảng của giọng điệu, là cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Đây được coi là trạng thái tình cảm mãnh liệt xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn với một tư tưởng, một sự đánh giá nhất định nhằm gây tác động đến cảm xúc và sự tiếp nhận của độc giả. Cảm hứng chủ đạo cũng là một hiện tượng độc đáo không lặp lại, gắn với tình cảm của tác giả. Bê-lin-xki coi cảm hứng chủ đạo là điều kiện không thể thiếu trong việc tạo ra tác phẩm đích thực, bởi nó “biến sự chiếm lĩnh thuần tuý trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành” [20; 45].

Một yếu tố nữa góp phần tạo ra giọng điệu của nhà văn chính là vị thế của tác giả trong tác phẩm. Nhà văn tự coi mình là nhà tiên tri, vị quan toà, nhà truyền đạo, người kêu oan, kẻ tố cáo, đấng bề trên… thì theo đó, sẽ có giọng điệu phù hợp.

Những tác phẩm hồi ký văn học, dù minh bạch, thông suốt về nội dung, sáng tỏ, nhất quán về kết cấu nhưng vẫn khá đa dạng về giọng điệu. Mặc dù giọng điệu thể loại chủ đạo của hồi ký là thuật kể khách quan những sự kiện đã qua nhưng do sự cởi mở, phong phú về mặt phong cách và cá tính sáng tạo, mỗi tác giả đã mang đến cho thể loại một giọng điệu riêng của mình.

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 93 - 95)