Vài nét tiểu sử Anh Thơ

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 33 - 37)

Anh Thơ (1919-2005) tên thật là Vương Kiều Ân, sinh ngày 25/01/1919 tại thị trấn Ninh Giang, Hải Dương, quê ở thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Bà vốn là một nhà thơ, nhà báo Việt Nam nổi danh từ thời tiền chiến. Ngay từ khi mới bắt đầu làm thơ, Anh Thơ còn có các bút danh khác: Tuyết Anh (thơ đăng trên báo Phương Đông của Lan Khai, 1936), Hồng Anh. Anh Thơ cũng là thành viên của tao đàn Anh Hoa, tao đàn thơ của các thi sĩ sông Thương nức tiếng một thời cùng với Bàng Bá Lân, Mai Hương, Đào Dương…

Anh Thơ xuất thân trong một gia đình công chức nhỏ, có truyền thống văn thơ Nho học. Ông ngoại bà là cụ phó bảng Kiều Oánh Mậu, nhà khảo cứu văn học Việt Nam - người hiệu đính Truyện Kiều của Nguyễn Du rất nổi tiếng, cũng là một phó bảng gốc Sơn Tây, được bổ làm đốc học Bắc Giang. Vì ghét Tây, cụ xin về hưu, đi lập ấp ở làng Lát thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Bề ngoài mộ dân lập ấp khai hoang, nhưng bên trong mưu đồ làm

hậu cần cho nghĩa quân Đề Thám. Cụ có làm thơ an ủi Đề Thám khi bị thất thế và làm nhiều thơ bày tỏ nỗi lòng của mình trước vận nước, thơ về đạo làm người. Còn bà ngoại là người đánh đàn tì bà rất giỏi, từng được vua nhà Nguyễn mời vào cung dạy đàn cho cung nữ. Một nguồn ảnh hưởng nữa để bà quyết chí theo nghiệp văn chương đó là người cô ruột của mình. Cô bà đẹp người, học hết lớp nhì, biết tiếng Pháp, thích đàn và làm thơ. Anh Thơ đến với văn học bằng những tác phẩm trong tủ sách của người cô rất giỏi thơ phú, cầm kỳ này.

Thân phụ của nữ sĩ là cụ Vương Đan Lộc, đỗ tú tài, có ra làm thừa phái song cụ là một nhân sĩ yêu nước. Ông phải thuyên chuyển nhiều nơi nên bản thân Anh Thơ cũng phải đổi trường học từ Hải Dương sang Thái Bình rồi về lại Bắc Giang mà chưa qua bậc tiểu học. Theo cụ tú Lộc, họ Vương trước kia là họ Đặng, con cháu của trạng nguyên Đặng Công Chất, gốc Phù Đổng. Đến thời Trịnh Tông, phái Tuyên phi Đặng Thị Huệ (dòng dõi của Đặng Công Chất) bị thanh trừng, các cụ họ Đặng mới đổi sang họ Vương. Thuở nhỏ, Anh Thơ không được đi học nhiều ở nhà trường. Nhưng với lòng say mê, ham thích văn học, được tiếp nhận những nguồn ảnh hưởng văn học dân tộc và truyền thống gia đình, Anh Thơ sớm làm thơ và có được nhiều tác phẩm để đời.

Quê nội của Anh Thơ ở thị xã Phủ Lạng Thương, bên bờ con sông Thương hiền hoà, thơ mộng. Đây cũng là một trong những hình ảnh xuất hiện nhiều trong sáng tác của bà, đồng thời cũng là yếu tố ảnh hưởng đến con đường thi ca của nữ sĩ.

Anh Thơ bắt đầu làm thơ năm mười hai tuổi. Sau khi nghỉ học, bà ở nhà phụ giúp mẹ chăm sóc đàn em. Là chị lớn trong nhà, Anh Thơ phải lo mọi việc. Nhưng có lẽ công việc mà bà yêu thích nhất là mỗi sáng đi chợ qua đường cái quan rải đá có hoa phù dung nở trắng tường gạch, rồi những hàng tre và cánh đồng thẳng tắp trước khi dẫn đến chợ. Những hình ảnh trữ tình và thơ mộng chân chất thôn quê ấy luôn ám ảnh trong tâm trí của bà. Trong nhiều tự sự bà nói rằng, tuổi thơ của mình đã được may mắn gắn liền với

ruộng đồng, sông nước quê hương, lại được nuôi dưỡng trong một gia đình yêu thi phú, âm nhạc.

Dù rất mê làm thơ nhưng bà bị thân phụ cấm một cách gắt gao, quyết liệt. Bước qua sự ngăn cấm của gia đình, vào năm 16 tuổi, Anh Thơ đã lén cha làm thơ đăng trên các báo: Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ năm, Ngày nay, Phụ nữ… Từ đó Anh Thơ đã dấn bước chính thức vào ngôi nhà chung của Thơ mới với niềm háo hức của tuổi thanh xuân. Đặc biệt năm 1939, Anh Thơ được Giải thưởng của Tự lực văn đoàn với thi phẩm Bức tranh quê và bắt đầu nổi danh. Anh Thơ được thi sĩ và công chúng khắp nơi ngưỡng mộ bởi bà là nữ sĩ đầu tiên nhận được vinh dự này. Sau đó, Anh Thơ đã cùng với thi sĩ Quỳnh Dao làm biên tập cho tờ báo Đông Tây. Mặc dù chịu trách nhiệm biên tập mảng thơ nhưng vì báo hiếm người, Anh Thơ đã kiêm luôn viết văn, làm phóng sự. Với tôn chỉ phục vụ cho văn học, tờ báo đã sớm bị kiểm duyệt. Sau thời điểm đó, Anh Thơ đã phải buôn đay, buôn muối vất vả, viết một số bài đăng rải rác trên các tờ báo… Năm 1943, Anh Thơ xuất bản cuốn tiểu thuyết Răng đen viết về thân phận người phụ nữ, in chung tập thơ Xưa với thi sĩ Bàng Bá Lân. Năm 1944, nữ sĩ có tên trong tập thơ Hương xuân, tập thơ của các nữ sĩ Việt Nam đầu tiên gồm bốn nhà thơ Vân Đài, Hằng Phương, Anh Thơ, Mộng Tuyết.

Gần đến Cách mạng tháng Tám, Anh Thơ tìm đến Mặt trận Việt Minh, tham gia khởi nghĩa ở Bắc Giang và sau đó tham gia kháng chiến chống Pháp. Bà từng là bí thư Huyện hội Phụ nữ bốn huyện: Việt Yên, Lục Ngạn, Bắc Sơn, Hữu Lũng. Sau đó bà làm Thường vụ Tỉnh hội Phụ nữ hai tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, từng làm báo, làm cứu thương, dạy bình dân học vụ, làm công tác văn hoá thông tin, văn công. Từ năm 1975, bà là uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khoá I, khoá II). Từ 1971-1975, Anh Thơ công tác tại tạp chí Tác phẩm mới và là uỷ viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Những điều kiện, hoàn cảnh sống và sáng tác ấy đã ảnh hưởng nhiều đến công tác văn học của Anh Thơ. Tình yêu quê hương đất nước đậm sâu tạo nên nét riêng trong thơ Anh Thơ.

Thuở sinh thời, với tài thơ của mình, thi sĩ Nguyễn Bính đã thầm yêu và mạnh dạn tìm gặp, nhưng theo bà, giữa thơ và người có một khoảng cách vì thế mối lương duyên giữa hai nhà thơ lối “chân quê” thời bấy giờ mãi mãi chỉ là giai thoại. Đặc biệt, nữ sĩ đã có những giây phút đẹp nhất với thi sĩ Cẩm Văn, chủ Nhà xuất bản Nguyễn Du, hai người đã từng làm lễ đính ước với nhau. Nhưng số phận trớ trêu, hạnh phúc không thành. Tiếp sau đó là những cuộc tình đầy trắc trở, oái oăm. Mãi đến năm 36 tuổi, bà mới kết hôn với ông Bùi Viên Dinh, một bác sĩ miền Nam tập kết ra Bắc. Anh Thơ rất phục cái tài, trọng cái tâm, thương cái nết của chồng. Hai người đã sống với nhau rất hạnh phúc. Mặc dù ông không có tâm hồn của một nhà thơ nhưng chính ông là người rất đồng cảm với tâm hồn thơ của bà và giúp bà rất nhiều trong sự nghiệp văn học. Anh Thơ đã ghi nhớ mãi hình ảnh cảm động: khi ông qua đời, trên băng máy chữ còn găm bản thảo bài thơ của bà mà chính ông đánh dở dang, còn vương hơi ấm của ông.

Thời gian sau khi người chồng qua đời, Anh Thơ dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn không ngừng sáng tác và xuất bản nhiều cuốn sách dày dặn như tập Lệ sương, tập thơ khóc chồng. Đặc biệt là cuốn hồi kí Anh Thơ, hơn một nghìn trang gồm ba tập Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt với tâm sự: “Còn sống thêm ngày nào thì còn viết ngày đó”.

Vẫn biết đời người là hữu hạn, nhưng Anh Thơ đã biến cái hữu hạn bằng cái vô hạn, đó chính là để lại cho đời những tác phẩm văn học quý giá, như lời nhà thơ Hữu Thỉnh đọc trong điếu văn đưa tiễn nữ sĩ về nơi thiên cổ: “Những trang sách của bà đang tiếp tục sống với bạn đọc, kể lại với hậu thế về một người phụ nữ tài năng, giàu nghị lực, một hồn thơ nồng ấm và sâu nặng với quê hương, đất nước”

Đầu năm Ất Dậu, nền thơ ca hiện đại của chúng ta phải dồn dập chịu những tổn thất quá lớn. Vừa chia tay với Huy Cận, Đoàn Văn Cừ, bây giờ lại là Anh Thơ, những đại biểu cuối cùng của phong trào Thơ mới. Ngày 14/03/2005, Anh Thơ đã về cõi vĩnh hằng. Sự ra đi của bà để lại bao tiếc nuối

bởi bà là một trong số ít những gương mặt nữ làm thơ từ trước Cách mạng tháng Tám, là người có sức bền bỉ và dồi dào hơn cả. Những thi phẩm của bà có sức khơi gợi trong lòng mỗi người tình cảm yêu mến, gắn bó với làng xóm, quê hương, đồng thời có ý thức bảo vệ những giá trị văn hoá tốt đẹp từ bao đời.

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký của anh thơ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w