Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Miền Trung tiền thân là trường Công Nhân Công Trình I được thành lập ngày 13 tháng 8 năm 1971 tại rừng Đại Ngàn - Huyện Hương Sơn - Tỉnh Hà Tĩnh. Trong quá trình phát triển, trường đã trải qua năm lần đổi tên và nhiều lần di chuyển địa điểm.
Năm 1973, sau khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, trường được chuyển về xã Xuân Viên - huyện Nghi Xuân - tỉnh Hà Tĩnh. Trong hoàn cảnh cơ sở vật chất còn thô sơ, nhưng với khẩu hiệu “Dù gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, trường đã liên tục hoàn thành các chỉ tiêu đào tạo, góp phần bổ sung lực lượng lao động kỹ thuật cho ngành trong thời kỳ phục hồi hậu quả chiến tranh. Đến 1983, trường được đổi tên thành Trường Công Nhân Kỹ Thuật 4 trực thuộc Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng công trình giao thông khu vực IV.
Cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) khởi xướng, nhà trường đổi mới tư duy, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, đa dạng hoá ngành nghề đào tạo. Từ bổ túc văn hoá, lý luận chính trị cho công nhân kỹ thuật và cán bộ quản lý, trường đã bắt đầu đào tạo các ngành nghề thông dụng cho xây dựng như Nề, mộc, xây dựng đường bộ, kích kéo, sửa chữa máy xây dựng, sắt (gò, hàn, nguội),.v.v…
Năm 1989, được sự nhiệt tình ủng hộ của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Nghệ An, Huyện Nghi Lộc, Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng công trình giao thông khu vực IV,… trường được chuyển đến xây dựng tại địa điểm hiện nay là Xã Nghi Liên - Huyện Nghi Lộc, nay là Nghi Liên - Thành phố Vinh - Tỉnh Nghệ An, trên km số 7 Quốc lộ 1A Vinh - Hà Nội và đường sắt Bắc – Nam. Trường được đổi tên thành Trường Công Nhân Kỹ Thuật trực thuộc Cục Đường Bộ Việt nam - Bộ Giao thông vận tải. Quy mô đào tạo của trường ngày càng tăng. Lưu lượng trung bình hàng năm tại trường đạt trên 600 học sinh.
Ngày 17/09/1993, trường được đổi tên thành Trường Kỹ Thuật - Nghiệp vụ Giao thông vận tải Miền Trung. Từ đây, trường bắt đầu đa dạng hoá mô hình đào tạo, đào tạo theo phương thức đa ngành nghề, đa hệ, liên doanh, liên kết đào tạo và mở rộng phạm vi tuyển sinh đến tất cả các tỉnh thuộc Khu IV cũ, nam Trung bộ và Tây Nguyên. Từ những ngành nghề đào tạo giản đơn như nề, mộc, kích kéo, đường bộ và các nghề cơ khí như sắt, hàn, gò, nguội,… đến thời điểm này trường là 1 trong 16 trường đào tạo nghề chính quy của Bộ Giao thông vận tải với danh mục 14 nghề đào tạo. Ngoài ra trường còn liên kết với trường đại học Giao thông vận tải Hà Nội, các trường Cao đẳng khác trong khu vực mở các lớp đại học tại chức chuyên ngành Xây dựng cầu đường bộ, Kinh tế Giao thông vận tải và các khoá trung cấp chuyên nghiệp chuyên ngành Xây dựng cầu đường bộ, Cơ khí sửa chữa Ôtô, máy xây dựng và ngành Kế toán doanh nghiệp. Với sự đổi mới, nỗ lực từ nhiều phương diện, trường đã đạt
được nhiều thành tích to lớn, đặc biệt đã được thị trường dạy nghề khu vực công nhận là một trung tâm đào tạo nghề có uy tín, chất lượng. Số học sinh theo học tại trường ngày càng đông. Năm 1994 lưu lượng học sinh theo học tại trường là 790 học sinh, thì đến năm 2001 con số đó đã là 1545 học sinh.
Bằng nỗ lực của chính mình, được sự quan tâm của các ngành, các cấp, trường đã vươn lên một vị thế mới, tạo nền tảng cơ bản về cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên. Vì vậy, ngày 12 tháng 12 năm 2003, trường đã được Bộ Giao thông vận tải quyết định nâng cấp từ trường Công nhân Kỹ thuật - Nghiệp Vụ Miền Trung thành Trường Trung học Giao thông vận tải Miền Trung.
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập, mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ trường đã chỉ đạo xây dựng và phát triển trường cả về quy mô và chất lượng, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Số lượng cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ thạc sỹ và đại học đã chiếm đa số (Thạc sỹ chiếm trên 30%, đại học chiếm trên 55%, số còn lại có trình độ cao đẳng hoặc công nhân bậc cao). Với sự nỗ lực đó, ngày 7 tháng 7 năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 3766/QĐ- BGDĐT quyết định thành lập Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Miền Trung trên cơ sở Trường Trung học Giao thông vận tải Miền Trung.
Ngày 11 tháng 7 năm 2008 Bộ Giao thông vận tải đã ra Quyết định số 2046/QĐ-BGTVT về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cơ cấu tổ chức Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Miền Trung. Và ngày 25 tháng 9 năm 2008, Lễ công bố quyết định thành lập trường Cao đẳng Giao thông vận tải Miền Trung trên cơ sở Trường Trung học Giao thông vận tải Miền Trung được long trọng tổ chức.
Qua 40 năm phát triển, trường đã lớn mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về quy mô đào tạo, các ngành nghề đào tạo được mở rộng. Lưu lượng đào tạo của trường tăng lên hàng năm, đào tạo lao động cho ngành Giao thông vận tải và các ngành kinh tế khác trong khu vực. Tính đến nay, trường đã đào tạo được 38 khoá hệ Công nhân kỹ thuật với trên 20.000 công nhân kỹ thuật lành nghề; 7 khoá hệ Trung cấp chuyên nghiệp với trên 3000 học sinh; 03 khoá Cao đẳng chuyên nghiệp với hơn 350 sinh viên đã tốt nghiệp và đang theo học ở trường; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 3.500 công nhân, cán bộ trong và ngoài ngành trên địa bàn khu vực. Ngoài ra, trường còn liên kết với trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội đào tạo đại học tại chức cho hơn 1000 kỹ sư chuyên ngành xây dựng cầu đường và kinh tế xây dựng; liên kết đào tạo sau đại học chuyên ngành xây dựng cầu đường bộ. Hiện có 4.400 học sinh, sinh viên đang theo học tại trường.
Hiện nay, trường có 4 hệ đào tạo với các chuyên ngành sau: Đào tạo liên thông với 3 chuyên ngành: Xây dựng cầu đường bô, Cơ khí sửa chữa ô tô, máy xây dựng và kế toán doanh nghiệp. Đào tạo hệ đại học về chuyên ngành xây dựng cầu đường bộ. Đào tạo hệ trung cấp nghề với các chuyên ngành: Trắc địa công trình, thí nghiệm và kiểm tra chất lượng cầu đường bộ, vận hành máy ủi, máy cần trục, máy xúc, kỹ thuật xây dựng, thí nghiệm vật liệu đường bộ, lắp đặt cầu, xây dựng cầu đường bộ, hàn, điện dân dụng, công nghệ ô tô. Đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp có 3 chuyên ngành: xây dựng cầu đường bộ, cơ khí sửa chữa ô tô, máy xây dựng, kế toán doanh nghiệp. Đào tạo hệ cao đẳng có 3 chuyên ngành: xây dựng cầu đường bộ, cơ khí sửa chữa ô tô, máy xây dựng, kế toán doanh nghiệp.