Những mâu thuẫn cơ bản của thời đại ngày nay

Một phần của tài liệu Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học (Trang 72 - 75)

III. Lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa

2.Những mâu thuẫn cơ bản của thời đại ngày nay

Hiện nay trên phạm vi toàn thế giới vẫn có 4 mâu thuẫn cơ bản sau:

Thứ nhất: Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Đây là mâu thuẫn cơ bản nhất, bởi sự vận động của mâu thuẫn này tác động tới những mâu thuẫn còn lại. Một khi chủ nghĩa xã hội vững mạnh, phong trào công nhân trên thế giới phát triển, thì cuộc đấu tranh của nhân dân lao động trên thế giới vì hoà bình, ổn định được phát triển.

Đây là mâu thuẫn nổi bật, xuyên suốt từ khi Cách mạng Tháng Mười thành công. Chính vì vậy chủ nghĩa đế quốc tìm mọi cách xoá bỏ chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ khi nó ra đời tới nay.

Ngay sau Cách mạng Tháng Mười, 14 nước đế quốc đã bao vây hòng tiêu diệt nước Nga Xôviết.

Tiếp theo Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chủ nghĩa phátxít cũng muốn tiêu diệt Liên Xô.

Cuộc chiến tranh lạnh, thế giới tư bản tìm mọi cách cô lập các nước xã

hội chủ nghĩa, bằng cách tiến hành bao vây kinh tế, đẩy mạnh chạy đua vũ trang với mong muốn làm suy yếu những nước này để đi đến xoá bỏ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, một số nước xã hội chủ nghĩa đã có quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế và nhiều quan hệ khác với các nước tư bản chủ nghĩa. Điều đó không có nghĩa là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản dịu đi hay không còn nữa. Trái lại, mâu thuẫn giữa hai chế độ xã hội này biểu hiện dưới dạng mới là vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên nhiều phương diện. Cần phải ý thức rõ điều đó, không được mơ hồ, mất cảnh giác với âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai: Mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân; giữa tư bản và lao động.

Đây là mâu thuẫn cơ bản trong thời đại ngày nay, mâu thuẫn giữa hai giai cấp cơ bản trong chủ nghĩa tư bản.

Chừng nào chủ nghĩa tư bản vẫn còn tồn tại thì mâu thuẫn giữa hai

giai cấp cơ bản trong xã hội này vẫn là khách quan, giai cấp công nhân vẫn là những người lao động làm thuê cho giai cấp tư sản.

Hiện nay do cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và những lực lượng tiến bộ trên thế giới, cùng với năng suất lao động cao do cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tạo ra, chủ nghĩa tư bản có những điều chỉnh trong chính sách xã hội, thực hiện tăng phúc lợi xã hội. Song sự phân hoá giàu nghèo vẫn diễn ra quyết liệt, sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng trong các nước tư bản chủ nghĩa.

Nếu như trước đây trong các nước tư bản chủ nghĩa mâu thuẫn cơ bản nổi lên giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản thì nay mâu thuẫn này đã phát triển thành mâu thuẫn rộng lớn hơn là mâu thuẫn giữa tư bản và lao động. Trong xã hội, không chỉ có giai cấp công nhân bị áp bức, bóc lột mà cả những người lao động khác cũng bị bóc lột; mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng mang tính xã hội hoá cao với tính chất tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất ngày càng gay gắt.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, một mặt giúp nâng cao mức sống cho xã hội, mặt khác làm cho tình trạng thất nghiệp của những người lao động trong xã hội tư bản chủ nghĩa ngày càng gia tăng. Cùng với nó là tình trạng tội phạm xã hội, ma tuý, sự suy thoái về đạo đức, lối sống làm cho những mâu thuẫn vốn có trong xã hội tư bản ngày càng trở nên gay gắt. Những mâu thuẫn đó chỉ được giải quyết bằng một cuộc cách mạng xã hội xoá bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, với những âm mưu "diễn biến hoà bình" chống phá quyết liệt của kẻ thù, những thủ đoạn nham hiểm của giai cấp tư sản, cùng với sự thiếu thống nhất, sự chia rẽ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hiện nay, cách mạng xã hội chủ nghĩa còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ ba: Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc và kém phát triển với chủ nghĩa đế quốc.

Vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX, với ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, khoảng 100 nước đã đấu tranh thắng lợi giành được độc lập dân tộc ở những mức độ khác nhau. Song, do các nước này có trình độ kinh tế, văn hoá thấp kém, cho nên vẫn đang còn lệ thuộc vào các nước tư bản chủ nghĩa về khoa học kỹ thuật, về tài chính, v.v. ở mức độ khác nhau. Từ sự phụ thuộc về kinh tế khiến họ tất yếu phải phụ thuộc các nước tư bản chủ nghĩa về chính trị.

Bằng những biện pháp tinh vi, các nước tư bản chủ nghĩa đang bóc lột các nước dân tộc chủ nghĩa một cách thậm tệ, làm cho khoảng cách giữa các nước giàu và nước nghèo ngày càng gia tăng. Nhiều nước hiện nay không còn khả năng trả nợ.

Theo quy luật của cơ chế thị trường, chất xám có xu hướng chảy từ nước nghèo sang nước giàu, do vậy, các nước chậm phát triển có nguy cơ

chảy máu chất xám làm cho các nước này đã nghèo lại càng trở nên nghèo

hơn. Tình trạng nghèo đói của các nước kinh tế chậm phát triển đã là nguyên nhân dẫn tới những xung đột dân tộc, tôn giáo ở những nước này gia tăng.

Như vậy, hiện nay các nước chậm phát triển, một mặt phải tiến hành cuộc đấu tranh chống lại sự can thiệp và xâm lược bằng quân sự, bằng kinh tế, bằng văn hoá của các nước phương Tây; mặt khác, phải đấu tranh chống lại nghèo đói, bệnh tật, lạc hậu.

Tình trạng trên làm cho mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với chủ nghĩa đế quốc ngày càng gia tăng. Điều đó được biểu hiện qua sự gia tăng những cuộc chiến tranh trên thế giới thời gian gần đây.

Thứ tư: Mâu thuẫn giữa các nước tư bản chủ nghĩa.

Các nước tư bản có sự thống nhất với nhau về bản chất chế độ, về lợi ích giai cấp, về mục tiêu chống phá chủ nghĩa xã hội và phong trào cách mạng, những lực lượng tiến bộ trên thế giới.

Quan hệ giữa các nước tư bản chủ nghĩa, giữa các tập đoàn tư bản chủ nghĩa là quan hệ liên minh nhằm tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Song giữa các nước tư bản chủ nghĩa có những mâu thuẫn về lợi ích quốc gia, lợi ích của mỗi tập đoàn tư bản, do vậy, luôn luôn diễn ra những cuộc đấu tranh lúc công khai, lúc ngấm ngầm.

Mâu thuẫn trên đã là nguyên nhân nổ ra hai cuộc chiến tranh trên thế giới. Hiện nay mâu thuẫn này được thể hiện thông qua mâu thuẫn giữa ba trung tâm tư bản lớn: Mỹ - Nhật - Tây Âu. Mỹ dựa vào tiềm lực kinh tế - tiềm lực quân sự tìm mọi cách tranh giành quyền lợi với Nhật và Tây Âu. Do vậy, Nhật, Tây Âu vừa là đồng minh chiến lược, vừa là đối thủ cạnh tranh với Mỹ.

Tóm lại: thế giới đang tồn tại bốn mâu thuẫn cơ bản nêu trên. Những mâu thuẫn này quy định nội dung cơ bản của thời đại ngày nay. Tuy nhiên, sự biểu hiện những mâu thuẫn cơ bản trên hiện nay có những khác biệt so với trước đây, đòi hỏi chúng ta cần phân tích làm rõ những biểu hiện đó. Sự vận động những mâu thuẫn này là quanh co phức tạp, do vậy, sự vận động của quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội trên thế giới cũng quanh co phức tạp.

Một phần của tài liệu Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học (Trang 72 - 75)