- Là một người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng học và tự học phải có mục đích và động cơ rõ ràng, học phải trả lời được câu hỏi: Học để làm gì? – Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng – Học để tin tưởng – Học để hành.
- Tự học được nhìn từ góc độ nhận thức (theo Nguyễn Quang Đạo, Hoàng Anh, Đỗ Thị Châu, Nguyễn Hiến Lê, Trịnh Quang Từ). Theo đó, nội dung cơ bản của khái niệm tự học: Tự học là hoạt động tự giác, độc lập của chính bản thân người học nhằm chiếm lĩnh tri thức, KN, kỹ xảo . . . và kinh nghiệm lịch sử xã hội loài người nói chung để đạt tới mục tiêu học tập của cá nhân.
- Tự học được nhìn từ giác độ cách thức, biện pháp (theo Nguyễn Cảnh Toàn, Lê Khánh Bằng, Cao Xuân Hạo, Phạm Viết Vượng, Hà Thị Đức, S.I.Zinoviev, N.A.Rubakin). Quan điểm này đề cập đến các thao tác và những phẩm chất cần thiết cho hoạt động tự học của mỗi người, chúng được đặt trong tổng thể các yếu tố cấu thành của hoạt động tự học.
- “Tự học có nghĩa là học lấy một mình trong sách chứ không có người dạy” [72, tr. 1056].
- “Học cách học về ngữ nghĩa học có thể coi đồng nghĩa với sự tự học và sự cá thể hoá giáo dục” [7, tr.87]. Theo quan điểm này, muốn học cách học cần tới tình huống tự học.
Tóm lại, Tự học là hoạt động mang tính độc lập, cá nhân, đòi hỏi có ý thức tự giác cao, có thái độ đúng, có tính mục đích, có mục tiêu rõ ràng, có hệ thống KN tự học. Tự học thể hiện sự tự điều khiển, tự điều chỉnh, tự kiểm tra việc học của chính mình theo hướng sáng tạo.
Chúng tôi lựa chọn nội dung này để nghiên cứu về vấn đề tự học. “Như vậy, cốt lõi của học là tự học. Hễ có học là có tự học vì không ai có thể học hộ người khác được” [78, tr. 60].
Theo quan điểm của tác giả Nguyễn Cảnh Toàn cho rằng ở đâu có học tức là có tự học, ai học tức là đã tự học. cái chính là mức độ tự học của mỗi người khác nhau. Hai đứa trẻ sinh đôi, sống trong cùng một môi trường, học cùng một lớp, cùng nghe một thầy giảng thì mức độ tự học thường là khác nhau: Chẳng hạn, người này nghe chăm chú, cố hiểu, phần nào không hiểu đánh dấu lại về nghiên cứu tiếp hoặc hỏi bạn, hỏi thầy. Người kia không tập trung vào bài giảng, lơ đãng, cố gắng ghi chép hết tất cả mọi điều thầy nói mà không hiểu gì cả sau đó không xem lại bài ghi đó. . . [78, tr. 119]
Theo tác giả Nguyễn Cảnh Toàn khi đã có hệ thống sách giáo khoa thì việc học có thể diễn ra theo ba cách tăng dần mức độ khó:
Cách 1: Có sách giáo khoa và thầy giáp mặt một số tiết trong ngày, trong tuần. Bằng những hình thức thông tin trực tiếp thông qua máy móc hoặc ít nhiều có sự hỗ
trợ của máy móc đặt ngay trên lớp (ví dụ như một máy chiếu phim). Đó là học giáp mặt trên lớp và về nhà tự học có hướng dẫn (tự học có hướng dẫn trực tiếp của GV).
Cách 2: Có sách giáo khoa và có thêm những ông thầy ở xa hướng dẫn tự học bằng tài liệu hoặc bằng các phương tiên thông tin viễn thông khác. Hướng dẫn tự học chủ yếu là hướng dẫn tư duy trong việc chiếm lĩnh tri thức, hướng dẫn tự phê bình về tính cách trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Đó là tự học có hướng dẫn (tự học có hướng dẫn gián tiếp của GV).
Cách 3: Có sách giáo khoa rồi người học tự học lấy mà hiểu, mà thấm các kiến thức trong sách, qua việc hiểu mà tự rút kinh nghiệm về tư duy, tự phê bình về tính cách (như thiếu kiên trì, thiếu tư tưởng tiến công, dễ thoả mãn v v . . ). Đó là tự học ở mức cao (tự học không có hưỡng dẫn của GV) [78, tr.212].