1. Tình hình sản xuất, thu mua điều ở Việt Nam thời gian qua:
1.1 Tình hình trồng điều ở Việt Nam:
Điều được đưa vào trồng ở nước ta từ hơn 200 năm trước đây. Phổ biến ở các tỉnh miền Nam. Nhân dân ở đây thường trồng phân tán quanh nhà
và vườn đồi nhưng gần đây nhiều nơi đã trồng tập trung. Hiện nay, cả nước có khoảng 300.000 ha trồng điều tăng 50.000 ha so với năm 1999, trong đó trồng tập trung 250.000 ha, trồng phân tán khoảng 50.000 ha. Khu vực miền Đông Nam Bộ với 180.000 ha chiếm 60%, duyên hải Nam Trung Bộ với 72.000 ha chiếm 24%, Tây Nguyên với 32.400 ha chiếm 10,8%, Đồng bằng Sông Cửu Long với 15.600 ha chiếm 5,2% so với diện tích điều cả nước. Các tỉnh có diện tích trồng điều lớn là Bình Phước với 62.538 ha, Bình Dương với 17.824 ha, Đồng Nai 35.000 ha, Bình Thuận 21.000 ha, Bình Định 15.000 ha, Đắc Lăk 10.000 ha Gia Lai 10.500 ha...[15], [25], [16], [1].
Tuy nhiên, thời gian trước đây việc trồng điều có tính chất tự phát, theo phong trào, trồng ồ ạt thông qua sự vận động thu mua của tư thương khi giá thị trường lên cao. Trong gây trồng điều chưa chú ý nhiều đến việc chọn giống, chọn đất và đầu tư thâm canh đúng mức cho cây. Đa số các vùng trồng điều nhân dân thường dùng biện pháp quảng canh, ít đầu tư, điều kiện chăm sóc rất hạn chế. Hậu quả dẫn đến nhiều diện tích trồng điều không đúng kỹ thuật, cây sinh trưởng kém, ít quả, năng suất kém, sâu bệnh trầm trọng.Tính tổng diện tích trồng điều cả nước thì khá lớn song năng suất kém, hiệu quả kinh tế thấp. Mặt khác do giá cả thị trường thế giới không ổn định nên người trồng điều không yên tâm, sản xuất chạy theo thị trường, không chú ý đến chăm sóc thâm canh. Người nông dân tự xoay sở sản xuất và tiêu thụ mà Nhà nước chưa có điều kiện để bảo hộ cho họ gây tâm lý không yên tâm, không ổn định để sản xuất điều. Thậm chí nhiều nơi, nhiều vụ nông dân đã chặt bỏ cây điều để trồng cây công nghiệp khác. Những năm 1997, 1998 do hậu quả của việc thiếu đầu tư quy hoạch nên cây điều đã rơi vào tình trạng giảm mạnh cả về năng suất và sản lượng. Tuy nhiên, năm 1997 Việt Nam được xếp thứ 3 trong số các nước xuất khẩu điều nhân trên thế giới với lượng điều nhân xuất khẩu cao nhất đạt 33.300 tấn và kim ngạch xuất khẩu 133 triệu USD.[26]
Đứng trước thực trạng này, Nhà nước đã có bước thay đổi chiến lược quan tâm, chú trọng đến việc phát triển cây điều đưa điều trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của nước ta. Hàng loạt các vườn điều cũ được cải tạo lại như ở huyện Tri Tôn, An Giang đã thực hiện tập trung cải tạo vườn diều cũ, ghép giống điều đang trồng với giống điều mới để lai tạo, loại bỏ dần giống điều địa phương đang trồng hiện nay, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cho năng suất cao 2 tấn/ha, cao gấp 3 lần giống điều cũ, giảm giá thành điều giống từ 6.000 đồng/cành xuống còn 1.500 đồng/cành. Song song với việc cải tạo lại vườn điều cũ, Nhà nước cũng khuyến khích phát triển các vườn điều mới ở các vùng trọng điểm. Dự kiến đến năm 2010 sẽ nâng diện tích trồng điều ở vùng Đông Nam Bộ lên tới 258.000 ha tăng khoảng 40% so với hiện nay. Để đạt mục tiêu, khu vực này đang cho mở rộng dần diện tích trồng điều. Gần đây với sự tài trợ của dự án Na Uy- Thuỵ Điển, Quảng Trị còn thực hiện đưa điều vào trồng ở vùng cát trắng. đến nay đã trồng được 80 ha cây điều tập trung tại vùng cát vốn nhiều năm chưa được khai phá. Kết quả bước đầu đã hứa hẹn một tương lai mới cho cây điều ở khu vực này.[37], [29].
Với quyết tâm đưa cây điều trở thành cây công nghiệp chiến lược của nước ta, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đưa dự án giống điều vào một trong số 18 dự án của chương trình giống cây trồng vật nuôi và giống cây lâm nghiệp. Ngành coi đây là khâu đột phá về năng suất và chất lượng sản phẩm hạt điều, nhất là cho xuất khẩu. Gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Điều Bình Dương và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cùng các Viện, Trung tâm vùng đã tập trung chọn lọc cây điều mẹ đầu dòng trên các vùng sản xuất điều chủ yếu ở Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Ninh Thuận... tạo các dòng điều địa phương, dòng điều nhập nội, từng bước làm phong phú thêm nguồn giống điều cả nước. Hạt giống điều của những cây điều dòng tốt được phân phối cho hộ nông dân đủ điều kiện để sản xuất đáp
ứng yêu cầu giống mới của nhân dân đặc biệt là ở vùng Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận, Đắc Lắc...
Nhiều đơn vị, hộ nông dân trong các vùng trồng điều tập trung đã mở rộng cơ ngơi sản xuất giống điều mới, năng suất và chất lượng cao, khá thành công trong kinh doanh giống điều. Công ty Cà phê Nông sản Xuất khẩu 722 (Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) ngoài nhiệm vụ chế biến điều xuất khẩu đã trồng được hơn 200 ha điều nguyên liệu, lập vườn ươm chuyên sản xuất cây điều giống chất lượng cao, hàng năm sản xuất cung ứng cho bà con trong vùng từ 130.000 cây đến 300.000 cây giống điều cao sản chất lượng cao, cung cấp giống điều tiêu chuẩn như GN1, PO1, MH3, MH5, MH6, TL3, TL16... để đưa ghép với cành điều được gieo ươm trong vườn bầu. Giống điều mới có thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 2 –3 năm, ngắn hơn giống điều cũ 1 năm.[37], [40]
Ngoài các kết quả khả quan về việc phát triển các giống điều tốt ở các Viện và trung tâm nói trên, Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam cũng đã cho thấy sự đóng góp của mình. Ngoài việc đưa vào nguồn gen 83 dòng điều địa phương, 39 dòng điều nhập nội, Viện còn nhập nội và trồng thử nghiệm 3 giống điều ưu tú Sasikel 1, Sasikel 2, Sasikel 4 của Trung tâm nghiên cứu rau quả Thái Lan để từng bước đưa vào bộ giống tốt của Việt Nam.
Do có sự quan tâm của Nhà nước, sự nỗ lực của mỗi thành viên trong Ngành điều nên ngành đã có những tiến bộ rõ rệt, sản lượng điều thô và năng suất điều tăng lên một cách đáng kể. Nếu như năm 1995 năng suất bình quân của điều là 62.8 tạ/ha, năm 1997 là 77.7 tạ/ha thì đến năm 2002 năng suất điều đã lên tới 118 tạ/ha. Về sản lượng điều thô, năm 1995 là 110.000 tấn, năm 1997 là 140.000 tấn thì đến năm 2002 con số này đã tăng lên gần gấp đôi đạt sản lượng 200.500 tấn và vụ thu hoạch điều vừa qua đã cho mức sản lượng 250.000 tấn điều thô. Tuy nhiên, mức sản lượng này cũng chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu nguyên liệu của các cơ sở chế biến. Hàng năm
Việt Nam vẫn phải nhập một lượng lớn điều thô từ Indonexia, Campuchia, Tanzania... để phục vụ cho chế biến , ví dụ như năm 2002 Việt Nam phải nhập hơn 80.000 tấn nguyên liệu điều thô với giá thành cao, chất lượng thấp hơn điều sản xuất trong nước.[38], [3]