Đánh giá tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2002:

Một phần của tài liệu luận văn đổi mới cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xdcb (Trang 80 - 84)

I. Một số vấn đề tồn tại trong cơ chế quản lý đầu tư xây dựng và thực tế sử dụng vốn

6/ Đánh giá tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2002:

6.1/ Những tồn tại:

Theo báo cáo của KBNN ngày 14/1/2003 thì đến 31/12/2002 tổng giá trị khối lượng XDCB hoàn thành trên phạm vi cả nước gửi đến hệ thống KBNN để thanh toán là 30602 tỷ đồng, đạt 59,4% kế hoạch cả năm. Trong đó, giá trị khối lượng thực hiện

các dự án do các ngành trung ương quản lý là 9.924 tỷ đồng, đạt 51,2% so với kế hoạch; giá trị khối lượng thực hiện các dự án do địa phương quản lý là 20.679 tỷ đồng, đạt 64,4% so với kế hoạch được giao.

Tổng số vốn đầu tư được thanh toán (giải ngân) qua hệ thống KBNN là 32.746 tỷ đồng (giá trị khối lượng thực hiện - KLTH: 30.603 tỷ đồng), bằng 63,6% so với kế hoạch, song so với giá trị khối lượng thực hiện đạt 107%. Trong đó, số vốn đầu tư được giải ngân của các công trình trung ương là 10235 tỷ đồng. So với kế hoạch được giao đạt 52,8%, so với giá trị khối lượng thực hiện đạt 103,13%; tổng số vốn thanh toán của các công trình địa phương là 22.512 tỷ đồng, đạt 70,1% kế hoạch được giao, so với giá trị khối lượng thực hiện đạt 108,86%.

Tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư XDCB theo kế hoạch đầu tư năm 2002 cho thấy một số vấn đề cần khắc phục:

- Tình hình thực hiện vốn đầu tư so với kế hoạch được giao đạt thấp, công trình thuộc nguồn vốn NSTW đạt 51,2%; công trình thuộc nguồn vốn NSĐP đạt 64,4%.

- Giải ngân vốn đầu tư XDCB cho các dự án so với kế hoạch được giao đạt còn thấp, song so với tỷ lệ giữa giá trị khối lượng thực với kế hoạch vẫn cao hơn từ 1,6% đến 5,7%: Tỷ lệ thanh toán vốn đầu tư so với kế hoạch đạt 63,6%; tỷ lệ giá trị KLTH so với kế hoạch đạt 60,3%. Trong đó công trình thuộc NSTW có tỷ lệ vốn thanh toán so với kế hoạch được giao đạt 52,8%, cao hơn tỷ lệ giá trị KLTH so với kế hoạch (đạt 51,2%) là 1,6%; công trình thuộc vốn NSĐP có tỷ lệ vốn thanh toán so với kế hoạch đạt 70,1%, cao hơn tỷ lệ giá trị KLTH so với kế hoạch (64,4%) là 5,7%.

- Công tác quản lý và giải ngân vốn đầu tư XDCB luôn theo sát giá trị khối lượng thực hiện. Vì vậy, tỷ lệ vốn đầu tư XDCB được thanh toán (giải ngân) so với giá trị khối lượng thực hiện đều đạt trên 100%, từ 102,2% đến 109,3% (trừ các dự án thuộc chương trình mục tiêu mới đạt 85,9%).

6.2/ Những nguyên nhân:

- Việc bố trí kế hoạch đầu tư năm 2002 của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương vẫn chưa đảm bảo tuân thủ đúng quy định về các điều kiện bố trí kế hoạch. Nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư và xây dựng vẫn được các bộ, ngành, địa phương

bố trí vào danh mục kế hoạch để rồi sau đó mới làm các thủ tục đầu tư; đối với dự án nhóm C thì hiện tượng bố trí vượt qui định 2 năm là phổ biến.

- Việc phân khai chi tiết kế hoạch đầu tư cho từng dự án, công trình của các Bộ, ngành, địa phương rất chậm thường sau 2-3 tháng, nhiều dự án đến tháng 6 hoặc lâu hơn nữa (kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư năm 2002) mới triển khai.

- Ngoài kế hoạch đầu tư năm, năm 2002 Chính phủ còn giao kế hoạch bổ sung hai lần: tháng 3/2002 giao kế hoạch bổ sung theo Quyết định số 216/QĐ-TTg là 1000 tỷ đồng; tháng 12-2002 tại Quyết định số 1117/QĐ-TTg là 1500 tỷ đồng. Việc giao kế hoạch bổ sung chậm cũng làm ảnh hưởng lớn đến triển khai thực hiện kế hoạch nên giá trị khối lượng thực hiện của dự án đạt thấp dẫn đến tỷ lệ vốn đầu tư được giải ngân so với kế hoạch đạt thấp.

- Không chỉ các Bộ, ngành, địa phương đã giao kế hoạch đầu tư năm chậm mà các chủ đầu tư triển khai cũng chậm, bởi lẽ, một mặt, những tháng đầu năm các chủ đầu tư còn lo các thủ tục kế hoạch để thanh toán cho khối lượng các dự án được kéo dài từ năm trước chuyển sang (cũng như các năm trước, năm 2002 có khoảng 5000 tỷ đồng của kế hoạch năm 2001 được chuyển sang). Mặt khác, đã thành nếp quen, nhiều năm qua các chủ đầu tư thường vẫn chờ dự án được giao kế hoạch mới tiến hành các thủ tục triển khai kế hoạch cụ thể để thực hiện như: kế hoạch đấu thầu, ký hợp đồng thi công... sau đó mới trình lên cơ quan chủ quản phê duyệt. Hiện tượng này sẽ kéo dài trình tự triển khai kế hoạch đến từ 3 đến 6 tháng, làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện kế hoạch: khối lượng thực hiện và khối lượng vốn đầu tư được giải ngân theo kế hoạch đạt thấp.

- Vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng do cơ chế chính sách đền bù còn thiếu thống nhất; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của nhiều dự án chưa thực sự đi trước một bước theo trình tự về đầu tư và xây dựng.

- Tổ chức các chủ đầu tư còn nhiều bất cập, năng lực của nhiều chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý dự án; nhiều chủ đầu tư do kiêm nhiệm, ít am hiểu về quản lý đầu tư và xây dựng, kỹ thuật xây dựng... nên lúng túng, chậm chạp, gặp khó khăn khi triển khai tổ chức thực hiện dự án.

- Tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu triển khai thực hiện chậm:

+ Đối với chương trình 135: kế hoạch đầu tư năm 2002 là 1.160 tỷ đồng (trong đó NSTW trợ cấp 1.114 tỷ đồng, NSĐP tự cân đối 46 tỷ đồng) với 6.157 công trình được giao kế hoạch. Đến tháng 11/2002 các địa phương mới duyệt thiết kế, dự toán của 4.769 công trình, bằng 77,4% kế hoạch được giao. Việc triển khai thiết kế, lập dự toán chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ khối lượng thực hiện và khối lượng thanh toán theo kế hoạch.

+ Đối với các dự án thuộc các cụm dân cư như tôn nền vượt lũ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Kế hoạch Chính phủ giao là 1.820 tỷ đồng cho 7 tỉnh. Đến hết tháng 12/2002 các địa phương đã triển khai 314 cụm tuyển dân cư với số vốn là 1446,7 tỷ đồng, bằng 79,5% kế hoạch được giao. Do triển khai chậm, nên khối lượng thực hiện đạt thấp, đến 31/12/2002 mới đạt 458,6 tỷ đồng, bằng 31,7% kế hoạch được giao, KBNN tạm ứng và thanh toán 634 tỷ đồng, bằng 43,8% kế hoạch. Mặc dù được Chính phủ, các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi như không phải lập báo cáo đầu tư, chỉ lập và trình duyệt thiết kế, dự toán; không phải tổ chức đấu thầu, mà cho phép chỉ định thầu, nhưng tình hình triển khai, thực hiện dự án chậm. Trong số 7 tỉnh triển khai thực hiện các dự án các cụm tuyến dân cư, trên nền vượt lũ khu vực ĐBSCL có 2 tỉnh là An Giang và Đồng Tháp có khối lượng thực hiện và thanh toán đạt khá, còn 5 địa phương còn lại triển khai thực hiện và thanh toán đạt thấp.

+ Đối với các dự án xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu của cán bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Đề án 112): Đến nay mới có một số bộ, ngành, địa phương triển khai như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ Quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam... Vì vậy các dự án thuộc nhóm mục tiêu này không hoàn thành kế hoạch trong năm 2002.

Nhìn chung, công tác quản lý và điều hành kế hoạch đầu tư năm 2002 so với các năm trước không mấy tiến bộ. Một số nguyên nhân như: bố trí kế hoạch phân tán, thiếu tập trung; triển khai kế hoạch của các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư chậm; không thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư và xây dựng... đã rõ, song chậm được khắc phục.

Một phần của tài liệu luận văn đổi mới cơ chế quản lý đầu tư và xây dựng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xdcb (Trang 80 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)