I. Một số vấn đề tồn tại trong cơ chế quản lý đầu tư xây dựng và thực tế sử dụng vốn
4. Tình trạng vốn chờ dự án, thừa-thiếu vốn giả tạo:
Một nghịch lý đang diễn ra gay gắt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản là trong khi nhiều dự án quan trọng không thể triển khai được do thiếu vốn thì những dự án đã ghi kế hoạch lại không thể “tiêu” hết số vốn đã được phân bổ. Cho đến đầu năm 2000 nguồn vốn Ngân sách dành cho đầu tư xây dựng cơ bản năm 1999 còn đọng trên 2000 tỉ đồng nằm chờ công trình. Mặc dù Thủ tướng chính phủ đã đồng ý cho Ngân sách được cấp phát nguồn vốn kế hoạch năm 1999 đến hết ngày 31-3- 2000 (thêm 3 tháng) nhưng theo Kho bạc Nhà nước thì việc giải ngân là không đúng hạn. Nguyên nhân chính vẫn là do tiến độ triển khai của nhiều dự án còn chậm khiến khối lượng thực hiện không có hoặc nếu có thì cũng không bằng so với kế hoạch để chuyển tới thanh toán cho kho bạc.
Theo thống kê cho thấy, đến hết tháng 12 năm 1999, riêng nguồn vốn Trung ương dành cho đầu tư xây dựng còn thừa tới gần 1900 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn Ngân sách địa phương, vốn Ngân sách vay trong và ngoài nước (theo ước tính còn 2000 tỉ đồng)... đã tạo ra áp lực rất lớn về giải ngân trong những tháng đầu năm 2000. Mặc dù chính phủ đã đề ra các giải pháp tháo gỡ bằng các văn bản ban hành cho phép chủ đầu tư được tạm ứng trước một phần vốn hay cho thanh toán trước tới 80% khối lượng công việc đã hoàn thành nhưng chưa đủ thủ tục thanh toán, đơn giản hoá thủ tục thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Đặc biệt, việc nghiệm thu khối lượng thực hiện, chất lượng công trình mà trước đây Tổng cục đầu tư phát triển thường lấy làm lí do chính để kéo dài thời gian cấp phát vốn nay đã không còn được áp dụng đối với hệ thống kho bạc. Các bên A (chủ dự án) và bên B (đơn vị thi công) tự chịu trách nhiệm về việc này và cứ có xác nhận của bên A là Kho bạc cấp phát vốn. Tuy nhiên, những biện pháp thông thoáng này vẫn chưa khắc phục được tình trạng chậm trễ trong giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn Ngân sách. Sang đến năm 2001, tình trạng vốn chờ dự án lại được tái diễn và dường
như đây là một căn bệnh khó chữa mà chúng ta đang gặp phải. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước các tỉnh, Thành phố thuộc Trung ương, qua 10 tháng thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2001 giá trị khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành đạt 36,6% so với kế hoạch năm, trong đó Trung ương đạt 40,1% kế hoạch, địa phương đạt 34,6%. Vốn thanh toán gồm cả tạm ứng đạt 41,3% so với kế hoạch năm, trong đó Trung ương đạt 46,1%, địa phương đạt 38,7% kế hoạch. Số vốn thanh toán 10 tháng đầu năm là 20700 tỉ đồng trong đó vốn thanh toán cho kế hoạch năm 2000 kéo dài khoảng 6000 tỉ đồng và thanh toán cho kế hoạch năm 2001 đạt khoảng 14700 tỉ đồng cao hơn so với cùng kỳ năm 2000 (16000 tỉ đồng).
Nguyên nhân của việc tỷ lệ vốn thanh toán so với kế hoạch còn thấp là do nhiều dự án mặc dù đã có khối lượng thực hiện nhưng rất thiếu các điều kiện thanh toán cho nên không thể thanh toán được. Đối với các dự án nhóm A, kể cả các dự án chuyển tiếp như dự án xây dựng 38 cầu giao thông nông thôn đồng bằng sông Mê Kông, dự án hồ Tả Trạch, dự án làng văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam... tiến độ triển khai còn rất chậm, bổ sung hợp đồng nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và thanh toán...