III. vốn đầu tư xây dựng cơ bản:
3. Phân loại vốn đầu tư XDCB:
Vốn đầu tư XDCB chủ yếu được phân loại theo một số tiêu thức sau: theo nguồn hình thành, theo cơ cấu nghành, cơ cấu công nghệ và cơ cấu tái sản xuất.
3.1/ Vốn đầu tư XDCB phân theo nguồn hình thành: Bao gồm vốn ngân sách Nhà nước cấp, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (hai nguồn này đã bao gồm nguồn ODA), vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước, vốn đầu tư của tư nhân và dân cư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
3.2/ Vốn đầu tư XDCB phân theo cơ cấu nghành: Thể hiện sự phân phối vốn đầu tư XDCB giữa các nghành của nền kinh tế quốc dân.
3.3/ Vốn đầu tư XDCB phân theo cơ cấu công nghệ: Cơ cấu công nghệ thể hiện mối tương quan của vốn đầu tư XDCB theo công dụng. Tức là thể hiện mối tương quan giữa các phần chi phí cho các công tác xây dựng cơ bản, đó là: vốn cho công tác xây dựng và lắp đặt, cho công tác mua sắm máy móc và thiết bị và vốn đầu tư XDCB cho các công tác kiến thiết cơ bản khác.
Hoàn thiện cơ cấu công nghệ của vốn đầu tư có nghĩa là tăng tương đối phần chi mua thiết bị, công cụ. Sự thay đổi cơ cấu vốn đầu tư XDCB theo hướng tăng chi phí mua thiết bị phản ánh tiến bộ kỹ thuật của sản xuất và có ý nghĩa kinh tế quan
trọng. Việc hoàn thiện cơ cấu công nghệ vốn đầu tư sẽ ảnh hưởng tích cực đến cải tiến cơ cấu kỹ thuật của TSCĐ , bằng việc tăng phần máy móc, thiết bị. Hiệu quả sản xuất phụ thuộc vào số lượng, chất lượng và trình độ sử dụng các máy móc thiết bị, cho nên nâng cao tỷ trọng chi phí thiết bị, tăng bộ phận tích cực của TSCĐ là một trong những phương hướng quan trọng của hoàn thiện cơ cấu vốn đầu tư.
3.4/ Vốn đầu tư XDCB phân theo hình thức tái sản xuất: Có bốn hình thức tái sản xuất TSCĐ: Xây dựng mới, mở rộng, cải tạo, trang bị lại kỹ thuật các cơ sở hiện có.
Trong những giai đoạn nhất định của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, việc xác định tỷ lệ tối ưu giữa các hình thức tái sản xuất TSCĐ có ý nghĩa quan trọng. Xây dựng mới cho phép áp dụng dễ dàng kỹ thuật mới và thay đổi sự phân bố các nghành bằng cách bố trí các công trình xây dựng mới tại những nơi hợp lý, bảo đảm khai thác đầy đủ hơn các tài nguyên thiên nhiên. Khi nhấn mạnh các ưu điểm trên, từ góc độ hiệu quả toàn bộ nền sản xuất xã hội, xây dựng mới có những nhược điểm nhất định: Đòi hỏi vốn đầu tư lớn, phần đáng kể vốn đầu tư được hướng vào xây dựng nhà xưởng và các công trình phục vụ, xây dựng mới là yếu tố phát triển sản xuất theo chiều rộng, còn cải tạo, trang bị lại kỹ thuật các xí nghiệp hiện có là yếu tố phát triển sản xuất theo chiều sâu.
Có thể đạt được hiệu quả đáng kể nhờ cải tạo và trang bị lại các xí nghiệp hiện có. Điều đó gắn liền với hàng loạt các yếu tố, trước hết là nhờ sử dụng các TSCĐ sẵn có, đặc biệt là bộ phận nhà xưởng, vật kiến trúc. Những mối liên hệ sản xuất đã được xác lập, với cán bộ chuyên môn đã có và kinh nghiệm của họ sẽ góp phần tăng sản xuất sản phẩm với chi phí vốn đầu tư tương đối ít và trong một thời gian ngắn hơn so với xây dựng các xí nghiệp mới. Nâng cao năng lực sản xuất bằng cách cải tạo và trang bị lại các xí nghiệp hiện có, áp dụng thiết bị kỹ thuật hiện đại hơn sẽ dẫn đến nâng cao tỷ trọng bộ phận tích cực của TSCĐ (nâng tỷ trọng máy móc, thiết bị) và giảm thời hạn thu hồi vốn đầu tư. Cải tạo và trang bị lại kỹ thuật các xí nghiệp không chỉ có ý nghĩa
kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội, có tác dụng giảm nhẹ điều kiện lao động và nâng cao trình độ công nhân.
Đối với vấn đề cơ cấu công nghệ của vốn đầu tư XDCB, cùng với việc xét chọn chặt chẽ các công trình xây dựng mới, đầu tư chiều sâu và đồng bộ hoá phải được coi là một vấn đề rất quan trọng trong việc hoàn thiện cơ cấu đầu tư, trước hết nhằm vào những vào những khâu mấu chốt đem lại hiệu quả cao, tăng nhanh sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời việc sử dụng hợp lý, có hiệu quả vốn đầu tư XDCB có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế, văn hoá, ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.