I. Một số vấn đề tồn tại trong cơ chế quản lý đầu tư xây dựng và thực tế sử dụng vốn
2. Tiến độ thực hiện đầu tư và giải ngân vốn đầu tư XDCB còn chậm:
Theo như quy định về việc lập kế hoạch đầu tư, tuy Chính phủ giao kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản từ rất sớm nhưng các Bộ, ngành địa phương phân khai kế hoạch vẫn chậm, nhiều dự án với số vốn lớn khoảng 1000 tỷ đồng chưa có quyết định đầu tư, tổng dự án được duyệt nhưng vẫn được bố trí vào kế hoạch đàu tư kể
cả các công trình quan trọng của Nhà nước như quốc lộ 1A, trung tâm hội nghị Hùng Vương...
Trong năm 1997 vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 12526 tỷ đồng trong đó vốn Nhà nước là 8092 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 4434 tỷ đồng, bao gồm cả vượt kế hoạch năm 1996 là 400 tỷ đồng. Các công trình Trung ương quản lý 8902 tỷ, địa phương quản lý 3624 tỷ. Cuối năm 1997 giá trị khối lượng xây dựng cơ bản thực hiện 8626,6 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch (vốn trong nước 6354,3 tỷ đồng đạt 79% kế hoạch và vốn ngoài nước 2274,3 tỷ đồng đạt 51% kế hoạch). Trong đó giá trị khối lượng xây dựng cơ bản thực hiện các công trình trung ương 5456 tỷ đồng đạt 61% kế hoạch (vốn trong nước 3556 tỷ đồng đạt 72% kế hoạch, ngoài nước là 1900,4 tỷ đồng đạt 50% kế hoạch). Các công trình địa phương là 3172 tỷ đồng đạt 88% kế hoạch (vốn trong nước 2798,3 tỷ đồng dạt 94% kế hoạch, vốn ngoài nước 373,9 tỷ đồng đạt 59% kế hoạch).
Tình trạng này tiếp tục diễn ra trong những năm tiếp theo đặc biệt năm 2000 trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt được khối lượng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Ngân sách Nhà nước là 11400 tỷ đạt 44,3% so với kế hoạch mặc dù các Bộ, ngành, địa phương đã có rất nhiều cố gắng.
Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do: Các cấp các ngành triển khai rất chậm các giải pháp về kích cầu đầu tư chưa thấy được hết yêu cầu cấp bách và ý nghĩa quan trọng trong việc tập trung chỉ đạo điều hành đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản nhằm đạt cho được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội năm 2000. Mặt khác, quy trình thông qua kế hoạch đầu tư xây dựng ở một số ngành, địa phương còn rườm rà qua nhiều lần xem xét, tốn nhiều thời gian thẩm định và ra quyết định. Một số Bộ, ngành địa phương do chưa thực hiện hết nguồn vốn bổ sung năm trước nên chưa khẩn trương phân bổ nguồn vốn năm sau. Đồng thời nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm còn hạn hẹp làm cho việc bố trí vốn đầu tư còn theo kiểu bao cấp mang tính bình quân.
Nguyên nhân thứ hai là chất lượng chuẩn bị dự án đầu tư còn thấp. Điều này được thể hiện ở khâu điều tra, khảo sát ban đầu không tính toán hết khả năng, dẫn đến không sát với thực tế. Nhiều dự án chất lượng khả thi chưa cao, chưa xem xét đầy đủ đến yếu tố đầu ra nên trong quá trình triển khai thường bị vướng mắc và phải thay đổi nhiều lần về quy mô, tổng mức đầu tư, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán... làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
Nguyên nhân thứ ba là cơ chế quản lý trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng thể hiện trong các nghị định của Chính phủ dù đã được đổi mới nhưng vẫn còn hạn chế. Thêm vào đó việc hướng dẫn thi hành còn thực hiện chậm.
Nguyên nhân thứ tư là chủ trương phân cấp thẩm định và phê duyệt dự án chưa đi đôi với việc tăng cường bộ máy quản lý nghiệp vụ về đầu tư xây dựng cơ bản ở các cấp. Trước hết phải thấy rằng chủ trương phân cấp này là đúng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở, song việc này lại chưa làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng ngành từng cấp, chưa có các chế tài đối với các cá nhân và đơn vị không thực hiện theo đúng quy định.
Cuối cùng là việc chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất của các thành phố, thị xã thực hiện rất chậm do sự phối hợp không đồng bộ giữa các ngành địa chính và xây dựng. Các thủ tục cấp đất cho thuê đất đã được cải tiến nhưng thực tế chủ đầu tư vẫn gặp không ít khó khăn, mất nhiều thời gian và chi phí tốn kém...