Tác động của chương trình IPM đến môi trường

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Tác động của chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đến hiệu quả kinh tế sản xuất lúa của các hộ nông dân trên địa bàn huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An (Trang 70 - 72)

IV. Một số chỉ tiêu bình quân

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 4.1 Thực trạng sản xuất lúa trên địa bàn huyện

4.4.6. Tác động của chương trình IPM đến môi trường

Lúa là cây trồng sử dụng rất nhiều phân bón, thuốc BVTV. Do đó, quá trình sản xuất lúa ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến nguồn nước, không khí, tác động gián tiếp đến đời sống của người nông dân.

Hiểu biết về hệ sinh thái đồng ruộng của nông dân IPM đã giúp cho họ có ý thức trong bảo vệ môi trường, họ biết trồng cây khỏe, thăm đồng phân tích hệ sinh thái, giảm tối đa việc dùng thuốc hóa học.

Hộp 4.2. Nhận xét của nông dân về tác động IPM đến môi trường

“Tôi năm nay đã gần 60 tuổi, cuộc đời gắn bó với đồng ruộng. Tôi còn nhớ trước đây sau mỗi vụ thu hoạch lúa, chúng tôi còn tổ chức tát vét cá, hồi đó tôm cá rất nhiều. Lớn lên nguồn thực phẩm tự nhiên đó dần dần cạn kiệt ngay đến cả con cua, con ếch cũng hiếm. Trong mấy năm gần đây, tôm, cua, ếch bắt đầu trở lại với đồng ruộng. Nhiều mô hình canh tác kết hợp như lúa – cá, lúa – vịt đã được thực hiện và thực sự đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là do người nông dân chúng tôi qua học IPM đã ý thức và hạn chế việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh trên đồng ruộng, chúng tôi rất cảm ơn chương trình IPM”. - Nhận xét của bác Đa, nông dân xã Thọ Thành, Yên Thành.

Hiểu biết về hệ sinh thái đồng ruộng của nông dân đã làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dần dần thiết lập cân bằng hệ sinh thái. IPM đã và đang góp phần to lớn trong nền nông nghiệp sạch, góp phần thiết lập nền nông nghiệp sinh thái, là mắt xích không thể thiếu để đảm bảo an toàn lương thực trong cả nước và toàn cầu.

Qua điều tra nông dân, chúng tôi nhận thấy đa số các hộ tập huấn IPM đều cho rằng IPM có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là do giảm lần phun thuốc BVTV nên làm giảm cảm giác khó chịu do tiếp xúc nhiều với hóa chất, đặc biệt là thuốc BVTV so với trước đây, hoặc so với các hộ khác không áp dụng chương trình. Có 86,7% số hộ đã tập huấn IPM cho rằng mức sử dụng thuốc BVTV như hiện nay là quá nhiều, trong khi chỉ có 73,3% số hộ không tập huấn IPM có cũng quan điểm. Điều này được thể hiện qua biểu đồ 8.

Biểu đồ 8. Nhận định của nông dân về tình hình sử dụng thuốc BVTV hiện nay

Như vậy, đa số các hộ đã tập huấn hay chưa tập huấn IPM đều cho rằng hiện nay việc sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng là quá nhiều, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân mình và cộng đồng.

Hộp 4.3. Nhận xét về tác động của IPM đến môi trường

“Ngoài cây lúa, nông dân Yên Thành cũng đã và đang vận dụng kiến thức IPM vào sản xuất rau. Bên cạnh hạn chế sử dụng thuốc hóa học, nông dân nơi đây còn hạn chế sử dụng các chất kích thích sinh trưởng để phun cho rau. Đặc biệt họ giảm bớt bón phân vô cơ, tăng cường phân chuồng hoai mục. Đó cũng là hiệu quả rất có ý nghĩa về môi trường mà chương trình IPM đưa lại, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.”

Nhận xét của ông Phạm Văn Hổ - nguyên Trạm trưởng Trạm BVTV Yên Thành.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Tác động của chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đến hiệu quả kinh tế sản xuất lúa của các hộ nông dân trên địa bàn huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An (Trang 70 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w