- Cây xanh trên đường STĐN bị chết hàng loạt
21 tỉ đồng chính thức đưa vào sử dụng.
3.4.4. Xu hướng thương mại hoá báo chí
Thời kỳ đổi mới, nhiều báo, đài đã tự chủ và phát triển tiềm lực kinh tế một cách chính đáng, đúng pháp luật và trở thành những tờ báo mạnh. Nhưng cũng không ít cơ quan báo chí bị khuynh hướng “thương mại hoá” chi phối và các nhóm lợi ích tiêu cực lủng đoạn.
Biểu hiện trước hết là ở tình trạng quảng cáo sai quy định về tỷ trọng, vị trí, hình thức và nội dung đăng tải. Đáng chú ý là hình thức quảng cáo giữa phim, quảng cáo các loại hình dịch vụ tin nhắn có thưởng trên chân sóng truyền hình và trên báo in, quảng cáo trang 1 và quảng cáo trên các game show.
Dưới danh nghĩa “xã hội hoá”, bằng các hình thức liên kết, tài trợ, đã có sự can dự ngày một sâu hơn của các nhóm lợi ích tiêu cực vào một số công đoạn làm báo, đặc biệt là “có biểu hiện để tư nhân chi phối ở một vài bộ phận hoạt động báo chí, nhất là lĩnh vực truyền hình cáp”[14:5].
Bên cạnh những tờ báo hoạt động nghiêm túc, lại có một số báo đặt văn phòng đại diện tại Đà Nẵng “chủ yếu làm nhiệm vụ khai thác quảng cáo, phát hành và… đi họp!”[86:23]. Hay “nhằm mục đích phát hành và tổ chức thu thập quảng cáo, làm đặc san trục lợi”[95:3].
Khuynh hướng “thương mại hoá báo chí” còn biểu hiện ở hiện tượng viết bài theo đơn đặt hàng, khai thác quá sâu đời tư ca sĩ, diễn viên, người mẫu, những câu “chuyện lạ”, rút tít giật gân… nhằm thu hút dư luận nhằm tăng số lượng phát hành.
Do bị khuynh hướng “thương mại hoá” chi phối nên một số báo có biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo thị hiếu tầm thường, vi phạm pháp luật.
Trong bài viết Một số vấn đề của lãnh đạo quản lý báo chí hiện nay đăng trên Tạp chí Cộng sản số 776/2007, Báo Điện Tử Đảng Cộng sản dẫn lại, Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang chỉ ra rằng, trong qua hệ với truyền thông - báo chí, các nhóm lợi ích tiêu cực thường tác động theo xu hướng, giành giật để có công cụ hoặc tiếng nói truyền thông riêng để bảo vệ và khuyếch trương quyền lợi, và khuynh hướng xâm nhập nhằm lái cơ quan truyền thông hoặc một số cá nhân trong cơ quan truyền thông vào việc thực hiện các
"đơn đặt hàng" của mình. Thuật ngữ "thương mại hóa báo chí" theo nghĩa tiêu cực chỉ hiện tượng một cơ quan báo chí muốn có lợi nhuận đưa các nội dung chỉ có tác dụng câu khách. Còn việc phục vụ cho nhóm lợi ích tiêu cực bên ngoài là hiện tượng nguy hiểm hơn nhiều, nếu xảy ra thường xuyên, nó dẫn đến sự biến chất của cơ quan báo chí - truyền thông [148:7].
Nói chung, bên cạnh những thành tựu là cơ bản và quan trọng, báo chí Đà Nẵng còn bộc lộ những yếu kém, khuyết điểm. Theo đánh giá của Thường trực Ban bí thư Trung ương Trương Tấn Sang tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Thông báo kết luận 162- TB/TW của Bộ Chính trị về công tác lãnh đạo và quản lý báo chí hồi đầu năm 2007 thì, những yếu kém, khuyết điểm này tuy chỉ diễn ra ở một số báo, đài, nhưng tác hại và hậu quả của nó thì lớn, gây thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, lợi ích kinh tế của đất nước, gây khó khăn cho sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, gây lo lắng, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới; để các thế lực thù địch lợi dụng bôi nhọ, đả kích, chống phá Đảng ta, chế độ ta; làm xấu đi hình ảnh đất nước ta trong con mắt bạn bè quốc tế. Những yếu kém này nếu không được khắc phục kịp thời thì sẽ là những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị - xã hội của đất nước, không thể xem thường[147].
Tiểu kết chương 3: Cùng với thành tựu của đất nước 20 năm đổi mới, báo chí Đà Nẵng nói riêng lớn mạnh không ngừng và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Báo chí đã phản ánh ngày càng toàn diện và rộng khắp, từ đời sống chính trị, kinh tế, đến văn hoá, xã hội; từ đồng bằng đến miền núi, thành thị đến nông thôn... một cách kịp thời và chính xác. Tất cả nội dung phản ánh đó đều nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng TP Đà Nẵng.
Báo chí đã phát huy và khẳng định được vai trò tích cực của mình trong đời sống xã hội, là công cụ đắc lực tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ của cấp ủy Đảng địa phương đến với các tầng lớp nhân dân, động viên phong trào thi đua yêu nước, góp phần nâng cao dân trí, mang lại cho các tầng lớp nhân dân một đời sống tinh thần lành mạnh và không ngừng được cải thiện. Báo chí có vai trò lớn trong việc góp phần tạo ra nền tảng dư luận cho công cuộc đổi mới đất nước.
Thông qua thực tiễn hoạt động của mình, báo chí đã đóp góp xứng đáng vào công cuộc đối mới, trong đó, báo chí trở thành một lực lượng tiên phong trong đấu tranh chống tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; phát huy tiếng nói của người dân, thực hiện dân chủ xã hội. Báo chí còn là lực lượng tổ chức khá thành công các hoạt động xã hội, từ thiện gây được hiệu ứng xã hội tích cực, phát huy được truyền thống nhân ái của người Việt.
Tuy nhiên, báo chí Đà Nẵng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Báo chí địa phương Đà Nẵng không cho thấy được sự đổi mới trong xu thế đổi mới chung của báo chí cả nước. Báo chí Đà Nẵng phát triển nhanh về số lượng nhưng thiếu sự quản lý thống nhất, chưa xứng tầm với vị thế mới của thành phố. Xu hướng thương mại hoá báo chí chưa được khắc phục. Những hạn chế này sẽ cản trở báo chí Đà Nẵng vươn lên ngang tầm với vị thế của thành phố và với vị trí là một trong ba trung tâm báo chí lớn của cả nước.
KẾT LUẬN
Cùng với những thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hoá trong thời kỳ đổi mới, báo chí cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng đã phát triển nhanh về số lượng, loại hình, về đội ngũ phóng viên, biên tập viên; về cơ sở vật chất, tiềm lực tài chính và từng bước nâng cao về chất lượng.
Về số lượng, các cơ quan báo chí và đội ngũ làm báo tăng từ 7 đến 10 lần; về qui mô, số kỳ báo xuất bản tăng từ 2 đến 6 lần; thời lượng phát sóng truyền hình tăng đến 500 lần. Về thể loại, nội dung và hình thức các loại sản phẩm báo chí được sản xuất, khai thác và đăng tải ngày càng đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Các báo, đài đã đầu tư phát triển cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, công nghệ, chuyển quy trình làm báo từ phương thức mang tính thủ công sang công nghệ tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu của báo chí hiện đại. Cùng với sự phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng của đội ngũ những người làm báo, các tổ chức chính trị ở các cơ quan báo chí cũng phát triển, làm hạt nhân lãnh đạo.
Nhìn chung, báo chí Đà Nẵng hoạt động đúng định hướng chính trị, đúng pháp luật, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và diễn đàn của nhân dân. Báo chí đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Báo chí Đà Nẵng thời kỳ đổi mới là tấm gương phản ánh toàn diện, đầy đủ, chi tiết và phong phú, đa dạng quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Các cơ quan báo, đài đã thông tin kịp thời, chính xác, trung thực tình hình thời sự trong
nước và quốc tế, những sự kiện chính trị, văn hoá, thể thao đến với các tầng lớp nhân dân. Báo chí còn cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội, tội phạm.
Báo chí trong thời kỳ đổi mới trở thành diễn đàn tin cậy của người dân, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước; góp phần tổng kết thực tiễn, là kênh thông tin quan trọng giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cơ quan công quyền các cấp. Thông qua báo chí, các tầng lớp nhân dân, bà con người Việt ở nước ngoài và nhân dân thế giới càng hiểu rõ hơn đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và những thành tựu đổi mới của nước ta.
Tuy nhiên hoạt động báo chí Đà Nẵng còn có những hạn chế, khuyết điểm. Đó là, các cơ quan báo chí địa phương chậm đổi mới, nội dung thông tin nghèo nàn, hình thức đơn điệu, do đó, chưa làm tốt chức năng tư tưởng của Đảng, chưa đủ sức làm chủ, chi phối thông tin. Báo chí Đà Nẵng phát triển nhanh nhưng thiếu sự thống nhất trong chỉ đạo và quản lý. Trong nhiều trường hợp, một số cơ quan, văn phòng đại diện chưa tự giác chấp hành sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước; thông tin trên báo còn thiếu trung thực, suy diễn và áp đặt. Một bộ phận phóng viên còn sa đà vào những tiêu cực, yếu kém, mặt trái xã hội. Các báo, đài chưa coi trọng việc phát hiện, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Khuynh hướng thương mại hoá, tư nhân núp bóng cơ quan Nhà nước để ra báo, kinh doanh dịch vụ truyền thông diễn xa phổ biến.
Những khuyết điểm, yếu kém nói trên do nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan. Đó là, các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí quán triệt chưa sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước về
báo chí; thiếu biện pháp cụ thể và kiên quyết để khắc phục hạn chế và xử lý những yếu kém, khuyết điểm. Hệ thống pháp luật về báo chí và quản lý báo chí còn thiếu và chưa đồng bộ. Công tác xây dựng và quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống báo chí trên địa bàn còn yếu, chất lượng thấp. Cơ chế quản lý và cung cấp thông tin cho báo chí chưa chủ động, kịp thời và còn sơ hở. Một số cơ quan báo, đài chưa coi trọng tính định hướng thông tin, nội dung tư tưởng. Cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí còn buông lỏng quản lý, để cho các nhóm lợi ích tiêu cực xâm nhập ngày một sâu hơn vào hoạt động báo chí, lĩnh vực mà pháp luật hiện hành chỉ cho phép Nhà nước độc quyền nắm giữ. Mặt khác, trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành các quan báo chí, lãnh đạo các cấp có thẩm quyền thường né tránh, ngại va chạm, khen ngợi một chiều, ít phê bình, nhắc nhở và chưa chủ động, kiên quyết xử lý các vi phạm của các cơ quan báo chí và người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc quyền. Việc tuyển chọn, đề bạt và quản lý đội ngũ báo chí còn thiếu chặt chẽ; công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý báo chí về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, trình độ nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Trình độ và năng lực của một số cán bộ quản lý ở một số báo, đài chưa tương xứng với vị trí và trách nhiệm của mình, chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Năng lực, trình dộ và phẩm chất chính trị, đạo đức của một số cán bộ, phóng viên còn yếu, lại thiếu tu dưỡng, rèn luyện.
Để báo chí Đà Nẵng phát triển và phát triển đúng định huớng, theo chúng tôi, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về báo chí và quản lý báo chí theo hướng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; cương quyết khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; hoàn thiện hành lang pháp lý về báo chí và nâng cao vai trò lãnh
đạo của tổ chức đảng, trách nhiệm của đảng viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí.
Hai là, thành phố Đà Nẵng cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển báo chí trên địa bàn theo hướng đầu tư và tạo điều kiện cho báo chí phát triển thành những cơ quan truyền thông đa phương tiện mạnh, đủ sức vươn ra khu vực và cả nước, xứng đáng với vị thế của đô thị loại 1, trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật và báo chí của miền Trung - Tây Nguyên.
Ba là, Đà Nẵng sẽ có trụ sở làm việc chung cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thì nên chăng, cũng hình thành nên một trung tâm báo chí của thành phố, nơi quy tụ các văn phòng đại diện với một điều kiện làm việc lý tưởng cho công tác nghiệp vụ cũng như công tác thông tin báo chí.
Bốn là, đổi mới và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý báo chí.
Năm là, cơ chế thông tin và xử lý thông tin báo chí và dư luận cần được hoàn thiện hơn; quy định rõ cơ chế, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí và xã hội, trách nhiệm, quyền hạn của người phát ngôn của các cơ quan, tổ chức để tăng cường và chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.
Ngày nay, thông tin nói chung, báo chí nói riêng là một “hiện tượng phổ biến” có tác động từng ngày từng giờ vào xã hội, quan hệ tới từng địa phưong, từng tổ chức, từng thành viên của xã hội. Trong sự nghiệp cách mạng, Đảng ta xem công tác tư tưởng, lý luận, báo chí là một bộ phận quan trọng trong hoạt động của Đảng để xây dựng, củng cố nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng,
tuyên truyền tập hợp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng của đất nước.
Để xứng đáng với chức năng, nhiệm vụ và xứng đáng là trung tâm báo chí lớn thứ ba của cả nước, báo chí Đà Nẵng phải biết vươn lên, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, khắc phục những tồn tại hạn chế, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện theo tinh thần thông báo Hội nghị Trung ương 5 (khoá X), đó là, trong những năm tới, công tác tư tưởng, lý luận, báo chí cần phải chủ động, tích cực, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao tính định hướng chính trị, tính thuyết phục, tính hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng./.