- Các cơ quan báo chí địa phương
2.1.2.1. Chủ trương mới của Đảng, Nhà nước
Xác định “Phát triển các hoạt động văn hoá, thông tin đang là một nhu cầu lớn trong đời sống nhân dân”[75], trên lĩnh vực báo chí, Cương lĩnh năm 1991 của Đảng chỉ rõ: “Bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân. Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin đa dạng, nhiều chiều, kịp thời, chân thực và bổ ích”[76]. Trên cơ sở đó, chiến lược được vạch ra là, “Tăng cường và hiện đại hoá công tác thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng, nội dung phù hợp với các loại đối tượng, các dân tộc và mở rộng tới các vùng xa xôi hẻo lánh; phủ sóng phát thanh, truyền hình trên cả nước”[77]. Đồng thời với chiến lược phát triển, Đảng cũng rất quan tâm đến công tác “Lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác báo chí, xuất bản” [5]. Đến đại hội VIII, Đảng cụ thể hoá đường lối phát triển văn hoá, báo chí: “Phát triển đi đôi với quản lý tốt mạng lưới thông tin, báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền thanh, truyền hình... Sớm hoạch định một chiến lược quốc gia về thông tin; coi trọng việc nâng cao chất lượng thông tin đại chúng, tính chân thật, tính chiến đấu và tính đa dạng của thông tin; coi trọng việc phát hiện và đề cao các
nhân tố mới đồng thời với việc phát hiện và phê phán các hiện tượng tiêu cực. Tăng cường công tác thông tin đối ngoại”[78].
Sang đại hội IX, đại hội X, nhận thức rõ những thành tích, ưu điểm cũng như khuyết điểm, hạn chế của báo chí trong cơ chế thị trường, năm 1997, Đảng “Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản”[39], phấn đấu “Đến năm 2010 hoàn thành cơ bản việc phổ cập các phương tiện phát thanh, truyền hình đến mỗi gia đình”[79], đồng thời, “Khắc phục khuynh hướng “thương mại hoá” trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, ý thức trách nhiệm, trình độ văn hoá và nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của đội ngũ báo chí, xuất bản”[79], và “Tạo điều kiện cho các lĩnh vực xuất bản, thông tin đại chúng phát triển, nâng cao chất lượng tư tưởng và văn hoá, vươn lên hiện đại về mô hình, cơ cấu tổ chức và cơ sở vật chất - kỹ thuật; đồng thời xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, chủ động, khoa học”[80]
Trên cơ sở đường lối chủ trương đổi mới đó, ngày 28/12/1989, Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 6, đã thông qua Luật báo chí (thay thế Luật báo chí năm 1957). Ngày 12/06/1998, Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 5, đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí năm 1989. Với các văn bản Luật này là bước hoàn thiện pháp luật về báo chí trong giai đoạn mới, nhằm “đảm bảo quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân”; đồng thời “phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam”[143]. Thực hiện chủ trương của Đảng và văn bản Luật, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương về phát triển và quản lý báo chí. Đó là Nghị định 186-HĐBT ngày 09/11/1982 về ban hành về Điều lệ phát hành báo chí; Nghị định 133-HĐBT ngày 20/04/1990 quy định chi tiết thi hành Luật báo chí; Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 25/04/2002 quy định chi tiết thi hành
Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí; Nghị định 56/2006/NĐ-CP ngày 06/06/2006 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động văn hoá thông tin. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành một số văn bản về tổ chức và hoạt động của báo chí, tiêu biểu là: Quyết định số 219/2005/QĐ-TTg ngày 09/09/2005 về phê duyệt chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010; Quyết định 962/2006/QĐ-TTg ngày 06/07/2006 phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2006 - 2010; Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 20/07/2006 về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; Chỉ thị số 37/2006/CT-TTg ngày 29/11/2006 về thực hiện kết luận của Bộ chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí.
Ngoài ra, Bộ Văn hoá - Thông tin cũng đã ban hành nhiều văn bản về quản lý báo chí, như: Quy chế về tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm chức danh lãnh đạo ở các cơ quan báo chí; về điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí; về cấp, đổi, trả, thu hồi thẻ nhà báo; về phỏng vấn, chế cải chính trên báo chí; về hoạt động phóng viên tại các kỳ đại hội...
Như vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò của báo chí với vị trí là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương về lãnh đạo, quản lý báo chí để báo chí phát triển, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Từ những chủ trương này, báo chí Việt Nam có điều kiện phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước.