Những hạn chế của báo chí Đà Nẵng.

Một phần của tài liệu BÁO CHÍ đà NẴNG THỜI kỳ đổi mới 1986 – 2006 (Trang 31 - 33)

- Các cơ quan báo chí địa phương

1.3.3.4. Những hạn chế của báo chí Đà Nẵng.

Báo chí cả nước nói chung, báo chí Đà Nẵng nói riêng “còn nghèo nàn về nội dung, lượng thông tin ít, hình thức kém hấp dẫn, sức thuyết phục và tác dụng giáo dục chưa cao. Các buổi phát thanh không phải bao giờ cũng có sức lôi cuốn người nghe. Vô tuyến truyền hình còn phải phấn đấu nhiều để nâng cao chất lượng và làm phong phú nội dung chương trình”[6].

Sự nghèo nàn và đơn điệu của báo chí Đà Nẵng còn thể hiện trên những mặt sau: (1) Nặng thông tin những ý kiến của các cơ quan lãnh đạo, phổ biến, bình luận, giải thích những chủ trương chính sách. (2) Thiên về thông tin một chiều, ít có những ý kiến trao đổi, tranh luận về những vấn đề xã hội. (3) Việc phê phán cái xấu, cái tiêu cực ít được thực hiện trên mặt báo, nhất là những vụ việc phức tạp. (4) Báo chí chưa tạo được không khí giao lưu, giao tiếp với độc giả. Người dân đọc báo, nghe đài để biết thông tin, giải trí mà chưa có nhu cầu tham gia trong quá trình làm báo.

Tiểu kết chương 1: TP Đà Nẵng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với đầy đủ núi non, sông ngòi, biển cả và một vùng khí hậu tương đối mát mẽ. Lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển, Đà Nẵng như một bao lơn bao quát cả con đường hàng hải quốc tế qua biển Đông với một khát vọng vươn ra biển lớn. Với vị trí chiến lược của mình, trải qua các thời kỳ lịch sử, dù ở cấp độ khác nhau, Đà Nẵng vẫn đóng một vai trò trọng yếu về chính trị, quân sự, kinh tế trong khu vực và trong cả nước. Không chỉ lợi thế về tự nhiên, TP Đà Nẵng còn là đô thị lớn thứ hai miền Nam, lớn nhất miền Trung với một kết cấu hạ tầng kỹ thuật khá hoàn chỉnh và phát triển. Cư dân đô thị hình thành sớm với tính cách năng động, chan hoà và cởi mở. Đó là những tiền đề để Đà Nẵng vươn lên thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ và trung tâm báo chí, trung tâm chính trị ở miền Trung - Tây Nguyên.

Mười năm nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng diện mạo Đà Nẵng thật sự đổi thay. Kinh tế phát triển tốc độ nhanh; văn hoá, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế từ dịch vụ, tiêu thụ là chính chuyển sang sản xuất, dịch vụ trong một cơ cấu hợp lý hơn. Nếp sống mới, con người mới, nền văn hoá mới từng bước hình thành.

Từ một địa bàn báo chí kém phát triển, chỉ mấy năm sau ngày giải phóng, TP Đà Nẵng đã có đầy đủ các loại hình báo chí hoạt động, góp phần mang lại một diện mạo mới trong đời sống chính trị và văn hoá. Ngay từ khi thành lập, các cơ quan báo chí trên địa bàn nhanh chóng ổn định tổ chức, khắc phục khó khăn, tổ chức sản xuất, in ấn và phát hành, phát sóng định kỳ. Chỉ sau mười năm, hệ thống truyền thanh đã vươn đến xã, phường, thôn xóm, bản làng; đại bộ phận người dân ở QN-ĐN và các tỉnh phụ cận được nghe đài.

Các báo, đài đã bám sát nhiệm vụ chính trị, phát huy vai trò và lợi thế của mình (nhất là báo nói), vừa tuyên truyền đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của cấp uỷ địa phương vừa cổ vũ động viên phong trào thi đua học tập, lao động, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, giai đoạn này, báo chí vẫn nghèo về nội dung, đơn điệu về hình thức, nặng tuyên truyền, cổ vũ; nhẹ khai sáng, giải trí và đấu tranh chống tiêu cực. Đây cũng là tình hình chung của báo chí thời bao cấp.

CHƯƠNG 2: TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Một phần của tài liệu BÁO CHÍ đà NẴNG THỜI kỳ đổi mới 1986 – 2006 (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(139 trang)
w