- Các cơ quan báo chí địa phương
2.1.1. Nẵng cùng với cả nước thực hiện đường lối đổi mớ
Xuất phát từ tình hình đất nước và xu thế thời đại, Đảng ta xác định, “Đối với đất nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn” [53:19]. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, đổi mới toàn diện trên con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Một trong những nội dung quan trọng của đường lối đổi mới là chuyển nền kinh tế từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ đường lối đổi mới, nước ta không chỉ sớm vượt qua thời kỳ khó khăn, khủng hoảng mà thực sự bước vào giai đoạn phát triển mới và “đã đạt được những thành tự to lớn và có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt của đất nước, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”[137]. Thành tựu nổi bật được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng luôn đạt ở mức cao, lạm phát duy trì ở mức cho phép liên tục trong nhiều năm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ 1,3 tỷ USD (2002) lên 3,9 tỉ USD (2005) và 7,5 tỉ USD (2006). Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển năng động trong khu vực. Vị thế nước ta trên trường quốc tế cải thiện đáng kể. Việt Nam đã trở thành thành viên của các tổ chức khu vực và quốc tế như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đang được các nước đề cử vào Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khoá 2008-2009. Đi cùng với phát triển kinh tế là những tiến bộ đáng kể về văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng không ngừng được tăng cường và đảm bảo.
Cùng với thành tựu đổi mới, báo chí cả nước cũng phát triển nhanh về quy mô, nội dung, hình thức, số lượng và chất lượng. Năm 1980, cả nước chỉ có 200 báo, tạp chí cùng vài trăm ấn phẩm thông tin khoa học, nhưng đến năm 1992
tăng lên 350 cơ quan báo chí (136 báo, 214 tạp chí); năm 1997: 490 cơ quan báo chí (153 báo, 337 tạp chí). Sau khi sắp xếp lại, năm 2001 cả nước có 486 cơ quan báo chí (154 báo, 334 tạp chí) với trên 600 ấn phẩm, phát hành hơn 550 triệu bản năm, 11.000 nhà báo được cấp thẻ hoạt động [20]; Và năm 2006, có 611 cơ quan báo chí; trên 14 ngàn người làm báo được cấp thẻ nhà báo. Ngoài Đài THVN, Đài TNVN, 4 đài khu vực (Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Cần Thơ) còn có 64 đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh, thành phố; 606 đài phát thanh, truyền thanh cấp quận, huyện; hệ thống truyền thanh tương đối phủ kín các xã, phường. Có khoảng 85% dân số được xem truyền hình, trên 90% dân số được nghe phát thanh, 9 triệu người (11% dân số) sử dụng internet [50:115].
Cùng với sự phát triển chung của cả nước, bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, báo chí TP Đà Nẵng đã đạt được tốc độ phát triển nhanh chóng về nhiều mặt, có tác động mạnh mẽ đến việc hình thành ở miền Trung - Tây Nguyên, một trung tâm báo chí thứ ba của cả nước.
Trước hết là sự mở rộng không gian đô thị thông qua phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Sau 10 năm chỉnh trang, diện tích khu vực nội thị rộng ra gấp ba lần, từ 5.000 ha (1996) tăng lên khoảng 15.000 ha (2006). Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thuỷ phát triển. Sân bay quốc tế Đà Nẵng trở thành đầu mối giao thông hàng không quan trọng của khu vực miền Trung với 84 chuyến bay quốc nội và 6 quốc tế mỗi tuần (2006) và ngày càng được tăng cường. Ga Đà Nẵng, được xây dựng năm 1902, sau nhiều lần nâng cấp, đã trở thành là một nhà ga lớn và tốt nhất miền Trung. Mạng lưới giao thông đường bộ phát triển nhanh chóng, từ 100 km (1995) lên 382,5km (2005). Không gian đô thị, từ một cửa ô ban đầu, tăng lên 5 tuyến đường - 5 cửa ô nối liền giao thương giữa Đà Nẵng với các vùng, miền và địa phương khác. Bến xe
Trung tâm Đà Nẵng có hầu hết các tuyến đi các tỉnh thành trong cả nước. TP Đà Nẵng còn là một trong ba trung tâm bưu chính viễn thông cả nước. Cuối năm 2005, mạng bưu cục có 78 bưu cục, 172 đại lý, 15 điểm bưu điện văn hóa xã và 01 kiốt bảo đảm 100% xã phường có thư, báo trong ngày; mạng chuyển phát có 3 đường thư cấp I, II, III và 8 đường chuyển phát nhanh; mạng truyền dẫn quốc tế có các hệ thống: hệ thống chuyển mạch Gateway TDM (AXE-105), hệ thống truyền dẫn gom lưu lượng đi quốc tế, mạng phát hình quốc tế (gián tiếp - Tape Feeding và trực tiếp Flyway - DSNG) và Đài cáp biển cập bờ (SMW3) tại Hòa Hải kết nối hướng HongKong và Singapore với tổng dung lượng 2x5Gbps. Ngoài ra, các mạng liên tỉnh, nội hạt đều có dung lượng lớn và chất lượng tốt với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp dịch vụ như VNPT, EVN và VIETTEL. Cuối năm 2005, toàn thành phố có 131.676 máy cố định hoạt động (cả thuê bao vô tuyến cố định và thuê bao di động nội thị), đạt khoảng 16,86 máy/100 dân và 100% xã có điện thoại cố định; có trên 4.012 thuê bao băng rộng, 33.776 thuê bao dial up, đạt mật độ thuê bao qui đổi 7,41 thuê bao/100 dân (01 thuê bao băng rộng bằng 6 thuê bao băng hẹp). Dịch vụ truy nhập Internet công cộng được phổ cập thông qua 14 điểm Bưu điện Văn hoá xã và khoảng 700 đại lý Internet.
Về phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của thành phố (1985-2005) là 9,52%. Riêng năm 2004, GDP tăng 12,5% (gấp 4,63 lần so với năm 1985) [67:30]. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng từ 7,7% (1992) lên 17% (1996). Sản lượng khai thác hải sản tăng từ 13.000 tấn (1992) lên 19.888 tấn (1996). Năm 1996 Đà Nẵng gia nhập câu lạc bộ ngàn tỷ (đạt 1.141.141 tỷ đồng). Năm 2001: 2.118,8 tỷ đồng; 2004: 5.063,7 tỷ đồng [68]. Giai đoạn (2001-
2005), kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng liên tục với tốc độ trung bình 13%, GDP bình quân đầu người (VNĐ) tăng 2,2 lần; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ tăng từ 92,1% lên 94,3%, tỷ trọng ngành nông
nghiệp giảm từ 7,9% còn 5,7% GDP. Tổng nguồn vốn đầu tư xã hội trên địa bàn thành phố đạt tới 23.912 tỷ đồng, tăng trung bình 28,2%, vốn đầu tư bình quân đầu người đạt tới 31,76 triệu đồng (cả nước, chỉ tiêu này đạt khoảng 13,74 triệu đồng); riêng năm 2005, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 8.162 tỷ đồng, gấp hơn 3,5 lần so với năm 2000 [126]. Năm 2005, Đà Nẵng có hơn 4.200 cơ sở công nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Và trong năm này, có thêm 1.393 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn gần 1.800 tỷ đồng. Năm 2006, GDP tăng 12,2%, trong đó, giá trị SXCN-TTCN tăng 17,9%; dịch vụ tăng 14,5%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 25,8%. Tổng thu ngân sách ước đạt 5.352,16 tỷ đồng [192:5]. TP Đà Nẵng là khu vực có hoạt động kinh tế sôi động nhất miền Trung, đặc biệt là trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, tài chính - ngân hàng... Cơ cấu kinh tế công nghiệp - thương mại và dịch vụ phát triển đúng hướng.
Về đời sống chính trị, năm 1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh QN-ĐN để trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, với vị trí được xác định là thành phố động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ngày 16/10/2003, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 33/NQ-TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, khẳng định việc: “Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước”[40]. Kế tiếp, ngày 13/08/2004, Chính phủ ban hành quyết định số
148/2004/QĐ-TTg “Về phương hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ đến năm 2010 và tầm nhìn 2020”, theo đó, “Từng bước đầu tư xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trở thành thành phố biển - trung tâm của miền Trung có quy mô dân số khoảng 1 triệu người vào năm 2010 và gần 2 triệu người vào năm 2020, với các nhiệm vụ cơ bản như: trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ của miền Trung; thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng (cảng biển, sân bay quốc tế, giao thông xuyên Việt, xuyên Á) về trung chuyển và vận tải quốc tế của miền Trung, Tây Nguyên và các nước khu vực sông Mê Kông; xây dựng khu sinh dưỡng công nghiệp (nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, công nghệ cho các xí nghiệp công nghiệp), trung tâm tài chính, ngân hàng, chứng khoán và bưu chính viễn thông của khu vực miền Trung; một trong những trung tâm văn hoá, giáo dục, đào tạo, trung tâm khoa học công nghệ của miền Trung; một trong những địa bàn giữ vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước”[59]. Trong lĩnh vực văn hoá, trước đó, Chính phủ đã xác định trong Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ là: “đầu tư phát triển văn hoá, truyền thông, phát thanh, truyền hình, thể dục thể thao đạt trình độ hiện đại đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống”[55].
Trên cở sở Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, Quy hoạch phát triển vùng của Chính phủ và 12 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33, Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX đã xác định: “Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành… trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại - du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; là trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ của miền Trung;
là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước”[163].
Về văn hoá, xã hội, trên địa bàn thành phố hiện còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu, cả về vật thể lẫn phi vật thể, đã có 11 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng quốc gia, gần 100 di tích khác được xếp hạng cấp thành phố. Một số lễ hội truyền thống như Lễ hội Quán thế Âm (Chùa Quán Thế Âm), Lễ hội Đình làng Túy Loan (Hòa Phong, Hòa Vang), Lễ hội Đình làng Hòa Mỹ (Hòa Minh, Liên Chiểu)... được duy trì hàng năm với sự tham gia ngày càng đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Một số làng nghề truyền thống như Chiếu Cẩm Nê (Hòa Tiến, Hòa Vang), nước nắm Nam Ô (Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu), làng đá mỹ nghệ Non Nước (Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn) được phục hồi và phát triển. Bên cạnh nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thành phố còn tập trung cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, dân số, kế hoạch hoá gia đình và văn hoá thông tin, thể dục, thể thao. Năm 2004, Đà Nẵng có 169.000 học sinh và trên 6.000 giáo viên phổ thông, 19 bệnh viên, 47 trạm y tế với 3.280 giường bệnh, 960 bác sĩ. Năm 2005, thành phố có trên 80% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 37% số thôn và 40% số khối phố đạt tiêu chuẩn thôn, khối phố văn hoá. Chương trình mục tiêu thành phố “5 không” đã tạo nên sự chuyển biến đáng kể trong đời sống xã hội. Từ năm 2005, Đà Nẵng tiếp tục phát động chương trình “3 có”: có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Đây được xem là những giá trị mới trong đời sống văn hóa Đà Nẵng trên con đường hội nhập và phát triển.
Thành phố Đà Nẵng là khu vực đô thị mà người dân có mức sống khá. Tỷ lệ nhà tạm giảm từ 18,6% (1997) xuống còn 3% (2004). Năm 2004, diện tích bình quân chỗ ở là 20.29m2/nhân khẩu, tỷ lệ hộ gia đình có xe máy đạt 105,09%; điện thoại (50,7%); tivi màu (89,65%); radio/cassettes (12,28%) [67:54-56]. Những
năm qua, Đà Nẵng thu hút khá đông lực lượng lao động nhập cư, làm gia tăng tỷ lệ lao động từ 61,2% (1997) lên 65,3% (2006), trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị cũng giảm xuống còn 5,6% [12:6].
Tóm lại, 20 năm qua, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Cùng với cả nước, TP Đà Nẵng cũng đã gặt hái những thành tựu quan trọng về nhiều mặt. Từ đô thị loại 2 thuộc tỉnh, Đà Nẵng vươn lên vị trí trung tâm khu vực miền Trung, đô thị loại 1 quốc gia. Sự phát triển kinh tế, xã hội là những tiền đề xã hội để báo chí Đà Nẵng phát triển.
2.1.2. Chủ trương mới của Đảng, Nhà nước và của Đà Nẵng về báo chí