Định hướng và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ DTTS trong phát triển kinh tế hộ

Một phần của tài liệu Vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai (Trang 101 - 110)

DTTS trong phát triển kinh tế hộ gia đình

4.3.1 Định hướng

Phụ nữ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình và ngoài xã hội. Tuy nhiên không phải ai cũng thấy được vai trò to lớn đó. Họ thường xuyên bận rộn với công việc gia đình, có ít thời gian để chăm lo cho bản thân và cập nhật những thông tin mới. Vì vậy mà đời sống của đa số phụ nữ luôn bó hẹp trong phạm vi gia đình. Đặc biệt là vai trò đó còn mờ nhạt hơn khi họ là phụ nữ DTTS.

Xuất phát từ kết quả nghiên cứu về vai trò của phụ nữ DTTS trong phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn xã Đồng Tuyển, trên cơ sở xem xét vai trò của phụ nữ DTTS trong phát triển kinh tế hộ và những đóng góp của họ trong phát triển kinh tế gia đình, quan điểm nâng cao vai trò của phụ nữ DTTS được định hướng như sau:

- Phụ nữ xã Đồng Tuyển là lực lượng lao động đông đảo trong sản xuất nông nghiệp, là người thực hiện chính các khâu trong trồng trọt và chăn nuôi. Vì vậy họ cần được quan tâm đúng mức, được tạo điều kiện thuận lợi để họ nâng cao vai trò của mình.

- Nâng cao vai trò của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ DTTS là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là vai trò của Hội phụ nữ các cấp.

- Giải pháp đưa ra phải phù hợp với trình độ của phụ nữ ở địa phương, vừa phát huy được vai trò của phụ nữ, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, các giải pháp phải mang tính đồng bộ, tổ chức thực hiện tốt để phụ nữ phát huy được vai trò của mình trong sản xuất và đời sống.

4.3.2 Giải pháp

4.3.2.1 Giải pháp xóa bỏ tư tưởng, quan niệm cổ hủ, định kiến giới

Xã hội đang từng bước phát triển, phụ nữ cũng đang dần nâng cao được vai trò của mình không chỉ trong phạm vi gia đình mà còn ở ngoài xã hội. Bên cạnh đó có nhiều quan niệm giới vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng đến việc nâng cao giá trị bản thân, thể hiện khả năng của phụ nữ. Do đó để xóa bỏ những định kiến giới, các quan niệm cổ hủ không phải một sớm một chiều mà là cả một quá trình lâu dài và có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành ở địa phương.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới trong xã hội

Tuyên truyền về bình đẳng giới cho người dân trong xã qua các phương tiện thông tin đại chúng như loa phát thanh của xã, hay qua các hình thức sinh hoạt của địa phương về vị trí, vai trò của phụ nữ, về chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước trong bình đẳng nam nữ ở mọi phương diện kinh tế, đời sống gia đình và xã hội. Cần thay đổi tư duy về giới qua các thông tin về vai trò của phụ nữ, những tấm gương tiêu biểu trong sản xuất và đời sống,… đặc biệt là những tấm gương phụ nữ trong thôn, xóm để từ đó chị em có thể học tập, tự tin hơn, phát huy vai trò của bản thân.

- Tăng cường tạo quyền và khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với quá trình ra quyết định ở các cơ quan đơn vị

Trong bộ máy chính quyền xã, thôn bản các chức danh, chính sách tuyển dụng, phân công cán bộ, đào tạo và đề bạt cán bộ đều đảm bảo bình đẳng giới. Chính quyền xã nên có chính sách cử cán bộ nữ đi đào tạo nâng cao trình độ nhằm mục tiêu phát triển họ thành các lãnh đạo cộng đồng. Điều đó có tác dụng xóa bỏ định kiến về giới đồng thời giúp cho người chồng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình với gia đình.

- Phát triển “văn hóa gia đình”

Xây dựng gia đình văn hóa là môi trường tốt nhất để thiết lập quan hệ bình đẳng giới. Có thể nói phong trào xây dựng gia đình văn hóa là sự kế thừa

những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống lại vừa phát triển, loại bỏ những phong tục lạc hậu, tập quán bảo thủ đang tồn tại và tiếp thu những giá trị văn hóa mới, tiên tiến. Cần thiết lập mối quan hệ dân chủ, bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái. Cần xây dựng các gia đình văn hóa, kiểu mẫu, hạnh phúc trong đời sống, bình đẳng vợ chồng, không còn tư tưởng trọng nam khinh nữ. Bên cạnh đó cần thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích, khen thưởng những người đàn ông tham gia giúp việc nhà nhiều nhất thông qua các cuộc thi, các buổi sinh hoạt “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc” để làm thay đổi nhận thức của họ về vai trò của vợ mình, từ đó nghười phụ nữ có nhiều thời gian hơn để tham gia các hoạt động khác.

4.3.2.2 Giải quyết các vấn đề về chính sách

Trên địa bàn xã vẫn còn những ràng buộc khắt khe với người phụ nữ, học vấn của phụ nữ còn thấp và còn nhiều vấn đề đặt ra như đói nghèo, bệnh tật…, vì thế chính sách xã hội đối với các hộ gia đình ở đây cần phải được coi là một chiến lược lâu dài, toàn diện gắn với quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước.

a)Về chính sách dân số

Đối tượng mà công tác dân số - KHHGĐ hướng tới hầu như là phụ nữ. Trong khi việc quyết định sinh con lại phụ thuộc vào cả 2 vợ chồng. Do đó mà khi ban hành chính sách dân số cần tìm đúng đối tượng hướng tới, tránh thiên lệch về 1 phía để rồi hiệu quả không cao. Do đó mà trong công tác tuyên truyền, vận động về vấn đề bình đẳng giới cần phải để cho nam giới tham gia, từ đó họ mới hiểu được vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, họ mới có thể thay đổi nhận thức và họ hiểu hơn, cảm thông hơn với người vợ của mình.

b)Tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ khi vay vốn

Vốn là một yếu tố quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Thực tế cho thấy việc vay vốn ở xã còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục rườm rà, liên quan đến tài sản thế chấp hay thời hạn vay… Thiếu vốn và khó khăn trong tiếp cận

vốn sẽ làm cho phụ nữ khó có thể đạt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Vì thế cần thực hiện chính sách tín dụng trên địa bàn để phụ nữ tiếp cận được nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Ngân hàng cần phải đơn giản hóa thủ tục, điều kiện vay và chấp nhận các mục tiêu sử dụng vốn vay đa dạng hơn. Các thủ tục và quy trình hoạt động cần có tính nhạy cảm về giới để đảm bảo cho phụ nữ và nam giới được tiếp cận như nhau về vốn vay. Bên cạnh đó, Hội phụ nữ nên vận động chị em thành lập Quỹ phụ nữ tiết kiệm để huy động tiền nhàn rỗi trong dân. Ngoài ra chính quyền địa phương cần thực hiện tốt quy định của Luật đất đai năm 2013 và các nghị định sửa đổi bổ sung, đảm bảo tất cả các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều phải ghi tên cả vợ và chồng.

Để thu hút đông đảo số lượng phụ nữ tham gia sinh hoạt của Hội phụ nữ hay các buổi tập huấn kỹ thuật cần có những chính sách hỗ trợ vốn, phân bón, kỹ thuật giống cây trồng để phát triển kinh tế gia đình đồng thời phối hợp với các trung tâm khuyến nông, dạy nghề cho phụ nữ tham gia vào các dự án phát triển kinh tế để tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

c) Hoàn thiện hơn các vấn đề về chính sách

- Các cấp ban ngành sau khi đưa ra chính sách cần cụ thể hóa, xây dựng chương trình, kế hoạch khả thi, tổ chức thực hiện. Sau đó cần có công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện để rút kinh nghiệm hoàn thiện chính sách.

- Chính quyền xã nên tăng cường cán bộ KHKT đến từng thôn, bản hướng dẫn làm kinh tế cụ thể, tránh tình trạng chỉ đạo chung chung, chỉ đạo từ xa. Đồng thời cần nâng cao trình độ cho cán bộ tập huấn, nói phải dễ hiểu, dễ làm.

- Khi mở các lớp tập huấn kỹ thuật cần chú ý mở vào thời gian, địa điểm thích hợp, tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ tham gia.

- Cần nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt, nội dung sinh hoạt phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, thiết thực với cuộc sống. Cần biết lắng nghe ý

kiến, tâm tư, nguyện vọng của chị em đồng thời động viên, khuyến khích họ tranh luận, phát biểu ý kiến.

4.3.2.3 Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin

Tiếp cận thông tin giúp con người có hiểu biết sâu rộng hơn, phục vụ cho sản xuất cũng như đời sống. Hầu hết các các hộ gia đình trong xã đều tiếp nhận thông tin chủ yếu qua ti vi, qua các nguồn thông tin không chính thống như qua họ hàng, qua việc đi chợ, cửa hàng vật tư nông nghiệp. Mức độ tiếp cận thông tin của chị em còn thấp vì họ ngoài làm việc tạo thu nhập còn phải lo các công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, ít có thời gian tiếp cận và nắm bắt thông tin. Đây là một yếu tố ảnh hưởng tới việc nâng cao vai trò của phụ nữ, nhiều khi họ không bắt kịp cơ hội để khẳng định mình. Vì thế, để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho phụ nữ, chính quyền xã và các tổ chức đoàn thể nên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội, KHKT, chính trị… thông qua hệ thống loa phát thanh và bảng tin của xóm. Loa phát thanh cần được bố trí ở những địa điểm thích hợp để mọi người có thể nghe rõ và phát vào thời điểm thích hợp. Đồng thời, Hội liên hiệp phụ nữ cũng cần lồng ghép các chương trình giáo dục phụ nữ về sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ với chương trình tập huấn kỹ thuật nông lâm nghiệp cho phụ nữ.

Bên cạnh đó cần phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ ngân hàng với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật và thông tin thị trường cũng như kỹ năng lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho tất cả các hộ vay vốn.

4.3.2.4 Nâng cao trình độ cho PNDTTS

Nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn về mọi mặt cho phụ nữ là nâng cao nội lực cho phụ nữ. Đây là biện pháp cơ bản và quyết định nhằm tạo ra năng lực thực để họ có thể tiếp cận với thực tế mà không ngần ngại, lo lắng

đồng thời có cơ sở để ra quyết định cũng như thực hiện những quyết định của mình. Vì vậy phải khuyến khích và tạo điều kiện cho chị em tham gia học tập để không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ văn hóa, chuyên môn, tay nghề. Qua tìm hiểu tình hình thực tế về vai trò của phụ nữ DTTS trên địa bàn xã, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp để nâng cao trình độ cho phụ nữ trong xã: - Hội phụ nữ cần tích cực tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, kỹ năng sống, tổ chức cuộc sống gia đình cho phụ nữ.

- Chính quyền xã tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho ngành giáo dục, đào tạo, phổ cập tiểu học, THCS đến từng thôn, bản.

- Khuyến khích và có chính sách thu hút tỷ lệ nhập học của phụ nữ trong các môn kỹ thuật ở các trường đại học và dạy nghề. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các ngành nghề kỹ thuật. Đặc biệt cần khuyến khích các trẻ em gái đến trường bằng cách miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng và xây mới, nâng cấp các trường dân tộc nội trú phục vụ cho học sinh.

- Đối với cán bộ nữ cần đào tạo, nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý… để cán bộ nữ có đủ điều kiện tham gia vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, nâng cao vị trí, sự tham gia của họ trong quá trình ra quyết định, lập kế hoạch và lãnh đạo, chỉ đạo tại địa phương, đơn vị.

4.3.2.5 Nâng cao chăm sóc sức khỏe và đời sống

Phụ nữ hầu như chỉ quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho gia đình, không chú ý đến sức khỏe bản thân. Họ thường làm việc trong môi trường thiếu an toàn do sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa do sinh đẻ nhiều nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe bản thân. Vì thế các cấp chính quyền đoàn thể, Hội phụ nữ xã Đồng Tuyển nên tích cực tuyên truyền cho phụ nữ nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc giữ gìn sức khỏe, cần tích cực hơn trong công tác vận động sinh đẻ có kế hoạch. Cùng với việc vận động chị em phụ nữ thì tuyên truyền những kiến thức cần thiết cho cả nam giới cũng là việc hết sức cần thiết để đảm bảo chương trình

đạt hiệu quả cao. Đồng thời trạm y tế xã nên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho phụ nữ, cấp phát thuốc miễn phí cho những phụ nữ nghèo. Vận động 100% phụ nữ có thai đi tiêm phòng và khám thai định kỳ.

Như vậy, từ thực tế nghiên cứu tại địa phương cho thấy muốn nâng cao vai trò của phụ nữ thì trước hết cần tạo môi trường thuận lợi, cơ hội để họ thể hiện được vai trò, khả năng của mình trong mọi vấn đề đời sống, xã hội. Đồng thời quan trọng nhất là chính bản thân phụ nữ phải xóa bỏ tư tưởng tự ti, mặc cảm, an phận với những gì đã có, ra sức học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để tự khẳng định năng lực bản thân.

PHẦN V

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 5.1 Kết luận

Phụ nữ là lực lượng lao động cơ bản, là nhân tố phát triển quan trọng của xã hội, đồng thời họ cũng là nhân tố trực tiếp tác động đến quá trình tái sản xuất của con người. Phụ nữ có quyền được hưởng thụ những thành quả của sự phát triển đồng thời có quyền được đáp ứng các nhu cầu và được tạo điều kiện, cơ hội để thể hiện được vai trò, khả năng của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Qua nghiên cứu vai trò của phụ nữ DTTS trong phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn xã Đồng Tuyển, chúng tôi có những kết luận như sau:

Phụ nữ DTTS có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn. Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, quyền quyết định thuộc về nam giới là chủ yếu và tiếng nói của phụ nữ đang ngày càng có trọng lượng hơn. Về phần thực hiện các khâu của trồng trọt và chăn nuôi như gieo cấy, bón phân, làm cỏ, cho ăn và vệ sinh chuồng trại đều do phụ nữ đảm nhiệm chính, thậm chí cả những công việc nặng nhọc, độc hại như làm đất, phun thuốc trừ sâu. Song họ đã và đang nhận được sự giúp đỡ của người chồng, đặc biệt là những hộ người Kinh, những hộ có điều kiện kinh tế khá giả. Trong ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như dệt vải thổ cẩm thì ở tất cả các khâu từ trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, chuẩn bị nguyên liệu và dệt vải đều do phụ nữ thực hiện. Như vậy ta thấy phụ nữ còn có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Việc tiếp cận quản lý, sử dụng nguồn tài chính của của chị em phụ nữ nói chung còn rất ít. Hầu hết việc tiếp cận, quản lý và sử dụng nguồn tài chính đều thuộc về người đàn ông. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hầu hết đều

Một phần của tài liệu Vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai (Trang 101 - 110)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w