gia đình trên thế giới
Trên toàn thế giới, phụ nữ đóng vai trò then chốt trong gia đình về khả năng sản xuất và tái sản xuất. Họ chiếm trên 50% trong tổng số lao động, số giờ lao động của họ chiếm 2/3 tổng giờ lao động của xã hội và sản xuất ra 1/2 trong tổng sản lượng nông nghiệp. Cùng với việc đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, lao động nữ chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong các nghành công nghiệp, dịch vụ với trình độ không ngừng được nâng cao. Tại Châu Phi, Châu Á và Thái Bình Dương, trung bình một tuần phụ nữ làm việc nhiều hơn nam giới 12-13 giờ và có ít thời gian để nghỉ ngơi hơn. Hầu hết mọi nơi trên thế giới, phụ nữ được trả công thấp hơn so với nam giới cho cùng một loại công việc. Thu nhập của phụ nữ bằng khoảng 50-90% thu nhập của nam giới (Báo
cáo Bridge số 56 (năm 2000), Thực trạng và phát triển).
Cụ thể ở Bangladesh có 67,3% phụ nữ nông thôn tham gia lực lượng lao động so với 82,5% nam giới. Tỷ lệ này của phụ nữ nông thôn cao gấp 2 lần phụ nữ thành thị (28,9%). Đặc biệt là có gần 61% phụ nữ nông thôn ở độ tuổi 60-64 vẫn tham gia lực lượng lao động. Giống như ở Bangladesh, ở nông thôn Trung Quốc phụ nữ ở độ tuổi 60-64 vẫn còn 32,53% tham gia lực lượng lao động. Điều này cho thấy phụ nữ chiếm một tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động (Nguyễn Vân Chi (2007), Thực trạng và giải pháp chủ yếu nhằm
nâng cao vai trò lao động nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế nông thôn huyện Võ Nhai, Thái Nguyên).
Theo kết quả của những công trình nghiên cứu trước cho biết: Phụ nữ là người tạo ra phần lớn lương thực cho tiêu dùng gia đình. 1/4 số hộ gia đình trên thế giới do nữ làm chủ hộ và nhiều hộ gia đình khác phải phụ thuộc vào thu nhập của lao động nữ (Đỗ Thị Bình, Trần Thị Vân Anh (2003), Giới và
công tác giảm nghèo, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội). Tuy vậy sự bất bình
đẳng vẫn còn tồn tại ở rất nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là ở các vùng nông thôn, phụ nữ bị hạn chế về mọi mặt, đời sống, điều kiện sống và làm việc tồi tàn, địa vị trong xã hội thấp. Trong số hơn 1,3 tỷ người trên thế giới ở trong tình trạng nghèo khổ thì có đến 70% là nữ. Có ít nhất 1/2 triệu phụ nữ tử vong do các biến chứng về mang thai, sinh đẻ…Điều đó trước hết bắt nguồn từ tình trạng phụ nữ có trình độ học vấn thấp, ngoài ra còn do những định kiến xã hội không coi trọng phụ nữ đã được hình thành ở hầu hết các nước đang phát triển. Do vậy, ngay cả khi phụ nữ có bằng cấp cao và kỹ năng tốt thì những công việc họ làm vẫn không được ghi nhận một cách xứng đáng. Vì vậy có thể thấy đấu tranh để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trên thế giới là vấn đề lâu dài và còn nhiều khó khăn, thử thách. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và lạc hậu.