a) Khả năng tiếp cận thông tin
Do trình độ học vấn, khoa học kỹ thuật của phụ nữ còn hạn chế nên khả năng tiếp cận thông tin của phụ nữ còn hạn chế. Phụ nữ là người vừa thực hiện công việc sản xuất tạo thu nhập vừa lo công việc nhà, chăm sóc các thành viên trong gia đình nên có ít thời gian nghỉ ngơi, tiếp cận với các kênh thông tin. Qua thực tế nghiên cứu cho thấy 1 số phụ nữ có xem tivi nhưng họ
chỉ xem vào buổi tối khi đã làm xong hết mọi việc và chủ yếu xem phim chứ xem thời sự và các chương trình về khoa học kỹ thuật là rất ít. Các buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi thì chủ yếu là nam giới tham dự. Phụ nữ tiếp cận thông tin hàng ngày chủ yếu qua họ hàng, qua việc đi chợ, cửa hàng vật tư nông nghiệp. Trong khi người phụ nữ mới là người trực tiếp lao động sản xuất, vì thế mà họ thường áp dụng kinh nghiệm lạc hậu, truyền thống khiến năng suất lao động thấp. Như vậy có thể nhận thấy phụ nữ trên địa bàn bị hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, điều này ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của phụ nữ trong đời sống hàng ngày ở gia đình và xã hội.
Ý kiến của phụ nữ thôn Giàng Thàng về việc tiếp cận thông tin qua thảo luận nhóm:
“ Hàng ngày do quá bận rộn với công việc gia đình và lao động vất vả nên mình cũng không có điều kiện để tham gia các lớp tập huấn tại địa phương hay nghe đài, đọc sách, báo.”
“Tôi có xem ti vi vào buổi tối, khi xong hết các việc rồi. Nhưng toàn xem phim với các chương trình giải trí. Chứ còn mấy kênh khoa học, rồi thời sự tôi cũng không để ý lắm.”
b) Trình độ học vấn
Trình độ học vấn là yếu tố vô cùng quan trọng, nó chi phối trực tiếp việc phân công lao động trong mỗi gia đình. Hầu hết phụ nữ trên địa bàn xã có trình độ văn hóa thấp, nhận thức kém nên đã có sự chênh lệch một cách rõ ràng trong việc phân công lao động gia đình cũng như việc nuôi dạy và chăm sóc con cái. Sự thiếu hiểu biết dẫn đến việc chăm lo sức khỏe cho con cái cũng như bản thân phụ nữ gặp nhiều khó khăn, phương thức chữa bệnh lạc hậu, chủ yếu là cúng bái, chế độ dinh dưỡng thường xuyên cũng như khi bị ốm đau, thai sản chưa được đảm bảo. Họ chịu đựng, hi sinh, không được quyền quyết định số con của mình. Mặt khác, do trình độ văn hóa thấp nên họ
tự ti, thiếu chủ động sáng tạo trong cuộc sống và ít tham gia hoạt động cộng đồng xã hội, chưa biết vận động nam giới tham gia, chia sẻ cùng mình trong việc nội trợ, họ chỉ quẩn quanh việc nhà, chăm sóc con cái và ngày càng trở lên lạc hậu. Ngoài ra trình độ học vấn thấp còn ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiếp cận kỹ thuật trong sản xuất, gây khó khăn để phụ nữ tự phát huy được vai trò của mình trong sản xuất và đời sống.
Cũng vì trình độ học vấn thấp mà người phụ nữ không có cơ hội tìm kiếm việc làm tăng thu nhập cho gia đình, chỉ làm những công việc như trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp có giá trị kinh tế thấp hoặc những công việc không được trả công như nội trợ. Sự lệ thuộc vào kinh tế thường dẫn đến những lệ thuộc khác trong cuộc sống vào người chồng, do đó tiếng nói của họ ít có trọng lượng và không có vai trò quyết định trong những vấn đề lớn. Đây là một trong những nguyên nhân giảm địa vị, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Ý kiến của phụ nữ thôn Tòng Mòn qua thảo luận nhóm:
“ Trong nhà nếu ai bị ốm đau gì thì thường đi lấy lá cây rừng về uống. Nếu bệnh nặng quá thì phải mời thầy mo về nhà làm lễ để đuổi con ma bệnh tật ấy đi. Thế là khỏi ngay ý mà.”
“ Chồng tôi được học hành nhiều hơn, hiểu biết hơn nên mới ra ngoài đi làm kiếm tiền được, chứ tôi thì chả biết cái gì, chỉ quẩn quanh với việc đồng áng, lợn gà, cơm nước thôi.”
c) Sức khỏe
Yếu tố sức khỏe của bản thân phụ nữ vô cùng quan trọng để phụ nữ có thể khẳng định được vai trò, vị trí của mình. Sức khỏe của phụ nữ chịu tác động bởi nhiều yếu tố như điều kiện dinh dưỡng, môi trường lao động, nghỉ ngơi, thói quen sinh hoạt, đặc thù giới nữ…Nếu sức khỏe yếu phụ nữ sẽ không đủ khă năng tham gia lao động, chăm lo gia đình. Thời gian làm việc trong ngày của họ là khá lớn, cộng thêm với việc sinh đẻ nhiều gây ảnh
hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của phụ nữ. Do phụ nữ có trình độ hạn chế nên cũng gây ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc sức khỏe của bản thân. Nếu họ bị bệnh như viêm họng, cúm, viêm thận, đau dạ dày… thì chỉ điều trị tại nhà, có khi tự mua thuốc uống hoặc lên rừng lấy lá cây về đắp, đun nước cho uống, họ chỉ ra trạm xá xã hoặc bệnh viện huyện khi bệnh đã nặng, vì thế mà có nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra. Thậm chí khi mang thai họ không có thời gian nghỉ ngơi mà vẫn phải làm việc cho đến khi sinh đẻ.
Chị Hoàng Thị Si chia sẻ về việc chăm sóc sức khỏe của bản thân như sau:
Hộp 4.5 Chăm sóc sức khỏe của bản thân phụ nữ còn nhiều hạn chế
Mình ngày trước bị đau dạ dày, mới đầu không biết cứ lấy thuốc về uống nhưng không khỏi, sau bệnh nặng quá, không chịu nổi nữa nên mới lên bệnh viện huyện để chữa trị.
( Chị Hoàng Thị Si, 35tuổi, dân tộc Dao, thôn Củm Thượng 1)
Theo một số chị em cho biết mỗi lần bị ốm thì người phụ nữ vẫn thường tự chăm sóc bản thân, trừ khi không thể gượng dậy được thì người chăm sóc mới là chồng và các con . Trong khi trong gia đình mỗi khi có ai bị ốm đau thì người phục vụ chăm sóc chủ yếu là người phụ nữ, họ phải làm việc tất bật cả ngày lại còn phải lo chăm sóc người ốm, khiến cho họ càng thêm mệt mỏi, căng thẳng, sức khỏe giảm sút.
Có thể nói những nhân tố bên ngoài là những điều kiện rất quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tự nỗ lực vươn lên của bản thân phụ nữ. Sự tự nỗ lực vươn lên của phụ nữ vượt qua những rào cản từ phía gia đình và xã hội, tự khẳng định và chứng minh khả năng của mình chính là điều kiện phát triển bản thân và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.