Phụ nữ DTTS đối với vai trò tái sản xuất

Một phần của tài liệu Vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai (Trang 79 - 84)

4.1.3.1 Phụ nữ DTTS đối với vai trò tái sản xuất

Gia đình là tổ ấm, là cái nôi phát triển của mỗi con người, nhưng chỉ thực sự là tổ ấm khi có nền nếp gia phong theo chuẩn mực đạo đức, phải đảm bảo no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, mà tổng chỉ huy không ai khác chính là người nội tướng-người mẹ, người vợ trong gia đình. Với những suy nghĩ trên, nên những công việc như nội trợ, chăm sóc, giáo dục con cái được xem như là thiên chức, là nhiệm vụ chính của mỗi người phụ nữ. Những công việc này tưởng chừng như rất đơn giản, được đánh giá thấp, nhưng qua khảo sát các hộ gia đình, ta thấy vai trò của người phụ nữ trong công việc của gia đình là vô cùng quan trọng và đó là một khối lượng lớn công việc cần đến sự khéo léo và mất rất nhiều thời gian, sức lực của người thực hiện- những người vợ, người mẹ trong gia đình. Để hiểu rõ thêm thực trạng vấn đề này, chúng ta sẽ tìm hiểu qua bảng 4.7.

Bảng 4.7 Phụ nữ DTTS đối với vai trò tái sản xuất

(ĐVT: %)

Chỉ tiêu Hộ gia đình dân tộc Giáy Hộ gia đình dân tộc Dao Hộ gia đình dân tộc Kinh

Vợ Chồng Cả hai Vợ Chồng Cả hai Vợ Chồng Cả hai

Nội trợ 83,33 0 16,67 76,67 0 23,33 60,00 0 40,00

Chăm sóc con cái như tắm giặt

cho con, dạy con học hành 76,67 0 23,33 66,67 0 33,33 25,00 0 75,00

Dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo 100,00 0 0 100,0

0 0 0

100,0

0 0 0

Quyết định số lượng con cái 0 100,00 0 0 86,67 13,33 0 55,00 45,00

Định hướng cho con cái 16,67 66,67 16,67 23,33 50,00 26,67 15,00 25,00 60,00

Qua những số liệu trong bảng 4.7, ta thấy được hầu như các công việc tái sản xuất dường như là công việc được dành riêng cho phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động tái sản xuất là rất cao, đặc biệt là dọn dẹp nhà cửa và giặt quần áo, ở cả 3 nhóm dân tộc đều có 100% phụ nữ tham gia.

- Các công việc như nội trợ, chăm sóc con cái như tắm giặt cho con, dạy con học hành, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo thì người phụ nữ phải đảm nhiệm với tỷ lệ rất cao, trong khi đó tỷ lệ của người đàn ông làm chủ yếu là 0%. Với công việc nội trợ như nấu cơm, đi chợ ở cả 3 nhóm dân tộc đều chủ yếu do người phụ nữ thực hiện, nhóm dân tộc Giáy, Dao và Kinh lần lượt là 83,33%; 76,67% và 60%. Trong quan niệm xã hội cũng như của mọi người thường coi đây là công việc hiển nhiên mà người phụ nữ phải đảm nhận, là công việc “lặt vặt” không có giá trị, vai trò nội trợ vốn được coi là “thiên chức” của người phụ nữ. Những công việc này cho đến nay vẫn chưa nhận được sự đánh giá thỏa đáng từ phía gia đình và xã hội. Ngoài ra những công việc như dọn dẹp nhà, giặt giũ, chăm sóc con cái cũng đều đến tay người phụ nữ. Trong tất cả các công việc nhà, không một người chồng nào đồng ý làm một mình những công việc trên. Chỉ một số ít người chồng do kém năng động, không cho phép họ tham gia hoạt động sản xuất thì họ mới chịu làm việc nhà giúp vợ mình. Ngoài ra, người đàn ông thường ngại phải làm những công việc này vì họ làm sẽ bị người ngoài đánh giá không cao. Ngược lại, khi để những ông chồng của mình làm những công việc này thì chính những người phụ nữ cũng bị người ngoài đánh giá là lười lao động, không đảm đang, quán xuyến việc nhà. Cách nhìn cổ hủ từ phía cả người chồng và cả chính những người phụ nữ trong gia đình như thế này là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Hơn nữa trong mỗi gia đình, tính gia trưởng của người đàn ông được hết sức đề cao, địa vị của người phụ nữ lại bị hạ thấp, đây chính là nguyên nhân của việc phân công lao động chênh lệch trong việc nhà ở các hộ gia đình. Do đó, chúng ta có thể khẳng định rằng, vai trò của

người phụ nữ trong gia đình là vô cùng quan trọng. Vừa phải đảm đương việc đồng áng, vừa phải làm việc nhà khiến cho người phụ nữ không còn bất kỳ khoảng thời gian trống nào dành riêng cho mình. Riêng việc dạy con học thì chủ yếu là do người chồng vì họ có trình độ cao hơn cả, ngoài ra do trình độ văn hóa của phụ nữ thấp, trình độ hạn hẹp nên không thể bảo ban con cái trong việc học hành, hơn nữa họ còn phải lao động sản xuất lại còn đảm đương việc nhà nên không có thời gian dạy con học. Chính vì thế mà không có người phụ nữ nào tự mình đảm nhiệm việc dạy con học bài và kéo theo là tỷ lệ được tham gia góp ý kiến với chồng trong việc học tập của con cũng thấp.

Tuy nhiên, qua bảng điều tra, chúng ta thấy được rằng, việc phân công lao động trong các công việc của gia đình đã có sự thay đổi ở các nhóm dân tộc, người phụ nữ đã nhận được nhiều sự chia sẻ hơn từ phía người chồng của mình. Điều này được thể hiện ở chỗ, tỷ lệ tham gia các công việc nhà của người phụ nữ giảm đi đồng thời tỷ lệ 2 vợ chồng cùng nhau thực hiện tăng lên. Cụ thể, trong việc nội trợ tỷ lệ 2 vợ chồng cùng làm ở nhóm dân tộc Giáy là 16,67%, dân tộc Dao là 23,33% và dân tộc Kinh có tỷ lệ người chồng giúp đỡ cao nhất, chiếm 40%. Tương tự việc giặt giũ, chăm sóc con cái tỷ lệ 2 vợ chồng cùng làm ở nhóm dân tộc Giáy là 23,33%, dân tộc Dao là 33,33% và dân tộc Kinh là 75%. Sở dĩ người phụ nữ đã được giảm bớt gánh nặng trong công việc nhà vì họ đã nhận được sự chia sẻ từ người chồng của mình. Mặt khác, khi nhận thức của người chồng thay đổi, họ đã bắt đầu tham gia vào các công việc nhà giúp vợ mình, điều này lại được xã hội khen ngợi, càng làm cho những người đàn ông chủ động tham gia giúp vợ mình nhiều hơn. Việc tăng tỷ lệ số người chồng tham gia việc nhà đã giúp những người phụ nữ giảm bớt gánh nặng công việc, tạo điều kiện cho họ có nhiều thời gian hơn nữa để được học hỏi và tham gia vào các hoạt động xã hội.

Hộp 4.2 Sự chia sẻ của người chồng trong việc nhà

Vợ mình thì làm nông, bận bịu cả ngày, về đến nhà lại còn giặt giũ, cơm nước. Nói chung là không lúc nào ngơi tay. Mình thì làm cán bộ trên xã, hay được về sớm hơn nên cũng phụ giúp trong một số việc như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt cho con.

( Chú Hoàng Văn Bằng, 40 tuổi, dân tộc Dao, thôn Làng Đen)

- Việc quyết định số lượng con cái : Ở 80 hộ điều tra, việc quyết định số lượng con cái đều do người chồng quyết định là chủ yếu, không có người vợ nào là được tự mình quyết định số lượng con cái. Nhóm dân tộc Giáy 100% là người chồng quyết định, nhóm dân tộc Dao và Kinh có tỷ lệ lần lượt là 86,67% và 55%. Trên địa bàn xã vẫn còn tồn tại rất nhiều lối suy nghĩ phong kiến, trọng nam khinh nữ, bất kỳ một ông chồng nào cũng muốn có “đích tôn” để nối dõi tông đường. Mặt khác, do trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp và bị ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến để lại nên chính những người phụ nữ lại chưa ý thức được vai trò và quyền quyết định số con của mình. Họ luôn tự ràng buộc mình phải có trách nhiệm sinh con trai cho gia đình nhà chồng. Lối suy nghĩ hết sức cổ hủ như thế này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người phụ nữ cũng như khả năng nuôi dạy con cái của những gia đình này. Mặt khác, điều này cũng đã phản ánh việc tuyên truyền, vận động về việc kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn xã chưa tốt. Với nhóm dân tộc Dao và Kinh thì người phụ nữ đã được bàn bạc với chồng trong việc quyết định số lượng con cái, tỷ lệ này lần lượt là 13,33% và 45%. Đây là bước thay đổi mạnh mẽ của người phụ nữ, từ chỗ không có quyền, đến việc được bàn bạc cùng chồng để quyết định số con của mình. Họ đã có tiếng nói, đã ý thức được vai trò và quyền lợi của mình trong gia đình.

- Việc định hướng nghề nghiệp cho con: Những người làm cha, làm mẹ, ai cũng mong con mình học hành tiến bộ, có công việc làm ổn định, thoát

khỏi cảnh “chân lấm tay bùn” như họ. Song không phải gia đình nào cũng nuôi dạy và định hướng tốt nghề nghiệp cho con cái sau này. Qua bảng 4.7 ta thấy tỷ lệ người phụ nữ quyết định việc định hướng cho con thấp vì trình độ văn hóa của họ có hạn, lại ít được giao lưu học hỏi với bên ngoài, hơn nữa thời gian lao động hàng ngày của họ đã kín chặt nên việc quan tâm định hướng nghề nghiệp cho con không có nhiều. Mặc dù vậy ở cả 3 nhóm dân tộc người vợ đã được tham gia bàn bạc, ra quyết định việc định hướng cho con, tỷ lệ này cao nhất là ở nhóm dân tộc Kinh, sau đó đến dân tộc Dao và Giáy. Việc tăng tỷ lệ người phụ nữ tham gia bàn bạc cùng chồng trong định hướng nghề nghiệp cho con, đã khẳng định được vai trò của người phụ nữ trong gia đình.

Hộp 4.3 Quyết định trong việc định hướng nghề nghiệp cho con

Đứa con trai đầu nhà mình học xong lớp 9 rồi. Ông ấy bảo không cho nó học lên nữa, tốn tiền lắm. Mai mốt cho ra huyện học cái nghề thợ điện rồi về xã đi làm là tốt nhất, học xong chắc gì đã có việc. Mình thì bận cả ngày ,với lại có biết gì đâu, cứ nghe theo ông ấy thôi, nói chung là cứ làm sao để đỡ khổ như mình là được rồi.

( Cô Lý Thị Xuân, 40 tuổi, dân tộc Giáy, thôn Củm Thượng 2)

Một phần của tài liệu Vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai (Trang 79 - 84)