Đầu tư phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ EMS

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Định hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển dịch vụ chuyển phát nhanh của VNPT giai đoạn 2005 – 2010 docx (Trang 72 - 75)

III – Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển dịch vụ chuyển phát nhanh của VNPT giai đoạn 2005 –

1.Đầu tư phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ EMS

1.1 Hoàn thiện hệ thống mạng Bưu cục hiện nay

Do mạng lưới bưu cục của VNPT là mạng lưới thống nhất toàn quốc do vậy việc tổ chức mạng lưới bưu cục một cách khoa học là yêu cầu cấp thiết nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm bớt thời gian chuyển phát. Vị trí các bưu cục cần được bố trí ở những nơi có khả năng thu hút được nhiều khách hàng nhất, có tính đến những phương tiện giao thông qua lại và thói quen đi lại của khách hàng trong khu vực. Đặc biệt là chú ý gần các trung tâm thương mại, kinh tế, các khu vực có nhiều cơ quan, trường học, bến tàu xe… là những nơi có nhu cầu lớn về sử dụng dịch vụ EMS. Điều quan trọng khi bố trí các bưu cục là phải xuất phát từ nhu cầu thị trường. Do vậy trước khi mở bưu cụcVNPT cần chú ý tiến hành khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu, địa dư trên địa bàn.

Chú trọng phát triển đại lý bưu điện ở địa bàn thành phố, thị xã, khu kinh tế phát triển, phát triển điểm Bưu điện – văn hoá xã ở địa bàn nông thôn. Chỉ phát triển bưu cục mới ở các khu dân cư tập trung lớn mới mở, khu kinh tế phát triển mới. ở nơi cần thiết phải lắp đặt Tổng đài, quy mô cung cấp các dịch vụ lớn mà đại lý bưu điện hoặc điểm Bưu điện – văn hoá xã

không đủ khả năng đáp ứng. Rà soát chuyển các bưu cục hoạt động kém hiệu quả sang mô hình đại lý bưu điện, điểm Bưu điện – văn hoá xã.

Hiện nay, khâu khai thác chia chọn bưu phẩm, bưu kiện vẫn chủ yếu là thủ công, chưa được áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật. VNPT đã có đầu tư hệ thống chia chọn nhưng do chưa thực hiện đồng bộ nên vẫn chỉ sử dụng ở mức độ vừa phải, chưa phát huy được hiệu quả. Trong những năm tới, VNPT cần đầu tư toàn bộ hệ thống thiết bị chia chọn đồng bộ, vừa góp phần nâng cao được chất lượng của dịch vụ, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên khai thác làm việc có hiệu quả hơn. Tiếp tục đầu tư hoàn tất việc lắp ráp, đưa vào sử dụng dây chuyền chia chọn tự động cho Trung tâm khai thác khu vực II là TP. Hồ Chí Minh và khu vực III tại Đà Nẵng.

Tiếp tục đầu tư trang thiết bị giao dịch, khai thác hiện đại cho tất cả các bưu cục và điểm phục vụ. Đầu tư phát triển mạng tin học bưu chính phục vụ phát triển kinh doanh và quản lý, trước mắt là tập trung cho dịch vụ EMS, sau đó là các dịch vụ Bưu chính khác có tiềm năng. Giai đoạn từ 2005 đến 2010, tất cả các bưu cục và điểm phục vụ đều được trang bị mạng tin học kết nối on-line với mạng Bưu chính toàn quốc phục vụ cho phát triển kinh doanh và quản lý dịch vụ EMS.

1.2 Mở rộng hệ thống kênh phân phối dịch vụ EMS

Đầu tư có trọng điểm vào các khu vực, các vùng thị trường dịch vụ có thể thương mại hoá nhanh. Đến 2010 đối với các dịch vụ vận chuyển bằng máy bay, VNPT cần xem xét đưa vào sử dụng máy bay Bưu chính riêng hoặc góp vốn với các hãng hàng không mua máy bay. Đối với mạng chuyển phát ở xã, thôn vận dụng cơ chế cho vay vốn mua xe máy, xe đạp trả góp nhằm chuyên dùng hoá tuyến giao phát xã, đảm bảo dịch vụ EMS có thể được cung cấp ở mọi miền trong cả nước với phương tiện thích hợp.

Công ty chuyển phát nhanh được thành lập trong thời gian tới có thể phát triển các điểm cung cấp bằng hình thức hợp đồng thuê nhà của các tổ chức và cá nhân. Ưu điểm của hình thức này là nếu sau một thời gian xét thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ EMS không lớn, hoạt động kinh doanh dịch vụ EMS chưa thực sự hiệu quả thì có thể dễ dàng thay đổi vị trí mà

không tốn kém nhiều đến chi phí đầu tư ban đầu. Việc chọn các điểm phân phối khu vực hợp lý sẽ làm tăng tốc độ lưu chuyển bưu gửi EMS trên mạng vận chuyển, giảm bớt được chi phí vận chuyển và khai thác, rút ngắn thời gian vận chuyển. Yêu cầu đối với các điểm phân phối khu vực là phải gần các trục đường giao thông, như cảng hàng không, ga đường sắt, các tuyến đường bộ. Ngoài ra còn cần tính đến bán kính phục vụ sao cho hợp lý, cân đối giữa các khu vực đông dân cư và trung tâm buôn bán thương mại có nhu cầu sử dụng nhiều, với các vùng nông thôn xa xôi dân cư thưa thớt để đảm bảo vừa đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của khách hàng, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Công ty chuyển phát nhanh cần phải dần tách riêng mạng vận chuyển EMS ra khỏi mạng vận chuyển các dịch vụ Bưu chính truyền thống. Vì như vậy mới đảm bảo chỉ tiêu thời gian của dịch vụ. Hiện nay tại các Bưu điện tỉnh đã có bộ phận khai thác EMS riêng nhưng việc vận chuyển bưu gửi EMS vẫn hoàn toàn dựa vào mạng vận chuyển thư thường, bưu phẩm, bưu kiện truyền thống (ngoại trừ những bưu gửi EMS bằng đường hàng không). Do đó, thời gian toàn trình của dịch vụ EMS vẫn còn cao so với yêu cầu của khách hàng và hiện tại cao hơn nhiều so với các công ty chuyển phát nhanh khác. Mặc dù hiện tại lưu lượng bưu gửi EMS đi các tỉnh, thành phố qua VNPT chưa đủ để hình thành những tuyến vận chuyển riêng, nhưng thực tế hiện nay lượng bưu gửi chuyển phát nhanh qua các công ty khác cũng rất lớn. Do vậy cần nghiên cứu, khảo sát, tính toán để có các giải pháp rút ngắn thời gian chuyển phát để lượng khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ không “rời bỏ” VNPT để sang sử dụng dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh, đồng thời thu hút lượng khách hàng hiện đang sử dụng dịch vụ của các đối thủ sang sử dụng dịch vụ EMS của VNPT.

Sát nhập các bộ phận liên quan đến việc khai thác và vận chuyển bưu gửi EMS của VPS, Bưu điện Hà Nội và Bưu điện TP. Hồ Chí Minh về một đầu mối. Mô hình khai thác và vận chuyển bưu gửi EMS hiện nay đang bị chồng chéo : Những bưu gửi của khách hàng nếu gửi qua bưu cục của Bưu điện Hà Nội thì sẽ được Trung tâm chuyển phát nhanh Bưu điện Hà Nội khai thác, đóng và chuyển thẳng đến Bưu điện TP. Hồ Chí Minh nếu địa chỉ nhận tại TP. Hồ Chí Minh; đến Đà Nẵng nếu địa chỉ nhận tại các tỉnh miền Trung; đến VPS II nếu địa chỉ nhận tại các tỉnh khu vực phía Nam; còn những bưu gửi có địa chỉ nhận tại các tỉnh, thành phố

khu vực phía Bắc sẽ chuyển qua VPS I. Và tương tự như vậy đối với Bưu điện TP. Hồ Chí Minh. Nếu không sát nhập các bộ phận liên quan đến việc khai thác và vận chuyển bưu gửi EMS của VPS, Bưu điện Hà Nội và Bưu điện TP. Hồ Chí Minh về một đầu mối sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực, nguồn tài chính và khó khăn cho việc quản lý dịch vụ, theo dõi, trả lời khiếu nại của khách hàng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Định hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển dịch vụ chuyển phát nhanh của VNPT giai đoạn 2005 – 2010 docx (Trang 72 - 75)