Định hướng phát triển thị trường dịch vụ EMS

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Định hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển dịch vụ chuyển phát nhanh của VNPT giai đoạn 2005 – 2010 docx (Trang 70 - 72)

II – Định hướng phát triển dịch vụ chuyển phát nhanh của VNPT giai đoạn 2005

3.Định hướng phát triển thị trường dịch vụ EMS

Căn cứ vào xu hướng phát triển của cầu về dịch vụ chuyển phát nhanh, khả năng đầu tư trong ngành, yêu cầu của việc cạnh tranh trong điều kiện mở cửa và hội nhập, VNPT cần thực hiện được các định hướng phát triển thị trường dịch vụ EMS như :

Đến năm 2010, VNPT tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh và đạt 85% thị phần chuyển phát nhanh trong nước, 35 – 40% thị phần chuyển phát nhanh quốc tế tại Việt Nam. Trong lúc nhu cầu sử dụng dịch vụ EMS ngày càng tăng mạnh, lợi nhuận thu được từ dịch vụ EMS cao hơn rất nhiều so với các dịch vụ Bưu chính truyền thống khác, cần tiến tới thực hiện hạch toán riêng đối với dịch vụ chuyển phát nhanh một cách đầy đủ, đảm bảo kinh doanh EMS có lãi. Doanh thu về kinh doanh dịch vụ EMS phải là nguồn thu chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ Bưu chính, nâng tỷ trọng doanh thu EMS lên trung bình 20 – 22% trong tổng doanh thu Bưu chính.

Phải duy trì và phát triển được vị thế cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh, trước mắt là trên thị trường trong nước và tiến tới thị trường nước ngoài. Đặc biệt trong lĩnh vực chuyển phát nhanh quốc tế, cần tăng cường hợp tác, liên doanh với các hãng chuyển phát nhanh quốc tế để nâng cao thị phần và tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng cung cấp dịch vụ EMS ra nhiều nước trên thế giới.

Củng cố và phát triển thị trường trên quan điểm trọng tâm, trọng điểm vì hiệu quả kinh tế. Cần phải tận dụng ưu thế của mình để phát triển dịch vụ nhằm duy trì thị phần hiện tại và vươn tới chiếm lĩnh thị phần ở các thị trường mới.

Tiếp tục mở rộng phạm vi phục vụ của EMS đến khu vực các trung tâm huyện và một số xã có đời sống kinh tế phát triển trên 61 Bưu điện tỉnh, thành phố thông qua mạng lưới phân phối sẵn có là các bưu cục, đại lý đa dịch vụ, điểm bưu điện - văn hoá xã.

Có thể đưa ra một số định hướng phát triển thị trường cụ thể hơn theo vùng địa lý, đối tượng sử dụng và cơ cấu dịch vụ như sau:

+ Theo vùng địa lý:

Trong những năm tới, tỷ lệ thị phần giữa hai khu vực thành thị và nông thôn

sẽ có sự thay đổi. Nền kinh tế ngày càng phát triển, trong giai đoạn đầu, giữa thành thị và nông thôn sẽ có khoảng cách rất lớn về tốc độ phát triển. Tuy vậy sau đó khoảng cách này sẽ rút ngắn dần, kinh tế khu vực nông thôn sẽ có sự phát triển, do đó tỷ lệ thị trường chuyển phát nhanh mà khu vực này chiếm cũng sẽ tăng lên. Từ nay đến năm 2010, tỷ lệ phần thị trường nông thôn sẽ chiếm khoảng 35 - 40% thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh, tăng 15 - 20% so với hiện nay. Khu vực thành thị tất yếu sẽ giảm về số tương đối, chiếm khoảng 60 - 65% thị trường.

+ Theo đối tượng sử dụng:

Nền kinh tế ngày càng phát triển, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, họ có điều kiện tiếp cận với dịch vụ chuyển phát nhanh mà hiện đang chưa phổ biến. Từ nay đến năm 2010, thị trường sẽ nhắm tới cả những người dân có thu nhập trung bình cũng có thể sử dụng được dịch vụ EMS. Dân cư sẽ chiếm khoảng 40% thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh EMS, còn các cơ quan, tổ chức sẽ chiếm 60% thị trường còn lại.

+ Theo cơ cấu dịch vụ:

Cơ cấu giữa dịch vụ EMS tiêu dùng cho cá nhân và tiêu dùng cho sản xuất sẽ có sự thay đổi. Càng ngày, con người càng có nhiều nhu cầu về sinh hoạt, giao lưu tình cảm với nhau. Chính vì vậy, từ nay đến năm 2010, tỷ lệ dịch vụ chuyển phát nhanh EMS cho tiêu dùng cá nhân sẽ tăng lên, chiếm khoảng 32% thị trường, còn lại 68% thị trường dành cho tiêu dùng cho sản xuất.

Ngoài ra, là định hướng về cơ cấu hàng phát trong nước ra nước ngoài và hàng nhận từ nước ngoài về. Hiện tại, tỷ lệ này là 30% và 70%, tức là đang có chênh lệch khá lớn. Từ nay đến năm 2010, cùng với việc mở rộng mạng lưới EMS, các công ty nước ngoài sẽ tăng cường bám sâu vào thị trường Việt Nam, khai thác mạnh mẽ thị trường này, do đó lượng

hàng gửi đi sẽ tăng lên mạnh mẽ. Triển vọng lượng hàng gửi đi sẽ tăng hàng năm 15%, năm 2010 sẽ chiếm 65% và lượng hàng gửi đến sẽ giảm dần tỷ lệ tương ứng, chiếm 35% thị trường còn lại. Tuy định hướng giảm về tỷ lệ nhưng về số tuyệt đối, hàng đến vẫn tăng do sự giao lưu kinh tế ngày càng mạnh mẽ.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Định hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển dịch vụ chuyển phát nhanh của VNPT giai đoạn 2005 – 2010 docx (Trang 70 - 72)