CÁC NGUỒN TÀI CHÍNH VÀ QUẢN LÝ CÓ HIỆU QUẢ TÀI CHÍNH Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
Đối với Chính phủ:
- Cho phép Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho các đối tượng ngoài ngành công an ở trình độ đại học và thấp hơn. Nội dung này đã được ghi trong Quyết định 203/1999/QĐ-TTg. Sau sáu năm đào tạo đại học với hai khoá học sinh tốt nghiệp ra trường, cùng với năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có nhà trường đã có thể thực hiện việc mở rộng đối tượng đào tạo ngoài ngành công an. Đây là một vấn đề tương đối mới với các trường công an nhân dân, nhưng với xu thế mở rộng giáo dục nhất là giáo dục đại học hiện nay thì việc triển khai đào tạo đại học phòng cháy, chữa cháy cho các đối tượng ngoài ngành công an trở nên cấp thiết. Trên thực tế, Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy đã đào tạo đại học nhưng chỉ với hệ tại chức. Đối với các trường thuộc lực lượng vũ trang cũng đã có trường đào tạo đối tượng ngoài xã hội như Học viện Quân Y - Bộ Quốc phòng. Về phương diện tài chính, đây là hoạt động tạo nguồn thu đáng kể nếu Trường được thực hiện nhiệm vụ này.
- Có chính sách cụ thể để tăng cường hợp tác quốc tế trên cả lĩnh vực an toàn phòng cháy, chữa cháy nói chung và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy nói riêng. Trong thực tế, từ sau năm 1992 thì việc hợp tác đào tạo với Liên xô cũ chấm dứt và từ đó đến nay công tác đào tạo ở nước ngoài hầu như không có. Đây là điều làm cho thông tin kiến thức, công nghệ về lĩnh vực này ở Việt Nam hiện rất thiếu và lạc hậu.
Việc cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo, tập huấn ở nước ngoài cần được xúc tiến ngay trong các năm tới. Ngoài ra, có thể thông qua các dự án hợp tác, mời các chuyên gia nước ngoài đến hỗ trợ giảng dạy, chuyển giao công nghệ. Nhà nước cần có chính sách để thu hút đầu tư trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy thông qua các tổ chức khoa học kỹ thuật, tổ chức ngành nghề. Qua đó cho phép nhà trường được tham gia các chương trình hợp tác, tham quan tiếp nhận công nghệ hiện đại trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy của các nước tiên tiến trên thế giới.
- Cho phép Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy được đào tạo ở trình độ sau đại học, vì hiện nay trong nước chưa có trường nào đào tạo trình độ cao hơn đại học trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, trong khi đó trong nền kinh tế phát triển cần có những chuyên gia giỏi về lĩnh vực này.
Đối với Bộ Công an:
- Cho phép Trường nâng quy mô đào tạo từ 1000 học viên lên 1500 học viên, vì hiện nay với quy hoạch về xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, nếu cứ đào tạo với quy mô đầu ra là 200 học sinh/ năm thì phải 30 năm nữa mới đáp ứng đủ cho nhu cầu hiện tại.
- Cho phép Trường lập dự án mở rộng mặt bằng trường, cụ thể là xây dựng Trung tâm Huấn luyện chữa cháy và đào tạo lái xe. Dự án này nhằm tranh thủ sự hợp tác của Tổ chức JICA Nhật Bản về hỗ trợ năng lực đào tạo cho Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy.
- Cho phép Trường xây dựng lại cơ cấu đào tạo mở rộng từ một chuyên ngành sang đào tạo thêm một số chuyên ngành mới như: cứu hộ, cứu nạn…
- Về lĩnh vực quản lý tài chính, đề nghị Bộ Công an cho phép Trường được áp dụng Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ về tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với ĐVSN. Trước mắt, áp dụng ngay đối với ĐVSN có thu đảm bảo toàn bộ kinh phí. Chỉ có như vậy cơ sở mới thực sự chủ động trong các hoạt động để đạt hiệu quả kinh tế cao.
- Nâng mức đầu tư kinh phí cho Trường với mức đầu tư cao hơn để đáp ứng được tính đặc thù riêng là trường khoa học kỹ thuật. Chỉ có nâng mức đầu tư cho Trường thì
mới có điều kiện đổi mới trang thiết bị và nâng cao khả năng đáp ứng cơ sở vật chất cần thiết cho giảng dạy và học tập.
- Nghiên cứu ban hành các định mức chi cụ thể, phù hợp sát với thực tế của Trường, làm cơ sở để khoán chi hành chính đối với Trường.
Trên đây là những giải pháp mang tính kiến nghị để hoàn thiện công tác quản lý tài chính ở Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy để đáp ứng nhu cầu đổi mới về giáo dục đào tạo hiện nay. Nếu được thực hiện thì hiệu quả tài chính đối với công tác giáo dục, đào tạo của Trường sẽ được nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy nói riêng và của cả lực lượng phòng cháy, chữa cháy nói chung.
KẾT LUẬN
Vai trò to lớn của con người - nguồn nhân lực trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đã được lịch sử khẳng định. Để tạo nguồn lực đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì giáo dục, đào tạo có vai trò trung tâm. Giáo dục đại học có vai trò là khâu cơ bản phát triển nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao - một trong những nền tảng và động lực quan trọng thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tăng cường quản lý tài chính ở các trường đại học theo hướng đa dạng hoá các nguồn tài chính và nâng cao hiệu quả trong giáo dục đại học vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện để phát triển giáo dục đại học nước ta. Đối với lĩnh vực đào tạo nhân lực phòng cháy, chữa cháy trong điều kiện nền kinh tế - xã hội phát triển, càng đòi hỏi phải đạt tới những tiêu chuẩn cao. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đào tạo trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy đòi hỏi nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó không thể không kể đến các giải pháp tăng cường quản lý tài chính của Trường với tư cách vừa là một cơ sở đào tạo vừa là một ĐVSN công lập..
Với các phần nội dung được trình bày trong 3 chương, luận văn “ Hoàn thiện công tác quản lý tài chỉnh ở Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy trong giai đoạn hiện nay” đã hướng đến các kết quả sau:
Một là, hệ thống hoá cơ sở lý luận về đặc điểm quản lý tài chính ở các ĐVSN
nói chung và Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy nói riêng. Đáng chú ý là luận văn đã phân tích các đặc điểm của ĐVSN theo tinh thần của Nghị định 10/2002/NĐ- CP và Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Luận văn còn làm rõ nội dung, mục tiêu, nguyên tắc quản lý tài chính và nêu được sự cần thiết khách quan phải hoàn thiện quản lý tài chính ở Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy.
Hai là, thông qua trình bày, phân tích thực trạng các nguồn tài chính và quản lý tài chính ở Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy trong thời gian qua, luận văn đã làm rõ, tài chính thực sự là công cụ hữu hiệu, là động lực quan trọng góp phần vào sự phát triển của Trường. Trên cơ sở nhận thức thực tiễn, luận văn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện đa dạng hoá các nguồn tài chính và quản lý tài chính. Những tồn tại
đó cần được sửa đổi, khắc phục cho phù hợp với đòi hỏi thực tiễn và triển vọng tương lai phát triển của Trường.
Ba là, dựa trên những quan điểm định hướng phát triển kinh tế xã hội, định hướng
phát triển đào tạo nhân lực cho ngành phòng cháy, chữa cháy, luận văn đã trình bày những giải pháp thiết thực, phù hợp nhằm huy động tối đa các nguồn lực và tăng cường quản lý tài chính để đáp ứng công tác đào tạo đạt hiệu quả cao ở Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy trong thời gian tới.
Với một số giải pháp và kiến nghị đối với Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu được quan tâm và giải quyết đúng mức, sẽ góp phần bảo đảm quá trình đa dạng hoá các nguồn tài chính và nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, đáp ứng và phục vụ tốt yêu cầu của công tác đào tạo trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy ở Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy hiện nay.