Công tác chấp hành dự toán ch

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện quản lý tài chính ở Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy trong giai đoạn hiện nay potx (Trang 48 - 53)

* Chi lương, tiền công và các khoản có tính chất lương

Đối với bộ phận là đơn vị sự nghiệp không có thu:

Đây là phần chi trả lương cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên, sinh hoạt phí cho học sinh. Khoản chi này thường chiếm tỷ trọng lớn trong khoản NSNN cấp. Trong 3 năm 2003-2005, tỷ lệ này dao động trong khoảng 40% -50%.

Theo chế độ tài chính hiện hành, các khoản chi cho cán bộ, giáo viên được chi trả theo cấp hàm của lực lượng công an. Một số khoản chi như trả tiền giảng dạy ngoài định mức giờ chuẩn (vượt giờ định mức) được thực hiện theo từng học kỳ và theo quy định trả vượt giờ của Bộ Công an, tuy vậy khoản chi này thường không lớn. Đối với các lớp mở

theo dạng liên kết thì giáo viên được trả trực tiếp theo giờ thực tế thực hiện cũng theo quy định của Bộ Công an.

Trong khoản chi lương hiện nay của trường còn có khoản chi lương áp dụng cho các đối tượng hợp đồng xác định thời gian: 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng (ngắn hạn), nhưng trên thực tế, những đối tượng này có thời hạn làm việc thực tế trên 1 năm (đúng ra phải được hưởng mức lương cho đối tượng hợp đồng dài hạn). Đến nay, Bộ Công an vẫn chưa có điều chỉnh về đối tượng hợp đồng này. Điều đó đã làm cho người lao động về hình thức vẫn là hợp đồng xác định thời gian, nhưng trong thực tế đã hợp đồng với đơn vị liên tục nhiều năm. Điều đó làm cho người lao động rất thiệt thòi. Bởi vì, những đối tượng này không được nâng lương theo thời gian, không được tham gia đóng bảo hiểm theo quy định của bảo hiểm xã hội. Theo các quy định của Luật Lao động và Bảo hiểm xã hội, sử dụng người lao động và chi trả lương như vậy là không đúng, cần phải sửa đổi.

Đối với bộ phận là đơn vị sự nghiệp có thu: Việc chi trả lương và các khoản có tính chất lương hiện nay chưa thực sự thống nhất, một phần do đối tượng, trình độ lao động… khác nhau và chưa có sắp xếp theo công việc hợp lý mà chủ yếu làm công tác hành chính, trừ một số vị trí yêu cầu có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ. Hiện nay hệ thống quy định chi lương theo ngạch bậc đối với đơn vị sự nghiệp có thu chưa có quy định cụ thể nên mức chi lương trong 3 năm 2003-2005 đối với ĐVSN có thu trên thực tế cao hơn ĐVSN là 1,5 lần. Tuy vậy, một số trường hợp lương kỹ thuật, mức chi lương cao hơn nhiều lần so với lương ở ĐVSN không có thu. Tình hình này đòi hỏi phải có định mức, chế độ được quy định theo Nghị định 43/CP.

* Chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định

Các khoản chi đầu tư XDCB và mua sắm tài sản cố định thuộc khoản chi không thường xuyên nhưng lại chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng chi hàng năm. Có những khoản chi cho một dự án XDCB cũng bằng hoặc lớn hơn khoản chi thường xuyên cả năm.

Để quản lý đầu tư XDCB , Nhà nước đã có nhiều chế độ, quy định về quản lý đầu tư, từ khâu lập dự án đến thực hiện, kết thúc dự án. Tuy vậy trong quá trình áp dụng, dưới góc độ quản lý tài chính, ở Truờng Đại học Phòng cháy, Chữa cháy vẫn còn có những hạn chế sau:

Thứ nhất, các dự án XDCB tuy thực hiện đấu thầu theo quy định nhưng chủ yếu vẫn là đấu thầu hạn chế. Tình trạng thiếu khách quan trong đấu thầu vẫn còn xảy ra. Trong khâu theo dõi thi công, đối với Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy và nhiều đơn vị trong lực lượng Công an hiện rất thiếu cán bộ kỹ thuật, do vậy việc giám sát, theo dõi thi công rất hạn chế, dẫn đến chất lượng công trình còn chưa cao. Trong quá trình thực hiện các dự án, Bộ Công an đã cho phép thuê tư vấn giám sát để theo dõi thi công, nhưng trong thực tế chất lượng giám sát chưa thực sự đạt yêu cầu, điều này cũng là nguyên nhân làm cho chất lượng công trình bị ảnh hưởng.

Thứ hai, việc thực hiện hồ sơ hoàn công và quyết toán công trình XDCB thường

rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do nhà thầu trong quá trình thực hiện không tuân thủ đúng quy định, hồ sơ thiếu, sai…dẫn đến quá trình hoàn thiện rất lâu. Bên cạnh đó, khi xong hồ sơ nộp cho cơ quan duyệt quyết toán lại phải chờ đợi rất lâu. Từ hai nguyên nhân trên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của nguồn vốn.

Thứ ba, đối với các dự án mua sắm thiết bị thường thực hiện rất khó khăn vì thủ

tục xét duyệt rất chậm. Nhiều dự án đến khi được duyệt danh mục thì hết hàng. Thiết bị mua sắm thường chưa được quan tâm đúng mức, do vậy chất lượng thiết bị, hiệu quả sử dụng còn thấp. Mặc khác, do kinh phí dành cho mua sắm thiết bị, tài sản cố định rất ít, lại cấp theo năm, do vậy làm cho hệ thống thiết bị không đồng bộ, sự kết nối, tương tác và hiệu quả sử dụng kém.

Thứ tư, kinh phí đầu tư cho chuyển giao công nghệ hiện nay còn rất ít và mang tính hình thức. Đối với thiết bị nhập ngoại, khi chuyển giao công nghệ thì có thành lập bộ phận tập huấn chuyển giao công nghệ nhưng nội dung đi khảo sát, tập huấn chủ yếu là tham quan, đối tượng được chuyển giao cũng chưa đúng thành phần. Do vậy hiệu quả khai thác sử dụng thiết bị là khâu yếu nhất sau khi dự án hoàn thành.

Thứ năm, sau khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng thì kinh phí đầu tư để duy trì

hoạt động của trang thiết bị hầu như chưa được tính toán đến. Đối với Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy, có rất nhiều thiết bị được mua sắm nhưng nếu sử dụng thì chi phí nhiên liệu, nguyên liệu… rất cao, do vậy ít khi sử dụng, nếu có sử dụng thì cũng chỉ

phục vụ tham quan là chính, còn mục đích dành cho đào tạo, thực nghiệm không đạt. Đây cũng chính là phần yếu kém cần chấn chỉnh.

Thứ sáu, trong quá trình lập dự án đầu tư, có một số trang thiết bị nếu đưa vào sử

dụng cần một số giấy phép điều kiện như: các máy móc thiết bị kiểm định chất lượng thiết bị, hàng hoá, thiết bị kiểm định độ an toàn của các thiết bị…nếu không được cấp giấy phép thì các máy móc này không được hoạt động, hoạt động đầu tư cho thiết bị này không có hiệu quả. Điều này cho thấy khi lập, thẩm duyệt dự án cần đánh giá khả năng khai thác sử dụng của những thiết bị này để có thể cho phép thực hiện.

Thứ bẩy, chưa có thước đo để đánh giá hiệu quả sử dụng của các loại tài sản, thiết

bị máy móc đã được trang bị. Hiện nay mới chỉ xây dựng được nhật ký sử dụng phòng thí nghiệm, còn chi tiết có thực hiện hay không, định mức, thời gian như thế nào vẫn chưa xây dựng được, do vậy việc đánh giá thiếu chính xác, thiếu khách quan.

* Chi hành chính khác

Hiện nay công tác quản lý các khoản chi thường xuyên khác ngoài chi lương, học phí thực hiện theo quy định của Bộ Công an, và các quy định khác của Bộ Tài chính. Các khoản chi khác như chi công tác phí, thực tế của giáo viên, thực tập của học viên, chi tiếp khách, hội nghị, đều thực hiện theo quy định, hướng dẫn.

- Đối với chi công tác phí: Thực hiện quy định hiện hành của Bộ Công an, đối với

đi công tác được thanh toán tiền vé tàu, vé xe, máy bay theo đúng tiêu chuẩn: cấp hàm thượng tá trở lên được phép thanh toán vé máy bay, còn các đối tượng khác chỉ được thanh toán vé tàu, xe hạng trung bình. Thanh toán tiền lưu trú chỉ thực hiện khi có xác nhận của đơn vị đến công tác khi không sắp xếp nhà công vụ, nhưng thời gian công tác cũng phải thực hiện theo đúng kế hoạch: công tác đột xuất thường thời gian dưới một tuần. Công tác nghiên cứu thực tế của cán bộ, giáo viên đi theo kế hoạch nhưng chỉ thực hiện khi địa phương sắp xếp được nhà công vụ.

- Chi tiêu hội nghị: Thực hiện theo chế độ, các hội nghị được chi là những hội nghị nằm trong kế hoạch công tác năm của các đơn vị, ngoài ra có một vài hội nghị do yêu cầu của cấp trên thì mới được thanh toán chi phí hội nghị. Mức chi phí cho các hội nghị chỉ được

phép chi theo quy định, nếu định mức chi cao hơn thì Ban giám hiệu mới duyệt chi từ quỹ phúc lợi của cơ quan.

- Chi phí sử dụng điện thoại công vụ tại công sở, nhà riêng và di động: Hỉệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy quy định cụ thể đối tượng được trang bị điện thoại, số lượng và định mức khoán kinh phí hàng tháng.

Đối tượng được trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động là các đồng chí trong Ban giám hiệu, mức khoán kinh phí đối với hai máy này 500.000đ/ tháng.

Đối với các đơn vị, lãnh đạo các bộ môn, phòng, trung tâm được trang bị điện thoại cố định tại phòng làm việc với định mức khoán 200.000đ/ máy/ tháng. Mỗi đơn vị được trang bị một máy điện thoại cố định dùng chung cho các đối tượng khác với mức khoán 200.000đ/máy/ tháng.

Nếu các đơn vị, cá nhân dùng vượt định mức khoán theo quy định thì phải thu nộp phần phụ trội vào ngân sách.

- Đối với khoán chi tiền sử dụng điện tại các phòng làm việc của cán bộ, giáo viên, phòng ở của học viên: Trường cũng đã có quy định các trang thiết bị điện được sử dụng cho từng đối tượng, định mức sử dụng theo cơ chế khoán định mức. Cụ thể mức khoán hiện nay là 200.000đ/ phòng làm việc/ tháng. Mục đích chủ yếu là hạn chế sử dụng điện cho các máy điều hoà nhiệt độ.

- Đối với sử dụng phương tiện ô tô và thanh toán chi phí xăng, dầu: Hiệu trưởng

nhà trường cũng có quy định cụ thể đối với việc sử dụng phương tiện ô tô, đối tượng và định mức xăng dầu được cấp cụ thể:

Đối tượng: Chỉ giải quyết phương tiện ô tô phục vụ công tác đối với các đồng chí trong Ban giám hiệu, đối với các đơn vị khi đi công tác chỉ giải quyết khi tổ chức đi theo đoàn từ ba người trở lên.

Định mức xăng, dầu cấp cho từng loại phương tiện theo định mức kỹ thuật, có tính đến tính chất từng loại địa hình và theo mùa. Những định mức này hiện nay đã được thống nhất trong các trường công an nhân dân.

Trong một số năm gần đây một số khoản chi được Bộ Công an thực hiện khoán đối với từng khoản chi như công tác phí, thực tế… Trong thực tế, các đơn vị tự điều chỉnh trong khoản đã được ấn định, tự điều chỉnh số lượng, kế hoạch theo định mức qui định. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số vướng mắc sau:

Một là, các khoản chi thực tế, thực tập của giáo viên và học sinh rất hạn chế, định mức chi rất hạn hẹp, mặt khác định mức về chi trả tiền thuê phòng ở khi đi thực tế gần như không có, vì theo quy định công an các địa phương phải có nhà công vụ bố trí cho cán bộ công an khi đến công tác ở, nhưng do số chỗ ở nhà công vụ các địa phương rất ít, hầu hết cán bộ, giáo viên đi thực tế không được bố trí, do vậy chi phí cho đi thực tế (chủ yếu là thanh toán tiền thuê phòng ở) chiếm chủ yếu thanh toán công tác phí.

Hai là, các chế độ quản lý tài chính mới chỉ tập trung quản lý vào những việc cụ

thể như: số ngày, số chuyến công tác nhưng lại không kiểm soát về mục đính, kết quả hoạt động, cơ cấu các khoản này trong tổng số chi tiêu. Hậu quả một số giáo viên đăng ký đi thực tế cao, dài ngày được thanh toán nhiều nhưng vẫn đúng chế độ làm hiệu quả chi tài chính giảm sút, tỷ lệ chi hành chính cao.

Ba là, một điều bất hợp lý xảy ra là: hàng năm các công trình nhà ở, nhà làm việc

tăng, trang thiết bị sử dụng điện năng tăng, kể cả phục vụ sinh hoạt và giảng dạy, thì khoản NSNN cấp cho khoản chi này hầu như không tăng mà còn yêu cầu giảm đi để đảm bảo tiết kiệm theo chỉ tiêu. Tương tự như vậy, các nhu cầu về sử dụng văn phòng phẩm, điện thoại…cũng tăng cả về số lượng, chủng loại mà kinh phí dùng cho các khoản này cũng bị giảm bớt hàng năm.

Bốn là, các định mức khoán chi tiêu theo các khoản mục, nhất là chi hành chính,

thiếu thống nhất trong các đơn vị của Bộ Công an, do vậy xảy ra tình trạng so bì, việc giải quyết thiếu kiên quyết, nhất là việc sử dụng điện thoại, điện sinh hoạt, phương tiện ô tô.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện quản lý tài chính ở Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy trong giai đoạn hiện nay potx (Trang 48 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)