Công tác chấp hành dự toán thu

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện quản lý tài chính ở Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy trong giai đoạn hiện nay potx (Trang 47 - 48)

* Nguồn NSNN

Chấp hành dự toán chính là quá trình giải ngân. Căn cứ vào dự toán được duyệt, các đơn vị lập dự toán theo quý, tháng, làm căn cứ để tiếp nhận kinh phí hàng tháng, hàng quý. Nguồn NSNN hiện nay được cấp qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, các đơn vị phải gửi dự toán được phê duyệt ra Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản để theo dõi quản lý việc cấp phát.

Thực hiện Luật NSNN, đối với Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy, lập dự toán và được cấp phát theo 17 “ mục”. Việc tiếp nhận kinh phí và chi tiêu theo “ mục” là quy định bắt buộc được Kho bạc Nhà nước giám sát. Điều này có thuận lợi cho các đơn vị thực hiện đúng theo kế hoạch được lập, ít có tình trạng phát sinh. Tuy vậy, dự toán được lập, cấp phát, chi trả theo nhiều “ mục” và các “ mục” có nội dung chưa thực sự rõ ràng cũng gây khó khăn cho Trường trong việc giải ngân. Đối với Bộ Công an để khắc phục tình trạng này, đến hết tháng 10 hàng năm, các đơn vị được quyền điều chỉnh “ mục” một lần. Việc cho phép này cũng đã góp phần vào việc sử dụng kinh phí hợp lý hơn, hiệu quả hơn trước đây.

Như vậy, có thể đi đến kết luận rằng việc xác định quá chi tiết các “ mục” trong khoản cấp phát đã làm hạn chế khả năng vận dụng linh hoạt nguồn tài chính, vừa thừa lại vừa thiếu nguồn, hiệu quả sử dụng kinh phí giảm sút. Các khoản ngân sách cấp vào cuối năm cho các “ mục” không điều chuyển được thường được các trường tiếp nhận và sử dụng một cách lãng phí vì không thể chuyển sang năm sau được.

* Nguồn ngoài NSNN

Nếu so với nguồn NSNN thì việc quản lý thu từ nguồn ngoài NSNN không bị ràng buộc bởi hệ thống mục lục ngân sách và không bị kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống các cơ quan nhà nước.

Các khoản thu học phí, lệ phí được cấp biên lai thu tiền theo mẫu do Bộ Tài chính phát hành, chế độ quản lý được thực hiện theo Nghị định 10/2002/NĐ-CP ngày 16/1/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp có thu.

Đánh giá chung cho thấy, công tác quản lý đối với các nguồn tài chính ngoài NSNN trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc nắm được nguồn thu ngoài NSNN đã giúp cho trường chủ động hơn trong chi tiêu, góp phần tăng thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, giảng viên. Tuy vậy công tác quản lý các nguồn thu ngoài NSNN còn những tồn tại. Có thể phân tích hai tồn tại chính sau:

Thứ nhất, đối với các khoản thu học phí của các lớp tại chức liên kết, ngành ngoài… định mức thu học phí chưa nhất quán hàng năm. Thực tế, định mức này chưa sát, nếu tính toán kỹ thì mức học phí đang thu chỉ đủ chi trả tiền giờ giảng còn các chi phí khác rất hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều lớp mở liên kết với các địa phương vẫn còn tình trạng trực tiếp thu, sau đó chi ngay rồi mới làm thủ tục lấy thu bù chi về Tài vụ của trường. Việc làm này là không phù hợp với chế độ hiện hành, làm giảm chức năng giám đốc, kiểm tra của tài chính. Mặt khác việc thu học phí của một số lớp ngắn hạn thường thanh toán hợp đồng bằng tiền mặt do vậy việc kiểm soát chặt chẽ thu - chi của kế toán rất hạn chế.

Thứ hai, các khoản thu của các hợp đồng thiết kế, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy thường thực hiện rất chậm, kéo dài, làm cho tình trạng quyết toán không gọn theo năm. Trong thực tế, có những hợp đồng thực hiện xong 3 năm vẫn chưa thanh toán xong. Đến khi thanh toán thì giá trị thực của hợp đồng đã bị thay đổi do trượt giá… Có nhiều hợp đồng vi phạm quy chế quản lý tài chính nhưng chưa thực hiện phạt được trường hợp nào.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện quản lý tài chính ở Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy trong giai đoạn hiện nay potx (Trang 47 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)