Lập dự toán thu chi là nền tảng của kế hoạch tài chính trong nhà trường. Thời gian trước đây, do nguồn NSNN là chủ yếu, việc lập kế hoạch chỉ tập trung vào các yêu cầu của nguồn NSNN, chưa chú ý tới các nguồn thu, chi khác. Trong bối cảnh sắp tới, hoạt động tài chính trong Trường Đại học Phòng cháy, Chữa cháy không chỉ có nguồn NSNN, do vậy yêu cầu lập kế hoạch tài chính là phải phản ánh đầy đủ các nguồn tài chính và chi tiêu từ các nguồn này. Lập kế hoạch tài chính chi tiết giúp cho công tác tổ chức thực hiện được thuận lợi, có căn cứ đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính. Công tác xây dựng kế hoạch tài chính thời gian tới cần hoàn thiện theo bốn nội dung sau:
Một là, kế hoạch hoạt động tài chính hàng năm phải được thể hiện trong dự toán
thu chi của đơn vị. Dự toán thu chi của đơn vị cần lập có căn cứ và sát thực tế. Lập dự toán tài chính không chỉ quan niệm đó là công việc của riêng Phòng Hậu cần, mà cần coi đó là hoạt động quan trọng trong quản lý của tất cả các đơn vị, do vậy phải là công việc chung đòi hỏi sự phối hợp, tham gia của nhiều bộ phận, phòng, bộ môn trong Trường. Như vậy, phải đổi mới công tác lập kế hoạch tài chính theo hướng Phòng Hậu cần là đầu mối, các phòng, bộ môn khác có nhiệm vụ phải tham gia, đặc biệt là Phòng Đào tạo có một vai trò quan trọng. Nếu trong các doanh nghiệp, bộ phận kinh doanh đóng vai trò quan trọng mang lại công ăn việc làm, thu nhập cho doanh nghiệp và có vai trò rất quan trọng trong công tác lập kế hoạch sản xuất tài chính, thì vai trò của Phòng Đào tạo trong Trường cũng tương tự như vậy.
Hai là, lập kế hoạch tài chính đối với các nguồn thu cần chi tiết cho từng nguồn
thu, trên cơ sở tính toán, phương pháp tính toán các nguồn thu để có căn cứ theo dõi và quản lý các nguồn thu.
Ba là, đối với các khoản chi tiêu thường xuyên, lập chi tiết cho từng khoản chi tiêu, trong đó tách bạch chi tiêu cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và các khoản chi hành chính quản lý. Xây dựng kế hoạch tài chính đối với các khoản chi thường xuyên phải xác định được cơ cấu chi tiêu trong nhà trường, có như vậy, kế hoạch mới thực sự là công cụ quản lý tài chính.
Bốn là, riêng các khoản chi tiêu đầu tư XDCB, sửa chữa lớn, mua sắm tài sản cố định có giá trị lớn, cần lập dưới dạng dự án trên cơ sở căn cứ vào nhu cầu phát triển của Trường.