Xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh và hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo mô hình cải cách tư pháp

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Áp dụng pháp luật trong xét xử án hình sự của Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai pdf (Trang 86 - 88)

Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khoá X đã xhỉ rõ: "Xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo tinh thần nội dung Nghị quyết 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị. tiến hành cải cách tư pháp khẩn trương đồng bộ, lấy cải cách xét xử làm trọng tâm" [17, tr162]. Do vậy, việc xây dựng và hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc cải cách tư pháp của Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ chính trị khẳng định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Một trong những nhiệm vụ của cuộc cải cách tư pháp hiện nay của chúng ta là xây dựng hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Theo đó, hệ thống Tòa án theo cấp xét xử sẽ gồm: Tòa sơ thẩm khu vực sẽ được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; Tòa án Phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; Tòa Thượng thẩm có nhiệm vụ xét xử chủ yếu là xét xử phúc thẩm; Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm và tổng kết công tác xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật và phát triển án lệ. Việc tổ chức Tòa án theo khu vực không phụ thuộc vào đơn vị hành chính sẽ tránh được sự lệ thuộc giữa Tòa án với cơ quan hành chính, tránh được sự tác động của chính quyền địa phương tới hoạt động xét xử của Tòa án. Tòa án tổ chức theo khu vực có thể gồm, một hoặc nhiều đơn vị hành chính khác nhau, tạo thành một hệ thống độc lập hạn chế được sự nể nang của Tòa án trong quá trình xét xử, bảo đảm tính đúng đắn của hoạt động xét xử. Việc tổ chức Tòa án theo cấp xét xử còn tạo được sự độc lập trong xét xử, hạn chế thể lệ vốn có đã tồn tại từ nhiều năm nay giữa các Tòa án. Bởi lẽ tổ chức Tòa án theo cấp xét xử thì Tòa án cấp sơ thẩm không còn là Tòa án cấp dưới của Tòa án cấp phúc thẩm. Đường lối cải cách tư pháp xây dựng hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính chắc chắn sẽ nâng cao tính độc lập của Thẩm phán khi xét xử. Từ đó, tính độc lập của Thẩm phán trong áp dụng pháp luật nói chung và áp dụng pháp luật trong xét xử án hình sự nói riêng sẽ ngày càng được nâng cao.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, đường lối cải cách hệ thống tư pháp của Đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên,với đặc điểm riêng của tỉnh Lào Cai, là tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc sinh sống, trình độ dân trí thấp,

đường xá đi lại còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo thuận lợi cho nhân dân, tiến trình cải cách tư pháp cũng không thể tiến hành ngay một lúc mà phải có một lộ trình và bước đi thích hợp. Việc lựa chọn đặt Toà án khu vực ở đâu cần được các ngành cấp trên nghiên cứu một cách kỳ lưỡng để đáp ứng được yêu cầu của nhân dân đối với cơ quan pháp luật.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Áp dụng pháp luật trong xét xử án hình sự của Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai pdf (Trang 86 - 88)