Thẩm phán trong hoạt động xét xử
Trong hoạt động xét xử của Tòa án, Thẩm phán là nhân tố cơ bản. Có thể nói, hoạt động nghề nghiệp của người Thẩm phán mang tính đặc thù cao, nghề nghiệp của họ có ảnh hưởng lớn tới tính công minh của pháp luật, uy tín và nền công lý của một quốc gia. Tính đặc thù đó được dựa trên nhiều yếu tố cơ bản, mà một trong những yếu tố đó là tính độc lập trong hoạt động xét xử của Thẩm phán, bên cạnh là các yếu tố trung thực, liêm khiết, khách quan, vô tư...
Theo từ điển Tiếng Việt : "Độc lập là đứng một mình, không dựa vào ai, không nhờ cậy ai, không bị ai kiềm chế " [67, tr.369]. Nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm độc lập chỉ tuân theo pháp luật được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Điều 16 Bộ luật tố tụng hình sự, điều 12 Bộ luật tố tụng dân sự. Trong thực tế, để thực hiện được được nguyên tắc này đòi hỏi người Thẩm phán phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới trên các lĩnh vực
chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính Trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm
2020 đã chỉ rõ " ...tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng cập nhật
kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa... "[6].
Để người Thẩm phán có thể độc lập trong xét xử đòi hỏi người thẩm phán phải có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, một lòng tự tin vào chính phán quyết của mình và có một ý thức trách nhiệm thật cao, vượt qua mọi tác động từ bên ngoài như khước từ yêu cầu đề nghị của người thân, của một vị lãnh đạo, đương sự muốn tìm sự giúp đỡ bên ngoài muốn làm thay đổi quyết định của người Thẩm phán chi phối đến hoạt động xét xử của thẩm phán, biết vượt lên cái riêng để đưa ra một phán quyết công bằng, bảo đảm tính đúng đắn của pháp luật.
Để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động xét xử của người Thẩm phán cần hoàn thiện về thể chế pháp luật. Đây là điều kiện hết sức quan trọng bảo đảm cho phán quyết của Tòa án mà trực tiếp là người Thẩm phán được trao quyền nhân danh Nhà nước ban hành (bản án, quyết định), đảm bảo công minh, chính xác. Phải có quy trình bổ nhiệm thẩm phán hợp lý hơn, cụ thể là nhiệm kỳ của Thẩm phán dài hơn hiện nay hoặc tốt hơn là nghiên cứu chế độ bổ nhiệm thẩm phán một lần và có chế độ đãi ngộ xứng đáng với đặc thù nghề nghiệp để Thẩm phán yên tâm công tác, cống hiến sức lực, trí tuệ đạt hiệu quả cao nhất cho xã hội. Nhà nước cần quy định chế độ bảo vệ sự an toàn cho Thẩm phán, đặc biệt là khi giải quyết các vụ án lớn; Nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp để đảm bảo cho Thẩm phán thực hiện tính độc lập khi xét xử và chỉ tuân theo pháp luật và không phải chịu áp lực từ bất kỳ đối tượng nào. Người Thẩm phán cần không ngừng tu dưỡng rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt, luôn ghi nhớ và thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy đối với cán bộ công chức ngành Tòa án : " Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm ".
Ngoài ra, Thẩm phán cần nâng cao trách nhiệm đối với công việc và xã hội. Bởi lẽ, nếu phán quyết của Thẩm phán bị sai lầm không chỉ xâm phạm đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân mà còn gây mất uy tín
cho Nhà nước trực tiếp là cơ quan Tòa án, mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào pháp luật.