động xét xử án hình sự của Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai
Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, yêu cầu khách quan là phải cải cách bộ máy nhà nước, điều chỉnh phạm vi, nội dung và phương thức hoạt động của nhà nước cho phù hợp. Vì vậy, nguyên tắc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật phải được đề cao hơn bao giờ hết. Để đáp ứng nhu cầu đổi mới đòi hỏi các hoạt động áp dụng pháp luật cần phải thay đổi nhận thức để phù hợp với tình hình mới. Áp dụng pháp luật nói chung và áp dụng pháp luật trong xét xử án hình sự nói riêng một cách đúng đắn luôn là một vấn đề có tính thời sự, cấp bách nhằm tạo môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi cho hoạt động xét xử, tạo lòng tin của quần chúng nhân dân vào đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước , làm cơ sở cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử án hình sự của Tòa án nhân dân nói chung và Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai nói riêng trong giai đoạn hiện nay, xuất phát từ những yêu cầu khách quan sau:
* Xuất phát từ đòi hỏi của nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân
Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa đó là Nhà nước thực hiện quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo pháp luật được thực hiện đúng đắn, được chấp hành nghiêm chỉnh ở mọi lúc, mọi nơi. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, cán bộ viên chức nhà nước và mọi công dân đều tuân thủ mọi quy định của pháp luật. Có như vậy hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án mà trực tiếp là hoạt động xét xử mới bảo vệ được quyền tự do dân chủ, danh dự, tính mạng, nhân phẩm và mọi quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Tránh được sự tùy tiện, lạm quyền trong khi thi hành công vụ, thực hiện nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước, của cán bộ công chức và mọi công dân. Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước công dân, trước xã hội về hoạt động của mình, công dân phải chịu trách nhiệm trước nhà nước và xã hội về thực hiện nghĩa vụ của mình.
* Xuất phát từ yêu cầu cải cách tư pháp
Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tháng sáu năm 1997 đã yêu cầu các cơ quan tư pháp phải là cơ quan mẫu mực trong việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, phải thể hiện tính công khai dân chủ trong hoạt động của mình.
Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị về "Một số nhiệm vụ trọng tâm
công tác tư pháp trong thời gian tới" thì công tác tư pháp nói chung và công tác xét xử án hình sự nói riêng phải ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm hình sự, đặc biệt là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội tham nhũng, phạm tội có tổ chức nhằm bảo vệ trật tự kỷ cương, bảo đảm và tôn trọng quyền dân chủ của, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân. Khắc phục tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử không công minh, vi phạm quyền dân chủ của công dân [5].
Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ chính trị đã chọn cải cách Tòa án là khâu đột phá trong cải cách tư pháp vì, trong hệ thống tư pháp Tòa án có vai trò đặc biệt quan trọng. Phán quyết của Tòa án là kết quả cuối cùng của tiến trình tố tụng tuyên bố một công dân
là có tội hay không có tội, việc truy tố một công dân là đúng hay sai. Vì lẽ đó, Tòa án là nơi thể hiện sâu sắc nhất bản chất của Nhà nước, của nền công lý nước nhà. Sứ mệnh của Tòa án là ở chỗ, Tòa án là công cụ để bảo vệ công lý và công bằng xã hội. Chất lượng áp dụng pháp luật của Toà án chính là uy tín của Toà án hệ cơ quan tư pháp trong Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 cũng chỉ rõ mục tiêu, quan điểm cải cách tư pháp là: xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành hiệu quả và hiệu lực cao. Cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự ổn định chính trị, bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cải cách tư pháp phải xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội; kế thừa truyền thống pháp lý dân tộc, những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cải cách tư pháp phải tiến hành khẩn trương, đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm với những bước đi vững chắc [6].
Vì vậy, xuất phát từ yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, đòi hỏi hoạt động áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Toà án ngày càng đạt chất lượng hiệu quả cao.
* Xuất phát từ bất cập hạn chế của hoạt động áp dụng pháp luật trong xét xử án hình sự
Trong những năm vừa qua, bằng hoạt động xét xử theo quy định của pháp luật, hoạt động áp dụng pháp luật trong xét xử án hình sự của Tòa án nhân dân đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính tri, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, đáp ứng được phần nào nhu cầu đổi mới của đất nước. Phần lớn cán bộ làm công tác xét xử án hình sự có chuyên môn vững vàng, giữ vững được phẩm chất chính trị, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Đồng thời, thông qua hoạt động áp dụng pháp luật đã phần nào phát hiện ra những thiếu sót bất cập của pháp luật hình sự và pháp luật khác có liên quan để kịp thời có ý kiến góp phần chỉnh sửa luật cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống.
Tuy nhiên, trong những năm vừa qua thấy rằng: chất lượng công tác xét xử án hình sự vẫn còn có trường hợp xét xử mức án nặng hoặc nhẹ, không tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo; cho hưởng án treo không đúng quy định; áp dụng không đúng các quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự cũng như các hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao, việc viết và soát xét bản án còn thiếu cẩn trọng dẫn đến những sai sót không đáng có; một số vụ án sơ thẩm, phúc thẩm bị Toà án cấp trên huỷ án thiếu thuyết phục gây bức xúc cho Toà án cấp duới, ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm lại Thẩm phán…Vì vậy, đòi hỏi các cơ tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan Toà án phải kịp thời khắc phục những hạn chế trong hoạt động xét xử án hình sự, đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật đạt chất lượng hiệu quả cao để pháp luật ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, vào chính sách, pháp luật của Nhà nước.