Thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, công khai, công bằng trong hoạt động xét xử

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Áp dụng pháp luật trong xét xử án hình sự của Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai pdf (Trang 82 - 84)

xét xử

Dưới góc độ khoa học, nguyên tắc dân chủ trong pháp luật hình sự được hiểu là tư

tưởng về dân chủ trong việc quy định về tội phạm về hình phạt, đường lối xử lý, yêu cầu việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức và của công dân, trong việc tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân, của chính quyền địa phương trong quá trình phát hiện và xử lý tội phạm, cũng như công tác giáo dục và cải tạo người phạm tội. Nguyên tắc này chính là tư tưởng về dân chủ trong pháp luật thực định, cũng như trong giải thích và trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự của nước ta. Để thực hiện tốt nguyên tắc này những người có thẩm quyền áp dụng pháp luật trong cơ quan Tòa án cần phải bảo vệ và tôn trọng các quyền dân chủ của công dân trong tất cả các mặt của đời sống xã hội, kiên quyết xử lý nghiêm minh bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân. Áp dụng đúng các quy định của Bộ luật hình sự về tội phạm và hình phạt, đường lối xử lý và trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm. Đảm bảo cho quần chúng nhân dân lao động có thể tự mình hay thông qua các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội tham gia vào việc xây dựng, giải thích áp dụng pháp luật hình sự vào công tác đấu tranh, chống và phòng ngừa tội phạm. Huy động sự tham gia rộng rãi tích cực của nhân dân vào công tác tư pháp, có thể thông qua nhiều kênh để lôi cuốn bất kỳ người dân nào tham gia vào hoạt động đó. Đó còn là hoạt động của Hội thẩm nhân dân, bào chữa viên nhân dân, các tổ chức hòa giải, chính quyền địa phương, cao hơn nữa là sự tham gia tích cực của tất cả những người dân vào phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự xã hội, vào công tác giáo dục và cảm hóa những người phạm tội. Có biện pháp bảo vệ và khen thưởng những người có công phát hiện, tố giác tội phạm, giúp đỡ cơ quan pháp luật bắt giữ và xử lý tội phạm.

Nguyên tắc dân chủ trong pháp luật hình sự Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với các nguyên tắc khác trong Bộ luật hình sự như nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc công bằng, nguyên tắc nhân đạo... Để thực hiện tốt nguyên tắc công bằng trong Luật hình sự Việt Nam đòi hỏi phải bình đẳng khi quy định và áp dụng trách nhiệm hình sự và hình phạt giữa những người phạm tội nhưng lại đòi hỏi nguyên tắc dân chủ, khi quyết định loại tội và mức hình phạt phải tương xứng không chỉ với tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, với các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà còn cả với nhân thân người phạm tội. Điều này được thể hiện "Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự "[34, tr.36]. Dân chủ còn được thực hiện ở sự bình đẳng trong tranh tụng giữa các bên buộc tội và bên gỡ tội. Đảm bảo cho đại diện Viện kiểm sát chủ động trong tranh tụng, khác phục tình trạng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử làm thay đại diện Viện kiểm sát chứng minh hành vi phạm tội của Bị cáo. Hội đồng xét xử phải tạo điều kiện cho các bên tranh tụng tất cả các vấn đề liên quan tới vụ án, tới người bị buộc tội và đang được gỡ tội. Quá trình tranh tụng, Hội đồng xét xử phải đúng là trọng tài để phán xét đúng sai khi các bên đã kết thúc tranh luận. Đồng thời, Hội đồng xét xử phải đảm bảo tính khách quan trong việc xem xét các ý kiến tranh luận, tránh sự chủ quan phiến diện khi xem xét các ý kiến buộc tội, gỡ tội dẫn đến việc ra một bản án thiếu chính xác, không có tính thuyết phục.

Để đảm bảo cho việc xét xử có hiệu quả giáo dục cao, thu hút đông đảo lực lượng xã hội tham gia đấu tranh phòng và chống tội phạm, Tòa án trong quá trình áp dụng pháp luật phải đảm bảo cho việc xét xử được tiến hành công khai, mọi người dân đều có quyền tham dự phiên tòa. Thực tế có một số vụ án được dư luận xã hội quan tâm, nhiều người muốn được tham dự phiên tòa nhưng do hội trường xét xử nhỏ không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, Tòa án chỉ có thể mời một số đại biểu cơ quan đoàn thể đến dự phù hợp với chỗ ngồi của phòng xử án. Để đảm bảo cho nhân dân được trực tiếp chứng kiến phiên tòa công khai, các phóng viên báo chí, truyền hình có thể tiến hành đưa tin kịp thời về diễn biến phiên tòa, Tòa án cần phải bố trí hội trường xét xử rộng rãi (hoặc có thể xét xử ngoài trời), trang bị hệ thống âm thanh loa đài thật tốt, sử dụng màn hình rộng để

tường thuật trực tiếp mọi diễn biến tại phiên tòa đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt hơn là Tòa án tổ chức các phiên tòa lưu động tại nơi sảy ra vụ án để nhân dân được tham gia đông đảo, chứng kiến trực tiếp và giám sát sự phán quyết của Tòa án đối với những kẻ phạm tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước và công dân. Thực hiện tốt việc xét xử công khai còn góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của nhân dân tạo điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động xét xử của Tòa án. Mặt khác thực hiện tốt nguyên tắc xét xử công khai còn có tác dụng nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan Tòa án nói chung, của cá nhân các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân trước quần chúng nhân dân, Việc đưa vụ án ra xét xử công khai còn là để khẳng định một hành vi là có tội bị pháp luật trừng trị nghiêm minh và việc xác định một hành vi không phải là phạm tội để làm cơ sở quy trách nhiệm cho cơ quan tiên hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên trong những trường hợp đặc biệt, cần gữ gìn bí mật Nhà, giữ gìn đạo đức xã hội thì Tòa án cần xét xử kín, những người không có nhiệm vụ hoặc không được Tòa án triệu tập không được vào phòng xử án nhưng Tòa án vẫn phải tuyên án công khai để đảm bảo tính công khai theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Áp dụng pháp luật trong xét xử án hình sự của Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai pdf (Trang 82 - 84)