Hoàn thiện pháp luật Hình sự và Tố tụng hình sự

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Áp dụng pháp luật trong xét xử án hình sự của Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai pdf (Trang 75 - 78)

- Đối với Bộ luật hình sự:

Mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung ngày 19/6/2009 tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khoá 12, nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu để sửa, đổi bổ sung, cụ thể như sau: Đối với các tội phạm cụ thể, cần sửa đổi theo hướng minh bạch, cụ thể, rõ ràng, dễ áp dụng ngay sau khi ban hành, tránh trường hợp sau khi ban hành rồi vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn của các ngành cấp trên.

Đối với những điều luật quy định nhiều hành vi phạm tội thành tội ghép; những điều luật có những khoản có nhiều tình tiết định khung nhưng khoảng cách giữa mức khởi điểm và tối đa của khung hình phạt lại quá gần hoặc quá xa là chưa phù hợp, cần được quy định thu hẹp lại. Vì về bản chất các hành vi riêng lẻ và một người phạm vào một hay nhiều tình tiết định khung của khoản trong điều luật đều có tính chất mức độ nguy hiểm

cho xã hội khác nhau nên cần có đường lối xử lý khác nhau. Ví dụ, khoản 2 điều 194 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy đến mười năm năm tù, nhưng bao gồm rất nhiều tình tiết định khung, nếu một người phạm tội phạm vào nhiều tình tiết định khung của điều luật thì cũng chỉ có thể xét xử họ tối đa đến mười năm năm tù; ngược lại, một người hành vi phạm tội của họ chỉ phạm vào một tình tiết định khung, nếu không có tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật để xử dưới khung thì vẫn phải xử phạt họ ở mức bảy năm tù. Việc quy định nhiều hành vi phạm tội thành một tội ghép có khung hình phạt giống nhau hoặc một số tội có khoảng cách khung hình phạt quá gần còn dễ dẫn đến việc tuỳ tiện trong việc lượng hình của những người có thẩm quyền áp dụng pháp luật. Vì vậy cần quy định tách các hành vi riêng lẻ thành tội phạm cụ thể để dễ dàng cho thực tiễn áp dụng pháp luật..

- Điều 47 và Điều 53 của BLHS cần được sửa đổi cho linh hoạt hơn, nhất là khi áp

dụng đối với các trường hợp đồng phạm có vai trò thứ yếu. Điều 47 "Quyết định hình

phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật, và điều 53 "Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm". Đối với các vụ án có đồng phạm, điều 53 Bộ luật hình sự quy định: "khi quyết định hình phạt đối với người đồng phạm, Toà án phải xem xét đến tính chất của người đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm". Điều 47 Bộ luật hình sự quy định "Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 của Bộ luật hình sự. Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luât quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của Điều luật". Vấn đề này hiện nay có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng: trong vụ án đồng phạm, thường thì mỗi người phạm tội có vai trò khác nhau. Người nào có vai trò sau cùng, tính chất mức độ tham gia thực hiện hành vi phạm tội ít nguy hiểm thì không cần phải có hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 mà chỉ cần áp dụng điều 53 Bộ luật hình sự để cá thể hoá hình phạt đối với từng bị cáo nên vẫn có thể xét xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề đối với người có vai trò sau cùng. Quan điểm thứ hai cho rằng: trong vụ án có đồng phạm, người có vai trò sau cùng vẫn phải có hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46, mới được xem xét xử dưới khung hình phạt và ngoài việc áp dụng điều 53 còn phải áp dụng thêm điều 47 Bộ luật hình sự mới đúng.

Đối với Tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, đề nghị cần quy định mức tối thiểu về giá trị tài sản của người phạm tội đối với người phạm tội phải bị xử lý về hình sự.

Đối với các tội có quy định về các tình tiết: gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; số lượng lớn, số lượng rất lớn, số lượng đặc biệt lớn cần có quy định cụ thể, rõ ràng ngay trong điều luật , tránh trưòng hợp Luật ban hành rồi vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn.

- Đối với Bộ luật tố tụng hình sự

Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 đã dược sửa đổi, bổ sung ba lần: tháng 6/1990; tháng 12/1992 và tháng 6/2000. Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, ngày 26/11/2003 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2000. Thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 22/6/2006, Ban chi đạo cải cách tư pháp Trung ương đã có kế hoạch số 05 và chỉ rõ: Trên cơ sở các định hướng của chiến lược cải cách tư pháp và kết quả tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật tố tụng hình sự, nghiên cứu đề xuất và tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, những vấn đề về cải cách tư pháp đã được đề ra trong các nghị quyết của Đảng phải được thể chế hoá đầy đủ và đúng đắn; xác định rõ hơn nhiệm vụ của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán để họ nâng cao tính độc lập, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, tính chịu trách nhiệm trong hoạt động tố tụng. Các trình tự và thủ tục tố tụng phải phải được bổ sung sao cho cụ thể rõ ràng, dễ hiểu, khả thi tạo điều kiện cho những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng, nhất là người bào chữa thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của mình trong tố tụng hình sự. Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, luận văn xin nêu một số ý kiến về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến hoạt động áp dụng pháp luật như sau:

- Về nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, theo Nghị quyết 49- NQ/TW đã chỉ rõ: "Tăng quyền hạn, trách nhiệm tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán để họ chủ động thực thi nhiệm vụ nâng cao tính độc lập và chịu trách

nhiệm trong hoạt động tố tụng" [6]. Vì vậy, về nguyên tắc, quan hệ tố tụng phải độc lập với quan hệ hành chính. Do đó, Bộ luật tố tụng hình sự cần sửa đôỉ, bổ sung theo hướng, phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự; tăng thẩm quyền cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về những việc họ thực thi.

- Về khoản 2 điều 46 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: "Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân trước khi mở phiên toà do Chánh án Toà án quyết định; nếu Thẩm phán và Chánh án bị thay đổi thì do Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp quyết định. Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên toà do Hội đồng xét xử quyết định...Trong trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên toà thì Hội đồng xét xử hoãn phiên toà". Vậy trường hợp Thẩm phán chủ toạ phiên toà vắng mặt có lý do chính đáng như bị ốm, không có ai làm thủ tục hoãn phiên toà thì giải quyết như thế nào? trường hợp này hiện nay chưa có hướng dẫn nhưng xin được đề xuất như sau: Bộ luật tố tụng hình sự nên có quy định là Chánh án Toà án ra quyết định cử Thẩm phán khác thay thế Chủ toạ phiên toà để làm thủ tục hoãn phiên toà.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Áp dụng pháp luật trong xét xử án hình sự của Toà án nhân dân tỉnh Lào Cai pdf (Trang 75 - 78)