Tổng quan tình hình kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2007-

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU HÀNG HÓA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ (Trang 68 - 70)

2. Thực trạng phát triển thị trường xuất khẩu hàng hóa sau khi Việt

2.3.Tổng quan tình hình kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2007-

Năm 2007, sự ổn định chính trị và môi trường kinh tế vĩ mô ngày càng được hoàn thiện là những điều kiện cơ bản để huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện và vận hành có hiệu quả. Tinh thần này đã được khẳng định qua các Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, Khoá 10 vừa qua.

Là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới WTO, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nền kinh tế nước ta đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài lẫn bên trong: trước hết là năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh phát triển chưa cao, cơ sở hạ tầng yếu kém, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nói riêng cũng như của doanh nghiệp nói chung vẫn còn thấp; thiên tai, dịch bệnh ở nhiều địa phương đã gây thiệt hại lớn về người và của, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nông dân, làm giảm mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự điều hành tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, cùng với nỗ lực của toàn dân, của doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn tiếp tục ổn định và phát triển thể hiện qua một số chỉ tiêu chủ yếu sau đây: Tăng trưởng GDP năm 2007 đạt 8,48%, là mức cao nhất trong 10 năm qua; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 20,3 tỷ USD, tăng 69,2% so với năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 574.046,8 tỷ đồng, tăng 17,1% so với thực hiện năm 2006; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 48,56 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2006 (chỉ tiêu Chính phủ đề ra cho năm 2007 là 17,4%), v.v… .

Kinh tế Việt Nam năm 2008 đã gặp rất nhiều khó khăn, lạm phát cao vào đầu năm và tình trạng giảm phát, kinh tế đình trệ vào cuối năm. Hàng năm, hơn 80% vật tư nguyên liệu phải nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp gần 2 lần GDP và 35% vốn đầu tư huy động từ nước ngoài thì sự suy giảm của kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn trên thế giới và khu vực sẽ tác động trực tiếp đến các mặt hoạt động kinh tế trong nước, nhất là việc thúc đẩy xuất khẩu và huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển. Ngoài ra, việc giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu đầu vào tăng; chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất cho vay cao, thiên tai tại nhiều vùng trong cả nước,

dịch bệnh gia súc gia cầm phát tán trên quy mô lớn đã thực sự là những khó khăn cho sản xuất và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhập siêu từ cuối năm 2007 và trong năm 2008 đã tăng mạnh và gây ra những tác động không tốt đến nền kinh tế, làm xấu đi tình trạng của cán cân thanh toán; làm tăng độ “mở” của nền kinh tế, dẫn đến tăng phụ thuộc của nền kinh tế vào bên ngoài (năm 2007 nhập siêu lên tới con số gần 12,5 tỷ USD, tăng 159% so với năm 2006 và chiếm 1/3 tổng nhập siêu trong 7 năm (2002-2007) với tỷ trọng nhập siêu chiếm 25,72 % so với XK năm 2007, vượt qua ngưỡng an toàn, con số này của năm 2008 xấp xỉ 18 tỷ USD, bằng 28,5% kim ngạch xuất khẩu). Trước mắt, trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế, nhập siêu chưa đáng lo ngại, tuy vậy cần tiếp tục hạn chế nhập siêu, để các giai đoạn sau năm 2010 bảo đảm cán cân thương mại lành mạnh, tác động tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu và GDP.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU HÀNG HÓA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ (Trang 68 - 70)